Nghiên cứu - Trao đổi

Giải cứu con sông dài nhất Lebanon khỏi tham nhũng

(Thanh tra) - Thủ phạm khiến sông Litani - con sông dài nhất Lebanon - phải oằn mình trong ô nhiễm, không ai khác, là tham nhũng.

Giải cứu con sông dài nhất Lebanon khỏi tham nhũng

Ảnh: Lebanese Transparency Association

Câu chuyện của sông Litani

Nhiều năm qua, người dân ở các thị trấn gần sông Litani đã phải sống trong khốn khổ. Nếu như trước đây, ung thư là rất hiếm, thì nay, căn bệnh này trở nên phổ biến, đặc biệt là ở nhóm người trẻ tuổi.

Năm 2019, chỉ tính riêng Bar Elias - thị trấn 12.000 dân - đã có tới 600 trường hợp mắc ung thư. Cũng tại nơi đây, cứ 5 trường hợp tử vong thì có 3 người chết vì ung thư...

Đây cũng là vấn đề tương tự mà rất nhiều trong số 48 thị trấn khác và các trại tị nạn Syria nằm ở giáp sông Litani gặp phải.

Những ca bệnh ung thư có liên quan trực tiếp đến tình hình ô nhiễm nặng nề của sông Litani.
Nước thải chưa qua xử lý và chất thải từ gần 1.000 nhà máy, lò giết mổ và mỏ đá được xả vào Litani trong nhiều năm trước sự “làm ngơ” của chính quyền. Dòng nước bốc mùi hôi thối này vẫn được sử dụng để cung cấp nước ăn uống, sinh hoạt và tưới tiêu cây trồng…

Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh tới chính quyền các cấp, nhưng những lời hứa chỉ ở miệng các quan chức, hoặc nằm im lìm trên giấy… Có quá ít sự thay đổi. Trong khi, nhiều chủ sở hữu nhà máy đồng thời lại là những chính trị gia hoặc có mối liên kết, quan hệ lợi ích với những người giàu quyền lực. Con đường để tìm lại nguồn nước sạch cho dòng sông dài nhất Lebanon càng trở nên khó khăn…

Có nhiều thông tin tố cáo cho rằng, tham nhũng tồn tại ở đây. Trong đó, bao gồm hành vi hối lộ các quan chức để các vi phạm về môi trường được bỏ qua.

Trước tình hình ô nhiễm không có chiều hướng cải thiện, những người dân tuyệt vọng của Bar Elias đã tìm đến đầu mối của Tổ chức Minh bạch (TI) tại Lebanon là Hiệp hội Minh bạch Lebanon (LTA).

Người dân yêu cầu được LTA giúp đỡ trong việc khiến Chính phủ Lebanon giữ lời hứa, trả lại sự trong sạch cho sông Litani.

Tham nhũng - vấn đề lớn ở Lebanon

Một thực tế đáng buồn, câu chuyện của người dân Bar Elias chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mà LTA đã ghi nhận. Hiệp hội thường xuyên nhận được các báo cáo về hối lộ, tham nhũng của các quan chức đất nước, khiến người dân không được tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu, chất lượng cuộc sống bị đi xuống.

Tại Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) mới đây nhất nghiên cứu khu vực Trung Đông và Bắc Phi, hơn 6.600 ở 6 quốc gia đã chia sẻ về những trải nghiệm của họ về tham nhũng. 44% người dân cho rằng, quan chức Chính phủ tham nhũng, trong khi tỷ lệ này ở quan chức dịa phương là 35%. Ở Lebanon, con số này cao nhất khu vực, với tỷ lệ tương ứng là 68% và 46%.

Những thước phim để đấu tranh cho sự thay đổi

Năm 2018, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ pháp lý của LTA (ALAC) đã liên tiếp nhận được những khiếu nại, tố cáo về tình trạng ô nhiễm sông Litani và sự gia tăng bệnh tật khu vực gần đó. ALAC đã tìm ra phương pháp đấu tranh giúp người dân, đó là phải làm sao lột tả chính xác tình trạng ô nhiễm và tạo sức ép để chính quyền giữ lời hứa, giải quyết vấn đề ô nhiễm.

Sau khi liên lạc tới các cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết vụ việc, nhưng không đạt kết quả, ALAC đã hợp tác với các nhà báo điều tra để xác định nguồn gây ô nhiễm dọc sông Litani.

Họ đã thực hiện quay những thước phim ghi lại thực trạng nguồn nước từ đầu nguồn cho tới cửa sông, cho thấy những dòng chất thải đã được xả vào nguồn nước. Cùng với đó, kết hợp các cuộc khảo sát thực địa để xác định nguồn chất thải từ đâu, các bên phải chịu trách nhiệm về những hành vi gây ô nhiễm môi trường.

ALAC đã gửi văn bản yêu cầu được cung cấp thông tin để biết được chi tiết về nguồn ngân sách và các dự án đã được đưa ra để giải quyết cuộc khủng hoảng về môi trường ở Litani.

Theo danh sách các dự án đã được phê duyệt để xây dựng và cải thiện các nhà máy xử lý nước thải và hệ thống chất thải mà ALAC có, năm 2016, Chính phủ đã phân bổ 1.100 tỷ lira Lebanon (khoảng 728 triệu USD) để làm trong sạch sông Litani trong thời gian 5 năm tiếp đó. Nhưng trên thực tế, các dự án đã không được thực hiện.

Thúc giục hành động của cơ quan chức năng

Trên cơ sở các thước phim quay được, ALAC đã sản xuất một bộ phim tài liệu và đăng tải, lưu hành rộng rãi trên các phương tiện báo chí truyền thông. Sự thật này đã khiến dư luận vô cùng bức xúc, tạo nên sự phản đối dữ dội về tình trạng ô nhiễm môi trường tại sông Litani. Cơ quan quản lý quốc gia sông Litani cũng đã vào cuộc, đăng tải bộ phim trên truyền thông xã hội và có những hành động quyết liệt.

Họ đã gửi đi nhiều cảnh báo pháp lý đến các nhà máy và chính quyền thành phố về việc đổ chất thải và nước thải, đồng thời thông báo sự việc lên Văn phòng Công tố viên.

Tiếp đó, Văn phòng Công tố viên đã ban hành lệnh bắt giữ một số người phạm tội.

Kết quả bước đầu, 2 nhà máy lớn xử lý nước thải đã được đưa vào hoạt động. Màu nước sông Litani bắt đầu được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, cần cải tạo thêm các nhà máy xử lý và mạng lưới cống thoát nước thải theo đúng kế hoạch đã đề ra, xây dựng mới các trạm xử lý nước thải…

Việc giải cứu dòng sông dài nhất Lebanon vẫn tiếp tục đòi hỏi những hành động chính trị mạnh mẽ. Ở những thị trấn như Bar Elias, cuộc sống của người dân đang bị đe dọa.

Đội ngũ ALAC đang giám sát chặt chẽ để bảo đảm rằng, các khoản tiền được phân bổ để khôi phục sông Litani được sử dụng hợp lý, và các quan hệ chính trị, hối lộ không ngăn cản hoạt động làm trong sạch môi trường. ALAC cũng bảo đảm công tác truyền thông đưa tin đầy đủ, chính xác về tiến trình vụ việc.

GCB - khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã chỉ ra rằng, 39% người dân Lebanon tin tưởng những công dân bình thường có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng vốn đầy khó khăn, thách thức. Sự thay đổi của sắc màu dòng sông Litani ngày hôm nay là một minh chứng cho thấy họ đã đúng, cũng là sự khích lệ to lớn để có nhiều người hơn nữa lên tiếng, nhằm thúc đẩy sự thay đổi tích cực.

Hoài Phương/vnexpress.net