Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thủ tướng Áo bị điều tra liên quan đến thỏa thuận "mua chuộc" báo chí

- Thủ tướng Áo Sebastian Kurz bị điều tra về các cáo buộc cho rằng, tiền của Chính phủ đã được sử dụng trong một thỏa thuận tham nhũng để đảm bảo đưa tin tích cực trên một tờ báo.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz. Ảnh: Roland Schlager / APA

AFP dẫn lời công tố viên Áo cho biết, ngày 6/10, các cuộc đột kích đã được thực hiện ở một số địa điểm như một phần của cuộc điều tra. Đây là vấn đề pháp lý mới nhất đối với Thủ tướng Kurz và Đảng Nhân dân (OeVP).

Bộ trưởng Tài chính Gernot Bluemel xác nhận, một cuộc đột kích đã diễn ra tại Bộ này, và truyền thông Áo đưa tin, Phủ Thủ tướng cũng là một trong những địa điểm bị nhắm mục tiêu.

Các công tố viên nói rằng, ông Kurz cùng 9 cá nhân khác và 3 tổ chức đang bị điều tra về vụ việc.

Theo cáo buộc, từ năm 2016 - 2018, “các nguồn lực từ Bộ Tài chính đã được sử dụng để tài trợ cho những cuộc thăm dò dư luận bị thao túng một phần phục vụ lợi ích chính trị của một đảng độc quyền”.

Điều này tương ứng với khoảng thời gian ông Kurz lãnh đạo Đảng OeVP và liên minh với Đảng Tự do cực hữu (FPOe) giành được quyền điều hành Chính phủ, trở thành Thủ tướng Áo trẻ tuổi nhất.

Các công tố viên cáo buộc, một công ty truyền thông đã "nhận tiền" để thực hiện và công bố các cuộc khảo sát, thăm dò dư luận.

Công ty này chưa được chính thức nêu tên, nhưng giới truyền thông Áo đưa tin rộng rãi rằng, đó là Báo Oesterreich.

Ban lãnh đạo Oesterreich đã tuyên bố phủ nhận, không bất kỳ hành vi sai trái nào đã được thực hiện trong quá trình tiến hành hoặc công bố các cuộc khảo sát của họ.

Theo AFP, hiện, Thủ tướng Kurz chưa có phản ứng trực tiếp nào về vụ việc.

Tuy nhiên, các chính trị gia Đảng OeVP khác đã tỏ ra giận dữ với các cuộc đột kích bất ngờ. Phó Tổng Thư ký OeVP Gabriela Schwarz nói rằng, các cuộc tấn công "mang tính hình thức" và "các cáo buộc đã được xây dựng dựa trên những sự kiện cách đây 5 năm".

Những cáo buộc này có thể gây căng thẳng mới cho liên minh của OeVP với Đảng Xanh, vốn đã phải chịu áp lực từ một vụ bê bối trước đó.

Vụ bê bối mang tên "Ibiza-gate" vào năm 2019 đã làm sụp đổ Chính phủ trước đây của ông Kurz.

Ngày 17/5/2019, hai tờ báo Đức công bố đoạn video tố cáo Phó Thủ tướng Heinz-Christian Strache (đồng thời là Chủ tịch Đảng FPOe) hứa trao các hợp đồng béo bở của Chính phủ cho đối tác là nữ doanh nhân người Nga, nhằm đổi lấy sự hậu thuẫn dành cho Đảng của ông trong cuộc bầu cử Quốc hội cuối năm 2017.

Đoạn video quay lại cuộc gặp giữa ông Strache, Johann Gudenus (thành viên Đảng FPOe) và nữ doanh nhân người Nga (được xác định là cháu gái nhà tài phiệt dầu mỏ, khí đốt Nga Igor Makaro) tại khu nghỉ dưỡng trên đảo Ibiza, Tây Ban Nha tháng 7/2017, ba tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử ở Áo.

Tại cuộc gặp này, ông Strache đã đề nghị nữ doanh nhân Nga mua hơn 50% cổ phần của tờ báo Kronen Zeitung (Áo) nhằm thúc đẩy các chủ trương của đảng cực hữu và bảo đảm sự ủng hộ dành cho FPOe thông qua các khoản quyên góp tài chính bất hợp pháp.

Sau khi đoạn video được công bố, các cuộc điều tra tham nhũng được tiến hành. Một số trong số đó đã nhắm mục tiêu đến các nhân vật OeVP cấp cao, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Gernot Bluemel.

Ngày 12/5 vừa qua, Thủ tướng Kurz xác nhận việc ông đang bị điều tra về các tuyên bố được cho là không đúng sự thật tại một ủy ban của Quốc hội đang điều tra tham nhũng. Hiện, ông chưa bị buộc tội đối với cáo buộc này.

Phía Đảng đối lập Dân chủ Xã hội (SPOe) cho biết, các cuộc đột kích hôm 6/10 cho thấy "sự sụp đổ một cách ồn ào" và chỉ trích Đảng của Thủ tướng Kurz vì đã "làm mất uy tín của cơ quan tư pháp độc lập và cố cản trở các cuộc điều tra".

Hiện tại, các chính trị gia của Đảng Xanh vẫn thận trọng trước những cáo buộc mới nhất.

Phó Thủ tướng Werner Kogler nói với các phóng viên rằng, các cuộc đột kích không ảnh hưởng đến khả năng điều hành của liên minh.

Hoài Phương/thanhtra.com.vn