Ban Nội chính Trung ương

Điểm báo tuần số 368 từ ngày 18/5 đến ngày 23/5 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Kiểm Toán, Khoa học và Đời sống, Thời báo Tài Chính, Xây Dựng, Công Thương, Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (19/5) đồng loạt đưa tin về Hội nghị trực tuyến toàn quốc, công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2019. Theo kết quả Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu và đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số này là Bộ Giao thông vận tải. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính  năm 2019 của các tỉnh thì Quảng Ninh đứng đầu cả nước, cuối cùng là tỉnh Bến Tre. Về Chỉ số SIPAS 2019, ba tỉnh đứng đầu là Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau; ba tỉnh có chỉ số hài lòng thấp nhất là Bình Thuận, Đắk Lắk, Cao Bằng. Chỉ số SIPAS 2019 nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước (CQHCNN) dựa trên ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức. Thông qua đó, các CQHCNN nắm bắt được cảm nhận, yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức. Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương (BNĐP), nhất là Bộ Nội vụ trong việc triển khai xác định PAR INDEX và SIPAS năm 2019. Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Đó là, một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa coi công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; lãnh đạo một số nơi chưa thể hiện vai trò trách nhiệm người đứng đầu; còn tình trạng giải quyết hồ sơ chậm muộn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp... để nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian qua, nhằm xây dựng và kiến tạo Chính phủ cho một giai đoạn cải cách mới, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu đẩy mạnh rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; tiếp tục hoàn hiện hệ thống thông tin một cửa điện tử; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, gắn với phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh tra, Tiền Phong, Nhà báo và Công luận, Tài nguyên và Môi trường, Giao Thông, Xây Dựng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (20/5) phản ánh các nội dung của Kỳ họp thức 9, Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo bổ sung về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 và tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Quốc hội cũng xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, nhiều dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 06 dự án luật khác; xem xét, phê chuẩn 03 điều ước quốc tế gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét một số nội dung quan trọng khác. Ngoài ra, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, nhất là Chính phủ, các bộ, ngành đang tập trung tối đa cho công tác phòng, chống dịch Covid - 19, khôi phục sản xuất kinh doanh, thay vì chất vấn trực tiếp tại phiên họp toàn thể như thông lệ, các vị đại biểu Quốc hội sẽ gửi chất vấn bằng văn bản đến các thành viên Chính phủ, các vị Trưởng ngành về những vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Các văn bản chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tổng hợp để báo cáo Quốc hội. Theo chương trình Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tổ chức theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung và chia làm 2 đợt. Đợt 1: Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/5 đến ngày 29/5/2020); Đợt 2: Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tại Thủ đô Hà Nội (từ ngày 08/6 đến ngày 18/6/2020).

    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Hải quan, Thời báo Tài Chính, Sức khỏe và Cộng đồng, Biên Phòng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, An ninh Thủ đô, Đài THVN, Đài TNVN (20/5) cho biết, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) làm việc với Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình yêu cầu thủ trưởng các lực lượng chức năng, Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra công khai, thường xuyên trên địa bàn. Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đánh giá những hạn chế trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xác định rõ nguyên nhân, từ đó đề ra giải pháp khắc phục; chú trọng công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức; xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; tăng cường phối hợp lực lượng chức năng các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới để ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về Hà Nội tiêu thụ, phân phối; xác lập các chuyên án triệt phá các tụ điểm tàng trữ, tập kết, trung chuyển hàng nhập lậu, hàng giả trên địa bàn thành phố…
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Bảo vệ pháp luật, Công an nhân dân, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Hải quan, Nông nghiệp, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sức khỏe và Cộng đồng, An ninh Thủ đô, Tuổi trẻ, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (18/5) đồng loạt phản ánh về phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cùng 7 bị cáo về tội "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Cáo trạng nêu rõ bị cáo Hiến đã không kiểm tra, tin tưởng vào cấp dưới nên đã ký, phê duyệt các văn bản để đưa 3 khu đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định của Bộ Quốc phòng, của Chính phủ và Luật Đất đai năm 2003... Việc này dẫn đến Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước 939 tỷ đồng. Sau 4 ngày xét xử, Hội đồng xét xử - Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân đã ra phán quyết với cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến và 7 bị cáo khác. Theo đó, đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hiến 4 năm tù. Các bị cáo còn lại lĩnh án từ 04 năm tù đến 20 năm tù
 
    Báo Nhân Dân, Công lý, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Giao Thông, Tuổi Trẻ, Người lao động, VnExpress (18/5) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tuyên án 08 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho. Các mức từ 03 năm tù treo đến 05 năm 06 tháng tù về các tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, từ năm 2014-2016, trong thời gian Phan Văn Hoàng cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho, cựu Giám đốc Công ty Công trình đô thị Mỹ Tho đã chỉ đạo nhân viên điều chỉnh giảm doanh thu phí vệ sinh cung cấp cho Phòng Quản lý đô thị TP Mỹ Tho để thanh quyết toán khối lượng rác nhiều hơn thực tế đã làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 3,7 tỷ đồng.
 
    Báo Thanh Hóa, Nhân Dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Công lý, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Giáo dục và Thời đại, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tài nguyên và Môi trường, Xây Dựng, Thanh Niên, VnExpress (19/5) thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Văn Dương, Bí thư Đảng ủy xã và Lê Minh Thương, là cán bộ địa chính xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân, về hành vi “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Theo hồ sơ vụ án, trong giai đoạn năm 2007-2009, Lê Văn Dương, với vai trò là Chủ tịch UBND xã Xuân Dương đã bàn bạc, thống nhất với một số cán bộ xã bán trái thẩm quyền hơn 1,6 héc ta đất lấy số tiền hơn 674 triệu đồng. Sau hơn 10 năm, số tiền bán đất thì không được nộp vào Kho bạc Nhà nước để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Chính quyền xã đã tự ý chi tiêu số tiền trên, dẫn đến việc nhiều người dân trên địa bàn xã Xuân Dương có đơn khiếu kiện tập thể gửi đến chính quyền. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Giao Thông, Khoa học và Đời sống, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (21/5) đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 12 bị can trong vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và một số đơn vị liên quan. Trong số các bị can có Trần Lục Lang  và Đoàn Ánh Sáng, đều nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV và Kiều Đình Hòa, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV - chi nhánh Hà Tĩnh. Theo nội dung cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2016, lợi dụng chức trách được giao, Trần Bắc Hà đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV – chi nhánh Hà Tĩnh, chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà (là công ty "sân sau" của Trần Bắc Hà) và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền 1.672 tỷ đồng. Trong vụ án này, bị can Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV) được xác định giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Tuy nhiên, trong quá trình bị giam giữ, Trần Bắc Hà đã chết trong trại giam vì bệnh tật. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan công an đình chỉ bị can đối với Trần Bắc Hà.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Thanh tra, Công lý, Nhà báo và Công luận, Giao Thông, Sức khỏe và Cộng đồng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, An ninh Thủ đô, Dân trí, VnExpress, Đài TNVN, TTXVN (21/5) nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Kim Liên, cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng 3 - Thanh tra Bộ Xây dựng với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Bà Liên là một trong 6 thành viên Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang nhận hối lộ của một số cá nhân, đơn vị tại huyện Vĩnh Tường vào tháng 6/2019. Tuy nhiên sau đó bà và hai thành viên được thả. Lãnh đạo Viện Kiểm sát tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đã phê chuẩn các quyết định tố tụng với bà Liên và giải thích việc bắt bà Liên sau gần một năm điều tra do gần đây mới đủ chứng cứ.
 
    Báo Sơn La, Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam,  Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công an nhân dân, Đời sống và Pháp luật, Công lý, Tiền Phong, Giáo Dục, Giao Thông,  Sức khỏe và Cộng đồng, Thanh Niên, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (215) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La mở phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia của 12 bị cáo. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La cáo buộc, tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tổ chức tại Sơn La, 12 người vì động cơ vụ lợi và lợi dụng chức vụ đã cùng nhau nhận thông tin, tác động nâng điểm cho 44 thí sinh. Trong đó, bị cáo Trần Xuân Yến, cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, với vai trò Phó Trưởng ban Chỉ đạo thi Trung học Phổ thông quốc gia, đã nhận thông tin của 13 thí sinh để giúp nâng điểm. Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La thực hiện để nhận 1,04 tỷ đồng để nâng điểm cho 4 thí sinh. Bị cáo Lò Văn Huynh, nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã nhận 1,3 tỷ đồng để nâng điểm cho 03 thí sinh. Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn, nguyên Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La nhận nâng điểm cho 01 thí sinh với giá 440 triệu đồng…
 
    Báo Nhân Dân, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (22/5) dẫn nguồn tin từ Công an huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với ba đối tượng là: Hoàng Văn Hòa, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, thương mại Hợp Tiến; Hoàng Văn Chắt và Lỗ Văn Xuân, nhân viên quản lý bảo vệ rừng, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, thương mại Hợp Tiến về hành vi “Nhận hối lộ”. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện có việc đưa và nhận tiền giữa nhân viên quản lý bảo vệ rừng, lãnh đạo đơn vị chủ rừng và chủ phương tiện cơ giới nhằm thỏa thuận cho đưa máy cơ giới vào rừng để múc mương, ao hồ, hủy hoại đất lâm nghiệp. 3 đối tượng trên đã nhận 03 triệu đồng của chủ phương tiện, thỏa thuận không lập biên bản xử lý và trả phương tiện.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (19/5) cho biết, Chính phủ Pakistan quyết định đình chỉ đối với Thị trưởng Islamabad đối với ông Sheikh Anser Aziz vì các cáo buộc tham nhũng. Ông Sheikh Anser bị cáo buộc chiếm dụng công quỹ bằng cách trao hợp đồng dịch vụ xe buýt liên thành phố cho một công ty mà ông đã "chấm" trước. Tại cuộc họp quan trọng của Hội đồng Chính quyền địa phương đã được tổ chức dưới sự chủ trì của trợ lý đặc biệt của Thủ tướng. Ông Syeda Shafaq, thành viên lãnh đạo thành phố Islamabad đã trình bày một tài liệu chống lại Thị trưởng Sheikh Anser Aziz cho thấy khoản tham nhũng 40 triệu Rupee liên quan đến các bến vận chuyển liên tỉnh.
 
    Đài Truyền hình Việt Nam (21/5) đưa tin, Cảnh sát Bolivia đã bắt giữ 4 quan chức y tế, trong đó có ông Marcelo Navajas, Bộ trưởng Bộ Y tế để tiến hành điều tra tham nhũng. Để chống đại dịch Covid-19, Bolivia đã đặt mua của Tây Ban Nha 179 máy thở với số tiền lên tới gần 5 triệu USD. Các nhân vật trên bị cáo buộc nâng khống giá trị mỗi chiếc máy thở từ khoảng 10.000 USD lên trên 27.000 USD. Vụ bê bối nâng giá máy thở bị phanh phui vào cuối tuần trước, sau khi các bác sĩ Bolivia phàn nàn rằng các máy thở mua từ Tây Ban Nha không đáp ứng tiêu chuẩn để sử dụng tại các phòng chăm sóc tích cực ở nước này.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Khai mạc Kỳ họp thức 9, Quốc hội khóa XIV.
 
    - Công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2019.
 
    - Phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến.
 
    - Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La mở phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018.
 
    - Xét xử cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG