Nghiên cứu - Trao đổi

Ông Võ Trí Thành: Di sản của nhiệm kỳ cũ là khát vọng về sự thay đổi

Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020 đã tạo ra hình hài cho câu chuyện về đột phá, phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn còn hành trình dài để đưa nó thành bước ngoặt.

Ông Võ Trí Thành, Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) đã chia sẻ với VnExpress một số góc nhìn về nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2020.

- Ông đánh giá như thế nào về nhiệm kỳ chính phủ 5 năm vừa qua?

- Tôi nghĩ cần phải nhìn lại cả quá trình trước đó ở khía cạnh nhu cầu đổi mới suốt nhiều chục năm và các vấn đề đặt ra khi ấy.

Nếu nhìn khát quát quá trình đổi mới cho đến nay, nhu cầu về tạo bước ngoặt trong cải cách phát triển đất nước không phải đến nhiệm kỳ 2016-2020 mới đặt ra. Trên thực tế, chính phủ ở nhiệm kỳ trước đã nỗ lực để ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc các hệ thống tài chính - ngân hàng, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy hội nhập...

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng CIEM. Ảnh: Minh Sơn.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng CIEM. Ảnh: Minh Sơn.

Lý do cơ bản là trong quá trình phát triển, chúng ta đã nhìn thấy những điểm nghẽn, rào cản buộc phải gỡ bỏ. Trong quá khứ, Việt Nam tăng trưởng phần nhiều dựa vào những tiềm năng, lợi thế so sánh vốn có. Còn nay, trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kỷ nguyên số, nó càng đòi hỏi phải dựa vào kỹ năng, công nghệ, sức sáng tạo, năng suất. Những vướng mắc về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực dồn ứ nhiều năm, khiến các mục tiêu về tăng trưởng nhanh, bền vững của Việt Nam bị chững lại... Tính cấp bách cải cách lại càng rõ nếu đặt trong bối cảnh đất nước hội nhập mạnh mẽ, dần tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị - nơi đòi hỏi chất lượng, hiệu quả cao hơn thực tại mà chúng ta đang có.

Ngoài ra, bên cạnh câu chuyện truyền thống là tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã lưu ý hơn đến phát triển bền vững, xanh, bao trùm, sáng tạo... Đây là những tư tưởng phát triển với nội hàm sâu bên trong là lấy con người làm trung tâm, không chỉ ở hiện tại mà còn tương lai.

Do vậy, nhiệm kỳ 2016-2020 cơ bản vẫn tiếp tục các nhiệm vụ cải cách cơ bản này nhưng có điểm nhấn hơn. Ví dụ, với cải cách cơ cấu kinh tế, Chính phủ đã có những quyết sách mạnh mẽ ở những lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh có thể phát triển hợp với xu hướng như du lịch, nông nghiệp, IT, cụm liên kết ngành trong công nghiệp.

Cùng với đó, chúng ta cũng đã nhấn mạnh hơn việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân, không chỉ với doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn là những tập đoàn, doanh nghiệp dân tộc lớn và cả nhóm startup phát triển mạnh mẽ ở những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ, tính sáng tạo cao.

Hiện tại, việc hội nhập của Việt Nam cũng đã sâu, rộng hơn, thể hiện bằng việc ký kết, thực thi các hiệp định lớn, mang lại nhiều kỳ vọng giá trị như CPTPP, EVFTA...

Tóm lại, trong nhiệm kỳ vừa rồi, Chính phủ vẫn khẳng định mạnh mẽ về nhu cầu đổi mới, trong đó vừa gắn với các vấn đề nền tảng của Việt Nam như cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời lưu ý đến công nghệ, sáng tạo mà đằng sau đấy là vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Cùng với hội nhập được đẩy mạnh, Chính phủ đã khiến niềm tin vào công cuộc đổi mới, cải cách ở Việt Nam sẽ được triển khai mạnh hơn và đó là tiến trình không thể đảo ngược.

Một điểm nữa tôi muốn lưu ý là thời điểm cuối nhiệm kỳ, trước những cú sốc, rủi ro từ địa chính trị, thiên tai, bệnh dịch, Chính phủ đã có ứng xử nhanh, phù hợp, tạo ra những kết quả tương đối tốt. Điều này không chỉ tạo hình ảnh tốt hơn cho quá trình đổi mới cải cách trong nước mà cả trên trường quốc tế.

- Vậy theo ông, những điểm còn hạn chế trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua là gì?

- Tôi thấy điểm hạn chế cũng không ít. Đơn cử với mô hình tăng trưởng, những đòi hỏi để tạo ra đột phá của nền kinh tế lớn lắm, trong khi cái đưa ra chưa được nhiều, làm vẫn còn chậm như việc cải thiện thị trường nhân tố sản xuất bao gồm đất đai, lao động; rồi vấn đề đầu tư và nâng cao chất lượng hạ tầng...

Hay chúng ta dù nói nhiều đến đổi mới sáng tạo, với những trung tâm sáng tạo, khởi nghiệp được thành lập, thì thể chế lại chậm, một ví dụ như cơ chế sandbox cho startup.

Rõ ràng là Chính phủ nhiệm kỳ này bước đầu đã tạo ra hình hài cho câu chuyện về đột phá, phát triển nhưng để tạo thành bước ngoặt thì vẫn còn là hành trình dài. Trong bối cảnh hiện nay, nhớ rằng điều người ta vẫn nói là tốc độ quan trọng hơn quy mô.

Ngoài ra, bên cạnh những điểm tích cực trong việc ứng xử với đại dịch Covid-19 giúp hạn chế lây nhiễm, giữ được mục tiêu kép vừa tăng trưởng, vừa phòng dịch, thì cũng phải thẳng thắn thừa nhận, việc thực thi chính sách và cả cơ chế xử lý hiệu quả những cú sốc với nền kinh tế vẫn còn là vấn đề. Chúng ta cần hoàn thiện hơn một cơ chế phản ứng nhanh, thật hiệu quả cho những biến động bất thường cả về thiên tai lẫn nhân tai trong thời đại đầy bất định, rủi ro.

- Nhìn lại những điểm cộng và trừ, liệu có thể nói rằng Chính phủ đã có một nhiệm kỳ thành công?

- Như tôi nói ngay từ đầu, phát triển ở Việt Nam gắn liền với tiến trình đổi mới, cải cách, mở cửa hội nhập. Việt Nam là đất nước có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, thậm chí có giai đoạn nhanh so với bên ngoài. Nếu chỉ nhìn vào các con số thống kê, quy mô, tỷ lệ, nhìn chung, thời gian sau bao giờ cũng cao hơn thời gian trước. Cho nên, để đánh giá mức độ thành công có nhiều cách nhìn.

Quan điểm của tôi, giai đoạn 2016-2020 là một nhiệm kỳ Chính phủ vừa có sự tiếp nối, vừa có điểm nhấn. Chính phủ đã thể hiện được những quyết liệt trong cải cách, đi cùng với đó là khát vọng phát triển, vừa nỗ lực "bắt kịp" vừa bước đầu cố gắng "đi cùng" với thời đại. Sự truyền tải, lan toả của điều này thấy khá rõ.

Mặt khác, nếu nói là thành công, với những nền tảng đã có, cộng với việc bắt nhịp cùng xu thế chung toàn cầu, vị thế, lòng tin vào Việt Nam trên trường quốc tế cũng đã có những bước tiến có ý nghĩa. Đấy là những điểm cộng đáng ghi nhận.

Ngoài ra, tôi nghĩ Chính phủ giai đoạn này cũng để lại các bài học, kinh nghiệm quý cho nhiệm kỳ tới trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế - xã hội như chống tham nhũng; xây dựng bộ máy chính quyền kỷ luật, kỷ cương, minh bạch dựa trên chế độ thực tài; giữ ổn định kinh tế trong nhưng biến động lớn toàn cầu... Chúng ta cần tổng kết những điều này để làm tốt hơn, gắn thêm vào quá trình đổi mới, phát triển đất nước.

- Nếu nói về di sản, chính phủ nhiệm kỳ sau sẽ được thừa hưởng những gì?

- Tôi tin đó là khát vọng về sự thay đổi. Trong văn kiện Đại hội Đảng XIII diễn ra ở nhiệm kỳ này, chúng ta đã xác định mục tiêu tổng quát không chỉ cho 5 năm như các báo cáo trước đây, mà còn đưa ra tầm nhìn cho 10-15 năm sau. Việt Nam theo đó đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao. GDP đầu người giai đoạn 2021-2025 đạt 4.700-5.000 USD một năm, đến năm 2030 sẽ là 7.500 USD. Mục tiêu lần này so với những lần khác đã bộc lộ rõ được tham vọng lớn về một đất nước phồn thịnh.

Bên cạnh đó, di sản của Chính phủ còn là công cuộc cải tổ, tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lực doanh nghiệp, doanh nhân, con người với sáng tạo. Tất cả những điều này sẽ phục vụ cho một đất nước phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và sáng tạo.

Phương Ánh/vnexpress.net