Công tác nội chính

Kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra nhiều khiếu nại, tố cáo

- Ngày 11/10, tại phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021.

“Trách nhiệm của chúng ta đối với cử tri, nhân dân là phải tổng hợp đầy đủ, trung thực, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân cử tri cả nước gửi đến”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Ảnh: Đ.X

Cần có cơ chế tiếp dân trực tuyến và trực tuyến liên cấp

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong kỳ báo cáo (từ 16/8/2020 đến 15/8/2021), các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tiếp nhận 33.061 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (giảm 13,83% so với cùng kỳ).

Qua nghiên cứu, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã chuyển 4.616 đơn đủ điều kiện xử lý đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Theo ông Bình, các cơ quan có thẩm quyền đã quan tâm giải quyết, phối hợp chặt chẽ với cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội trong công tác này.

“Một số vụ việc có kiến nghị giải quyết cụ thể của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã được các cơ quan ở Trung ương chủ động yêu cầu địa phương giải quyết hoặc phối hợp tổ chức đoàn liên ngành để rà soát, xác minh lại vụ việc và chỉ đạo giải quyết theo kiến nghị giám sát”, ông Bình cho biết.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình. Ảnh Đ.X 

Dù vậy, vẫn còn một số hạn chế như thông báo kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cho cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đơn chưa kịp thời; một số vụ việc cụ thể có kiến nghị từ các kỳ trước còn để kéo dài, không nêu rõ lộ trình giải quyết…

Ban Dân nguyện kiến nghị các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giám sát giải quyết các vụ việc cụ thể thuộc lĩnh vực phụ trách.

Với Chính phủ, cơ quan này kiến nghị chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, UBND các tỉnh, TP xây dựng cơ chế tiếp công dân trực tuyến và trực tuyến liên cấp (Trung ương, tỉnh, huyện và xã), nhất là với những vụ việc phức tạp, đông người.

Đồng thời, tổng kết, đánh giá việc thực hiện kiểm tra, rà soát lại các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài để có lộ trình giải quyết dứt điểm từng vụ việc…

Nêu ý kiến sau đó, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề cập đến trách nhiệm của các đoàn đại biểu Quốc hội. Theo ông, khi tiếp xúc cử tri, người dân gửi đơn, phát biểu ý kiến nhưng các đoàn không có văn bản đôn đốc.

“Trả lời thì câu được, câu mất nên người dân bức xúc lại tiếp tục khiếu kiện”, ông Cường thẳng thắn nói, phần kiến nghị cần đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội giám sát đến cùng việc trả lời đơn thư của người dân.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Đ.X 

Hơn nữa, theo ông Cường, cần kiến nghị Đảng ban hành quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu ngành, địa phương nếu để xảy ra nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, không kịp thời giải quyết.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội băn khoăn khi báo cáo không đề cập đến nội dung tiếp công dân.

“Tiếp công dân là khâu vô cùng quan trọng trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Nếu tiếp công dân tốt sẽ giải quyết được sớm những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân”, bà Thanh nói.

Bà Thanh cũng nêu lên thực tế, ở địa phương, có nơi thấy vụ việc khó không giải quyết được thì ra quyết định lần 2 để “từ chối không tiếp dân nữa”. Từ đó, bà đề nghị, Ban Dân nguyện chọn một số vụ việc để giám sát xem việc trả lời đã giải quyết được vấn đề gốc rễ mà cử tri, nhân dân kiến nghị chưa.

Đợt dịch bùng phát thứ 4 gây bất an cho nhân dân

Một vấn đề nữa, cử tri, nhân dân lo lắng trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm đã gây tổn thất nặng nề về người và kinh tế, xã hội. Đến nay, đợt dịch này đã cơ bản được kiểm soát.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Đ.X 

“Cử tri và nhân dân mong muốn các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân có trách nhiệm phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với một số nội dung chỉ đạo chưa sát với thực tiễn, thiếu thống nhất, những việc còn lúng túng, chậm trễ, bị động… để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ứng phó với mọi tình huống xấu hơn có thể xảy ra, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với các biến thể mới của COVID-19”, ông Chiến nói.

Nhận định trong đợt dịch bùng phát thứ 4, việc thực hiện phòng, chống COVID-19 của các địa phương gây ra tâm trạng bất an cho một bộ phận nhân dân, ông Cường nhắc đến câu chuyện vào tận nhà cưỡng chế người dân đi xét nghiệm, “bánh mỳ không phải là thực phẩm thiết yếu”, hay việc người dân về quê như cuộc di dân chưa từng thấy từ năm 1975 trở lại đây… “Báo cáo cần phản ánh để thấy tâm trạng của người dân”, Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Theo ông Cường, cần kiến nghị thực hiện thống nhất công tác phòng, chống dịch ở mỗi cấp hành chính và đơn vị kinh tế; khẩn trương xác lập trạng thái “bình thường mới” để phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống cho người dân, tránh mỗi địa phương áp dụng khác nhau.

“Mỗi địa phương một kiểu thì vẫn ngăn sông, cấm chợ, nơi này cho xe qua, đến nơi khác không cho, lại quay xe về”, ông Cường nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thấy, nội dung của dự thảo báo cáo chưa nêu được những thành tựu nổi bật nhất, trong khi tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, lo lắng và kiến nghị của cử tri mới được “tổng hợp mang tính chất chắp vá”.

Ông Vương Đình Huệ dẫn chứng, theo dự thảo báo cáo thì chưa thấy tổng hợp ý kiến, nguyện vọng cử tri từ 63 đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương, ý kiến của các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng không đầy đủ.

“Trách nhiệm của chúng ta đối với cử tri, nhân dân là phải tổng hợp đầy đủ, trung thực, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân, cử tri cả nước gửi đến”, ông Vương Đình Huệ nói và dẫn lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 4 vừa qua yêu cầu phải “nhìn thẳng vào sự thật, thực sự khách quan công tâm, không né tránh, không bi quan, nhưng cũng không tô hồng".

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương giao Tổng Thư ký Quốc hội tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội có công điện đôn đốc 63 đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp báo cáo kịp thời.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nghiên cứu đánh giá kỹ thêm các nội dung trong dự thảo báo cáo trên cơ sở các ý kiến phát biểu góp ý tại phiên họp và tổng hợp tiếp ý kiến cử tri, nhân dân của 63 đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội, phương tiện thông tin đại chúng…

Cơ bản nhất trí với báo cáo của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, phân tích rõ bản chất việc trả lời của các cơ quan chức năng đối với giải quyết khiếu nại, tố cáo; bổ sung báo cáo công tác tiếp công dân của khối hành pháp và khối tư pháp.

Đề xuất áp dụng biểu quyết trực tuyến tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới đây. Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, một trong những nội dung quan trọng là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần cuối về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, trong đó có việc đề xuất một số đổi mới và việc tổ chức hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Qua hai phiên họp tháng 8, tháng 9, các ý kiến chủ yếu thống nhất đề xuất phương án tổ chức kỳ họp thứ 2 theo hình thức trực tuyến kết hợp họp tập trung. Giữa hai đợt họp sẽ có thời gian nghỉ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét thông qua.

“Quốc hội đang khẩn trương xây dựng đề án đổi mới hoàn thiện quy định nội quy kỳ họp và dự kiến xem xét tại kỳ họp thứ 3. Tuy nhiên có một số nội dung cần áp dụng ngay như chia tổ thảo luận ở Trung ương và địa phương, biểu quyết trực tuyến”, ông Vương Đình Huệ cho biết.

Theo ông Vương Đình Huệ, trước đây có hình thức bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua hệ thống tại phòng họp Diên Hồng, chưa có quy định biểu quyết tại các điểm cầu ở tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, do đó, cần báo cáo Quốc hội quyết định cho áp dụng từ kỳ họp thứ 2. 

Hương Giang/thanhtra.com.vn