Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Singapore: Tình hình tham nhũng “được kiểm soát chặt chẽ”

(Thanh tra)- Theo Cục Điều tra Chống tham nhũng Singapore (CPIB), trong năm 2019, số vụ việc tham nhũng giảm, số cuộc điều tra tăng, tình hình tham nhũng nằm trong tầm kiểm soát.

Số vụ việc mới được điều tra trong sự so sánh với số báo cáo liên quan đến tham nhũng trong 5 năm (2015-2019). Ảnh: CNA

Điều tra tham nhũng 119 vụ việc

Trong thông cáo báo chí vừa được công bố, CPIB cho biết, đã nhận được 350 báo cáo liên quan đến tham nhũng trong năm 2019, giảm nhẹ so với năm 2018 (358 trường hợp).

Trong đó, CPIB đã tiến hành điều tra 119 vụ, tăng 11% so với năm trước (107 vụ).

Các vụ việc tham nhũng được xem xét bởi Hội đồng Đánh giá khiếu nại. Dựa trên “chất lượng thông tin liên quan được cung cấp”, nếu thông tin được đánh giá là “có thể theo đuổi” thì vụ việc được đăng ký để tiến hành điều tra.

CPIB cho biết, nhiều báo cáo đã được đăng ký để điều tra vì có thông tin chất lượng tốt và cũng nhờ vào những nỗ lực của Cục trong yêu cầu điều tra, thu nhập thông tin.

CPIB cũng cho biết, cần có “một cái nhìn nghiêm túc về tất cả báo cáo và thông tin có thể tiết lộ bất kỳ hành vi phạm tội nào theo Luật Phòng, chống tham nhũng”. Trong nhiều năm, các báo cáo và thông tin như vậy đều được CPIB xem xét kỹ lưỡng, bất kể tính chất, mức độ vụ việc tham nhũng lớn hay nhỏ, dù người khiếu nại được nêu tên hay ẩn danh.

Bên cạnh đó, CPIB cũng đưa ra hướng dẫn về dạng thức thông tin mà mọi người nên đưa vào để báo cáo tham nhũng. Đó là:

- Thông tin về địa điểm, thời gian và cách thức của hành vi tham nhũng?

- Ai là những người có liên quan và vai trò của họ?

- Khoản hối lộ nào được đưa và sự ưu ái được thể hiện thế nào?

Tham nhũng lĩnh vực tư chiếm 90%, 11 vụ cán bộ từ chối nhận hối lộ

Năm 2019, các vụ việc tham nhũng thuộc lĩnh vực tư tiếp tục chiếm phần lớn các vụ được đăng ký để điều tra, ở mức 90%.

Có 107 vụ tham nhũng khu vực tư được tiến hành điều tra trong năm 2019, tăng nhẹ so với mức bình quân của 4 năm qua.

Trong đó, 10% (tương ứng 11 vụ), mà ở đó, các cán bộ viên chức khu vực công đang công tác tại Lực lượng Cảnh sát Singapore, Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh, Hải quan Singapore và Cục Chống Ma túy Trung ương đã từ chối nhận hối lộ của các cá nhân khu vực tư.

CPIB cũng ghi nhận, phần lớn cá nhân bị truy tố tại tòa là từ khu vực tư, với 142/147 người. Đáng kể trong đó là cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bảo trì tòa nhà, ở mức 30%.

 Phân tích số vụ việc tham nhũng mới khu vực công và tư được điều tra (năm 2015-2019). Ảnh: CNA
 

Tham nhũng khu vực công tiếp tục thấp

Theo CPIB, số vụ việc tham nhũng khu vực công được đăng ký để điều tra trong năm 2019 tiếp tục thấp, chiếm 10%, với 12 vụ.

Cán bộ khu vực công bị truy tố tại tòa chiếm khoảng 3%, tương đương với tỷ lệ của 2 năm trước.

Các bản án phạt tù giam đã được đưa ra cho những cá nhân bị kết tội tham nhũng.

Tình hình tham nhũng ở Singapore vẫn trong tầm kiểm soát

CPIB trích dẫn đánh giá của cộng đồng quốc tế đối với các nỗ lực chống tham nhũng của Singapore cho biết, tình hình tham nhũng ở nước này vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Tỷ lệ vụ việc được CPIB tiến hành điều tra trong năm 2019 cao hơn. Trong đó, 85% vụ đã hoàn thành điều tra, cao hơn 5% so với năm trước, dù khối lượng công việc của CPIB có tăng lên.

Cùng với đó, tỷ lệ kết án đối với các trường hợp mà Cục đã tiến hành điều tra vẫn ở mức 97% trong 5 năm qua, cho thấy CPIB vẫn thực hiện đúng cam kết mạnh mẽ với Văn phòng Tổng Chưởng lý Singapore (AGC) về việc buộc những kẻ tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

CPIB cũng bảo đảm rằng, Singapore đứng ở vị trí cao trong bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), nằm trong top những quốc gia trong sạch nhất (đứng thứ 4, với 85 điểm). Đồng thời, cải thiện điểm số của đất nước, vươn lên vị trí hàng đầu trong Khảo sát tham nhũng 2020 của Tổ chức Tư vấn Rủi ro Chính trị và Kinh tế (PERC).

“Nhìn chung, Singapore đã đạt được kết quả tốt trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng chúng ta không thể lơ là cảnh giác. Tham nhũng không được phép xâm nhập vào lối sống của chúng ta và làm suy yếu hình ảnh tốt đẹp của Singapore về một xã hội không tham nhũng và công bằng”, CPIB nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, “CPIB vẫn kiên quyết và cam kết trong việc chống tham nhũng, sẽ tiếp tục tăng cường năng lực hoạt động để phát hiện và điều tra tội phạm tham nhũng tốt hơn”.

Singapore được đánh giá là quốc gia Đông Nam Á tiến hành thành công “cuộc cách mạng” chống tham nhũng. Bên cạnh hình phạt nghiêm khắc với những kẻ bị kết tội tham nhũng, chế độ nhân tài với sự chú trọng đầu tư vào giáo dục công, mức lương cao đã thu hút những người tài giỏi vào các cơ quan, tổ chức Chính phủ, và loại bỏ sự cần thiết phải nhận hối lộ. Đó là nền tảng vững chắc cho một nền văn hoá “phi tham nhũng” của Singapore hiện nay, mà ở đó công chức “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng”.

Hoài Phương