Nghiên cứu - Trao đổi

Phát huy hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học của nền văn hóa Việt Nam

Hệ giá trị đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển văn hóa, xây dựng con người. Hệ giá trị được coi là những định hướng lớn cho sự phát triển con người và dân tộc Việt Nam.

Nhờ có những định hướng lớn này, chúng ta có thể huy động sự tập trung, thống nhất, đoàn kết, từ đó giúp dân tộc ta đạt thắng lợi một cách thuận lợi hơn. Nhờ có định hướng giá trị, chúng ta mới có thể điều tiết được sự năng động, đa dạng của xã hội.

Bốn đặc trưng của hệ giá trị văn hóa Việt Nam

Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định những đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt Nam là: Dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Giá trị dân tộc được phản ánh qua cả nội dung và hình thức của nền văn hóa, thể hiện sự phong phú, độc đáo, sức sống của văn hóa dân tộc. Giá trị dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện truyền thống văn hiến của dân tộc, được nuôi dưỡng từ mạch nguồn dân tộc. Đó cũng là nền văn hóa độc lập, tự chủ, không bị nô dịch, bị lấn át trước văn hóa ngoại lai, nhưng đồng thời có khả năng tiếp thu, “dân tộc hóa”, “Việt hóa” những ảnh hưởng tốt đẹp của văn hóa bên ngoài, làm giàu và nâng tầm văn hóa dân tộc ngang tầm thế giới và thời đại.

Phát huy hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học của nền văn hóa Việt Nam
       Tôn vinh văn hóa truyền thống Việt ở Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy (ảnh chụp tại Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, Đền Hùng-Phú Thọ năm 2021).Ảnh: VIẾT DƯƠNG. 

Giá trị dân chủ là một giá trị tiến bộ của thời đại, đề cao các quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do sáng tạo văn hóa, mọi công dân đều bình đẳng và được tôn trọng. Người dân vừa là chủ thể vừa là khách thể của văn hóa, vừa là người sáng tạo vừa là người hưởng thụ các giá trị văn hóa.

Giá trị nhân văn đề cao tình nghĩa, nhân ái, yêu thương con người, tôn trọng nhân phẩm, đặc trưng cho văn hóa Việt Nam vốn trọng tình cảm, thương yêu con người, đề cao tình nghĩa.

Giá trị khoa học là hướng các hoạt động xây dựng con người có thế giới quan khoa học, nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và xã hội học tập.

Hiện nay, trong bối cảnh đất nước ta đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đang có những tác động lớn lao tới hệ giá trị con người Việt Nam. Bên cạnh những giá trị tốt đẹp tiếp tục được củng cố và phát huy, thì cũng có không ít biểu hiện “lệch chuẩn”, hành vi “phản giá trị”,  ứng xử vô văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống.

Do vậy, vấn đề xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay đang đặt ra vô cùng cấp thiết. Chính vì thế, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng đã đặt ra mục tiêu: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam”.

Giải pháp giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam

Một là: Xác định nội hàm cụ thể của hệ giá trị. Để xây dựng thành công hệ giá trị văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới đòi hỏi phải xác định được đúng đắn, xác đáng hệ giá trị mới, trên cơ sở khoa học và thực tiễn khách quan, tránh chủ quan, duy ý chí, hô hào suông. Điều đó đòi hỏi một cách tiếp cận hệ thống, tổng thể, đa chiều, vừa có được sự đồng thuận cao trong giới nghiên cứu khoa học và các nhà lãnh đạo, vừa được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ và thực hiện.

Chính vì vậy, cần phải tổng kết, đúc rút kết quả nghiên cứu của nhiều thế hệ các nhà khoa học đi trước, đồng thời tham khảo học hỏi kinh nghiệm quốc tế, kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời tiếp thu các giá trị tiến bộ, phổ quát của nhân loại.

Bên cạnh đó, việc triển khai hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học rất cần cụ thể hóa bằng cách bổ sung các nội hàm mới của thời đại như: Coi trọng tài năng cá nhân, đề cao học thức, chuyên môn, khoa học và công nghệ, coi trọng sự sáng tạo và nhân văn, hướng tới tự do, dân chủ và hạnh phúc của con người. Hệ giá trị này còn được xem xét trên các yêu cầu khác biệt, đa dạng về cấp độ: Các giá trị cá nhân, giá trị nghề nghiệp, giá trị xã hội, giá trị mang tính toàn cầu.

Hai là: Hoàn thiện thể chế, chính sách. Do văn hóa là lĩnh vực rộng lớn và có quan hệ mật thiết với tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội nên việc hoàn thiện thể chế, chính sách chính là cách chúng ta đưa hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn bộ xã hội. Bên cạnh đó cần phải tiến hành đồng thời với đổi mới phương thức lãnh đạo văn hóa,  đổi mới tư duy quản lý văn hóa dựa trên tư tưởng về quyền văn hóa và tinh thần xây dựng hệ thống hành chính công hiện đại; từng bước xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mới theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hệ thống thể chế, đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng chủ chốt, phát triển nguồn nhân lực cao, tổ chức một số hoạt động và sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia.

Ba là: Đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội đồng thời giữ nghiêm kỷ cương, phép nước. Giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa cần dựa trên thực hành dân chủ hóa đời sống xã hội nhưng dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, theo đó người dân được thực hiện những điều pháp luật không cấm, đồng thời tôn trọng quyền của người khác và tôn trọng cộng đồng. Pháp luật là văn hóa tối thiểu, văn hóa là pháp luật tối đa. Tôn trọng các biểu đạt đa dạng của văn hóa, tránh máy móc trong việc áp dụng các mô hình phát triển văn hóa là một nguyên tắc quan trọng để giữ gìn và phát huy hệ giá trị. Chính vì thế, giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học phải được xây dựng, hình thành và phát triển trên cơ sở thực hành dân chủ. Tôn trọng dân chủ trong đời sống xã hội qua các hình thức: Dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp và tự quản ở cơ sở để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực: Kinh tế, xã hội, chính trị, tư tưởng, văn hóa... là cách xây dựng niềm tin, hình thành nên các giá trị tốt đẹp trong xã hội.

Bốn là: Nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ văn nghệ sĩ. Giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa cần dựa trên sự thực hành các giá trị đó. Trong bối cảnh xã hội rất phức tạp, khiến con người rất dễ phân tâm trong việc xác định định hướng giá trị của mình thì việc làm gương là một giải pháp quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Do tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội và đội ngũ văn nghệ sĩ là những người được nhân dân quan tâm, chú ý nên việc làm gương của họ có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình và thực hành giá trị văn hóa.

Năm là: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị và hệ giá trị. Nhận thức đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng hành vi của con người, trong đó có giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa. Khi chúng ta hiểu rõ ý nghĩa, vai trò của hệ giá trị văn hóa trong việc phát triển con người, đất nước, chúng ta sẽ có những hành động phù hợp để giữ gìn và xây dựng những giá trị này. Để làm được điều đó, chúng ta nhất thiết phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa.

Việc tuyên truyền phải được thực hiện một cách sinh động, có nội dung phong phú, hình thức đa dạng trên nhiều phương tiện và môi trường khác nhau, đặc biệt chú ý đến môi trường internet, mạng xã hội. Việc tuyên truyền phải coi trọng nguyên tắc lấy cái tốt, đẹp dẹp cái xấu, ác để tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển hành vi của con người.

Sáu là: Phát huy vai trò của các thiết chế gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng hệ giá trị. Hệ giá trị văn hóa không tồn tại chung chung, mà rất cụ thể trong những không gian nhất định như gia đình, nhà trường và xã hội. Đây là các môi trường xã hội hóa quan trọng nhất để hình thành nên nhân cách của con người. Nếu trong gia đình, việc giáo dục, thực hành giá trị văn hóa là qua các bài học làm gương, thì trường học là những bài học mô phạm, sinh hoạt có tổ chức, còn xã hội thì thông qua luật pháp và các hoạt động tuyên truyền khác. Phát huy vai trò của các thiết chế này sẽ tạo điều kiện để các giá trị văn hóa được thực hành, từ đó định hình vững chắc trong đời sống xã hội. Điều quan trọng nữa là phải có sự đồng bộ giữa các thiết chế để những điều được truyền đạt, thực hành trong thiết chế này không bị mâu thuẫn trong các thiết chế khác.

Bảy là: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần hình thành và củng cố các giá trị tốt đẹp. Xem xét mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng văn hóa và phát triển con người, theo đó, văn hóa là sản phẩm của con người, đồng thời con người là sản phẩm của văn hóa. Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 đặt nhiệm vụ: Xây dựng môi trường văn hóa (MTVH) lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. MTVH là nơi lưu giữ các giá trị, chuẩn mực giúp con người tự hoàn thiện bản thân, để phát triển và phát huy những năng lực bẩm sinh hướng tới cái chân, cái thiện, cái mỹ. Xây dựng MTVH là hình thành những giá trị, chuẩn mực cụ thể trong từng lĩnh vực cuộc sống mà mỗi con người phải trải qua, đó là gia đình, nhà trường, khu dân cư, cơ quan, đơn vị công tác. MTVH lành mạnh sẽ giúp những hành vi đẹp, hành động tốt dễ đơm hoa kết trái, đồng thời tạo ra sức đề kháng để những hành vi xấu, cái ác bị lên án, loại trừ.

Tám là: Phát huy sứ mệnh của văn học, nghệ thuật trong xây dựng hệ giá trị. Để giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa, chúng ta cần phát huy hơn nữa vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc củng cố các giá trị đạo đức xã hội, hướng con người tới những giá trị chân-thiện-mỹ. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật có tác dụng hướng con người tới các giá trị tốt đẹp, từ đó truyền năng lượng tích cực của cuộc sống cho mọi người. Những bài học về đạo đức mà các loại hình nghệ thuật truyền thống đã giúp văn hóa, đất nước và con người Việt Nam ngày càng tốt đẹp. Để làm tốt điều này, chúng ta cũng cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phê bình văn học, nghệ thuật, không chỉ ở văn học, nghệ thuật trên các phương tiện truyền thống, mà cả trên mạng xã hội, để định hướng thẩm mỹ cho nhân dân.

Để làm được điều đó, chúng ta cần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục nghệ thuật trong và ngoài nhà trường. Giáo dục nghệ thuật quan trọng không kém giáo dục về khoa học. Nếu giáo dục về khoa học cung cấp cho chúng ta kiến thức thì giáo dục nghệ thuật giúp chúng ta hiểu rõ hơn cái đẹp, tính thiện và chia sẻ tình yêu thương.

Bên cạnh đó, chúng ta cần củng cố, thực hiện hiệu quả và thực chất các phong trào văn hóa, nghệ thuật. Khi các phong trào văn hóa, nghệ thuật đi vào thực chất, tránh giả dối sẽ tạo được lòng tin của người dân về lợi ích của việc tham gia vào đời sống văn hóa, văn nghệ. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi để ngành văn hóa phát huy mọi tiềm năng văn hóa, văn nghệ của người dân. Khi mọi người dân đều mong muốn và có cơ hội tham gia vào các phong trào văn hóa, văn nghệ, chắc chắn hoạt động này sẽ có sức phát triển mới, tạo ra cơ sở tốt cho việc xây dựng thị trường sản phẩm văn hóa, nghệ thuật; từ đó, biến các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật thực sự trở thành động lực cho sự phát triển đất nước.

PGS, TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội