Nghiên cứu - Trao đổi

Thiết lập cơ chế giải quyết khiếu nại có tính chuyên nghiệp cao

(Thanh tra)- Là một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực việc xem xét, giải quyết lại quyết định giải quyết khiếu nại (QĐGQKN) đã có hiệu lực pháp luật (HLPL) được TS. Phạm Thị Huệ, Viện Chiến lược khoa học Thanh tra đưa ra tại kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cùng tên của mình.

Đa số vụ việc phải xem xét, giải quyết lại là những vụ việc tồn đọng
Theo TS. Phạm Thị Huệ, những vụ việc khiếu nại (KN) thuộc diện phải xem xét, giải quyết lại là những vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đa số những vụ việc này đã có QĐGQKN có HLPL nhưng người dân không đồng tình, tiếp tục KN vượt cấp lên cơ quan Trung ương với thái độ bức xúc làm tình hình phức tạp thêm.
Mặt khác, một số vụ việc mặc dù các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương đã rất nỗ lực, cố gắng huy động mọi lực lượng tập trung chỉ đạo, thanh tra kết luận rõ đúng sai, xử lý các vi phạm và tìm mọi biện pháp để giải quyết, vận dụng phương án có lợi nhất cho người KN, đã tổ chức đối thoại nhiều lần, được đông đảo người dân và cán bộ, đảng viên cơ sở đồng tình nhưng do hiểu biết pháp luật hạn chế và có động cơ khác nhau nên người khiếu kiện vẫn cố tình viết đơn khiếu kiện.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình hình KN, tố cáo (TC) nói chung, trong đó có KN hành chính thông qua số lượng cụ thể các vụ việc KN với các QĐGQKN đã có HLPL hàng năm phức tạp, bất thường. Có những năm, tình hình KN với QĐGQKN đã có HLPL tăng đột biến, có năm giảm về số vụ việc, nhưng lại phức tạp về tính chất, kéo dài dai dẳng không có dấu hiệu chấm dứt.
"Quá trình xem xét, giải quyết lại được thực hiện nhằm giải quyết tình thế, ổn định tình hình chính trị, xã hội trong một giai đoạn xã hội nhất định, do vậy, chủ yếu được thực hiện theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đến thời điểm hiện tại, không có một quy trình chuẩn cho việc xem xét, giải quyết lại được quy định bởi văn bản quy phạm pháp luật", TS. Huệ nhấn mạnh.
Tạo cấp xét xử mới dẫn đến KN kéo dài
Chỉ ra những nguyên nhân và hạn chế, TS. Huệ cho rằng, căn cứ để xem xét, giải quyết lại không được xác định rõ và thống nhất trong các kế hoạch xem xét, giải quyết lại. Tạo cấp xét xử mới dẫn đến KN kéo dài, gây khó khăn thực thi QĐGQKN có HLPL, dẫn đến KN không có điểm dừng; không có định hướng rõ ràng mang tính chiến lược nhằm giải quyết KN hành chính; chưa có chế tài xử lý những thành phần cố tình chây ì, không thực hiện QĐGQKN đã có HLPL.
Ngoài ra, một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa của các Kế hoạch 319, 1300 và 2100 dẫn đến sự phối hợp thực hiện chưa chặt chẽ, kém hiệu quả. Một số địa phương chưa chủ động, có trường hợp thiếu tích cực hoặc chờ đợi, đùn đẩy lên cơ quan cấp trên. Trong một số trường hợp, sự quan hệ phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương chưa chặt chẽ nên ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ giải quyết.
Tiến độ giải quyết còn chậm so với kế hoạch đề ra; hiệu quả đạt được chưa cao, vẫn còn trường hợp chưa quan tâm đúng mức đến quyền lợi của người dân, chưa mạnh dạn điều chỉnh, sửa sai; chưa chấp hành chủ trương phương án thống nhất được ký kết với các bộ, ngành Trung ương hoặc thay đổi phương án với nhiều lý do khác nhau, kéo dài thực hiện làm ảnh hưởng đến tiến độ.
Theo dự báo, trong thời gian tới, tình hình KN,TC nói chung và KN đối với QĐGQKN đã có HLPL sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tình trạng lợi dụng quyền KN,TC, lơi dụng dân chủ, kích động, lôi kéo người khiếu kiện, chống đối, phá hoại chế độ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thậm chí có thể làm phát sinh khiếu kiện nói chung và KN QĐGQKN đã có HLPL quy mô lớn, đặc biệt phức tạp.
Bổ sung chế định về xem xét lại QĐGQKN đã có HLPL
"Việc xem xét, giải quyết lại được thực hiện bởi cơ quan thực thi quyền lực Nhà nước, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Một hoạt động có ý nghĩa như vậy cần được điều chỉnh bởi quy phạm pháp luật", TS. Huệ nhấn mạnh.
Quy định rõ căn cứ xem xét, giải quyết lại QĐGQKN đã có HLPL  giống như căn cứ tái thẩm, giám đốc thẩm của tố tụng tư pháp, nghĩa là quy định theo hướng có tình tiết mới làm thay đổi bản chất, nội dung vụ việc; có vi phạm pháp luật trong quá trình áp dụng pháp luật. Trên cơ sở đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ xem xét, giải quyết lại khi có những căn cứ được pháp luật quy định.
Đồng thời, quy định cụ thể thẩm quyền xem xét, giải quyết lại QĐGQKN đã có HLPL, mà cụ thể ở đây là Tổng Thanh tra và bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại. Sau đó đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết theo hướng đề nghị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành giải quyết lại vụ việc hoặc Tổng Thanh tra bãi bỏ QĐGQKN đã có HLPL và trực tiếp giải quyết lại vụ việc KN đó.
Trong cả hai trường hợp này, QĐGQKN sẽ có hiệu lực và cơ quan quản lý sẽ không xem xét lại nếu như người dân không bằng lòng với kết quả giải quyết có thể khởi kiện theo quy trình tố tụng.
Thái Hải/thanhtra.com.vn