Nghiên cứu - Trao đổi

Nỗ lực triển khai hiệu quả Công ước chống tra tấn, bảo đảm quyền con người tại Việt Nam

Ngay sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn, ngày 17-3-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước trên toàn quốc và chỉ định Bộ Công an làm cơ quan đầu mối triển khai. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, đồng thời ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện trong toàn lực lượng Công an nhân dân để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Công ước chống tra tấn, góp phần thúc đẩy và bảo đảm tốt hơn quyền con người ở Việt Nam.

Hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước chống tra tấn) là văn kiện pháp lý quốc tế đa phương thể hiện ý chí của cộng đồng quốc tế trong việc kiên quyết loại bỏ hành vi tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục đối với con người vì bất cứ lý do gì ra khỏi đời sống xã hội. Công ước được Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) thông qua ngày 10-12-1984 theo Nghị quyết số 39/64 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 26-6-1987 sau khi được 20 quốc gia phê chuẩn. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu tham gia Công ước và các nội dung đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Công an đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề xuất ký và hồ sơ đề xuất phê chuẩn Công ước chống tra tấn.

Ngày 28-11-2014, tại Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước. Việt Nam hoàn tất các thủ tục và nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng Thư ký LHQ vào ngày 5-2-2015 và trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của Công ước.

Ngay sau khi phê chuẩn, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn. Ngày 17-3-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn trên toàn quốc và chỉ định Bộ Công an làm cơ quan đầu mối trong triển khai Công ước. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 2139/QĐ-BCA-V19 ngày 24-4-2015 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn của lực lượng Công an nhân dân.

Sau hơn 6 năm thực thi Công ước, các kết quả đạt được là rất tích cực, tập trung vào 4 nhóm hoạt động chính bao gồm: (1) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tra tấn và nội dung Công ước chống tra tấn; (2) Nội luật hóa và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật đáp ứng yêu cầu của Công ước chống tra tấn; (3) Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn; (4) Xây dựng các báo cáo thực hiện Công ước chống tra tấn.

Để phổ biến, tuyên truyền Công ước và các quy định pháp luật trong Công an nhân dân đạt hiệu quả cao, Bộ Công an đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về quyền con người và chống tra tấn. Trên cơ sở Kế hoạch của Chính phủ, Bộ Công an đã xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các đề án tuyên truyền, biên soạn các cuốn sách chuyên biệt và tổ chức thực hiện hàng trăm hội nghị, hội thảo, chương trình tuyên truyền trên phương tiện truyền thông, báo chí; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực và kinh nghiệm cho hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, nhất là cho các cán bộ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, khám chữa bệnh cho người bị giam giữ về quyền con người và chống các hình thức tra tấn, trong đó đã thực hiện tốt các hoạt động như: (i) Tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu về nội dung Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam có liên quan trong toàn lực lượng Công an nhân dân; (ii) Hội nghị tuyên truyền phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của các đạo luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp lần thứ 10 có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền không bị tra tấn, bức cung, dùng nhục hình; (iii) Các lớp tập huấn chuyên môn về chăm sóc, điều trị, đối xử, quản lý phạm nhân cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát phòng, chống ma túy, cán bộ làm các công tác y tế, cán bộ quản giáo, cán bộ giáo dục trong khối trại giam, trại tạm giam trên cả nước; (iv) Ban hành Đề án tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước chống tra tấn cho lực lượng Công an nhân dân (tại Quyết định số 3234/QĐ-BCA ngày 23-4-2020 của Bộ trưởng Bộ Công an); (v) Biên soạn các cuốn sách phục vụ tuyên truyền, phổ biến như: “Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và sự tham gia của Việt Nam”.

Hội thảo “Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”, ngày 8-12-2014 tại TP. Hồ Chí Minh (Nguồn: TTXVN).

Nỗ lực nội luật hóa

Việt Nam được đánh giá là một trong số không nhiều quốc gia thành viên Công ước đã tích cực trong việc triển khai các nhiệm vụ này. Theo đó, trong năm 2015, cũng là năm đầu tiên triển khai thực thi Công ước, Quốc hội Việt Nam đã có những sửa đổi, bổ sung mang tầm chiến lược đối với các chính sách hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, thể hiện thông qua việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng. Nhiều quy định về ngăn ngừa và trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn trong Công ước đã được nội luật hóa vào Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cả các điều ước quốc tế song phương giữa Việt Nam với các nước về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù.

Trong đó, đáng chú ý, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành 27 văn bản hướng dẫn thi hành các luật có liên quan đến ngăn ngừa, phòng, chống tra tấn, bao gồm: Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015….

Nhiều quy định của các văn bản được ban hành này đã trả lời đúng, trúng các quan tâm, thắc mắc của Ủy ban Chống tra tấn, các tổ chức quốc tế và các đối tác nước ngoài như: (1) Nghị định số 59/2020/NĐ-CP ngày 27-5-2020 quy định cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự; (2) Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10-10-2019 quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; (3) Thông tư số 12/2020/TT-BCA ngày 7-2-2020 quy định biểu mẫu, sổ sách về công tác thi hành án phạt tù, thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, theo dõi, quản lý người ở cơ sở lưu trú; (4) Thông tư số 45/2020/TT-BCA ngày 15-5-2020 quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế khám, chữa bệnh cho phạm nhân, trại viên, học sinh và người bị tạm giữ, tạm giam.

 

Hợp tác quốc tế

Việt Nam đã tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài như Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam (UNDP Việt Nam), Vương quốc Hà Lan, Vương quốc Bỉ trong phòng, chống tra tấn, thông qua trao đổi thông tin, kinh nghiệm về tổ chức, thực thi Công ước cũng như thực tiễn các biện pháp, phương tiện và sử dụng trang thiết bị có hiệu quả về phòng, chống tra tấn; tham gia, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế có liên quan đến chống tra tấn, góp phần tăng cường năng lực cho cán bộ Việt Nam, đặc biệt là lực lượng Công an trong thực thi Công ước chống tra tấn.

Năm 2018, Bộ Công an tổ chức Hội thảo về thực thi Công ước chống tra tấn với sự đồng tài trợ, giúp đỡ của Vương quốc Bỉ và Vương quốc Hà Lan.

Trong giai đoạn 2015-2019, Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, Học viện Clingendael và các cơ quan liên quan tổ chức 5 khóa tập huấn, mỗi khóa 2 đợt nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ Việt Nam, đặc biệt là lực lượng Công an trong thực thi Công ước chống tra tấn.

Giai đoạn 2019-2020 tiếp tục có nhiều hoạt động như: Lớp tập huấn Công ước chống tra tấn tại Việt Nam do Vương quốc Hà Lan tài trợ; tiếp đón Đoàn các phóng viên báo chí quốc tế thường trú tại Việt Nam đến thăm và làm việc tại Trại giam Thủ Đức; Lớp tập huấn lần thứ 4 về quản lý phạm nhân nữ theo Bộ Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của LHQ về đối xử với phạm nhân (Quy tắc Nelson Mandela) và Bộ Quy tắc của LHQ về đối xử với phạm nhân nữ và các biện pháp không giam giữ đối với người phạm tội là nữ (Quy tắc Băng-cốc) tại Thái Lan.  

Năm 2017, Bộ Công an đã tổ chức 3 hội thảo lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về thực thi Công ước chống tra tấn (Báo cáo quốc gia CAT). Để triển khai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất và định kỳ của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thành lập Ban soạn thảo, Tổ thư ký xây dựng và hoàn thiện Báo cáo quốc gia CAT lần thứ nhất.

Ngày 28-4-2018, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam trình bày và bảo vệ Báo cáo trước Ủy ban Chống tra tấn. Trên cơ sở thông báo của Ủy ban Chống tra tấn, ngày 14 đến 15-11-2018, Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam đã trình bày và bảo vệ Báo cáo quốc gia CAT lần thứ nhất trong Kỳ họp lần thứ 65 của Ủy ban Chống tra tấn của LHQ tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ. Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam (Đoàn công tác) do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn cùng đại diện các bộ, ngành: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Phái đoàn Thường trực của Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ. Trong hai ngày làm việc khẩn trương, tích cực, Đoàn công tác đã trình bày tóm tắt về các nội dung chính trong Báo cáo quốc gia CAT lần thứ nhất và cập nhật các thành tựu gần đây của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, phòng, chống tra tấn, bức cung, dùng nhục hình; đồng thời trả lời khoảng 70 câu hỏi và bình luận, chia làm 13 nhóm vấn đề của các thành viên Ủy ban Chống tra tấn về việc triển khai thực hiện Công ước ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương tại phiên trình bày báo cáo quốc gia của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn của LHQ, ngày 14-11-2018, tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ (Nguồn: TTXVN).

Sau phiên trình bày và bảo vệ Báo cáo quốc gia CAT lần thứ nhất, ngày 7-12-2018, Ủy ban Chống tra tấn đã ban hành Báo cáo đánh giá về Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam. Báo cáo gồm 3 phần, chia thành 50 đoạn, trong đó đã đưa ra các bình luận ghi nhận những nỗ lực mà Việt Nam đã đạt được trong công tác phòng, chống tra tấn, bức cung, dùng nhục hình; đồng thời đưa ra các bình luận và khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục thực hiện.

Ngay sau khi Ủy ban Chống tra tấn ban hành Báo cáo đánh giá, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, hoàn thiện Báo cáo trả lời của Việt Nam đối với các bình luận và khuyến nghị này và đã tiến hành các thủ tục cần thiết để gửi Báo cáo đến Ủy ban Chống tra tấn.

Báo cáo trả lời dài 43 trang, được xây dựng và hoàn thiện trên cơ sở bám sát từng bình luận và khuyến nghị mà Việt Nam cần tiếp tục thực hiện, qua đó khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên xuốt của Nhà nước Việt Nam về việc nghiêm cấm tất cả các hành vi liên quan đến tra tấn, bức cung, dùng nhục hình và kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm. 

 

Thực hiện quy trình báo cáo, Bộ Công an đã chủ trì, tổng hợp, đánh giá tình hình và xây dựng Báo cáo giữa kì (2 năm) thực hiện Công ước của Việt Nam. Ngày 31-8-2020, Bộ Công an đã đề nghị Bộ Ngoại giao gửi Báo cáo giữa kỳ CAT lần thứ nhất đến Ủy ban CAT.

Nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời gian tới là Bộ Công an sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và hoàn thiện Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn để nộp lên Ủy ban Chống tra tấn của LHQ vào năm 2022. Gần đây nhất, để tổng kết, đánh giá và tiếp tục triển khai các công việc cần thiết, Bộ Công an đã xây dựng Báo cáo tổng kết 1 năm thực hiện Công ước CAT năm 2020, dự kiến giai đoạn 2021-2022 tại Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội, công bằng, dân chủ và văn minh, việc lực lượng Công an nhân dân tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả Công ước chống tra tấn không những góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước liên quan đến bảo vệ quyền con người, tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, mà còn phù hợp với tinh thần nhân văn của dân tộc, phù hợp với các chủ trương, chính sách, mục tiêu quản lý xã hội của Đảng và Nhà nước; đồng thời khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong bảo vệ quyền con người nói chung và quyền không bị tra tấn nói riêng.

TS. Nguyễn Việt Hồng/xaydungdang.vn