Công tác nội chính

Chính phủ sẽ đánh giá toàn diện việc rà soát, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài

- Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện về công tác rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong tiếp các đoàn công dân trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Thái Hải

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Nghị quyết số 42.

Tại báo cáo này, Chính phủ khẳng định đã luôn quan tâm chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Hàng trăm vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp đã được rà soát

Sau khi cơ bản hoàn thành việc rà soát, giải quyết 528 vụ việc theo Kế hoạch 1130 năm 2012; 531 vụ việc theo Kế hoạch 2100 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ Công tác do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Tổ trưởng để kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và trực tiếp chỉ đạo giải quyết một số vụ việc phức tạp, kéo dài.

Thanh tra Chính phủ cũng ban hành Kế hoạch 363 năm 2019 để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Cùng với đó, phối hợp với các bộ, ngành chức năng rà soát, lập danh sách 221 vụ việc (tại 43 địa phương) giao UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tự kiểm tra, rà soát và đề nghị tiếp tục chỉ đạo rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài khác tại địa phương, báo cáo kết quả về Thanh tra Chính phủ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng…

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch 1910 năm 2021 để rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài tại các cơ quan Trung ương và nhà riêng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Qua rà soát có 74 vụ việc, trong đó có 16 vụ việc trong danh sách 35 vụ việc Tổ Công tác của Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo và 58 vụ việc khác.

Báo cáo cho biết, trong 35 vụ việc thì Tổ Công tác của Thủ tướng đã kiểm tra, chỉ đạo giải quyết 24 vụ việc tại 10 địa phương (Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Hưng Yên, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai).

Còn 11 vụ việc, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ thành lập Tổ Công tác để kiểm tra, rà soát và báo cáo đề xuất Thủ tướng phương án giải quyết dứt điểm vụ việc trong thời gian tới.

Các địa phương đã tiến hành rà soát 181/221 vụ việc Thanh tra Chính phủ chuyển đến và chủ động rà soát 685/692 vụ việc khác; còn 47 vụ việc đang tiếp tục rà soát.

“Thủ tướng đang chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện và đôn đốc các địa phương khẩn trương rà soát, giải quyết và báo kết quả thực hiện các nội dung trên. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá một cách toàn diện về công tác rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, báo cáo của Chính phủ thông tin.

Tiếp dân của người đứng đầu có “chuyển biến tích cực”

Vấn đề nữa, theo báo cáo, thời gian qua, việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp có chuyển biến tích cực. Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước đã quan tâm thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân hơn so với trước đây, nhưng vẫn chưa thực hiện được đầy đủ như quy định của Luật Tiếp công dân.

Vì vậy, Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, đề xuất. Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị báo cáo đánh giá nội dung này và những nội dung khác trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để làm cơ sở báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ cũng được giao chủ trì, phối hợp với các địa phương nghiên cứu, xây dựng cơ chế tiếp công dân trực tuyến với những vụ việc phức tạp, đông người để hạn chế tình trạng công dân tập trung đông người lên các cơ quan Trung ương. Từ đó, để góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như bảo đảm công tác an toàn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua.

Thực tế, một số địa phương đã triển khai việc tiếp công dân trực tuyến và đánh giá bước đầu cho thấy có hiệu quả tốt như Quảng Ninh, Lào Cai…

Luật Khiếu nại, Nghị định 124/2020/NĐ-CP không thiết kế cơ chế để xem xét, giải quyết lại các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, nhằm tạo điểm dừng trong giải quyết khiếu nại và khuyến khích người dân khởi kiện vụ án hành chính khi không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại.

“Việc nghiên cứu, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành quy định điều kiện xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại hành chính đã có hiệu lực pháp luật, đã hết thời hiệu khởi kiện ra TAND nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại là không có cơ sở”, báo cáo của Chính phủ nêu.

Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập nội dung này, do đó, Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tham mưu. Hiện, Thanh tra Chính phủ đang tổng hợp ý kiến của các cơ quan về điều kiện xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, trên cơ sở đó sẽ có báo cáo đề xuất cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Hương Giang/thanhtra.com.vn