Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Cảnh sát và tham nhũng trong đại dịch

(Thanh tra)- Một số cảnh sát bị tố cáo đòi hối lộ từ những người muốn ra khỏi khu vực bị rào chắn hay muốn rời các trung tâm cách ly... Thậm chí, có cảnh sát còn vòi tiền của cả phụ nữ mang thai và người bệnh đang cố gắng di chuyển tới bệnh viện.

Ảnh minh họa: Sheyda Sabetian
 

Khi đại dịch COVID-19 nổ ra, các quốc gia đã áp đặt lệnh giới nghiêm, rào chắn các khu phố và kiểm dịch bắt buộc nhằm làm chậm sự lây lan của virus.

Những biện pháp bảo vệ này cũng tạo ra các nguy cơ mới cho hàng triệu người trên toàn cầu.

Hàng trăm người báo cáo hối lộ, tham nhũng

Trong số hơn 1.500 báo cáo liên quan đến COVID-19 gửi tới các Trung tâm Tư vấn pháp luật và Vận động chính sách (ALAC) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) kể từ tháng 1 năm nay, có nhiều báo cáo liên quan đến lực lượng cảnh sát và quân đội.

Ở nhiều quốc gia, sỹ quan quân đội, cảnh sát bị tố cáo đòi hối lộ từ những người muốn ra khỏi khu vực bị rào chắn, vượt qua lệnh giới nghiêm hay muốn rời khỏi các trung tâm cách ly. Họ thậm chí còn đòi hối lộ từ những người đang hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu như bác sỹ, y tá - những người đang cố gắng để đi làm hoặc trở về nhà.

Ngoài ra, ở một số quốc gia, các trung tâm cách ly được thành lập để cách ly những người có khả năng bị nhiễm bệnh đang được sử dụng để giam giữ và trừng phạt những người khỏe mạnh vì vi phạm các quy tắc, quy định.

Có thể thấy, tham nhũng đã và đang làm suy yếu các biện pháp y tế để ngăn chặn virus lây lan và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng bằng cách phân chia cộng đồng thành 2 phe: Những người có khả năng phá vỡ các quy định và những người không thể.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhiều người dân đã liên hệ với ALAC ở Guatemala, Kenya, Madagascar, Venezuela, và Zimbabwe để báo cáo về những vụ việc liên quan đến cảnh sát đòi hối lộ tại các khu vực bị rào chắn.

Các phương tiện truyền thông Zimbabwe cũng đưa tin về việc cảnh sát vòi tiền của những phụ nữ mang thai và người bệnh đang cố gắng di chuyển tới bệnh viện. Còn tại Nam Phi, sỹ quan cảnh sát tại  nhiều chốt chặn không chỉ tìm cách đòi hối lộ mà còn "làm tiền" từ các phương tiện tham gia giao thông.

ALAC ở Cộng hòa Congo đã tiếp nhận báo cáo về sự lạm dụng quyền lực của cảnh sát. Một người giao bánh mì đã bị cảnh sát tịch thu xe đạp, điện thoại và tiền mặc dù công việc của người này được cho là "thiết yếu trong dịch bệnh". Một trường hợp khác liên quan đến người đàn ông bị bắt giữ ngay tại nhà riêng vì không đeo khẩu trang khi chơi cờ với một người bạn...

Cũng tại Congo, 8 giờ tối là giờ giới nghiêm, nhiều người lao động vì khó khăn đã phải tìm cách phá vỡ quy định này. Và, các sỹ quan cảnh sát đã lạm dụng quyền lực, tìm kiếm hối lộ từ những người có nhu cầu ra ngoài sau 20 giờ.

ALAC của Venezuela cũng nhận được những lời phàn nàn về việc các sỹ quan quân đội bán nhiên liệu để thu lợi nhuận, cảnh sát tìm cách hối lộ từ nhân viên y tế, hay các quan chức Chính phủ bán những văn bản giả cấp quyền di chuyển an toàn.

Kenya: Một nghiên cứu điển hình về tham nhũng trong cảnh sát

Thời gian đầu đại dịch, Chính phủ Kenya đã thiết lập các trung tâm cách ly bắt buộc với tất cả du khách nhập cảnh.

Mọi người lẽ ra sẽ được ra khỏi trung tâm khi xét nghiệm âm tính sau 14 ngày cách ly, nhưng tồn tại một "nút thắt" trong quá trình xét nghiệm khiến nhiều người phải ở lâu hơn khi chưa có kết quả.

Nút thắt đó đã được chỉ ra. Nhiều người phản ánh tới ALAC ở Kenya về việc bị cảnh sát bắt giữ trong trung tâm cách ly vì những vi phạm nhỏ, như vi phạm lệnh giới nghiêm hoặc không đeo khẩu trang.

Không chỉ bị buộc phải cách ly ít nhất 14 ngày, những người này còn phải trả ít nhất 20 USD mỗi ngày. Nếu không có khả năng chi trả, họ không được phép rời khỏi trung tâm.

Có thể thấy, thay vì cách ly những người có nguy cơ nhiễm bệnh khỏi cộng đồng, các trung tâm cách ly nơi đây đã đặt những người khỏe mạnh vào nguy cơ.

ALAC Kenya đã nhận được nhiều báo cáo tới mức không thể giải quyết từng trường hợp riêng lẻ. Bởi vậy, ALAC đã làm việc với các tổ chức đối tác, gây áp lực lên Chính phủ Kenya để được làm rõ về chính sách kiểm dịch đang được áp dụng tại quốc gia này.

Sau nhiều nỗ lực, kết quả là, Chính phủ Kenya đã bỏ khoản phí phải đóng ở các trung tâm kiểm dịch, một động thái mà họ hy vọng sẽ khuyến khích nhiều người đi xét nghiệm hơn.

Chấm dứt tham nhũng để cứu sống con người

Những hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan của virus cũng đã tạo cơ hội cho tham nhũng trong cảnh sát, quân đội. Không chỉ làm xấu hình ảnh của các sỹ quan ngành, mà hành vi của họ còn phá hoại những biện pháp an toàn cho cộng đồng mà họ đang phải thực thi.

Các quốc gia không thể chống lại đại dịch COVID-19 một cách hiệu quả chừng nào lực lượng cảnh sát và quân đội còn lợi dụng việc phong tỏa như một cái cớ để vòi vĩnh tiền những người dễ bị tổn thương.

TI kêu gọi các Chính phủ chấm dứt nạn tham nhũng của cảnh sát bằng cách thực hiện các bước sau:

- Ban hành hướng dẫn rõ ràng, minh bạch cho cảnh sát về cách giải quyết phản ứng với COVID-19, bao gồm cả tại các trung tâm cách ly.

- Hỗ trợ các cơ chế báo cáo an toàn và dễ tiếp cận cho những công dân báo cáo cảnh sát tham nhũng trong COVID-19.

- Kêu gọi các nhà chức trách tiến hành điều tra về tất cả trường hợp tham nhũng được báo cáo với các biện pháp trừng phạt thích hợp. Kỷ luật nghiêm các cán bộ, chiến sỹ cảnh sát bị bắt quả tang nhận hối lộ.

---------------------

* Bài viết là một phần trong loạt bài "Công dân tố cáo tham nhũng trong COVID-19" của TI, nhằm nâng cao nhận thức về cái giá phải trả của tham nhũng trong dịch bệnh và khuyến khích người dân lên tiếng tố cáo tham nhũng.

Hoài Phương/thanhtra.com.vn