Nghiên cứu - Trao đổi

Danh thắng Tràng An: Không cho thuê đất thì làm sao nợ thuế được?

(Thanh tra)- Vùng Di sản thế giới Tràng An bị nghiêm cấm cho thuê đất, vì việc làm này sẽ làm biến đổi di sản. “Không cho thuê đất thì không có chuyện nợ tiền thuế đất được”, ông Đỗ Thành Chung, Phó Giám đốc Doanh nghiệp (DN) Xây dựng Xuân Trường khẳng định với Thanhtra.com.vn.

Không cho thuê đất thì làm sao nợ thuế được?

Năm 2014, Quần thể Danh thắng Tràng An được công nhận di sản thế giới

Kiểm toán Nhà nước trong thời gian tiến hành kiểm toán từ ngày 21/3 đến ngày 19/5/2019 đã phát hiện vi phạm của DN Xây dựng Xuân Trường với số nợ đọng tăng thêm hơn 25,7 tỷ đồng tiền thuê đất.

Liên quan đến sự việc trên, ông Đỗ Thành Chung, Phó Giám đốc DN Xây dựng Xuân Trường khẳng định: DN không nợ bất cứ tiền thuế nào ở Ninh Bình”. 

Phó Giám đốc DN Xây dựng Xuân Trường cho hay, DN là đơn vị nộp thuế VAT số 1 của tỉnh Ninh Bình. “Mỗi năm chúng tôi nộp thuế cho ngân sách Nhà nước từ 200 đến 300 tỷ đồng, năm nào cũng được tỉnh tặng bằng khen”, ông Chung nói.

Được biết, từ nhiều năm nay, DN tự ứng vốn ra cho tỉnh vay tiền giải phóng mặt bằng hàng nghìn tỷ đồng không lấy lãi để thi công các công trình trọng điểm, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện, Ninh Bình là tỉnh phát triển về du lịch, được Tạp chí Insider bình chọn là 10 điểm đến đầu tiên trong top 50 điểm đến hấp dẫn nhất. Trong đó, Quần thể Danh thắng Tràng An - Bái Đính đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch, mỗi năm đón hàng triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Vì vậy, không có chuyện DN trốn thuế, không nộp thuế.

Lý giải về việc DN nợ hơn 25,7 tỷ đồng tiền thuê đất, ông Chung cho biết, năm 2008 DN thuê đất để làm Dự án Khu Du lịch sinh thái Tràng An. Đến năm 2014, Quần thể Danh thắng Tràng An đã trở thành Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á, niềm tự hào của Việt Nam.

“Từ khi Tràng An trở thành di sản của thế giới, thực hiện cam kết của Việt Nam với UNESCO nên các hợp đồng thuê đất trong khu di sản đều không có giá trị. Tất cả vùng Danh thắng Tràng An đều thuộc về di sản của nhân loại, chứ không thuộc về một cá nhân hay tổ chức nào”, ông Chung nói. 

Cũng theo ông Chung, vùng Di sản Thế giới Tràng An bị nghiêm cấm cho thuê đất, vì việc làm này sẽ làm biến đổi di sản. “Không cho thuê đất thì không có chuyện nợ tiền thuế đất được”, ông Chung khẳng định. 

Phó Giám đốc DN Xuân Trường nói thêm: “Nếu chúng tôi tham tiền, cố tình nộp tiền thuê đất cho tỉnh Ninh Bình để có Giấy phép thuê đất, sau đó cho thuê lại thì sẽ lợi nhuận hàng chục nghìn tỷ đồng. Vì khi chúng tôi làm dự án đất rất rẻ, đến khi dự án thành di sản thì giá đất chênh lệch hàng nghìn lần, nhưng chúng tôi vẫn trả lại cho di sản theo quy định của UNESCO”.

DN Xây dựng Xuân Trường là chủ đầu tư xây dựng Khu Du lịch sinh thái Tràng An, chùa Bái Đính (Ninh Bình); chùa Tam Chúc tỉnh Hà Nam.

Đơn vị còn đồng hành cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu bổ, phục dựng 9 ngôi chùa trên đảo Trường Sa (Khánh Hòa) gồm: Song Tử Tây, Đảo Sinh Tồn, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh, Đảo Đá Tây A, góp phần bảo tồn văn hoá dân tộc và bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

 

 

 

 

 

 

 



Trà Vân/thanhtra.com.vn