Ban Nội chính Trung ương

Điểm báo tuần số 298 từ ngày 14-01 đến ngày 19-01 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Tiền Phong, Hà Nôi mới, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài TNVN, TTXVN (15-01) đồng loạt đưa tin về Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2019. Theo báo cáo trình bày tại hội nghị, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tòa án nhân dân các cấp đã thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách tư pháp; đề ra 14 giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử; tập trung làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự và tổ chức đối thoại giải quyết các vụ án hành chính. Ngành đã thí điểm thành lập các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án ở Tòa án nhân dân hai cấp của Hải Phòng và mở rộng thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc thuộc Trung ương; xây dựng Đề án báo cáo Ban Bí thư cho phép áp dụng mô hình này trong toàn quốc và xây dựng Dự án Luật hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng tại tòa án, trình Quốc hội; Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới công tác tổ chức cán bộ; xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng được chú trọng. Công tác hợp tác quốc tế được mở rộng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Tòa án Việt Nam, thu hút các nguồn lực tài trợ, trao đổi và học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp được đẩy mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết công việc tại Tòa án; công tác thông tin tuyên truyền có nhiều đổi mới. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị ngành tòa án tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Xây dựng nền tư pháp văn minh, tiến bộ, trong đó tòa án đóng vai trò trung tâm là nội dung quan trọng để không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mỗi bản án phải thực sự "tâm phục, khẩu phục", khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, được công chúng đồng thuận; tạo ra được các chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, có tác dụng giáo dục pháp luật và định hướng hoạt động của xã hội. Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của các tòa án là nâng cao chất lượng xét xử; không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; hạn chế thấp nhất các bản án bị huỷ, bị sửa do lỗi chủ quan; tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục những yếu kém trong công tác xét xử; kiên quyết xử lý những cán bộ tòa án vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống, xây dựng tòa án trong sạch, vững mạnh. Các đảng bộ tòa án các cấp phải tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác Toà án năm 2019
Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tiền Phong, Biên Phòng, Giáo dục, Văn hóa, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, VietNamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15-01) cho biết, Bộ Quốc phòng phối hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết và gặp mặt điển hình tiên tiến thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2009-2019, biểu dương, khen thưởng và tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào quần chúng xây dựng và bảo vệ biên giới, biển đảo trong những năm qua. Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Biên cương, bờ cõi của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh để phát huy sức mạnh tại chỗ làm nền tảng xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Tổ quốc. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền chủ động làm tốt công tác tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp cho địa bàn biên giới, cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị hướng vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng các ban, bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị tuyến sau tiếp tục đẩy mạnh các phong trào, hoạt động hướng về biên giới, biển đảo để động viên, chia sẻ với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện. Đối với các đại biểu điển hình tiên tiến về dự Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các vị đại biểu tiếp tục giữ vững và phát huy những thành tích đã đạt được, tích cực tuyên truyền, vận động và tổ chức cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị, địa phương mình thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, cùng với cấp ủy, chính quyền, các lực lượng vũ trang xây dựng nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng khu vực biên giới ngày càng giàu mạnh.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Công an nhân dân, Lao Động, Hà Nội mới, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, TTXVN (17-01) đưa tin, Hội nghị tổng kết công tác Công an phòng ngừa, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch năm 2018. Năm 2018, công tác Công an phòng ngừa, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, xã hội trong tình hình mới; đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao. Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, nêu ý kiến về vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống địch phá hoại tư tưởng; xử lý thông tin những vấn đề phức tạp đang được xã hội quan tâm; công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị, địa phương... Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Bộ Công an tiếp tục nắm chắc, dự báo đúng tình hình, đối tượng, chủ động trong đề xuất, tham mưu, đề xuất và triển khai các giải pháp đấu tranh; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; chủ động thông tin cho báo chí những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, những vụ án kinh tế, tham nhũng lớn; phát huy tối đa lực lượng, đặc biệt là báo chí trong lực lượng Công an nhân dân trong tuyên truyền và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; kết hợp tuyên truyền giữa báo chí chính thống với mạng xã hội và các kênh truyền thông khác; tranh thủ những người có uy tín để tăng cường thông tin tích cực trên internet và mạng xã hội. 
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Thanh tra, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Tài nguyên và Môi trường, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài TNVN, TTXVN  (17-01) cho biết, Hội nghị trực tuyến ngành thanh tra năm 2018 và triển khai kế hoạch công tác năm 2019. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2018, toàn ngành đã triển khai 7.166 cuộc thanh tra hành chính và 219.796 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 33.839 tỷ đồng và 33.972 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước gần 29.769 tỷ đồng và 1.007 ha đất. Đặc biệt, đã tập trung ban hành kết luận một số cuộc thanh tra, kiểm tra do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu, công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM... Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, gỉải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 394.224 lượt công dân với 271.249 vụ việc; giải quyết 23.573 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt 83,7%). Hiện có 13 địa phương báo cáo không còn vụ việc phức tạp, kéo dài. Năm 2019, Thanh tra Chính phủ cho biết, hoạt động thanh tra bám sát, đáp ứng các yêu cầu chỉ đạo, lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Thanh tra chuyên ngành tập trung những nội dung, vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội; chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, thực thi pháp luật chuyên ngành. Hạn chế sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và kiểm toán. Phấn đấu giải quyết kịp thời, có hiệu quả, đúng pháp luật, phù hợp thực tế trên 85% vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở; thực hiện trên 90% các quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Thanh tra, Tiền Phong, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (18-01) phản ánh các nội dung mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo kỳ họp 33 về việc xem xét, kết luận: 1) Thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đắk Nông và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Theo đó, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; cảnh cáo đối với đồng chí Trương Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông. Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2016-2021 theo thẩm quyền. 2) Xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Đại tá Đỗ Minh Tân. Trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, đồng chí Đỗ Minh Tân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, tiếp tay cho hành vi lập hồ sơ khống xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, về bảo vệ và phát triển rừng, dẫn đến rừng bị chặt phá với diện tích lớn, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự; bao che, hướng dẫn cho đối tượng đối phó với cơ quan điều tra, gây khó khăn cho hoạt động điều tra. Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Đỗ Minh Tân. 3) UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với  đồng chí Hồ Văn Thế, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên UBND tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, đồng chí Hồ Văn Thế đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, không chấp hành chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong việc xem xét, xử lý đối với công chức vi phạm; vi phạm quy định của Nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các điểm định canh, định cư, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của dự án.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Hà Nội mới, Đài THVN, TTXVN (19-01) đưa tin, Hội nghị tổng kết công tác 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo do Bộ Nội vụ  tổ chức. Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, trong thành tích chung của đất nước năm 2018, công tác quản lý nhà nước và những người làm công tác tôn giáo đã có những đóng góp tích cực, nhất là trong việc bảo đảm các tôn giáo hoạt động ổn định, tuân thủ pháp luật, góp phần tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Ngành đã hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tập trung tham mưu, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Ngành chủ động tham mưu với Chính phủ, Bộ Nội vụ và cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo xử lý, giải quyết nhiều vụ việc khó, phức tạp trong tôn giáo, nhiều việc đã dứt điểm ngay tại cơ sở, không để bùng phát điểm nóng. Qua đó, góp phần ổn định tình hình tôn giáo trong cả nước, tạo được sự đồng thuận của chức sắc và đồng bào có đạo. Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo quan tâm gặp gỡ, làm việc với các tổ chức tôn giáo để đối thoại, lắng nghe, kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng; tiếp tục quan tâm giải quyết các vụ khiếu kiện, nhất là khiếu kiện liên quan đến đất đai tôn giáo, xử lý hợp tình, hợp lý, theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tế địa phương. Chủ động thống nhất các bộ, ngành, địa phương trong tham mưu đề xuất Chính phủ chỉ đạo giải quyết những vấn đề tôn giáo phức tạp. Có thái độ kiên quyết xử lý các phần tử chống đối, cực đoan, lợi dụng tôn giáo để lôi kéo, kích động quần chúng vi phạm pháp luật, gây rối, mất an ninh trật tự, thực hiện các âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tăng cường công tác đối ngoại tôn giáo, chủ động hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tham gia các cơ chế diễn đàn tôn giáo thế giới và khu vực phù hợp với đường lối ngoại giao của Đảng, Nhà nước; tham gia trách nhiệm vào diễn đàn cơ chế định kỳ phổ quát Liên hợp quốc về quyền con người.
 
    Báo Nhân Dân, Ninh Thuận, Công an nhân dân, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (19-01) Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN năm 2018 tại tỉnh Ninh Thuận. Đoàn công tác đã nghe lãnh đạo Tỉnh ủy Ninh Thuận báo cáo sự tiếp thu, quán triệt, triển khai đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của T.Ư trong PCTN; đã phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng, thu hồi hơn 5,8 tỷ đồng, đạt hơn 68,2% tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Ninh Thuận về PCTN trong thời gian qua, đồng thời, đề nghị tỉnh cần chú trọng đến việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng; chỉ đạo các cơ quan tố tụng làm rõ nguyên nhân không khởi tố hai vụ án có dấu hiệu tham nhũng và một vụ án khác được cho là hết thời hiệu. Bên cạnh đó, cần quan tâm chấn chỉnh các hành vi “tham nhũng vặt” tại các cơ quan công quyền, cấp cơ sở… để tránh gây sách nhiễu nhân dân và doanh nghiệp, chủ động phát hiện, xử lý các mặt trái có thể xảy ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Bắc Giang, Bảo vệ pháp luật, Giao thông, An ninh Thủ đô (14-01) cho biết, Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố bị can Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang tội “Tham ô tài sản”. Theo tài liệu điều tra, năm 2016, UBND huyện Yên Thế phê duyệt công trình hạ tầng dân cư thôn Yên Thượng, xã Tam Hiệp và phố Đề Nắm, thị trấn Cầu Gồ thuộc dự án xây dựng hạ tầng để đấu giá quyền sử dụng đất tại các xã, thị trấn, tổng mức đầu tư 756 triệu đồng. Trần Anh Tuấn trên cương vị Giám đốc đã lập hồ sơ, quyết toán khống chi phí xây dựng kênh thoát nước thải khu dân cư thôn Yên Thượng, chiếm đoạt hơn 20 triệu đồng. Hiện Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, xem xét trách nhiệm của những người có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
 
    Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Đài THVN, TTXVN (17-01) đưa tin, Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng công bố dự thảo kết luận tại Thành ủy Hà nội và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tại Thành ủy Hà Nội, đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng lưu ý, Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản vẫn còn thấp; vẫn còn để xảy ra sai sót trong quá trình thi hành án dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Đồng chí yêu cầu Thành ủy Hà Nội trong thời gian tới cần chú trọng hơn nữa công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế để hạn chế thấp nhất việc thất thoát tài sản của Nhà nước; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thu hồi tài sản, đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong này. Đối với các vụ án cụ thể, cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật để chỉ đạo; kiểm tra các tổ chức, cá nhân có liên quan trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, không để các đối tượng chuyển dịch, tẩu tán tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đồng chí Trưởng đoàn công tác số 2 nhắc nhở ngành tài nguyên và môi trường phải lưu ý hiện nay có tới hơn 80% các vụ án tham nhũng, kinh tế liên quan tới lĩnh vực tài nguyên, môi trường; các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài chủ yếu phát sinh từ nguyên nhân thu hồi, định giá, đền bù đất đai. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý tài nguyên, môi trường phù hợp với thực tiễn; phối hợp chặt chẽ để thống nhất áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tố tụng với ngành tài nguyên môi trường trong việc xử lý các vi phạm của cán bộ giải quyết các vụ việc, vụ án liên qua tới lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản; chú trọng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Làm tốt những nhiệm vụ trọng tâm này sẽ giúp cho công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tham nhũng ở lĩnh vực đất đai nói riêng và tài nguyên và môi trường nói chung sẽ đạt hiệu quả cao.
 
    Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Giáo dục, Hải quan, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, VietNamNet, TTXVN (17-01) cho biết, đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trược Ban Bí thư ký ban hành Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, góp ý, phê bình, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, Ðảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện một số chủ trương, quy định có liên quan đến bảo vệ người tố cáo và đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, bất cập, như tình trạng để lộ lọt thông tin của người tố cáo; không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; các hành vi trả thù, trù dập chưa được phát hiện, xử lý nghiêm. Việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc bảo vệ người tố cáo chưa được quan tâm. Cán bộ, đảng viên và người dân còn chưa an tâm, ngại đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm... Một trong những nguyên nhân của những hạn chế được chỉ thị nêu rõ, chủ yếu là do cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu ở không ít nơi chưa quan tâm đến công tác này. Bộ Chính trị cũng yêu cầu củng cố, kiện toàn, đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, ý thức kỷ luật cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan, đơn vị có chức năng bảo vệ người tố cáo; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan này thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo. Ðẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo, bao che người bị tố cáo; người lợi dụng quyền phản ánh, tố giác, tố cáo để bôi nhọ, vu khống, thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân liên quan...
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Giao thông, Thanh Niên, Người đưa tin(17-01) theo nguồn tin từ Công an huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp cho biết, đã khởi tố, bắt giam Bùi Đức Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Tân Hồng về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Trong thời gian giữ chức Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện, ông Minh có nhiều vi phạm. Điển hình như đưa đất của em vợ vào phương án bồi thường để được để hưởng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng; ngoài ra còn chiếm dụng tiền bồi thường công trình đường tỉnh lộ 842 của nhiều hộ dân trong thời gian dài; chưa thực hiện việc công khai, dân chủ và chưa xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định… Vụ việc đang được điều tra làm rõ.
 
    Báo Bảo vệ pháp luật, Dân trí (18-01) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Tuyên quan vừa khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Thị Khiêm, nguyên Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Phó ban Quản lý dụ án bảo vệ và phát triển rừng huyện Bắc Quang và Ma Văn Chái, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Đức Xuân, huyện Bắc Quang về tội “Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản”. Kết quả điều tra xác định giai đoạn 2016-2017, trong quá trình triển khai dự án, Ban quan lý dự án Bảo vệ và Phát triển rừng huyện Bắc Quang thực hiện không đúng theo quy trình thực hiện dự án, từ khâu thiết kế, giao khoán; đặc biệt tại một số xã trên địa bàn huyện trong khi giải ngân các đối tượng đã phối hợp với UBND xã thống nhất giữ lại tiền công bảo vệ rừng của các hộ dân để chiếm đoạt từ 30 đến 40% tổng số tiền mà đáng lẽ người dân được nhận. Hiện Công an tỉnh Hà Giang đang tiếp tục mở rộng điều tra mở rộng vụ án.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (15-01) cho biết, để trấn áp tình trạng gian lận, tham nhũng và tiền bẩn, Chính phủ Anh sẽ ra mắt một nhóm đặc nhiệm bao gồm các nhân vật ngân hàng cấp cao. Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid, người sẽ cùng với Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond giữ chức Đồng Chủ tịch lực lượng đặc nhiệm. Lực lượng này sẽ xem xét những nguồn lực cần thiết để xử lý các hành vi phạm tội như hối lộ và rửa tiền. Năm ngoái, Anh đã đưa ra các quy định về tài sản không giải thích được để giải quyết số tiền bị nghi ngờ tham nhũng bằng cách đóng băng và tịch thu chúng. Vương quốc Anh đang dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống lại nguồn tài chính bất hợp pháp. 
 
    Báo Lao Động (17-01) đưa tin, Trùm ma túy Joaquin "El Chapo" Guzman được cho là đã đút lót 100 triệu USD cho cựu Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, một cấp dưới của Guzman cho biết tại phiên điều trần trước tòa án Mỹ ngày 15-1. Alex Cifuentes, người từng được coi là cánh tay phải của trùm ma túy El Chapo Guzman một thời, cho biết trước tòa án Brooklyn, Mỹ rằng, ông Pena Nieto đã chủ động tiếp cận El Chapo trước và yêu cầu một khoản tiền lên đến 250 triệu USD. Vụ đút lót được thực hiện vào tháng 10-2012 sau khi ông Pena Nieto đắc cử tổng thống và được dàn xếp với số tiền 100 triệu USD. Hiện ông Pena Nieto và người phát ngôn của ông chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về cáo buộc trên.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    -  Tổng kết công tác Công an phòng ngừa, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch năm 2018;
 
    - Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2019;
 
    - Ủy ban Kiểm tra Trung ương Thông báo Kỳ họp 33;
 
    - Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực;
 
    - Khởi tố, bắt giam nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG