Nghiên cứu - Trao đổi

Lợi dụng phê bình để tâng bốc, “bới lông tìm vết” - thói xấu nguy hại

Thực tế cho thấy, đã có không ít những cá nhân ở các tổ chức đảng mượn việc tự phê bình và phê bình (TPB, PB) để thực hiện mục đích cá nhân, hoặc tâng bốc cán bộ lãnh đạo, quản lý hoặc làm giảm uy tín người khác bằng ngôn từ “sắc tựa dao cau” và thái độ quyết liệt. Có nơi, có người còn tung tin hư cấu, gây mâu thuẫn, kích động người khác PB. Có trường hợp PB bằng “ném đá giấu tay”, viết đơn thư tố cáo nặc danh để hạ bệ người khác. Đây là những biểu hiện mặt trái của TPB và PB cần được chỉ ra để ngăn chặn, bảo vệ sự đoàn kết trong Đảng và trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tự phê bình, phê bình – phương thuốc hữu hiệu

TPB, PB vốn được xem là nguyên tắc sinh hoạt, là quy luật phát triển của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. V.I.Lê-nin, lãnh tụ của phong trào công nhân quốc tế từng chỉ rõ: Và nếu một đảng nào không dám nói thật bệnh tật của mình ra, không dám chẩn đoán bệnh một cách thẳng tay, và tìm phương cứu chữa bệnh đó, thì đảng đó sẽ không xứng đáng được người ta tôn trọng. Người phân tích, trong quá trình lãnh đạo, Đảng có khuyết điểm cũng là điều bình thường, điều quan trọng là có thái độ đúng đắn với sai lầm của mình hay không. Người yêu cầu, trước những sai lầm của mình, Đảng phải: Công khai thừa nhận sai lầm, phân tích hoàn cảnh đẻ ra sai lầm, nghiên cứu những biện pháp để sửa chữa sai lầm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào cách mạng nước ta và là Lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam từng có nhiều bài nói, bài viết về TPB, PB. Trong chương đầu tiên của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” xuất bản tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “… Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”. Người khẳng định: TPB và PB là cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ; cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ. Ở tác phẩm này, trong 12 điều về “Tư cách của một đảng chân chính, cách mạng”, có tới 5 điều Bác căn dặn liên quan đến TPB, PB. Về cách thức TPB, PB, Chủ tịch Hồ Chí Minh ví nó như “rửa mặt hằng ngày”; “PB việc chứ không PB người” và phải trên cơ sở thương yêu đồng chí, đồng đội và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. 

Thấm nhuần quan điểm trong xây dựng Đảng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn giữ vững nguyên tắc TPB, PB; coi đó là giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định: Đảng viên có quyền PB, chất vấn tổ chức đảng và đảng viên... Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương ngày 6-7-2018 hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ quy định: “Chi ủy, đảng viên nghiêm túc, thực sự cầu thị khi TPB, PB”. Với việc thực hiện TPB, PB hiệu quả, các TCCSĐ trong toàn Đảng ngày càng vững mạnh, nêu cao tính chiến đấu, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết đặt ra, đoàn kết, giữ vững mối quan hệ với nhân dân, được nhân dân tin cậy, quý mến.  

Mặt trái tự phê bình và phê bình

Việc TPB, PB dù được tiến hành thường xuyên, liên tục trong các tổ chức đảng, được đảng viên chấp hành nhưng không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả tích cực. Nguyên nhân là việc tổ chức thực hiện chưa tới nơi tới chốn; làm lấy lệ, làm cho có, thậm chí có những cán bộ, đảng viên né tránh TPB, PB bằng những ngôn từ khéo léo và đổ lỗi cho khách quan, hoàn cảnh. Thực tế cho thấy, việc tổ chức TPB, PB trong đánh giá tổ chức đảng và đảng viên hằng năm luôn có kết quả tốt, nhiều tổ chức đảng đạt trong sạch, vững mạnh, nhiều đảng viên đạt xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ, được khen thưởng trong khi số đảng viên hoàn thành hoặc không hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên, khi những vụ việc tiêu cực bị lôi ra ánh sáng, rất nhiều cán bộ, đảng viên có chức quyền bị xử lý kỷ luật thậm chí hầu tòa đã cho thấy nhiều kẽ hở trong việc thực hiện nguyên tắc TPB, PB. Vừa qua, theo thông báo tại Kỳ họp thứ ba của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhiều cán bộ cao cấp ở các TCCSĐ bị kỷ luật vì những sai phạm ở nhiệm kỳ 2015-2020. Dư luận đặt câu hỏi, tại sao các cá nhân này vẫn được bố trí lên các vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn trong thời gian sai phạm khi mà các cuộc thanh tra, kiểm tra vẫn diễn ra theo quy định. Điều này chỉ có thể được lý giải là công tác TPB, PB của tổ chức đảng ở nơi ấy chưa thực chất hoặc quá yếu kém, cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Dù chưa có con số thống kê khoa học nhưng thực tế việc lợi dụng TPB, PB để “bới lông tìm vết” vẫn xảy ra ở một số TCCSĐ, gây ra mất đoàn kết nội bộ, đấu tranh phe nhóm. Có thể là do chưa hiểu hết ý nghĩa, nội hàm của TPB, PB nên “việc bé xé ra to”, quy chụp, ảnh hưởng đến nhân cách, bản chất, khiến người bị phê bình cảm giác “bị đánh hội đồng”. Cũng có thể do PB trực tiếp và gián tiếp trong sinh hoạt đảng không hiệu quả nên nhiều đảng viên đã chọn cách viết đơn thư tố cáo nặc danh, gây bất ổn trong tổ chức đảng.

Về vấn đề này, V.I.Lê-nin đã từng chỉ ra phải kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái lợi dụng cái gọi là: “tự do PB” để phá hoại tổ chức đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những khuyết điểm hay gặp phải trong TPB, PB: “Việc gì không PB trước mặt để nói sau lưng… Không bao giờ đề nghị gì với Đảng”, “Khi PB ai, không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc, mà chỉ vì công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí" (1)… Đặc biệt, Người chỉ rõ những sai lầm về động cơ và thái độ cũng như nhận thức chính trị của một số cá nhân khi thực hiện TPB và PB: “Lợi dụng những sai lầm và khuyết điểm đó để đạt mục đích tự tư tự lợi của họ. Đó là thái độ của đảng viên và cán bộ đầu cơ”, “Không PB, không TPB. Đó là thái độ của những đảng viên và cán bộ ươn hèn, yếu ớt” (2).

Giải pháp đẩy mạnh tự phê bình và phê bình

TPB, PB được xem là nguyên tắc, là quy luật phát triển Đảng, là giải pháp để gột rửa, ngăn ngừa những thói hư, tật xấu của đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức quyền. Để TPB, PB trong cấp uỷ, chi bộ thực sự hiệu quả cần thực hiện một vài giải pháp cơ bản sau.

Một là, các cấp ủy, TCCSĐ cần tổ chức tốt việc xây dựng quy chế hoạt động một cách chặt chẽ, khoa học, dân chủ; thường xuyên rà soát hệ thống quy chế để bổ sung những nội dung chưa hoàn thiện; vận hành theo quy chế ấy triệt để, hiệu quả. Qua khảo sát ở nhiều loại hình tổ chức đảng nhận thấy nhiều nơi xây dựng hệ thống quy chế đúng yêu cầu, hướng dẫn của tổ chức đảng cấp trên nhưng vận hành quy chế thì mỗi nơi một kiểu, thậm chí có tổ chức đảng không điều chỉnh quy chế khi có thay đổi nhân sự. Điều này đã dẫn tới công tác kiểm tra, giám sát bị nới lỏng và dễ bị cán bộ, đảng viên có chức quyền biện minh, đổ lỗ và việc TPB, PB rơi vào hình thức, không có tác dụng thực chất.

Hai là, muốn thực hiện TPB, PB có kết quả cần phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Bởi nêu gương là một biện pháp được Đảng quy định trong các văn bản hiện hành, việc nêu gương có tác dụng thiết thực, hiệu quả nhất. Những vụ việc cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật thời gian qua cho thấy dù họ luôn chỉn chu, nêu gương trong công tác nhưng khó mà thấy rõ được các mối quan hệ ngoài luồng; không minh bạch trong công tác quản lý tài chính, công tác cán bộ. Đây chính là những “gót chân Asin” mà TPB, PB không thể động đến.   

Ba là, cần tích cực kiểm tra, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ hoạt động công tác đảng cho đội ngũ bí thư, cấp ủy. Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều cán bộ, đảng viên được tín nhiệm bầu vào cấp ủy và bầu làm bí thư chi bộ nhưng chưa có nhiều kiến thức công tác đảng, nhất là phương pháp lãnh đạo. Do vậy, việc làm không tới nơi, kết hợp sinh hoạt đảng với sinh hoạt chuyên môn, chưa tách bạch rõ ràng công tác lãnh đạo với công tác tổ chức quản lý, triển khai thực hiện nghị quyết nên năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ còn hạn chế. Hậu quả là, xây dựng nghị quyết chung chung, duy trì sinh hoạt TPB, PB thiếu nền nếp, không triệt để và công tác kiểm tra, giám sát thiếu kiên quyết, ít tác dụng. Việc này dẫn tới tình trạng mất dân chủ trong tổ chức sinh hoạt đảng, không chỉ ra được những yếu kém để khắc phục. Đảng viên, cán bộ trẻ, ít tuổi đảng thì PB ráo riết, khắt khe trong khi những khuyết điểm về tổ chức lãnh đạo, quản lý rất quan trọng ở cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo lại không được dân chủ bàn luận. 

Bốn là, cần chấn chỉnh kịp thời thái độ trong TPB, PB theo hướng văn hóa, văn minh, tránh lợi dụng PB cho mục đích cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ thái độ và phương pháp đúng đắn trong TPB, PB của cán bộ, đảng viên: “Phân tách rõ ràng, cái gì đúng, cái gì là sai”; muốn vậy phải “ra sức học tập và nâng cao những kiểu mẫu tốt”; “ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm, không để nó phát triển ra, không để nó có hại cho Đảng”; "khéo dùng cách PB và TPB để giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và khuyết điểm, giúp họ tiến bộ”; “Đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ. Nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng” (3).

Mục đích của TPB, PB nhằm mục đích đào thải cái xấu, uốn nắn nhận thức lệch lạc, ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Do đó, cần có thái độ đúng đắn, văn hóa trên tinh thần nói thẳng, nói thật trong TPB, PB. PB chân thành, thật tâm và trên tinh thần xây dựng mới có tác dụng và hiệu quả thực sự, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh.

---------------

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, H. 2011, tập 5, tr.298. (2). Sđd, tập 5, tr.304. (3). Sđd, tập 5, tr.304-305.

Thượng tá, Hoàng Việt HưngTrung tá, Nguyễn Thành Trường (Trường Sĩ quan Đặc công)