Công tác nội chính

Chính phủ đề xuất nghiên cứu sáp nhập ban tiếp công dân vào cơ quan thanh tra

- Theo báo cáo của Chính phủ, khi cơ quan thanh tra vừa làm nhiệm vụ tiếp công dân, vừa tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong công tác này.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Đ.X

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong vừa ký báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 gửi Quốc hội.

Theo báo cáo này, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2021 giảm rõ so với năm 2020. Cụ thể, số lượt người giảm 21,6%; số lượt đoàn đông người giảm 9,0%; tổng số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 24,4%; số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính Nhà nước giảm 22,1%.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, nhiều sai sót, nhất là cấp cơ sở

Tuy vậy, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Chủ yếu là, việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật ở một số lĩnh vực làm phát sinh khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa kịp thời.

Một số địa phương chưa chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao.

Báo cáo dẫn chứng, theo báo cáo của các đơn vị, có 22,3% số lượt tiếp của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp được ủy quyền, phân công tiếp thay. Một số địa phương, nhất là cấp cơ sở không niêm yết quy trình tiếp công dân, không mở sổ tiếp dân, ghi chép sổ tiếp dân không rõ ràng, có trường hợp cán bộ tiếp công dân còn sơ suất hoặc ứng xử không phù hợp dẫn đến người dân bức xúc.

Cạnh đó, công tác xử lý đơn còn chậm, chồng chéo, sai sót về trình tự, thủ tục; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm, có nhiều sai sót, nhất là ở cấp cơ sở.

Theo phân tích kết quả giải quyết khiếu nại lần hai cho thấy, có 15,4% quyết định giải quyết lần đầu phải sửa đổi hoặc hủy bỏ; kết quả giải quyết tố cáo tiếp cho thấy có 10,4% tố cáo tiếp là đúng và 30,1% tố cáo tiếp có đúng, có sai.

Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền thấp (76,3%, giảm 7,2% so với năm 2020), chưa đạt mục tiêu đề ra (85%).

Tỷ lệ thực hiện quyết định khiếu nại (85,9%), kết luận nội dung tố cáo (82,5%) cũng thấp hơn so với năm 2020 và thấp hơn mục tiêu đề ra (90%); số cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo giảm 17% so với năm 2020.

Một số địa phương chưa tích cực rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Đến nay, còn 13 vụ việc tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, kết luận nhưng đến nay chưa giải quyết xong…

Tổng kết thi hành pháp luật về tiếp dân để kiến nghị khi sửa Luật Thanh tra

Theo dự báo của Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục diễn biến phức tạp, có khả năng gia tăng sau khi các địa phương nới lỏng, dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội.

Ủy ban Pháp luật đề nghị phân tích, đánh giá kỹ bối cảnh đặc thù này để nhận diện đầy đủ đặc điểm tình hình năm 2022, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp, khả thi. 

Đề cập đến nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên, theo Chính phủ có cả khách quan, chủ quan, trong đó có nguyên nhân do dịch COVID -19.

“Dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp với biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn, ảnh hưởng đến hầu hết mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, dẫn đến việc triển khai và kết quả thực hiện nhiều nhiệm vụ trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chậm hơn nhiều so với yêu cầu, kế hoạch, nhất là những nhiệm vụ cần có sự tham gia của nhiều cơ quan, như việc kiểm tra, xác minh, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo; thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật, hoàn thiện thể chế...”, báo cáo nêu.

Một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế hội họp và tiếp xúc nhiều người nên công tác tiếp công dân cũng phần nào bị ảnh hưởng.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, hiện nay, tại địa phương vừa có ban tiếp công dân, vừa có cơ quan thanh tra nên hai cơ quan này phải phối hợp thực hiện 1 nhiệm vụ, mục tiêu chung là để tham mưu chủ tịch UBND tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.

Do đó, sẽ nảy sinh bất cập, vướng mắc, làm giảm hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là khi hai cơ quan này không phối hợp tốt với nhau.  

Trên cơ sở đó, một trong những nhiệm vụ được đặt ra trong năm 2022 là nghiên cứu sáp nhập ban tiếp công dân (thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn) vào cơ quan thanh tra (thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo).

Khi đó, cơ quan thanh tra vừa làm nhiệm vụ tiếp công dân, vừa tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

“Vấn đề này liên quan đến quy định của Luật Thanh tra và Luật Tiếp công dân, do đó, Thanh tra Chính phủ dự kiến sẽ đưa nội dung này vào Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đồng thời, kiến nghị sửa đổi quy định của Luật Tiếp công dân có liên quan đến nội dung này”, báo cáo nêu rõ.

Về nội dung này, Cơ quan Thẩm tra - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá, tổng kết thi hành quy định của pháp luật về tiếp công dân để kiến nghị sửa đổi trong Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), đồng thời sửa đổi quy định có liên quan của Luật Tiếp công dân.

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ hơn nội dung nghiên cứu, rà soát, tổng kết để sửa đổi, ban hành mới các quy định pháp luật có bất cập, vướng mắc là nguyên nhân dẫn đến hạn chế, bất cập trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo cơ quan thẩm tra, cần cụ thể là quy định nào, tại văn bản nào, chỉ rõ trách nhiệm của nộ, ngành phải thực hiện và tiến độ hoàn thành. “Có như vậy mới giải quyết được triệt để nguyên nhân, khắc phục hiệu quả các hạn chế, yếu kém”, báo cáo thẩm tra nêu.

Hương Giang/thanhtra.com.vn