Công tác nội chính

Kiểm toán 'phát hiện nhiều sai phạm nhưng chuyển điều tra ít'

91 báo cáo kiểm toán được phát hành tới hết tháng 8 nhưng chỉ có 1 vụ việc vi phạm được chuyển sang cơ quan điều tra.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 14/9, 91 báo cáo kiểm toán được phát hành, kiến nghị xử lý 52.095 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm; hủy, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật.

Cơ quan kiểm toán đã cung cấp 151 báo cáo kiểm toán, tài liệu liên quan cho các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phục vụ kiểm tra, giám sát. Trong đó, một vụ việc có dấu hiệu trốn thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty TNHH Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết được Kiểm toán Nhà nước chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra.

Nhưng theo ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách (đơn vị thẩm tra), số vụ chuyển cơ quan điều tra là 5 (thay vì 1 như Kiểm toán Nhà nước tự báo cáo).

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, số vụ chuyển điều tra "dù một hay 5 vẫn rất ít", và chủ yếu là xử lý hành chính. Ngoài việc kiểm tra lại số liệu vì sao chưa khớp giữa bà cơ quan, bà Nga đề nghị làm rõ "tại sao phát hiện nhiều sai phạm nhưng lại chuyển cơ quan điều tra ít?".

Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại cuộc họp sáng 14/9. Ảnh: Hoàng Phong

Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại cuộc họp sáng 14/9. Ảnh: Hoàng Phong

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, cũng cho rằng trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, cần thực hiện những chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp - những đối tượng được hưởng chính đáng, đang bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh. Nhưng không vì thế mà bỏ qua các sai phạm, chẳng hạn chuyển giá, trốn thuế... của doanh nghiệp bị phát hiện thông qua kiểm toán.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh chia sẻ thêm, nhiều cuộc kiểm toán phải dừng vì Covid-19.

Theo đó, trong năm 2021, không kiểm toán ngành y tế, công an, Bộ Chỉ huy quân sự tại các tỉnh đang có dịch... Cũng do Covid-19 nên 37 đoàn kiểm toán đang kiểm toán phải dừng, 7 đoàn đã có kế hoạch nhưng hoãn triển khai, 7 đoàn đề xuất không thực hiện trong năm 2021 và 25 đoàn giảm thời gian kiểm toán...

Theo ông Thanh, nhiều cuộc kiểm toán quan trọng, có quy mô ngân sách lớn, tác động lớn đến tình hình kinh tế xã hội chưa được làm hoặc dừng do ảnh hưởng của dịch, như kiểm toán ngân sách TP HCM, Hà Nội, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Về thực hiện kết luận kiểm toán, sơ bộ đến 31/8, các đơn vị đã thực hiện 30.834 tỷ đồng kết luận kiểm toán, đạt gần 50% số kiến nghị, thấp hơn khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Thẩm tra báo cáo này, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đánh giá tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2021 thấp hơn so với các năm trước. Cơ quan này đề nghị làm rõ nguyên nhân và cung cấp danh sách đơn vị không thực thiện đầy đủ kiến nghị qua từng năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhìn nhận, tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước rất thấp và thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước (năm 2018 là 51,3%, 2019 là 53,9%; 2020 là 55,9%). Bà đề nghị Ủy ban Tài chính Ngân sách ngồi lại cùng với Kiểm toán Nhà nước để có hướng khắc phục.

Một trong số giải pháp được bà nhắc tới là công khai đơn vị không thực hiện kết luận kiểm toán và báo cáo Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, hoạt động kiểm toán cần công khai, minh bạch hơn. "Gần đây hoạt động công khai kết quả kiểm toán chưa được như kỳ vọng", ông Huệ nói.

Ông nhấn mạnh, công khai là vũ khí rất quan trọng của kiểm toán. "Công khai tạo sức ép công luận, siết kỷ cương tài chính, ngân sách để thực hiện các kết luận của kiểm toán. Khi công khai thì người dân, xã hội cũng giám sát được các hoạt động kiểm toán", ông Huệ nói.

Góp ý về kế hoạch kiểm toán năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị bảo đảm tính khả thi, cân đối các cuộc kiểm toán, những đơn vị đang tập trung phòng, chống dịch bệnh thì không kiểm toán.

Cùng đó, cơ quan kiểm toán cũng cần có giải pháp giảm chồng chéo, trùng lắp với hoạt động thanh tra. "Chúng tôi theo dõi có những đơn vị trong thời gian ngắn phải đón tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về làm việc", bà Nga nêu.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng cần có giải pháp chống tham nhũng và tiêu cực ngay trong bộ máy, hoạt động kiểm toán.

Giải trình về vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh thừa nhận, doanh nghiệp đang rất kêu về chồng chéo các cuộc thanh tra, kiểm toán. Cơ quan này sẽ thông qua các giải pháp kỹ thuật, làm việc cùng Thanh tra Chính phủ để giảm chồng chéo.

Kiểm toán Nhà nước cũng đang rà lại các kết luận kiểm toán không còn phù hợp, kiến nghị huỷ bỏ nhằm nâng cao hiệu lực.

Anh Minh/vnexpress.net