Ban Nội chính Trung ương

Phát huy truyền thống, xứng đáng là "tai, mắt", là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp

Trong 55 năm qua, có thể khẳng định, mặc dù có nhiều biên động, thay đổi về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cho phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn cách mạng của đất nước, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngành Nội chính Đảng đã không ngừng trưởng thành, phát triển và ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò quan trọng, là “tai, mắt” của Đảng trong công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

 Ngày 05/01/1966, để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng Nhà nước và pháp luật, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 133-NQ/TW về thành lập Ban Pháp chế Trung ương - tổ chức tiền thân của Ban Nội chính Trung ương ngày nay, đây là mốc son đánh dấu sự ra đời chính thức của ngành Nội chính Đảng. Ngay từ ngày đầu mới được thành lập, trong điều kiện đất nước hết sức khó khăn, hai miền bị chia cắt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là đồng chí Trường Chinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ban Pháp chế Trung ương đã tham mưu có hiệu quả cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường pháp chế XHCN, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng CNXH ở Miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
    
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng, ngày 09/01/2021
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng, ngày 09/01/2021
    Sau khi đất nước thống nhất, trước yêu cầu mới của cách mạng, Ban Bí thư đã ban hành Quyết định số 48-QĐ/TW, ngày 17/9/1979 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Ban Nội chính Trung ương, trên cơ sở kế thừa chức năng, nhiệm vụ và cán bộ của Ban Pháp chế Trung ương, bổ sung nhiệm vụ tham mưu lãnh đạo bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Nội chính; đồng thời, quy định về việc thành lập ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp với các cơ quan chức năng, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Hiến pháp năm 1980; kiến nghị thành lập Trường Đại học Pháp lý Hà Nội, tái lập Bộ Tư pháp và thúc đẩy việc thành lập Sở Tư pháp các địa phương. Ngành Nội chính Đảng đã tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời những vấn đề nổi lên về an ninh, trật tự; hoàn thành tốt vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đấu tranh chống tệ ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV). Đây là giai đoạn phát triển mới của ngành Nội chính Đảng.
    
    Bước sang thời kỳ đổi mới đất nước, trong giai đoạn 1986-2007, ngành Nội chính Đảng đã tham mưu có hiệu quả cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường pháp chế XHCN, đẩy mạnh cải cách tư pháp và đấu tranh PCTN. Phối hợp, tham mưu chỉ đạo xây dựng, ban hành Hiến pháp năm 1992 và nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, PCTN và cải cách tư pháp, nhất là về mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp lớn về PCTN, lãng phí và cải cách tư pháp đến năm 2020. Tham mưu củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và cán bộ có chức danh tư pháp trong các cơ quan nội chính; tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời nhiều vụ án lớn về an ninh, kinh tế, những vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trong giai đoạn 2007-2012, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan Đảng, Ban Nội chính Trung ương hợp nhất về Văn phòng Trung ương Đảng. Trong giai đoạn này, Văn phòng Trung ương và ngành Nội chính Đảng đã chủ trì, phối hợp tham mưu sơ kết, tổng kết, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng của Đảng về công tác nội chính và PCTN, lãng phí. Phối hợp, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính ở các vùng trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo quy định của pháp luật.
 
    Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, với quyết tâm tạo bước chuyển biến mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh PCTN, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (Ban Chỉ đạo) trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo; tái lập Ban Nội chính Trung ương là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và tái lập ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương được sáp nhập về Ban Nội chính Trung ương; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục được sửa đổi, bổ sung. Ngành Nội chính Đảng được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới; tổ chức, bộ máy được củng cố, kiện toàn, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ban Nội chính Trung ương được xác định là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính, PCTN và cải cách tư pháp; đồng thời, là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính của Đảng, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Bộ Chính trị cũng khẳng định rõ các cơ quan nội chính bao gồm: Viện kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra, Công an và Quân đội.
 
    Từ ngày được tái lập đến nay, Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã phát huy truyền thống, vượt qua khó khăn, nỗ lực cố gắng, chủ động, sáng tạo, kiên trì, bản lĩnh, quyết liệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp. Nhất là, ngành Nội chính Đảng chúng ta đã tích cực, chủ động, tham mưu có hiệu quả cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
 
    Chúng ta, vừa tham mưu, đề xuất đưa các vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo, tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo; vừa tham mưu chỉ đạo cơ chế phối hợp, định hướng chủ trương, quan điểm xử lý; vừa tích cực theo dõi, đôn đốc, phối hợp chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng vụ án, vụ việc cụ thể; vừa tham mưu chỉ đạo xử lý đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự, rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Từ khi tái lập đến nay, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu đưa hơn 800 vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi chỉ đạo ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp tham mưu Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc. Đến nay, các cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (01 Ủy viên Bộ Chính trị, 07 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 04 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 07 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Ngành Nội chính Đảng chúng ta đã  làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác nội chính, PCTN, cải cách tư pháp và xây dựng pháp luật, góp phần hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.
 
    Công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, PCTN và cải cách tư pháp được quan tâm, ngày càng nền nếp, hiệu quả. Chủ động theo dõi, nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan chưc năng tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời những vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là chúng ta đã tham mưu về chủ trương, quan điểm xử lý một số vụ án, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, vừa bảo đảm đúng bản chất, pháp luật, vừa đáp ứng yêu cầu chính trị và đối ngoại, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
 
    Sau 8 năm được tái lập, tổ chức, bộ máy của ngành Nội chính Đảng được củng cố, kiện toàn; kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên; vị thế, uy tín của ngành Nội chính Đảng ngày càng được khẳng định và nâng cao. Chúng ta rất phấn khởi, tự hào là từ khi tái lập đến nay, nhiều đồng chí cán bộ, lãnh đạo ngành Nội chính Đảng đã trưởng thành, phát triển, giữ các cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước và địa phương. Trong đó có 03 đồng chí trưởng ban nội chính tỉnh ủy giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy (trong đó 01 đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, 02 đồng chí là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng); 04 đồng chí là Phó Bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh; 02 đồng chí là Phó Bí thư - Chủ tịch HĐND tỉnh; 05 đồng chí là Phó Bí thư, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và nhiều đồng chí là Phó Chủ tịch HĐND, UBND, bí thư thành ủy thuộc tỉnh, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là sự nỗ lực, cố gắng của bản thân các đồng chí, nhưng cũng khẳng định sự ghi nhận, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với cán bộ ngành Nội chính Đảng, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói là “Bao công” của thời đại ngày nay.
 
    Những thành tích của ngành Nội chính Đảng trong 55 năm qua là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, công chức, nhân viên ngành Nội chính Đảng; của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, chính quyền các địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, và sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân.
 
    Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, tôi biểu dương, chúc mừng sự nỗ lực cố gắng và kết quả đạt được của cán bộ, công chức, nhân viên ngành Nội chính Đảng; xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp, giúp đỡ của ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và sự ủng hộ, động viên của các thế hệ lãnh đạo ngành Nội chính Đảng và nhân dân trong thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp, giúp đỡ nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Phấn khởi, tự hào về truyền thống vẻ vang, về những kết quả, thành tích đã đạt được, chúng ta cũng nghiêm túc nhìn nhận ngành Nội chính Đảng vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục. Công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp vẫn còn phải tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa, nhằm đáp ứng yêu cầu và mong muốn của Đảng và nhân dân.
 
    Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo còn có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống tiếp tục là thách thức lớn; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiếp tục gia tăng hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm hơn; tội phạm và tệ nạn xã hội tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp; tham nhũng trên nhiều lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Do đó, cán bộ, công chức, nhân viên ngành Nội chính Đảng chúng ta phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, phát huy truyền thống, khắc phục khó khăn, nêu cao phẩm chất “Trung thành - Liêm chính - Bản lĩnh - Sáng tạo”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là “tai, mắt”, là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.