Công tác nội chính

Quốc hội yêu cầu thanh tra, xử nghiêm vi phạm pháp luật về quy hoạch

- Quốc hội yêu cầu tập trung ưu tiên lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày dự thảo nghị quyết trước khi đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết. Ảnh: Đ.X

Tại phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 chiều ngày 16/6.

Bộ trưởng, chủ tịch tỉnh được chỉ định thầu gói tư vấn lập quy hoạch

Ngay sau khi nghị quyết được thông qua, Chính phủ được quy định chi tiết quy trình lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn để lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa lựa chọn được nhà thầu. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

“Người có thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác quy hoạch”, Quốc hội yêu cầu.

Quốc hội đồng ý lập đồng thời các quy hoạch, trong đó tập trung ưu tiên lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Quy hoạch được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước.

Khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn. Trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp thì cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch quyết định điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.

Cá thể hóa trách nhiệm, xử lý các bất cập do quy hoạch treo

Quốc hội giao Chính phủ thực hiện ngay nhiều nhiệm vụ. Trong đó, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư; khắc phục căn bản tình trạng các dự án treo do quy hoạch có nguyên nhân chủ quan.

Xử lý các tồn tại, bất cập do ảnh hưởng của quy hoạch treo, bảo đảm các quyền lợi của người dân về đất đai, tài sản và an sinh xã hội, không để xảy ra tình trạng khiếu nại kéo dài.

Chính phủ cũng phải chỉ đạo ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp bách; hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng quan trọng trong năm 2022.

Các quy hoạch ngành quốc gia còn lại, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh phấn đầu cơ bản hoàn thành trong năm 2022 trên cơ sở bảo đảm chất lượng các quy hoạch.

Các bộ, ngành và địa phương phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch.

Quốc hội giao Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các nội dung có liên quan đến quy hoạch trong các luật, văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị khẩn trương trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch.

Theo đánh giá của Quốc hội, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu.

Đến nay vẫn còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành việc lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Do tiến độ lập quy hoạch chậm nên đang tồn tại song hành, đồng thời áp dụng hai loại quy hoạch. Việc quản lý đầu tư, kinh doanh với một số ngành sản xuất sản phẩm gặp khó khăn do chưa có chính sách thay thế các quy hoạch ngành, sản phẩm đã hết hiệu lực hoặc chưa được hướng dẫn cụ thể.

Một số quy hoạch được phê duyệt đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế…

“Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Bên cạnh nguyên nhân do quy định pháp luật về quy hoạch còn bất cập, việc tổ chức thực hiện công tác quy hoạch ở các cấp, các ngành, các địa phương còn nhiều hạn chế, chưa làm hết trách nhiệm được giao, nhất là chưa chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt trong giai đoạn đầu”, nghị quyết nêu rõ. 

Hương Giang/thanhtra.com.vn