Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Bảo vệ liêm chính công nhằm ứng phó và phục hồi hiệu quả từ đại dịch COVID-19

(Thanh tra)- Trong khuôn khổ hoạt động tăng cường năng lực phòng, chống tham nhũng (PCTN), mới đây, Sáng kiến Chống tham nhũng Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Sáng kiến) đã tổ chức hội thảo trực tuyến về chủ đề bảo vệ liêm chính công nhằm ứng phó và phục hồi hiệu quả từ đại dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (hàng đầu, thứ 5 từ trái sang) và Tổng Thanh tra Lê Minh Khái (hàng đầu, thứ 6 từ trái sang) chụp lưu niệm tại Hội nghị Khu vực lần thứ 10, Sáng kiến PCTN khu vực châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra từ ngày 3-7/12/2019, tại Hà Nội. Ảnh: AP
 

Tham dự hội thảo có khoảng 100 đại biểu đến từ các quốc gia/vùng lãnh thổ thành viên của Sáng kiến, các chuyên gia về liêm chính, PCTN của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Thanh tra Chính phủ là đầu mối của Việt Nam tại Sáng kiến này.

Do đây là sự kiện trực tuyến đầu tiên trong khuôn khổ Sáng kiến, hội thảo nghiêng về chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia. Trong gần 2 tiếng đồng hồ, hai chuyên gia của OECD, ông Jeroen Michels và ông Paul Whittaker, đã trình bày những thách thức, khó khăn về bảo đảm liêm chính công trong giai đoạn chống đại dịch COVID-19, đồng thời đưa ra những đề xuất và kiến nghị các biện pháp hiệu quả nhằm bảo đảm việc ứng phó hiệu quả với tình hình tham nhũng trong đại dịch COVID-19.

Những thách thức chính

Các chuyên gia phân tích và nhận định, đại dịch COVID-19 đã tạo ra nhiều kẽ hở và cơ hội cho các sai phạm về liêm chính xảy ra, làm gia tăng các hành vi sai trái, tham nhũng, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm công, các gói kích cầu kinh tế, phân bổ nguồn phúc lợi xã hội để xử lý khủng hoảng. Các sai phạm về liêm chính đó đã làm cản trở các hành động ứng phó của Chính phủ trong đại dịch, gây bức xúc trong dư luận.

Đại dịch COVID đã bắt buộc các quốc gia phải đưa ra các quyết định nhanh chóng và thực thi các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ cộng đồng. Chính trong các tình huống khẩn cấp đó đã tạo nhiều kẽ hở cho các vi phạm về liêm chính, cụ thể là các hành vi gian lận và tham nhũng, và nghiêm trọng hơn là làm giảm thiểu hiệu quả của các hành động mà Chính phủ thực hiện trong đại dịch. Mặc dù các hành vi gian lận và tham nhũng không phải là hiện tượng mới, các chứng cứ ban đầu cho thấy các hành vi này đang có dấu hiệu xảy ra nhiều trong cuộc khủng hoảng đại dịch gần đây. Ví dụ, trong các hợp đồng mua sắm trang thiết bị bảo hộ cá nhân đã được trao cho các công ty không rõ ràng; việc nâng giá bán các trang thiết bị y tế và các loại thuốc cần thiết; tình trạng nhiều y bác sĩ “găm” thuốc điều trị riêng cho bạn bè và người thân trong gia đình; và nhiều dạng gian lận lừa đảo xảy ra trên mạng. Ngoài ra, khi Chính phủ các nước đang chuyển từ giai đoạn xử lý khủng hoảng một cách khẩn trương sang việc chú trọng phục hồi kinh tế thì hàng loạt sai phạm về liêm chính đã tiếp tục gia tăng và làm suy giảm hiệu quả của các nỗ lực nhằm phục hồi kinh tế. Dưới đây là một số nhóm thách thức chính:

Thách thức về liêm chính trong mua sắm công

Trong đại dịch COVID-19, Chính phủ các nước phải khẩn trương thực hiện mua sắm số lượng lớn hàng hóa và dịch vụ, ví dụ các trang thiết bị phục vụ cho bệnh viện, hệ thống máy thở, nước sát khuẩn, khẩu trang và các dịch vụ y tế khác để kịp thời đáp ứng nhu cầu của ngành y và khu vực cộng đồng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Nhiều quốc gia thành viên của Sáng kiến đã áp dụng các thủ tục trong mua sắm khẩn cấp, với nhiều quy định kiểm soát và hướng dẫn chi tiết thủ tục thực hiện đặc biệt đối với các trường hợp khẩn cấp này, trong đó có cho phép mua sắm các nguồn cung ứng vật tư trực tiếp hoặc thông qua một danh sách các nhà cung ứng đã được phê duyệt trước mà không cần qua các quy trình mua sắm tiêu chuẩn và mất nhiều thời gian. Chính điều này đã làm gia tăng các nguy cơ về liêm chính, cụ thể là việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ không đạt tiêu chuẩn về chất lượng và/hoặc được mua sắm dưới các hình thức tham nhũng.

Các rủi ro và các hành vi gian lận vẫn luôn hiện diện trong quá trình mua sắm công, nhưng trong các quy trình mua sắm khi khẩn cấp thì các hành vi này lại càng gia tăng nhiều hơn. Minh chứng là từ các cuộc khủng hoảng về y tế và nhân đạo trước đây xảy ra như siêu bão Katrina năm 2005 hay đại dịch Ebola 2014-2016, cho thấy các quy trình mua sắm khẩn cấp đã bị lạm dụng, nhất là đối với việc mua sắm các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.

Do thiếu sự chuẩn bị về thuốc chữa bệnh, nhiều quốc gia OECD đã phải đối diện với cuộc cạnh tranh về các nguồn cung thuốc thiết yếu diễn ra trên toàn cầu. Trước tình trạng này, quy trình và năng lực thương thảo của các công ty công và tư đều thất bại như nhau. Hàng ngàn các cơ quan đấu thầu và các doanh nghiệp tư nhân đều lùng sục thị trường để tìm kiếm cùng một loại sản phẩm chỉ được sản xuất bởi một số lượng rất ít các nhà cung ứng. Hơn thế nữa, việc sản xuất ở các công ty này còn bị tạm dừng hoặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các biện pháp cách li xã hội. Tình trạng này làm gia tăng sự cạnh tranh giữa các đơn vị công lập và tạo ra một thị trường vô cùng rối loạn.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước, dẫn đến làm ảnh hưởng tới nguồn cung hàng trên toàn cầu. Chính trong thời điểm xảy ra việc chiếm lĩnh thị trường, nhiều giao dịch ngoài sổ sách đã được thực hiện, các đợt tăng giá ảo diễn ra nghiêm trọng do các nhà bán lẻ ồ ạt đặt cọc trước. Điều này góp phần làm biến đổi hình thức tham nhũng khi mà người mua hàng sẽ hối lộ cho người bán để có được các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu - đây là sự đảo lộn hoàn toàn với những gì thường xảy ra. Hơn thế nữa, rủi ro này cũng lan ra trong toàn chuỗi cung ứng vì nhiều mặt hàng cần thiết đang phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn nguyên vật liệu khan hiếm.

Song song với việc thực hiện mua sắp hàng hóa và dịch vụ cần thiết chống dịch, Chính phủ các nước cũng phải quản lý các hợp đồng công đang triển khai. Do đó, các quốc gia phải xác định những rủi ro mà các hợp đồng đang triển khai gặp phải, đồng thời đưa ra các giải pháp ứng phó hiệu quả cho các nhà cung ứng bị tác động nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng và tác động lên sự phát triển kinh tế nói chung. Chính phủ các nước, cùng với các cơ quan thực hiện việc ký kết hợp đồng mua sắm phải bảo đảm rằng các nhà cung ứng chịu rủi ro lớn nhất đều phải phối hợp thực hiện các hợp đồng đang thực hiện khi đại dịch bùng nổ.

Thách thức trong trách nhiệm giải trình, kiểm soát và giám sát các gói kích cầu kinh tế

Để giảm thiểu sự suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra, Chính phủ các nước đã thiết lập các gói kích thích kinh tế. Kinh nghiệm từ các gói kích thích kinh tế trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 cho thấy phạm vi rộng của các biện pháp này đã tạo ra kẽ hở cho các nguy cơ tham nhũng, gian lận, lãng phí và lạm dụng dễ dàng xảy ra. Nghịch lý là Chính phủ các nước lại nới lỏng các hành động giám sát để kịp thời chi ngân sách và chính vì thế đã làm gia tăng các nguy cơ mang tính chiến lược và công thức như thế này, khiến cho hiệu quả và hiệu lực của các chương trình tương tự như thế này bị suy giảm.

Đại dịch lần này đã gây ra một áp lực lớn lên hệ thống quản lý tài chính công và các hệ thống kiểm soát nội bộ trong các thể chế, tổ chức công. Ví dụ, tốc độ triển khai các gói kích thích kinh tế cần được tạo điều kiện thông qua việc nới lỏng các biện pháp giám sát thông thường. Theo đó, các yêu cầu đặt ra đối với triển khai các gói này cần phải được đơn giản hoá, ví dụ giảm bớt hoặc trì hoãn thời gian thực hiện báo cáo triển khai, cho phép những người quản lý các gói này có thời gian tập trung vào việc cung ứng dịch vụ tới cộng đồng kịp thời hơn. Ngoài ra, đại dịch cũng cản trở các hoạt động giám sát, kiểm toán, kiểm soát nội bộ...

Thách thức về tình trạng gia tăng nguy cơ vi phạm liêm chính trong các tổ chức công

Suy thoái kinh tế dẫn tới việc gia tăng các hành vi tham nhũng và gian lận nghề nghiệp. Trong đại dịch, suy thoái về kinh tế làm cho công chức và những người làm trong lĩnh vực công dễ dàng có các hành vi vi phạm về liêm chính như gian lận, tham nhũng, biển thủ, hối lộ... Thực tế là trong suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt với sự thiếu hụt tài chính ngày càng lớn, khiến họ phải có các hành vi tham nhũng, gian lận, hối lộ. Cùng lúc đó, các biện pháp giám sát và kiểm toán nội bộ của các tổ chức cũng trở nên lỏng lẻo hơn.

Toàn cảnh Hội nghị Khu vực lần thứ 10, Sáng kiến PCTN khu vực châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra từ ngày 3/12 đến ngày 7/12/2019, do Thanh tra Chính phủ Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: AP 
 

Những giải pháp bảo đảm liêm chính trong quy trình mua sắm công

Các biện pháp ngắn hạn

Cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu đối với Chính phủ các nước phải thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm liêm chính trong các quy trình mua sắm công, bao gồm:

- Lưu trữ hồ sơ toàn bộ quy trình mua sắm công: Các tài liệu, hồ sơ cơ bản cần phải được lưu trữ lại, ví dụ như lưu thông tin về các thủ tục mua sắm, việc thay đổi, sửa đổi so với các thủ tục mua sắm thông thường, việc chào mời và nộp hồ sơ dự thầu, lưu hồ sơ về cơ sở áp dụng các thủ tục không cạnh tranh, thông tin về các bên dự thầu, việc thẩm định gói thầu và việc duyệt hợp đồng.

- Xây dựng tài liệu hướng dẫn chi tiết đối với kế hoạch mua sắm trong khủng hoảng, trong đó không chỉ đề cập tới việc mua sắm các sản phẩm khẩn thiết mà còn nêu lên các thực tiễn tốt trong việc lưu lại hồ sơ quản lý các hợp đồng hoặc các thủ tục mua sắm đang diễn ra.

- Chú trọng tới quản lý hợp đồng, để bảo đảm các thủ tục đấu thầu và ký kết hợp đồng được thực hiện trên tinh thần bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan.

- Tạo điều kiện cho các tài liệu hồ sơ mua sắm lớn hiện có thông qua cơ chế ký kết các hợp đồng khung khi cần thiết để tránh việc phải ký kết các hợp đồng không qua cạnh tranh, đồng thời thực hiện mua sắm khẩn cấp trong khuôn khổ các điều khoản đã thống nhất trong hợp đồng khung.

- Bảo đảm công khai thông tin tối đa, bao gồm các dữ liệu mở, công khai đầy đủ các biện pháp đã được áp dụng và nơi lưu trữ dễ dàng tiếp cận được của các thông tin này.

- Thiết lập hệ thống trung tâm theo dõi nhà cung ứng và giá cả đối với các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu để giúp tìm ra các trường hợp đáng ngờ, thông đồng, thổi phồng giá, làm giả và các hành vi sai trái khác.

- Thực hiện việc kiểm toán và các biện pháp giám sát đối với tất cả các quy trình mua sắm khẩn cấp.

- Thực hiện các kế hoạch kiểm toán và giám sát, cũng như phân tích các yếu tố tham nhũng tiềm ẩn trong đại dịch COVID-19, khi mà năng lực thương lượng của cả khu vực công và tư đều bị suy yếu, nhiều hệ quả tác động tới tính cạnh tranh.

- Tôn trọng các điều khoản hoàng hôn (điều khoản hết hiệu lực) được áp dụng đối với các quy định về mua sắm khẩn cấp đồng thời chỉ kéo dài sau khi có được sự phê duyệt (ví dụ được Quốc hội phê duyệt).

Các biện pháp dài hạn

Cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra đã tạo ra các điểm yếu trong các kế hoạch mua sắm khẩn cấp hiện có, nhiều quốc gia không có đủ năng lực phản ứng nhanh. Chính phủ các nước cũng phải nhanh chóng chuẩn bị các chính sách và khuôn khổ pháp luật nhằm bảo đảm việc mua sắm đủ hàng hoá cần thiết. Tương tự, việc thiếu hụt nguồn hàng dự trữ sẵn có cho thấy điểm yếu trong mức độ sẵn sàng trước các đại dịch. Các vấn đề này cho thấy những thách thức vô cùng đa dạng liên quan đến liêm chính và minh bạch. Để giải quyết những thách thức về liêm chính trong dài hạn, ngay khi tình trạng khẩn cấp qua đi, các Chính phủ cần xem xét:

- Rà soát hệ thống pháp luật về mua sắm trong trường hợp khẩn cấp để bảo đảm các quy định phù hợp với các tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu có thể xẩy ra trong tương lai, để tránh trường hợp phải xây dựng các quy định và văn bản hướng dẫn mới trong điều kiện thời gian eo hẹp.

- Ứng dụng hoặc mở rộng các nền tảng mua sắm trực tuyến để lưu lại toàn bộ các thông tin giao dịch mua sắm các hàng hóa khẩn cấp. Từ đó thiết lập được cơ sở dữ liệu để phân tích các hoạt động đấu thầu và xác định được các dấu hiệu sai phạm, các rủi ro về liêm chính.

- Cho phép các kiểm toán viên và các cơ quan giám sát có thể truy cập từ xa vào toàn bộ các hồ sơ mua sắm, để bảo đảm rằng việc kiểm toán được duy trì thực hiện mà không gặp phải cản trở nào khi tiến hành kiểm tra trực tiếp và rà soát trên hệ thống hồ sơ văn bản.

- Bảo đảm có một đội ngũ các công chức được đào tạo phù hợp, có trang bị các kĩ năng thực hiện các thủ tục mua sắm khẩn cấp.

- Chuẩn bị sẵn sàng các cơ chế xử lý những trì trệ trong chuỗi cung ứng đối với các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như cung cấp trang thiết bị bảo hộ cá nhân do có sự thiếu hụt số lượng cung ứng nên đã tạo ra nhiều nguy cơ tham nhũng. Liên minh châu Âu cũng đã quyết định tạo ra nguồn dự trữ các trang thiết bị y tế khẩn cấp để tránh nguy cơ tham nhũng có thể nảy sinh do tình trạng khan hiếm.

- Tạo ra các công cụ số hóa thuận tiện trong truy cập để cho phép người dân giám sát được các giao dịch mua sắp khẩn cấp.

Những giải pháp bảo đảm trách nhiệm giải trình, việc giám sát và kiểm soát trong quản lý các gói kích thích kinh tế

Các giải pháp ngắn hạn

- Bảo đảm cung cấp đầy đủ nguồn lực cho các cơ chế kiểm toán nội bộ và kiểm toán tối cao khi cần: Ví dụ, gói kích thích của Hoa Kỳ đã giải ngân cho Cơ quan Trách nhiệm Giải trình Chính phủ (GAO), Tổ chức Kiểm toán Tối cao (SAI) để các thể chế này hỗ trợ Quốc hội thực thi việc giám sát các hoạt động lạm chi xảy ra trong khủng hoảng gần đây.

- Thiết lập hoặc nâng cấp các cơ quan lập pháp hiện hành: Ví dụ, Ủy ban Giám sát của Quốc hội New Zealand được thiết lập và có nghĩa vụ giám sát hoạt động ứng phó với khủng hoảng gần đây của Chính phủ, trong đó bao gồm cả giám sát gói kích thích kinh tế. Ủy ban này thường họp trên nền tảng trực tuyến và phát đi các cuộc họp trên mạng để bảo đảm tính minh bạch.

- Thiết lập các cơ quan giám sát đặc biệt, bảo đảm có nghĩa vụ cụ thể và thống nhất phù hợp với các chủ thể về trách nhiệm giải trình hiện có: Ví dụ, Ủy ban Trách nhiệm giải trình ứng phó đại dịch đã được thành lập tại Mỹ để bảo đảm việc giám sát gói kích thích kinh tế. Để tránh trùng lặp và tận dụng các năng lực hiện có, ủy ban này bao gồm các chánh thanh tra có trách nhiệm tiến hành và điều phối các hoạt động kiểm toán và điều tra để thực thi trách nhiệm giải trình và phát hiện ra các sai phạm gian lận, lãng phí, lạm dụng trong chi tiêu liên quan đến khủng hoảng.

- Tăng cường trách nhiệm giải trình của công chức tham gia vào các hoạt động có liên quan như mua sắm công, xây dựng, phê duyệt, phân bổ các gói hỗ trợ hoặc xử lý khủng hoảng...

- Bảo đảm thực hiện đánh giá các rủi ro về liêm chính có thể xảy ra. Công chức cần phải thực hiện báo cáo và lưu lại thông tin về những trở ngại gặp phải, trong đó bao gồm cả việc lưu thông tin về những thay đổi trong hoạt động kiểm soát để đưa ra các mục tiêu ngắn hạn cần thiết.

- Bảo đảm thực hiện các thủ tục phù hợp để thiết kế, đánh giá và cải thiện các chương trình khẩn cấp: ví dụ, để bảo đảm tính hiệu quả và trách nhiệm giải trình trong thực thi Kế hoạch hành động về Kinh tế năm 2008, Văn phòng Hội đồng Bí mật và Ban Thư ký Hội đồng Ngân sách Canada đã thiết lập một quy trình tăng cường phê duyệt chính sách và tài chính, nhằm làm giảm thiểu thời gian từ 6 tháng xuống 2 tháng. Trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19, nhiều công chức phải làm việc tại nhà đã thúc đẩy việc ban hành các quy định về sử dụng chữ ký điện tử.

Các biện pháp dài hạn nhằm tăng cường vai trò giám sát bên ngoài

Các tổ chức giám sát bên ngoài cũng góp phần là đối tác chủ chốt của Chính phủ các nước trong quá trình xử lý khủng hoảng cũng như hồi phục dài hạn sau này. Kiểm toán viên sẽ chỉ ra các nguy cơ gia tăng rủi ro liêm chính liên quan đến các biện pháp phục hồi dài hạn hơn. Ví dụ, các kiểm toán viên sẽ báo cáo với những người ra quyết định về bài học đã rút ra nhằm cải thiện quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt trong việc chuẩn bị sẵn sàng cho các khủng hoảng trong tương lai. 

Các tổ chức kiểm toán có thể đi theo hướng áp dụng phân tích dựa trên các rủi ro, dữ liệu tập trung để giúp quản lý tốt trong lúc khủng hoảng và sau khi hết khủng hoảng. Cụ thể, các tổ chức kiểm toán trung tâm sẽ giúp các Chính phủ và tổ chức công tìm và phân tích các căn cứ giúp thiết lập chính sách, nâng cao năng lực hành động trong thực tiễn khi đối diện với các vấn đề và rủi ro nghiêm trọng hơn.

Các biện pháp tăng cường liêm chính trong khu vực công

Các cơ quan, tổ chức công có thể chủ động nâng cao việc giám sát để ngăn ngừa và phát hiện tham nhũng và các gian lận nghề nghiệp xảy ra trong suy thoái thông qua các biện pháp như:

- Rà soát, tăng cường hệ thống kiểm soát liêm chính hiện có tại các tổ chức công. Trong giai đoạn suy thoái kinh tế hậu COVID-19, cần áp dụng phương pháp phân tích rủi ro để xác định các vị trí công tác nhạy cảm nhiều nguy cơ tham nhũng trong khu vực công đồng thời tìm ra biện pháp xử lý. OECD cũng đưa ra các khuyến nghị của Hội đồng Liêm chính công, trong đó đưa ra hướng dẫn về cách thức áp dụng cách tiếp cận hệ thống đối với vấn đề gian lận và tham nhũng, tạo dựng văn hoá liêm chính và bảo đảm trách nhiệm giải trình hiệu quả.

- Bảo đảm việc kiểm soát nội bộ, ví dụ cấp chứng nhận các báo cáo tài chính, có các chính sách chống gian lận, áp dụng việc kiểm toán đột xuất và luân chuyển vị trí việc làm đúng mục đích và giữ thông tin trao đổi thường xuyên với cán bộ công chức.

- Nâng cao và cải thiện các công cụ số hoá giúp thúc đẩy liêm chính và trách nhiệm giải trình, đặc biệt bảo đảm rằng các dữ liệu quản lý liên quan được công khai và có thể tái sử dụng cho phép người dân tham gia giám sát xã hội, bảo đảm được tính hiệu quả của cơ chế tố giác trực tuyến.

- Thiết lập và hỗ trợ tư vấn cho công chức hoặc hỗ trợ về tài chính để hỗ trợ cho những công chức trong xử lý các áp lực về tài chính ngày một gia tăng và giúp họ vượt qua cảm giác bất lực gây ra bởi khủng hoảng kinh tế.

- Nâng cao nhận thức về các quy định liêm chính, bảo đảm rằng tất cả công chức đều tuân thủ các quy định về liêm chính và giữ được các giá trị theo chuẩn mực của khu vực công.

Hội thảo đã mang lại nhiều kiến thức và thông tin bổ ích cho các đại biểu đến từ các quốc gia/vùng lãnh thổ thành viên của Sáng kiến trong đấu tranh chống các hành vi tham nhũng và các sai phạm xảy ra trong và sau đại dịch COVID-19.

Âu Phương

Vụ Hợp tác Quốc tế - Thanh tra Chính phủ