Kinh tế - Chính trị

Sở, ngành buông lỏng quản lý hạ tầng khu đô thị, Chủ tịch Hà Nội nhận trách nhiệm

- Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, "công tác giám sát trong đầu tư và sau đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở các khu đô thị còn có vấn đề. Trách nhiệm là của UBND TP, các sở còn có sự buông lỏng. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm trước nhân dân...".

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận trách nhiệm vì sở, ngành buông lỏng quản lý hạ tầng khu đô thị. Ảnh: Bách Hợp

Chiều 14/10, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về quản lý, đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn.

Xử phạt hơn 3 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trên địa bàn TP có 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích từ 2ha trở lên.

Trong đó có 98 dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng; 168 dự án đang triển khai đầu tư và đầu tư chưa hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, qua giám sát của HĐND TP và ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập, thậm chí có những hạng mục dự án đã được kiểm tra, giám sát, tồn tại nhiều năm nhưng xử lý chưa hiệu quả, chậm chuyển biến…

Tại phiên giải trình, đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (huyện Mỹ Đức) đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết kết quả các đợt thanh, kiểm tra, áp dụng các chế tài đối với các chủ đầu tư chậm triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, các giải pháp chính trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi, Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết: Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức 36 cuộc thanh tra kiểm tra, xử phạt được hơn 3 tỷ đồng.

TP đã có quyết định phân công cho các ngành cụ thể, trong đó Sở KH&ĐT có chức năng giám sát đầu tư, tham mưu cho UBND TP. Trên cơ sở đó, Thanh tra Sở sẽ kiểm tra và xử lý.

Đặc biệt, Sở KH&ĐT tiến hành phân công cụ thể cùng giám sát với địa phương và các sở chuyên ngành để thực hiện đúng theo chỉ đạo của TP.

“Thời gian tới, Sở sẽ cùng phối hợp với các đơn vị để xây dựng phần mềm quản lý các dự án, tăng cường công tác quản lý Nhà nước sau đầu tư” - ông Đỗ Anh Tuấn nói.

Thu hồi dự án chậm triển khai

Phát biểu tại phiên giải trình, đại biểu Trần Khánh Hưng (huyện Ba Vì) phản ánh, nhiều trường học chưa được đầu tư xây dựng trong các khu đô thị, không đảm bảo yêu cầu của người dân, đặc biệt trong đó là khu đô thị Linh Đàm ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.

Đại biểu đề nghị, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai làm rõ trách nhiệm của quận đến đâu và quận đã tham mưu, đề xuất những giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và chấm dứt tình trạng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đảm bảo?

Trả lời câu hỏi trên, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết: Quận Hoàng Mai có 26 khu đô thị với quy mô 2ha trở lên do các chủ đầu tư triển khai thực hiện.

Phiên giải trình về quản lý, đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn. Ảnh: Bách Hợp

Tuy nhiên, nhiều khu có hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều lô đất chậm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc trách nhiệm chủ đầu tư. Các chủ đầu tư chậm triển khai tiềm ẩn nhiều vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng.

Về trách nhiệm của quận Hoàng Mai, ông Tâm cho biết: Từ năm 2021 đến nay, UBND quận đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ và quận cũng có nhiều báo cáo để chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đồng thời, UBND quận cũng thường xuyên kiến nghị, nếu các dự án chậm triển khai dây dưa kéo dài thì TP kiên quyết thu hồi và giao cho các đơn vị có năng lực thực hiện dự án, không để hoang hoá, lãng phí và phát sinh vi phạm về quản lý đất đai và trật tự xây dựng.

Bốc thăm suất học do thiếu trường công

Giải trình thêm các vấn đề được đại biểu quan tâm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã dành nhiều thời gian nói về vấn đề thiếu trường, thiếu lớp dẫn đến phụ huynh phải bốc thăm giành suất cho con vào Trường Mẫu giáo Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai).

Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, quận Hoàng Mai phải tổ chức bốc thăm là do thiếu trường công, không phải thiếu trường học. Ông khẳng định trường công trên địa bàn được đầu tư theo đúng quy hoạch.

"Bà con cử tri muốn được vào trường công, tin tưởng hơn, chi phí giá cả ổn định hơn. Một lượng vào đông quá thì buộc phải bốc thăm cho công bằng… Ở đây khẳng định không đến mức thiếu trường, chỉ là thiếu trường công và người dân muốn con vào trường công" - ông Thanh nhấn mạnh.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, quận Hoàng Mai có sự khác biệt với tất cả các quận, huyện, thị xã còn lại về mật độ dân cư. Hiện UBND TP đang chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo xin tiêu chí riêng cho Hoàng Mai và một số quận tương tự về tỉ lệ công - tư để có kế hoạch đầu tư.

Với vấn đề hạ tầng chung ở các khu đô thị, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, TP đã thành lập tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng với mục tiêu rõ ràng, năm 2023 phải làm sống lại các công viên ở Hà Nội...

Về hạ tầng kỹ thuật ở các khu đô thị, Chủ tịch UBND TP nói rõ: Công tác giám sát trong quá trình đầu tư và sau đầu tư còn có vấn đề. Trách nhiệm là của UBND TP, các sở còn có sự buông lỏng. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm trước nhân dân và có kế hoạch triển khai cụ thể hơn để HĐND giám sát.

Nêu việc qua giám sát, vẫn có khoảng trống trong trách nhiệm, Chủ tịch UBND TP cho biết, sẽ rà soát lại với mục tiêu, đồng bộ hóa các khâu đầu tư, tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư công, đầu tư xã hội.

thanhtra.com.vn