Kinh tế - Chính trị

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Ca mắc COVID -19 đang tăng trở lại, nguy cơ “dịch chồng dịch”

- Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra “dịch chồng dịch” do một số bệnh dịch lưu hành khác đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ…

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại. Ảnh: Đ.X

Sáng 6/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo.

Phiên họp được kết nối tới các tỉnh, TP theo hình thức trực tuyến có các bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương.

Biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa

Báo cáo tại phiên họp, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, 7 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận trên 9 triệu ca mắc COVID-19 (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), trên 8,5 triệu người khỏi bệnh, gần 11 nghìn ca tử vong.

Trong tháng 7/2022, cả nước ghi nhận trên 33.000 ca mắc, 6 ca tử vong; thời gian gần đây ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc/ngày. So với tháng trước, số mắc tăng 22,4%, giảm 2 ca tử vong, tỷ lệ chết/mắc 0,02%.

Hiện còn 6.388 ca đang theo dõi và điều trị, trong đó có 675 ca đang điều trị tại bệnh viện; có 44 ca nặng phải thở oxy, bao gồm 3 ca thở máy.

Về tiêm vaccine phòng COVID -19, theo bà Lan, tính đề ngày 4/8/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 247 triệu liều, là quốc gia có số liều vaccine sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới.

Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; hiệu suất sử dụng vaccine cao (đạt 100%) và tốc độ tiêm nhanh (tháng cao điểm - tháng 10 và 11/2021 tiêm được 39 - 40 triệu liều/tháng).

Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số 52%, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới.

Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, cao hơn một số quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Italia, Pháp...

Nhấn mạnh tiến độ tiêm chủng có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây, quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thông tin, trong nửa cuối tháng 7/2022, cả nước triển khai tiêm được hơn 7,7 triệu liều vaccine, tăng 34% so với nửa đầu tháng 7/2022.

Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận và đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn hệ thống chính trị và người dân.

Song quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các dịch bệnh truyền nhiễm đang biễn biến phức tạp.

Trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2, đã ghi nhận tại nhiều quốc gia; do đó, trong thời gian tới, số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng.

Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.

Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các địa phương ở phía Nam, các iến thể này đã bắt đầu chiếm ưu thế, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp.

Chủ quan, lơ là sẽ phải trả giá

“Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra “dịch chồng dịch” do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...)”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu không thể để "dịch chồng dịch". Ảnh Đ.X

Trước đó, phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích và một lần nữa nhấn mạnh không bao giờ quên được những ngày tháng khi năng lực y tế còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có đủ vaccine, thuốc chữa bệnh COVID-19.

Thời điểm đó, chúng ta bắt buộc phải dùng các biện pháp hành chính để phòng chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vừa mất nhiều công sức, nguồn lực, vừa nhiều hy sinh, mất mát, vừa ảnh hưởng nặng nề tới các hoạt động của xã hội.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh vừa được kiểm soát thì tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác lại xuất hiện.

Thủ tướng lưu ý, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trên thế giới, nhiều nước phát triển, có nền y tế hiện đại cũng đang bùng phát dịch trở lại.

Trong khi, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, khả năng chống chịu thì có hạn, cho nên chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước.

Từ thực tiễn, người đứng đầu Chính phủ nói rõ, vaccine vẫn là vũ khí quyết định trong phòng chống dịch bệnh. Cho nên, đã có đà về tiêm chủng trong chống dịch thì cần tận dụng cơ hội để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng; đồng thời đánh giá miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc.

Bộ Y tế cần chủ động hơn nữa và tập trung chỉ đạo các Sở Y tế; các cấp uỷ tập trung lãnh đạo, các cấp chính quyền phải tổ chức thực hiện; người dân phải vào cuộc một cách tích cực hơn nữa để thực hiện nhiệm vụ này.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh. Các cấp, địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; phải cùng nhau gánh vác, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải lo toan, trách nhiệm với công tác phòng chống dịch. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như nâng cao năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng phụ cấp cho nhân viên y tế, cơ cấu lại đội ngũ nhân lực y tế; tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp ủng hộ công cuộc phòng, chống dịch…

Yêu cầu không thể để “dịch chồng dịch”, Thủ tướng nêu rõ, nếu không quyết liệt triển khai các nhiệm vụ sẽ bị động, lúng túng và nếu chủ quan, lơ là thì sẽ phải trả giá.

Hương Giang/thanhtra.com.vn