Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh Hoá nhận hối lộ là việc không mong muốn

(Thanh tra) – Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho hay, thời gian qua, ngành Thanh tra đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng. Nhưng vừa qua, đã xảy ra 2 việc không mong muốn là vụ xảy ra ở Thanh tra tỉnh Thanh Hóa và Thanh tra chuyên ngành Bộ Xây dựng.


Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.
Sáng ngày 27/6, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10 của Thủ tướng về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”
Tại đây, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề cập đến công tác chống tham nhũng ngay trong đội ngũ làm công tác chống tham nhũng.
Theo bà Hải, vụ việc Đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng ở Vĩnh Phúc vừa qua chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng làm cho người dân rất băn khoăn và đang trông chờ xem sự việc sẽ được giải quyết thế nào? 
“Người dân mong muốn sự việc được giải quyết nghiêm minh để từ đó có những răn đe đối với những thành phần khác”, Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh.
Bà Hải cũng đề cập đến các giải pháp được nêu trong Chỉ thị 10 như thực hiện luân chuyển các vị trí công tác để ngăn chặn nguy cơ tham nhũng từ lớn đến vặt. Đặc biệt, là ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải.
“Đề nghị Thanh tra Chính phủ triển khai đến các đơn vị cần có đường dây nóng, có người trực trực thường xuyên để lắng nghe phản ánh của người dân”, Trưởng ban Dân nguyện nói và lưu ý, giám sát của người dân trong phòng, chống tham nhũng “vặt” rất quan trọng. 
Tập trung xử lý nghiêm vi phạm
Lắng nghe, tiếp thu ý kiến, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho hay, ngành Thanh tra đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và phòng, chống tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng nói riêng. 
Tuy nhiên, thời gian qua, đã xảy ra 2 việc không mong muốn là vụ xảy ra ở Thanh tra tỉnh Thanh Hóa và Thanh tra chuyên ngành Bộ Xây dựng. 
Theo ông Lê Minh Khái, ngay sau khi vụ việc xảy ra ở Thanh tra tỉnh Thanh Hoá, Thanh tra Chính phủ đã có Chỉ thị 769 ngày 17/5 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra.
“Đối với thanh tra tỉnh, thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm quản lý Nhà nước một phần thôi. Còn về công chức, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh.
Khi xảy ra vụ việc này, tôi thấy, Bộ trưởng Xây dựng, Chủ tịch tỉnh cũng rất trách nhiệm, tập trung xử lý nghiêm”, Tổng Thanh tra nói.
Tư lệnh ngành Thanh tra cũng bày tỏ mong muốn, Thủ trưởng các Bộ, ngành, tỉnh, thành tăng cường thực hiện các nội dung trong Chỉ thị 769, đặc biệt quan tâm đến thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm.
Tại Chỉ thị 769 nêu rõ, thời gian gần đây, một số công chức, viên chức thanh tra không chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của ngành Thanh tra và Thanh tra Chính phủ, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ và uy tín của người làm công tác thanh tra và ngành Thanh tra; Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu toàn ngành Thanh tra chấp hành nghiêm quy định về những việc công chức, viên chức không được làm theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm pháp luật về công vụ, công chức, pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm quy trình chuyên môn nghiệp vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức thanh tra trong thực thi công vụ, nhiệm vụ.
Thực hiện tốt Quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; Quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của công chức, viên chức thanh tra trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng…
Thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và Chánh Thanh tra Bộ, ngành, địa phương phải chủ động, kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật; báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý hành chính cấp trên và Tổng Thanh tra Chính phủ kết quả xử lý.
Hương Giang/thanhtra.com.vn