Nghiên cứu - Trao đổi

Phân tích một số nhận thức sai về tính khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin

- Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991; bổ sung, phát triển năm 2011) cùng một số văn kiện khác của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động".

 Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động (Ảnh minh họa. Nguồn: tinhuykhanhhoa.vn) 

Đó là một quan điểm hoàn toàn đúng đắn. Thế nhưng vẫn còn có những ý kiến sai trái, phản bác lại quan điểm này, mà xét cho kỹ là do không nắm vững phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Trong "Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) ngày 7/9/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin, học lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin để vận dụng vào tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế chúng ta mới có thể dần dần biết được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta.

Không phải học để thuộc lòng từng câu, từng chữ.

Khi vận dụng thì bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn cách mạng của ta.[1]

Do không thấm nhuần lời căn dặn trên đây, nên đã có một số ý kiến sai lầm như sau:

1- Chủ nghĩa Mác là sản phẩm của Tây Âu. Mác và Ăng-ghen sống ở Đức, Pháp, Anh; các ông đã kế thừa có phê phán các luồng tư tưởng của phương Tây (Triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh, chủ nghĩa xã hội Pháp) để xây dựng học thuyết của mình. Các ông chưa hiểu về phương Đông, châu Phi, Mỹ la-tinh, nên học thuyết của các ông chỉ phù hợp với phương Tây, không phù hợp với các nơi khác trong đó có Việt Nam, vì Việt Nam có điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tư tưởng.... khác với Tây Âu.

Mác và Ăng-ghen đã mắc sai lầm lấy cái bộ phận (Tây Âu) làm trung tâm để xem xét cái toàn thể (cả thế giới).

Không phải Mác và Ăng-ghen lấy cái bộ phận (Tây Âu) để xem xét cái toàn thể (cả thế giới) mà theo nguyên tắc "thống nhất giữa lý luận và thực tiễn" và "nghiên cứu một cơ thể đã phát triển thì dễ hơn là nghiên cứu tế bào của cơ thể đó"; nên khi nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, các ông đã chọn nước Anh là nước điển hình cho sự phát triển của phương thức sản xuất này và đã đạt tới trình độ cao hơn các nước khác vào thời điểm đó, để minh họa chủ yếu cho sự trình bày lý luận của mình. Tuy vậy, ngay cả ở nước Anh khi ấy cũng chưa có chủ nghĩa tư bản thuần khiết mà vẫn còn những tàn dư của các phương thức sản xuất trước, như kinh tế tự nhiên tự cung tự cấp, sản xuất hàng hóa nhỏ... Vì vậy, để tìm ra các quy luật vận động của xã hội hiện đại, tức là xã hội tư bản chủ nghĩa, Mác đã áp dụng phương pháp trừu tượng hóa khoa học, gạt bỏ những tàn dư nói trên, nêu lên những giả định: Một là, nền sản xuất xã hội đã hoàn toàn bị phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chi phối, mọi của cải đều biểu hiện dưới hình thái hàng hóa, kể cả sức lao động. Hai là, khi nghiên cứu công nghiệp và dịch vụ chỉ xét quan hệ giữa hai chủ thể là công nhân làm thuê và nhà tư bản; khi nghiên cứu nông nghiệp và địa tô tư bản chủ nghĩa mới xét quan hệ giữa ba giai cấp cấu thành bộ xương sống của xã hội hiện đại: công nhân làm thuê, nhà tư bản đầu tư vào nông nghiệp và chủ sở hữu ruộng đất. Nhưng không xét từng người cụ thể mà xét họ trong chừng mực là hiện thân của những phạm trù kinh tế, là đại biểu cho những quan hệ và những lợi ích giai cấp nhất định.

Bởi vậy, khi vận dụng lý luận vào thực tiễn phải đặt mối nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Nếu bối cảnh phù hợp với những giả định đã nêu thì sẽ vận dụng trực tiếp, không kể là ở phương Tây hay phương Đông, không kể là châu Phi hay Mỹ la-tinh. Nếu bối cảnh lịch sử có những nét đặc thù, thì phải tính tới những nét đặc thù đó. Chẳng hạn, trong một nền kinh tế đang quá độ từ chủ nghĩa phong kiến lên chủ nghĩa tư bản hay đang quá độ từ tiểu nông lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, thì chỉ có thể vận dụng lý luận về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào hoạch định chính sách phát triển bộ phận (hay thành phần) kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản nhà nước, không thể vận dụng vào sản xuất hàng hóa nhỏ hay kinh tế tự nhiên.

2- Mác và Ăng-ghen mới nghiên cứu chủ nghĩa tư bản sơ kỳ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, chưa bộc lộ hết những đặc trưng và xu hướng phát triển của nó, nên còn nhiều nhận xét và dự báo không phù hợp với chủ nghĩa tư bản hiện đại, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Dĩ nhiên là Mác và Ăng-ghen phải dựa vào thực tiễn của cách mạng công nghiệp lần thứ nhất để nghiên cứu chủ nghĩa tư bản nhưng các ông cũng đã phát hiện nhiều xu hướng phát triển tất yếu của đại công nghiệp.

Trong "Lời bạt viết cho lần xuất bản thứ hai quyển I "Tư bản", Mác đã trích dẫn bài bình luận về phương pháp của tác phẩm "Tư bản" đăng trên tạp chí "Người truyền tin châu Âu" ở Pe-téc-bua mà Mác cho là đúng: "Đối với Mác, chỉ có điều này là quan trọng: tìm ra quy luật của những hiện tượng mà ông nghiên cứu. Hơn nữa, điều quan trọng đối với ông không phải chỉ là cái quy luật chi phối những hiện tượng ấy trong lúc chúng đang ở dưới một hình thái nhất định và đang nằm trong mối quan hệ qua lại mà ông quan sát được trong một lúc nhất định. Đối với ông điều quan trọng hơn cả là quy luật biến hóa của các hiện tượng, quy luật phát triển của chúng, tức là sự chuyển hóa từ một hình thái này sang một hình thái khác, từ một trật tự quan hệ qua lại này sang một trật tự quan hệ qua lại khác..."

"Muốn thế, chỉ cần là khi chứng minh tính tất yếu của trật tự hiện thời ông chứng minh luôn cả tính tất yếu của một trật tự khác mà trật tự hiện thời nhất thiết phải chuyển sang, dù người ta có nghĩ đến hay không nghĩ đến điều đó, dù người ta có ý thức hay không có ý thức về điều đó. Ông coi sự vận động xã hội như là một quá trình lịch sử tự nhiên".[2]

Khi phân tích vai trò của tư liệu lao động trong quá trình sản xuất, Mác đã nhấn mạnh: "Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào"[3]. Các tư liệu lao động không những là thước đo sự phát triển sức lao động của con người, mà còn là một chỉ tiêu của những quan hệ xã hội trong đó lao động được tiến hành. Cơ sở kỹ thuật của công nghiệp hiện đại có tính chất cách mạng, nhờ dùng máy móc, nhờ các quá trình hóa học và các phương pháp khác nền công nghiệp hiện đại không ngừng đảo lộn những cơ sở vật chất của nền sản xuất và cùng với chúng là những chức năng của công nhân và những sự kết hợp xã hội của quá trình lao động.

Chúng ta không thể kỳ vọng Mác và Ăng-ghen chỉ ra một cách cụ thể những giải đoạn kế tiếp sau cách mạng công nghiệp lần thứ nhất sản xuất bằng công nghệ nào, với những tư liệu lao động nào, nhưng theo phương pháp đã dẫn ra ở trên, các ông đã dự báo rất đúng nhiều xu hướng phát triển của đại công nghiệp. Thí dụ: Theo đà phát triển của đại công nghiệp, máy móc sẽ từng bước thay thế lao động giản đơn, quá trình sản xuất từ chỗ là một quá trình lao động giản đơn sẽ trở thành một quá trình khoa học. Lao động trực tiếp về mặt lượng được quy vào một phần nhỏ hơn, về mặt chất được chuyển hóa thành một yếu tố nào đó, tuy cần thiết nhưng là thứ yếu so với lao động khoa học phổ biến, so với sự áp dụng khoa học tự nhiên vào công nghệ. Như vậy, việc tạo ra của cải thực sự trở nên lệ thuộc ít hơn vào thời gian lao động và số lượng lao động đã chi phí, và phụ thuộc nhiều hơn vào trình độ chung của khoa học và vào sự tiến bộ của kỹ thuật, hay là phụ thuộc vào sự ứng dụng khoa học vào sản xuất. Tính chất của lao động cũng thay đổi, lao động không phải chủ yếu là lao động được nhập vào quá trình sản xuất mà chủ yếu là loại lao động trong đó con người, trái lại, là người kiểm soát và điều tiết bản thân quá trình sản xuất; thay vì làm tác nhân chủ yếu của quá trình sản xuất công nhân lại đứng bên cạnh quá trình ấy.

Tri thức, khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Phát minh trở thành một nghề đặc biệt, và đối với nghề này thì việc vận dụng khoa học vào nền sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định và kích thích. Đại công nghiệp đòi hỏi giáo dục bách khoa và những con người phát triển toàn diện.[4]

Những dự báo khoa học sẽ phải được kiểm nghiệm trong thực tiễn, không nên mặc nhiên coi là những nguyên lý, mặc dù hầu hết các dự báo của Mác, Ăng-ghen và Lê-nin đều đúng. Chính các ông cũng thường xuyên kiểm lại các quan điểm của mình khi tình hình thực tiến biến đổi. Thí dụ: Trong "Lời tựa viết cho bản tiếng Đức "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" xuất bản năm 1872, Mác và Ăng-ghen đã viết: "Xét về đại thể những nguyên lý tổng quát trình bày trong Tuyên ngôn này vẫn hoàn toàn đúng. Ở đôi chỗ có một vài chi tiết cần phải xem lại. Chính ngay Tuyên ngôn cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đó, không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II. Đoạn này ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt cũng phải viết khác đi, vì đại công nghiệp đã có những bước tiến hết sức lớn, trong hai mươi lăm năm qua và giai cấp công nhân cũng đạt được những tiến bộ song song trong việc tự tổ chức thành chính đảng"...[5] Tóm lại, vẫn có thể vận dụng phương pháp nghiên cứu của Mác và Ăng-ghen về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào xem xét sự vận động của xã hội tư bản hiện đại.

3- Thế kỷ 19 chưa xuất hiện việc xây dựng xã hội mới, chưa có thực tiễn để hình thành học thuyết hoàn chỉnh về chủ nghĩa xã hội. Nhiều lắm là Mác và Ăng -ghen đưa ra được những dự báo khoa học dựa trên cơ sở phủ định những khuyết tật của chủ nghĩa tư bản sơ kỳ. Như vậy, vì sao lại có thể khẳng định: đi lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan?

Không phải Mác và Ăng-ghen chỉ dựa trên cơ sở phủ định những khuyết tật của chủ nghĩa tư bản sơ kỳ mà chủ yếu dựa vào những thành tựu của sự phát triển lực lượng sản xuất và xã hội hóa sản xuất ngày càng cao càng mâu thuẫn với quan hệ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, đi tới nhận định rằng: nền sản xuất tư bản chủ nghĩa lại đẻ ra sự phủ định bản thân nó với tính tất yếu của một quá trình tự nhiên.[6]

Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thúc đẩy cách mạng kỹ thuật, nhờ sử dụng máy móc mà tăng sức sản xuất của lao động, tăng năng suất lao động và xã hội hóa sản xuất ngày càng sâu rộng, khiến cho quan hệ sở hữu tư nhân trở thành xiềng xích cản trở sự phát triển lực lượng sản xuất và xiềng xích ấy sẽ bị đập tan, giống như giai cấp tư sản đã đập tan quan hệ sở hữu phong kiến.

Ăng-ghen nhận xét: "Mác nhấn mạnh những mặt xấu của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa một cách gay gắt như thế nào thì ông cũng chứng minh một cách rõ ràng như thế rằng hình thái xã hội đó là cần thiết để phát triển lực lượng sản xuất của xã hội tới một trình độ cao đến mức làm cho tất cả mọi thành viên trong xã hội đều có thể phát triển như nhau một cách xứng đáng với con người. Tất cả các hình thái xã hội trước đây đã quá nghèo nàn để có thể làm được điều đó. Chỉ có nền sản xuất tư bản chủ nghĩa là tạo ra được những của cải và những lực lượng sản xuất cần thiết để làm việc đó, nhưng đồng thời với số công nhân bị áp bức đông đảo nó cũng tạo ra cái giai cấp xã hội ngày càng đứng trước sự cần thiết phải nắm lấy những của cải và những lực lượng sản xuất ấy vào tay mình để sử dụng chúng cho toàn thể xã hội, chứ không phải cho riêng một giai cấp độc quyền như hiện nay"[7].

Lênin đã nhấn mạnh: "Học thuyết của chúng ta không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động".

"Chúng ta không kỳ vọng rằng Mác hay những người theo chủ nghĩa Mác đều hiểu biết mọi mặt cụ thể của con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Như thế sẽ là phi lý. Chúng ta chỉ biết phương hướng của con đường đó và những lực lượng giai cấp nào dẫn đến con đường đó; còn như về cụ thể và trên thực tế con đường đó ra sao thì kinh nghiệm của hàng triệu người sẽ chỉ rõ khi họ bắt tay vào hành động"[8].

Một xã hội mới ra đời thường không tránh khỏi một thời kỳ mò mẫm, tìm tòi và thử nghiệm, một thời kỳ không tránh khỏi mắc sai lầm và sửa chữa sai lầm. Lênin đặt câu hỏi: "Nhưng nếu người ta xét thực chất của vấn đề, liệu có bao giờ người ta thấy trong lịch sử lại có một phương thức sản xuất mới nào đứng vững ngay được, mà không trải qua nhiều thất bại, nhiều sai lầm và tái phạm không?"[9]

Không thể đòi hỏi Mác, Ăng-ghen và Lênin xây dựng cho chúng ta một học thuyết hoàn chỉnh về cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà phải nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trích dẫn ở trên. Chính chúng ta phải học lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để vận dụng vào tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích đúng những đặc điểm của nước ta, để dần dần biết được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta.

4- Chủ nghĩa Mác có nhiều phát kiến quý. Nếu coi học thuyết Mác là một giả thuyết để trao đổi, tham khảo, từ đó rút ra những điều bổ ích để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam thì rất tốt. Nhưng coi chủ nghĩa Mác là đỉnh cao nhất của khoa học, là điều bắt buộc mọi người phải tuân theo thì dễ mắc sai lầm.

Trước đây ở nước ta đã có những "hủ Nho", tôn sùng đạo Nho đến mức đặt lên ban thờ để tụng niệm, ngày nay lại có những "hủ Mác" lấy các nguyên lý của chủ nghĩa Mác làm tiêu chuẩn để xét mọi việc xem đúng hay sai, do đó dễ dẫn cách mạng đi lệch hướng.

Cái sai thứ nhất trong nhận thức trên đây là không hiểu tính hệ thống chặt chẽ của lý luận Mác. Muốn rút ra được những điều bổ ích từ chủ nghĩa Mác để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam thì phải nghiên cứu các nguyên lý của chủ nghĩa Mác trong tổng thể, chứ không thể tách từng luận điểm ra khỏi hệ thống lý luận, thí dụ: Mác áp dụng phương pháp trình bày đi từ trừu tượng đến cụ thể vào luận giải phạm trù giá trị của hàng hóa. Ban đầu khi giả định chỉ xét quá trình sản xuất trực tiếp, Mác nhận định "chỉ có lượng lao động xã hội cần thiết hay thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra một giá trị sử dụng, mới quyết định đại lượng giá trị của giá trị sử dụng ấy".[10]

Nhưng khi đặt trong những điều kiện tái sản xuất, Mác lại đưa ra kết luận mới: "Giá trị của mọi hàng hóa... không phải do thời gian lao động cần thiết chứa đựng trong bản thân hàng hóa đó quyết định, mà là do thời gian lao động xã hội cần thiết để tái sản xuất ra hàng hóa đó quyết định. Việc tái sản xuất đó có thể tiến hành trong những điều kiện hoặc thuận lợi, hoặc khó khăn hơn, không giống như những điều kiện sản xuất ban đầu"[11].

Khi xét thêm cạnh tranh và quan hệ cung cầu Mác lại phát hiện do cạnh tranh trong nội bộ từng ngành sẽ hình thành giá trị thị trường; cạnh tranh giữa các ngành sẽ dẫn đến bình quân hóa tỷ suất lợi nhuận và hình thành giá cả sản xuất. Đó là cái trục mà giá cả thị trường xoay quanh. Nếu không nghiên cứu đầy đủ và có hệ thống thì sẽ hiểu phiến diện về từng luận điểm trên và không thể vận dụng thích hợp vào thực tiễn.

Cái sai thứ hai của nhận thức này là không thấy rằng những người nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin không hề coi chủ nghĩa Mác-Lênin là đỉnh cao nhất của khoa học mà tán đồng nhận định của Lênin: "Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu với cuộc sống" [12].

Hơn nữa, chủ nghĩa Mác coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, nên ngay cả Mác, Ăng-ghen và Lênin cũng thường xuyên đối chiếu lý luận với thực tiễn để kiểm tra lại các nguyên lý xem đúng hay sai, chứ không phải là lấy các nguyên lý làm tiêu chuẩn để xét mọi việc.

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã rút ra bài học: "Tiêu chuẩn đánh giá sự vận dụng đúng đắn các quy luật thông qua chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là sản xuất phát triển, lưu thông thông suốt, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân từng bước được ổn định và nâng cao, con người mới xã hội chủ nghĩa ngày càng hình thành rõ nét, xã hội ngày càng lành mạnh, chế độ xã hội chủ nghĩa được củng cố. Mọi chủ trương, chính sách gây tác động ngược lại là biểu hiện sự vận dụng không đúng quy luật khách quan, phải được sửa đổi hoặc bãi bỏ"[13].

Như vậy phải nắm vững phương pháp nghiên cứu và phương pháp trình bày kết quả nghiên cứu của Mác và Ăng-ghen mới có thể nhận thức đúng về tính khoa học của chủ nghĩa Mác./.

 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, NXB CTQG, Hà Nội - 2000, tr494, 497.

[2] C.Mác và Ph.Angghen, toàn tập, tập 23, NXB CTQG - Sự thật, Hà Nội - 1993, tr33

[3] C.Mác và Ph.Angghen, toàn tập, tập 23, NXB CTQG - Sự thật, Hà Nội - 1993, tr269

[4] C.Mác và Ph.Angghen, toàn tập, tập 46 phần II, NXB CTQG- Sự thật, Hà Nội - 2000, từ tr348-384, lưu ý các tr: 260, 367, 368-369, 370, 372, 382.

[5] C.Mác và Ph.Angghen, toàn tập, tập 18, NXB CTQG - Sự Thật, Hà Nội - 1995, tr128

[6] C.Mác và Ph.Angghen, toàn tập, tập 23, NXB CTQG - Sự Thật, Hà Nội - 1993, tr1059

[7]C.Mác và Ph.Angghen toàn tập, tập 16, NXB CTQG-Sự Thật, Hà Nội - 1994, tr325-326

[8] V.I.Lênin, toàn tập, tập 34, Nxb Tiến bộ, Mat-xcơ-va, 1976, tr152-153.

[9]V.I.Lênin, toàn tập, tập 39, Nxb Tiến bộ, Mat-xcơ-va, 1977, tr22.

[10]C.Mác và Ph.Angghen, Toàn tập, tập 23, NXB CTQG- Sự Thật, Hà Nội -1993, tr68

[11] C.Mác và Ph.Angghen, toàn tập, tập 25 phần I, NXB CTQG - Sự thật, Hà Nội -1994, tr213

[12] V.I.Lenin, Toàn tập, tập 4, NXB Tến bộ, Matxcơva-1974, tr232

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, NXB CTQG, Hà Nội - 2006, tr363-364

 
GS.TS Đỗ Thế Tùng