Nghiên cứu - Trao đổi

Đóng góp của đồng chí Võ Chí Công trong công tác lập hiến, lập pháp, giám sát

Đồng chí Võ Chí Công được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (HĐNN) tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII. Trên cương vị người đứng đầu cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng cho sự đổi mới hoạt động của HĐNN và Quốc hội, đặc biệt là trong công tác lập hiến, lập pháp và giám sát, cùng HĐNN thực hiện tốt nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, xứng đáng với sự tin cậy và lòng mong mỏi của nhân dân.

Tạo hành lang pháp lý thực hiện đường lối đổi mới

Phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công khẳng định: “Là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội trong giai đoạn bước ngoặt mới của đất nước, HĐNN có trách nhiệm to lớn góp phần đẩy mạnh quá trình đổi mới cách nghĩ, cách làm một cách sâu sắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước”. Đồng chí nêu rõ: “Trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng “lấy dân làm gốc”, thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cần đảm bảo cho Quốc hội và HĐNN thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo Hiến pháp và luật định, nhằm góp phần tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, xây dựng và thực hiện quyền làm chủ Nhà nước của nhân dân lao động, khẩn trương và kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thành pháp luật và các chính sách, quy định phù hợp, đổi mới toàn diện cơ chế quản lý kinh tế, thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn”. 

Đóng góp của đồng chí Võ Chí Công trong công tác lập hiến, lập pháp, giám sát

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ký lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, tại Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu 

Để thực hiện được điều đó, thay mặt HĐNN, đồng chí đã hướng trọng tâm công tác của Quốc hội, HĐNN vào việc thực hiện hai chức năng chủ yếu là lập pháp và giám sát, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện thắng lợi đường lối và chủ trương của Đảng; không ngừng cải tiến cách làm việc và nâng cao chất lượng các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp của HĐNN, tăng cường hiệu lực giám sát của Quốc hội và HĐNN đối với việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, việc thực hiện kế hoạch nhà nước, ngân sách nhà nước.

Công tác lập hiến, lập pháp trong giai đoạn này rất quan trọng để tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ VI. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Chí Công, HĐNN đã chủ động kiến nghị với Quốc hội về chương trình xây dựng pháp luật. HĐNN kiểm tra công tác chuẩn bị, xem xét nội dung các dự án luật bảo đảm chất lượng mới trình Quốc hội. Bởi vậy, mỗi kỳ họp của HĐNN, các cơ quan trình dự án luật và các ủy ban của Quốc hội báo cáo nội dung các dự án luật để tập thể HĐNN thảo luận dân chủ rồi trình ra Quốc hội quyết định theo đa số. Điểm mới trong công tác xây dựng pháp luật thời kỳ này là HĐNN đã tạo điều kiện để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc các cấp tham gia vào quá trình đóng góp ý kiến đối với nhiều dự án luật, cụ thể như việc tổ chức lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng các dự án luật về thuế...

Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp năm 1980, đồng chí Võ Chí Công đã nhấn mạnh yêu cầu: Hiến pháp mới “phải thể hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, đẩy mạnh đổi mới về kinh tế và chính trị. Phải thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ Hiến pháp cơ chế nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Đảng lãnh đạo. Phải xác định đúng đắn vai trò quản lý nhà nước. Bộ máy nhà nước phải đổi mới, hệ thống hành chính phải được cải cách phù hợp với điều kiện của nước ta, phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế mới, đồng thời tiếp thu và vận dụng kinh nghiệm của các nước trên thế giới”. Được chuẩn bị công phu, khoa học, kỹ lưỡng, trên cơ sở tổng hợp đầy đủ ý kiến của các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các chuyên gia và kết quả trưng cầu ý kiến nhân dân, bản Hiến pháp mới đã được Quốc hội khóa VIII thông qua tại Kỳ họp thứ 11 với 100% đại biểu tán thành. Hiến pháp năm 1992 là sản phẩm trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước trong tiến trình đổi mới; đánh dấu mốc lịch sử quan trọng về sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước ta, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật quản lý mọi mặt đất nước, bảo đảm sự ổn định chính trị để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn mới. Đồng chí Võ Chí Công đã thể hiện trách nhiệm và có đóng góp to lớn trong công tác xây dựng, ban hành Hiến pháp năm 1992.

Tập trung giám sát những vấn đề cần quan tâm

Đồng chí Võ Chí Công đã chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐNN. Hằng năm, HĐNN đều đưa ra quyết định chương trình kiểm tra, giám sát các vấn đề về kinh tế-đời sống, về thi hành pháp luật và cử các đoàn của HĐNN đi kiểm tra tại các bộ, ngành và địa phương; phân công trách nhiệm cho Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội có liên quan để tổ chức khảo sát, xem xét, có kiến nghị và báo cáo bằng văn bản cho HĐNN về vấn đề được giao giám sát. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, việc triển khai thực hiện chương trình giám sát tập trung chủ yếu ở hai hình thức: Cử các đoàn công tác giám sát tình hình thi hành pháp luật tại các bộ, ngành và địa phương; xem xét các vấn đề cần giám sát tại các phiên họp HĐNN.

Đối với việc giám sát tình hình thi hành pháp luật và việc thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương, đồng chí đã phân công cụ thể cho các lãnh đạo Quốc hội và một số ủy viên HĐNN dẫn đầu đoàn công tác. Các đoàn giám sát sau khi kiểm tra đều gửi bản báo cáo kết quả về HĐNN để rút ra những kiến nghị cần thiết gửi đến cơ quan chức năng, kịp thời khắc phục những sai sót. Năm 1988, trước tình hình tranh chấp đất đai phức tạp diễn ra ở hai tỉnh Đắc Lắc và Gia Lai-Kon Tum, đồng chí đã trực tiếp đến thăm, nghe báo cáo và giao cho hai tỉnh chủ trì họp với các bộ liên quan, các nông-lâm trường để xử lý từng vấn đề cụ thể theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị.

Đối với việc giám sát tình hình thực hiện kế hoạch, ngân sách nhà nước, đồng chí đã thay mặt HĐNN giao cho Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và HĐNN xem xét, kiểm tra tại một số ngành, địa phương về vấn đề kinh tế-xã hội; tình hình cân đối lương thực và tình trạng thiếu đói của nông dân một số tỉnh trong lúc giáp hạt, đời sống của cán bộ, công nhân viên, tình hình giá cả tăng đột biến, việc cân đối vật tư, cân đối ngoại tệ... Công tác giám sát đối với hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng được đồng chí đặc biệt chú trọng.

Trong giai đoạn này, HĐNN đã thực hiện giám sát theo chương trình đã định, tập trung vào một số địa phương và những ngành quan trọng, xem xét những vấn đề cần quan tâm; vừa nghe báo cáo tình hình, vừa cử đoàn kiểm tra tại chỗ. Căn cứ vào kết quả giám sát trong chương trình, HĐNN đều có văn bản kết luận, chỉ ra những việc cần giải quyết, đưa ra những kiến nghị cụ thể với Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng và các ngành, đoàn thể, cơ quan hữu quan.

Trong nhiệm kỳ khóa VIII, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Chí Công, HĐNN đã hướng trọng tâm hoạt động của mình vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và HĐNN. Đã tiến hành 65 phiên họp thường lệ, bảo đảm mỗi tháng một phiên, có tháng họp hai phiên, thực hiện tương đối đúng chương trình lập pháp và giám sát đã đề ra hằng tháng, hằng năm. Trong quá trình hoạt động, đồng chí đã quan tâm đổi mới cách làm việc như ban hành “Một số quy định về chế độ làm việc và quan hệ công tác của HĐNN” nhằm tăng cường mối quan hệ giữa HĐNN với Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cũng như giữa HĐNN với Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội; tăng cường hoạt động đối ngoại giai đoạn 1987-1992. 

PHẠM THÁI HÀ, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội