Công tác nội chính
Tháo gỡ nhiều khó khăn khi ngành Giáo dục được chủ động tuyển dụng nhà giáo
- Theo đại biểu Quốc hội, việc giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo là quy định rất quan trọng, có thể tháo gỡ ngay các vấn đề khó khăn, nhất là khó khăn ngày càng trầm trọng về tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ...
Sáng 20/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. |
Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, hôm nay, ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành trọn phiên họp buổi sáng để thảo luận về dự án Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đây là sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các thế hệ nhà giáo và ngành Giáo dục – những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các vị đại biểu Quốc hội đã và đang làm việc trong ngành Giáo dục, cùng gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền của Tổ quốc.
Ngành Giáo dục được chủ động tuyển dụng nhà giáo
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) bày tỏ quan tâm đến thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Từ thực tiễn kinh nghiệm quản lý trong ngành Giáo dục, đại biểu cho biết, hiện trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ngày càng trầm trọng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên.
Đại biểu chỉ ra, việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức; tuy nhiên, quy định này chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của nhà giáo.
Đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) |
Cùng với đó, việc phân cấp công tác tuyển dụng, sử dụng nhà giáo còn nhiều bất cập vì ở hầu hết các địa phương, cơ quan chuyên môn là Phòng Giáo dục và Đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng, nên không thể chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn…
Do đó, đại biểu đồng tình và thống nhất cao với những quy định giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo. “Đây là quy định rất quan trọng, có thể tháo gỡ ngay các vấn đề khó khăn, nhất là ngày càng trầm trọng, về tình trạng thừa, thiếu giáo viên từ nhiều năm nay tại các địa phương” - đại biểu nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, để đáp ứng vai trò, vị trí của nhà giáo, cần bổ sung quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đầu vào đối với nguồn đào tạo giáo viên tại các cơ sở đào tạo nguồn giáo viên, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào đối với các giáo viên trong tương lai, tránh tình trạng như nhiều năm qua, việc tuyển sinh đối với nhiều cơ sở đào tạo nguồn giáo viên có đầu vào giáo viên gần như thấp nhất theo tiêu chuẩn xét tuyển so với nhiều ngành, lĩnh vực.
Phải xây dựng môi trường giáo dục thân thiện
Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đề nghị xem xét bổ sung vào điểm e khoản 2 Điều 9 về nghĩa vụ của nhà giáo. Nội dung này quy định nhà giáo có nghĩa vụ tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, dân chủ, đổi mới sáng tạo. Theo đại biểu, cần bổ sung thêm nghĩa vụ của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đó là phải xây dựng môi trường giáo dục thân thiện.
Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) |
Theo đại biểu, đây là nội dung nằm trong phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, đã được phát động cách đây hơn 16 năm và đến nay đã khẳng định vẫn nguyên giá trị, ý nghĩa. Để đạt được mục đích này, các thầy cô giáo phải thân thiện trong dạy học, thân thiện trong đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh, đánh giá công bằng, khách quan với lương tâm và trách nhiệm của nhà giáo. Các thầy cô giáo trong quá trình dạy học phải thân thiện với mọi năng lực thực tế của mọi đối tượng học sinh. Trường học thân thiện là trường học có môi trường sống lành mạnh, an toàn, tránh được những bất trắc, nguy hiểm, đe dọa học sinh. Trường học có cơ sở vật chất đảm bảo các quyền tự nhiên, thiết yếu của con người. Trường học thân thiện là trường tạo lập sự bình đẳng giới, xây dựng thái độ với giáo dục, hành vi ứng xử tôn trọng bình đẳng nam nữ.
Theo đại biểu, nghĩa vụ của nhà giáo trong xây dựng trường học thân thiện thì ngoài truyền thụ kiến thức còn phải chú trọng giáo dục kỹ năng sống, tạo môi trường và điều kiện để học sinh tìm hiểu, chăm sóc và phát huy các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa của địa phương.
Đồng thời, phối hợp với cha mẹ học sinh để giáo dục các em, giáo dục cho học sinh biết rèn luyện thân thể để tự bảo vệ sức khỏe, đời sống lành mạnh, an toàn, đến quý trọng gia đình, độ lượng và bao dung, có tình yêu với quê hương, đất nước...
“Trường học thân thiện gắn bó chặt chẽ với việc phát huy tính tích cực của học sinh. Trong môi trường phát triển toàn diện đó, học sinh học tập hứng thú, chủ động tìm hiểu kiến thức dưới sự dìu dắt của thầy cô giáo, gắn chặt học và hành, biết thư giãn khoa học, rèn luyện kỹ năng, phương pháp học khoa học” - đại biểu nhấn mạnh./.