Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Nam Phi: Tham nhũng tại Bộ Y tế trong COVID-19

- Báo cáo về các mối quan hệ kinh tế của quan chức cấp cao tại Bộ Y tế Nam Phi trong COVID-19 vừa được công bố cho thấy bức tranh tham nhũng, gian lận và biển thủ hàng triệu USD hỗ trợ cuộc chiến chống lại đại dịch.

Cựu Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize. Ảnh: Themba Hadebe / AP

Theo AP, báo cáo rất được chờ đợi của Đơn vị Điều tra Đặc biệt, do đích thân Tổng thống Cyril Ramaphosa công bố ngày 29/9, đã phát hiện ra hành vi sai trái của cựu Bộ trưởng Y tế, tiến sĩ Zweli Mkhize và những người khác.

Báo cáo cho biết, Mkhize, người từ chức vào tháng trước, đã can thiệp vào quá trình cung ứng để có hợp đồng truyền thông COVID-19 trị giá 10 triệu USD trao cho các cộng sự thân cận.

Các cộng sự sau đó đã chi trả cho Mkhize và các khoản lợi ích của gia đình ông. Một số tiền đã được sử dụng để cải tạo một trong những ngôi nhà của Mkhize và mua một chiếc xe cho con trai của lãnh đạo này.

Digital Vibes, một công ty được kết nối với cựu cố vấn truyền thông và cựu trợ lý cá nhân của Mkhize, đã được trao hợp đồng thực hiện việc tư vấn cho chiến lược truyền thông COVID-19 của Bộ Y tế Nam Phi.

Các đảng đối lập đã kêu gọi Mkhize và những quan chức cấp cao khác có liên quan phải đối mặt với các cuộc điều tra tội phạm. Hiện Mkhize đã từ chức Bộ trưởng Y tế, nhưng vẫn là một nhà lập pháp trong Quốc hội Nam Phi, nơi ông tiếp tục được trả lương.

Vụ bê bối đã khiến người dân Nam Phi tức giận, nhất là giữa bối cảnh nhiều người bị rơi vào tình cảnh khó khăn bởi những quy định hạn chế nghiêm ngặt do Chính phủ đưa ra trong đại dịch. Nền kinh tế phát triển nhất của châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus, với hơn 2,9 triệu trường hợp mắc bệnh được ghi nhận và 87.525 ca tử vong (số liệu sáng ngày 30/9).

Những cáo buộc tham nhũng của Chính phủ Nam Phi là phổ biến trong những năm gần đây. Một ủy ban điều tra về cáo buộc tham nhũng dưới thời cựu Tổng thống Jacob Zuma đã hoạt động trong một thời gian dài, cho thấy mức độ tham nhũng đáng kinh ngạc trong Chính phủ và tại các doanh nghiệp nhà nước dưới thời ông Zuma - người đang bị xét xử với các tội danh tham nhũng riêng biệt.

Trước đó, báo cáo điều tra về các giao dịch tại Bộ Y tế đã được gửi tới Tổng thống Nam Phi từ ngày 30/6. Và, ông Ramaphosa - người đã đưa cuộc chiến chống tham nhũng trở thành trọng tâm lãnh đạo của mình - đã bị áp lực phải công bố công khai báo cáo này.

Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị rằng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách chuyên môn của Bộ Y tế Nam Phi, tiến sĩ Anban Pillay, phải bị truy tố hình sự. Tuần này, Bộ đã đình chỉ Sandile Buthelezi, một quan chức cấp cao khác, vì có liên quan đến vụ việc.

Báo cáo cho biết, các bằng chứng chỉ ra, có ít nhất 6 quan chức khác dính líu bê bối.

Ngoài ra, Đơn vị Điều tra Đặc biệt - cơ quan nhà nước của Nam Phi, cũng đã điều tra các cáo buộc tham nhũng phổ biến trong việc trao các hợp đồng của Chính phủ cho thiết bị bảo vệ cá nhân và các biện pháp khác để chống lại virus corona vào năm ngoái.

Nhiều quan chức y tế cấp tỉnh và địa phương có liên quan tới các cáo buộc. Theo Đơn vị Điều tra Đặc biệt, các hợp đồng Chính phủ trị giá gần 900 triệu USD bị nghi ngờ "có vấn đề".

Tham nhũng là vấn nạn nhức nhối tại Nam Phi, đặc biệt là tham nhũng ở cấp cao. Tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát ở Nam Phi, Chính phủ đã công bố gói cứu trợ trị giá 500 tỷ Rand (tương đương 30 tỷ USD) để ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế và giảm thiểu thiệt hại mà đại dịch gây ra cho nền kinh tế cũng như đời sống người dân. Tuy nhiên, ngân sách chống dịch COVID-19 đã bị thất thoát nghiêm trọng thông qua các hành vi tham nhũng, gian lận và nâng giá.

Đáng chú ý, trong một số trường hợp, thiết bị bảo vệ cá nhân được mua với giá cao hơn gấp 5 lần so với giá mà Kho bạc Quốc gia thông tin...

Trong khi đó, các hạn chế nghiêm ngặt đã gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp của Nam Phi tăng cao và nhiều gia đình phải sống dựa vào các gói thực phẩm cứu trợ của Chính phủ. Thế nhưng, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ghi nhận nhiều báo cáo về gian lận trong chi trả, thanh toán.

Tổng thống Cyril Ramaphosa từng khẳng định: "Hơn bất cứ lúc nào, tham nhũng khiến cuộc sống của chúng ta gặp nguy hiểm" và ông luôn không ngừng nỗ lực để thực hiện mục tiêu chống tham nhũng của mình.

Hoài Phương/thanhtra.com.vn