Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng

Theo Báo cáo số 407/BC-CP, ngày 13/10/2021 của Chính phủ, thực hiện Thông báo số 240/TB-BCĐTW ngày 23/01/2021 và Chương trình công tác năm 2021 tại Văn bản số 241-CTr/BCĐTW ngày 23/01/2021 của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 (tại Văn bản số 316/VPCP-V.I ngày 09/02/2021 và Văn bản số 652/VPCP-V.I ngày 26/3/2021 của Văn phòng Chính phủ…) nhằm cụ thể hóa kịp thời các Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng; tăng cường kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tiêu cực, tham nhũng và dư luận quan tâm; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019 - 2021 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời chỉ đạo, định hướng, cung cấp đầy đủ thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng…
 
Phiên họp 20 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ảnh Thu Huyền)
Phiên họp 20 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ảnh Thu Huyền)
    Thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các Phiên họp của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại Văn bản số 723/VPCP-V.I ngày 02/4/2021 của Văn phòng Chính phủ, giao các cơ quan liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong công tác giám định, định giá tài sản, kịp thời cung cấp tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra; trường hợp cố tình né tránh, đùn đẩy hoặc từ chối giám định thì phải xử lý nghiêm theo quy định. Các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan tăng cường phối hợp chặt chẽ với Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp nghiên cứu, phân tích, đánh giá các sai phạm về đất đai trong thời gian qua phục vụ cho việc tổng kết, sửa đổi Luật Đất đai. 
 
    Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp trong quá trình thanh tra, thi hành án nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ, vụ việc đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình thanh tra, thi hành án mới chuyển; báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý vi phạm đối với những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; tham gia ý kiến phục vụ việc kết luận, xử lý đối với một số vụ việc, đảm bảo chính xác, khách quan, kịp thời theo quy định của pháp luật. Trong đó có việc khắc phục, xử lý các sai phạm xảy ra trong công tác quản lý nhà nước, thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh; việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác, kiểm tra xử lý đơn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo tại một số dự án ở tỉnh Khánh Hòa; Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Vụ việc xảy ra tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình…
                                                                                       Lê Sơn/noichinh.vn