Ban Nội chính Trung ương

Điểm báo tuần số 395 từ ngày 23/11 đến ngày 29/11 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Sức khỏe và Đời sống, Xây Dựng, Nông nghiệp, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN (24/11) đồng loạt đăng tải nội dung Hội nghị về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Trong giai đoạn 2016-2020, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng được hoàn thiện; công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các cơ quan chức năng đã tập trung thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, nhiều văn bản được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện để phù hợp với tình hình mới, nhất là để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Các văn bản đều được đánh giá về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trước khi ban hành. Tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật từng bước được nâng lên. Công tác xây dựng pháp luật đã được đổi mới...Công tác thi hành pháp luật đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những thành quả bước đầu. Cuộc chiến chống tham nhũng thu được nhiều thành tựu nổi bật. Việc kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc về tham nhũng kinh tế đồng bộ, hiệu quả, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm, có sức cảnh báo, răn đe mạnh mẽ, siết chặt kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước. Việc này khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai"... Theo chương trình, tại hội nghị lần này, Chính phủ sẽ nghe thảo luận về các vấn đề: Công tác thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật; công tác phối hợp trong xây dựng pháp luật; hoàn thiện và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ...
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Xây Dựng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (25/11) đưa tin, Ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng quốc gia đã ra mắt và họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo. Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã đánh giá về tình hình an toàn, an ninh mạng; cho ý kiến về Chương trình công tác năm 2020 và năm 2021 của Ban Chỉ đạo và cả giai đoạn 5 năm tiếp theo và một số vấn đề trọng tâm khác. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ Công an với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn, an ninh mạng, nhất là khi chúng ta đang tiến tới tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026;  yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thành lập tiểu ban an toàn, an ninh mạng tại địa phương. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay để giải quyết các yêu cầu đặt ra trong tình hình hiện nay.Ban Chỉ đạo đã đánh giá về tình hình an toàn, an ninh mạng do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình là Phó Trưởng ban Thường trực; các Phó Trưởng ban là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Xây Dựng, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (26/11) phản ánh nội dung Phiên họp thứ 5 của Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XIII của Đảng. Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XIII của Đảng chủ trì phiên họp. Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe và thảo luận về công tác bảo đảm an ninh trật tự và phương án y tế công tác tuyên truyền đưa tin về phục vụ Đại hội XIII, cũng như một số nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị Đại hội. Kết luận phiên họp, đồng chí Trần Quốc Vượng hoan nghênh các cơ quan đơn vị đã cố gắng triển khai thực hiện các công việc được phân công đảm bảo đúng tiến độ. Đồng thời đề nghị các cơ quan sớm tiếp thu ý kiến góp ý của Tiểu ban tại cuộc họp, sớm hoàn thiện các đề án và nội dung công việc được giao để phục vụ Đại hội XIII của Đảng kịp thời, chất lượng và hiệu quả. Đồng chí Trần Quốc Vương cũng đề nghị các cơ quan có liên quan gấp rút triển khai các công việc còn lại, tăng cường rà soát, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ được phân công bảo đảm không để bị động, chậm việc, sót việc, chuẩn bị phục vụ an toàn, chu đáo Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
 
    Báo Điện tử Chính Phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Công lý, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, An ninh Thủ đô, Nhà báo và Công luận, Thời báo Tài Chính, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (27/11) cho biết, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14 (AMMTC 14) với chủ đề “ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia” dưới hình thức trực tuyến. Phát biểu ý kiến chào mừng hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, từ đầu năm 2020, các nước ASEAN đã trải qua những thời khắc khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cũng như nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản bởi thiên tai, bão lũ, hạn hán gay gắt;vừa chống dịch Covid-19, nhưng các nước cũng đối mặt với một "kẻ thù nguy hiểm" khác, đó là tội phạm xuyên quốc gia ngày càng gia tăng với hình thức, thủ đoạn tinh vi mới; khi các biện pháp chống dịch, làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp… góp phần làm phát sinh các loại tội phạm, nhất là tội phạm lợi dụng không gian mạng. Thực tế này đòi hỏi các nước ASEAN, đặc biệt là các cơ quan thực thi pháp luật cần phải tìm ra các giải pháp, phương hướng phòng, chống tội phạm trong tình hình mới… Thủ tướng đề nghị các nước tăng cường xây dựng lòng tin, trao đổi thông tin cấp cao giữa cơ quan thực thi pháp luật các nước ASEAN, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng lãnh thổ nước này chống lại nước kia. Cuối cùng, các nước cần tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác, tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các nước ASEAN trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho công dân ASEAN và ngăn chặn các bất ổn xã hội gây ra bởi tác động của đại dịch Covid-19.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong,  Sức khỏe và Đời sống, Xây Dựng, Nông nghiệp, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN (24/11) đồng loạt phản ánh các nội dung Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ đại hội XII của Đảng. Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác kiểm tra, giám sát và phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí, tiêu cực trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đã có những bước tiến mới, có kết quả rõ rệt, đột phá, đã góp phần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao uy tín của Đảng. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn. Bởi vì, tình hình còn có những diễn biến phức tạp, khó lường; công tác kiểm tra, giám sát còn không ít hạn chế, khuyết điểm; thực trạng hiện nay, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên còn có nguy cơ gia tăng về số lượng, phức tạp và nghiêm trọng hơn về mức độ, tính chất, quy mô và tinh vi... Các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, "lợi ích nhóm", "bệnh thành tích", "tư duy nhiệm kỳ", "lạm quyền", "lộng quyền", vi phạm nguyên tắc tổ chức đảng đang còn nghiêm trọng. Do vậy, công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng cần phải được tiến hành mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục, hiệu quả cao hơn nữa, không được tự thoả mãn, bằng lòng với những kết quả đã đạt được… Các cơ quan kiểm tra cùng với các cơ quan nội chính, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử phải thật sự là những "thanh bảo kiếm" sắc bén, có phẩm chất đạo đức trong sáng, trong sạch, chí công vô tư, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân. Cán bộ kiểm tra phải là những chiến sĩ kiên cường, có bản lĩnh, nắm chắc các cơ chế, chính sách, Điều lệ Đảng, các quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước; đặc biệt phải có dũng khí đấu tranh, chính trực và hơn ai hết phải liêm, phải sạch. Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác. Phải chống tiêu cực ngay trong các cơ quan và cá nhân những người làm công tác chống tiêu cực. Phải không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức; luôn phấn đấu, rèn luyện tác phong công tác, không kiêu ngạo, không say sưa với thành tích, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tâm huyết, kiên quyết và trách nhiệm cao trong nghề nghiệp; phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và công tác, thực sự công tâm, khách quan, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. 
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Công Thương, Thanh Niên, VietnamNet (28/11) cho biết,  Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự (THADS) năm 2021. Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, trong 12 tháng (01/10/2019 đến 30/9/2020), các cơ quan THADS 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thi hành 885.839 việc. Trong đó, có điều kiện thi thành án là 708.680 việc, chiếm 80% tổng số phải thi hành; số chưa có điều kiện thi hành án (trừ số đã chuyển sổ theo dõi riêng) là 168.284 việc, chiếm 19%. Số việc chuyển kỳ sau là 308.906 việc. Về tiền, tổng số giải quyết là hơn 291.837 tỷ đồng. Trong đó, thụ lý mới là hơn 117.763 tỷ đồng; số tiền năm 2019 chuyển sang là hơn 174.073 tỷ đồng. Tổng số tiền phải thi hành là hơn 261.620 tỷ đồng... Trong năm 2021, Bộ Tư pháp đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để không ngừng nâng cao công tác THADS, phòng ngừa vi phạm xảy ra. Tiếp tục rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về THADS và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm phát hiện các quy định chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp với thực tiễn theo yêu cầu. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả và xây dựng đội ngũ chấp hành viên, công chức làm công tác THADS thật sự liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VnExpress (23/11) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Phú Yên đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Lưu Bá Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại thị xã Đông Hòa. Bước đầu, Cơ quan điều tra xác định năm 2018-2019, các bị can đã hợp thức hóa đất của nhà nước thành đất ở, đứng tên cá nhân để được cơ quan chức năng cấp sổ đất ở đô thị đứng tên chính những cán bộ này hoặc một số người khác với tổng diện tích hơn 13.350 m2... Đến nay, trong vụ án sai phạm về quản lý đất đai tại  thị xã Đông Hòa, Cơ quan điều tra đã khởi tố tổng cộng 22 bị can.
 
    Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tài nguyên và Môi trường, Giao Thông, TTXVN (24/11) cho biết, Công an huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã khởi tố bị can Bàn Phụ Vảng, nguyên là công chức lao động, thương binh và xã hội xã Phan Thanh về tội “Tham ô tài sản”. Từ năm 2013 đến tháng 7/2020, Bàn Phụ Vảng thực hiện nhiệm vụ chi trả trợ cấp cho người hưởng chính sách lao động thương binh và xã hội trong xã. Trong đó, có việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng theo nghị định 136/2013/NĐ-CP: Người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu thuộc hộ nghèo, người khuyết tật nặng, trẻ mồ côi...Theo điều tra của Công an, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Vảng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền trợ cấp hằng tháng của các đối tượng kể trên. Cụ thể, Bàn Phụ Vảng đã chiếm đoạt hơn 232,7 triệu đồng tiền bảo trợ của 36 người, trong đó, có 29 người bị đối tượng Vảng chiếm đoạt toàn bộ tiền truy lĩnh, tiền trợ cấp.
 
    Báo Bình Thuận, Lao Động, Đại đoàn kết, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, Giao Thông, Nông nghiệp, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, An ninh Thủ đô, VnExpress, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (24/11) dẫn nguồn tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, đã tạm đình chỉ chức vụ Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Bình Thuân đối với ông Nguyễn Quang Thời là người có sai phạm liên quan trong vụ án “ Tham ô tài sản” xảy ra tại Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết. Theo kết quả điều tra, từ tháng 11/2013 đến tháng 9/2017, ông Thời giữ chức Giám đốc Bệnh viện thành phố Phan Thiết và Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế Phan Thiết, nhưng đã thiếu trách nhiệm dẫn tới việc Nguyễn Duy Hiển, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế toán của Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết lợi dụng lập khống các hồ sơ chi lương, chi tiền ốm đau, thai sản, chi thu nhập tăng thêm… để chiếm đoạt số tiền hơn 5,4 tỷ đồng. Quá trình truy xét, bị cáo Nguyễn Duy Hiển khai ra một số tình tiết mới liên quan tới ông Nguyễn Quang Thời. Vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng, làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công an nhân dân, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Sức khỏe và Đời sống, Giao Thông, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (25/11) cho biết, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố các bị can là cán bộ Trường Đại học Đông Đô về tội danh “giả mạo trong công tác”. Kết luận vụ án nêu rõ, Trần Khắc Hùng, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Đô và đồng phạm đã lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý việc tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2 và lợi dụng chính sách tự chủ giáo dục đại học để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vào thời điểm khởi tố, bị can Hùng bỏ trốn nên hiện đang bị truy nã. Cơ quan An ninh điều tra đã tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Trần Khắc Hùng, khi bắt được sẽ xử lý sau. Ngoài bị can Hùng, có 10 bị can khác trong vụ án này được xác định giữ vai trò đồng phạm, giúp sức để thực hiện việc cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy giả cho các cá nhân, không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng để hưởng lợi. Hiện vụ việc đang được điều tra làm rõ.
    
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Sức khỏe và Đời sống, Xây Dựng, Nông nghiệp, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN (26/11) cho biết, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũngđể thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 17 đến nay và một số nội dung quan trọng khác.Tại cuộc họp, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những kết quả mà Ban chỉ đạo làm được trong thời gian qua đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu năm 2020 sắp kết thúc, đối với 1 số vụ án, vụ việc đã trong kế hoạch thì phải tập trung tháo gỡ, đưa ra xét xử sớm. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị các cấp cùng với việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế theo kế hoạch. Về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng tổng kết là để rút ra bài học kinh nhiệm từ quan điểm, tư tưởng, phương pháp, sự phối hợp, đồng thuận của nhân dân trên dưới một lòng, quyết tâm làm tốt hơn nữa công tác phòng chống tham những trong thời gian tới.
 
    Báo Thanh Hóa, Đại đoàn kết, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Tiền Phong, Công an TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, Dân trí, TTXVN (27/11) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử sơ thẩm 5 bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Các bị cáo, gồm: Vi Du Lịch, nguyên Trưởng khoa Nam 1; Phan Văn Giỏi, nguyên Trưởng khoa Nam 2; Đinh Thị Thu Hồng, nguyên Trưởng khoa Nữ; Phạm Thị Nhung và Phạm Thị Phương, đều nguyên là điều dưỡng viên bệnh viên. Theo cáo trạng, từ 2017 đến năm 2019 các bị cáo đã cấu kết với các điều dưỡng, nhân viên của các khoa thu gom thuốc điều trị thừa hoặc thuốc bệnh nhân không uống. Sau đó điều chỉnh y lệnh sinh ra thừa thuốc và không làm thủ tục trả lại cho bệnh viện, mà câu kết với các điều dưỡng trong khoa đem ra ngoài bán lấy tiền chia nhau. Số tiền các bị cáo gây thất thoát cho Nhà nước  là hơn 1,6 tỷ đồng.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (27/11) đưa tin, Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Ðảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu về tình hình, kết quả bước đầu thực hiện công tác PCTN năm 2020 tại tỉnh. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Công tác PCTN luôn được Ðảng xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ. Ðại hội XII của Ðảng đã nhấn mạnh, đấu tranh PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và của cả hệ thống chính trị. Ðáng lưu ý, từ Ðại hội XII của Ðảng đến nay, nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử nghiêm minh, không có vùng cấm. Ðối với tỉnh Bạc Liêu, đồng chí Trần Thanh Mẫn yêu cầu Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh cần thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, thanh tra và tự kiểm tra, giám sát; nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng ngăn chặn tình trạng "tham nhũng vặt", hạn chế hiện tượng lãng phí. Các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan báo chí trong tỉnh phải cùng vào cuộc để đẩy mạnh tuyên truyền nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, người dân trong tham gia PCTN, lãng phí.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Thanh tra, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Hà Nội mới, Thanh Niên, Đài TNVN, TTXVN (29/11) cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Hội thảo khoa học “Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013- 2020”. Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội thảo. Tại Hội thảo, các tham luận tập trung làm rõ những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, gắn với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng từ khi thành lập đến nay; chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của tình trạng tham nhũng trong thời gian qua. Các tham luận cũng phân tích, đánh giá, rút ra những vấn đề mang tính lý luận và những yêu cầu thực tiễn đặt ra trong công tác phòng, chống tham nhũng. Từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp vừa có tính đột phá, vừa toàn diện, căn bản, lâu dài không chỉ cho nhiệm kỳ Đại hội 13 mà còn cho cả chặng đường dài cam go quyết liệt của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Kết luận Hội thảo, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, tham nhũng tồn tại ở hầu hết các quốc gia chứ không phải chỉ có Việt Nam. Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là sản phẩm của sự tha hóa quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì vậy, phòng chống tham nhũng được Đảng xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên vừa khó khăn, phức tạp, vừa cấp bách lâu dài, phải được tiến hành ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, thực hiện đồng bộ, các giải pháp và phải thực hiện kiên quyết, kiên trì có trọng tâm, trọng điểm và không ngoại lệ. Đồng chí cho biết: "Phòng, chống tham nhũng phải gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn phòng, chống tham nhũng với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tham nhũng. Phải tăng cường kiểm soát, giám sát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Với yêu cầu mọi quyền lực phải được kiểm soát bằng cơ chế, phải được ràng buộc trách nhiệm, quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn, lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm".
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (25/11) cho biết, Hội nghị Quốc tế Chống tham nhũng (IACC) lần thứ 19 sẽ được tổ chức từ ngày 30/11 đến ngày 5/12/2020, với chủ đề “Mục tiêu 2030: Lẽ phải, trách nhiệm và minh bạch”. IACC là diễn đàn toàn cầu lớn nhất quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực của họ để hợp tác trong cuộc chiến chống tham nhũng. Trước bối cảnh đại dịch COVID-19, lần đầu tiên IACC sẽ diễn ra trực tuyến. Hội nghị năm nay do Ủy ban Chống Tham nhũng và Dân quyền Hàn Quốc cùng với Hội đồng IACC và Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) chủ trì và tổ chức.IACC 2020 hứa hẹn sẽ là một sự kiện có một không hai với sự tham gia của hơn 500 diễn giả là chuyên gia từ các lĩnh vực đa dạng như: Báo chí, kinh doanh, nghệ thuật và hoạt động xã hội. Trong khuôn khổ hội nghị sẽ có hơn 100 hội thảo và 6 phiên họp toàn thể, tất cả đều có sự góp mặt của những người cam kết tăng cường nỗ lực cho cuộc chiến chống tham nhũng trên toàn cầu.
 
    Đài Tiếng nói Việt Nam (28/11) đưa tin, sau 03 ngày bị bắt để điều tra về nghi án tham nhũng, ông Edhy Prabowo, Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesiađã nộp đơn xin từ chức lên Tổng thống Joko Widodo. Ông Edhy Prabowo đã bị cơ quan chống tham nhũng nước này bắt để điều tra nghi án tham nhũng liên quan xuất khẩu giống tôm hùm.Ông Edhy bị nghi ngờ nhận hối lộ khoảng 3,4 tỷ Rupiah và 100.000 USD từ Công ty xuất khẩu Aero Citra Kargo. Trước tình hình trên, ngày hôm qua, Bộ Biển và Nghề cá Indonesia đã quyết định tạm ngừng xuất khẩu tôm hùm giống vốn đang đạt đà tăng trưởng cao trong những tháng vừa qua.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
    - Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
    - Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ đại hội XII của Đảng.
    - Hội nghị về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. 
    - Khởi tố bị can đối với ông Lưu Bá Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
    - Truy tố Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Đô và đồng phạm về tội danh “giả mạo trong công tác”. 
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG