Kinh tế - Chính trị

Thủ tướng: Đạo đức công vụ là nói không với tiêu cực

(Thanh tra) - Nhấn mạnh ý nghĩa của phát động phong trào thi đua trong năm “bứt phá” 2019, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, thực hiện văn hóa công sở là để phục vụ nhân dân tốt hơn.


Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thực hiện văn hóa công sở là để phục vụ nhân dân tốt hơn.. Ảnh: Quang Hiếu
Ngày 26/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương. Phiên họp nhằm đánh giá thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 của Hội đồng.
Tại phiên họp, người đứng đầu Chính phủ đánh giá, công tác khen thưởng được triển khai kịp thời và rất ít xảy ra sơ suất, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2018.
Các phong trào thi đua được triển khai bài bản, khoa học, có tiêu chí, nội dung cụ thể, rõ ràng. Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến có bước chuyển biến bước đầu quan trọng…
Theo người đứng đầu Chính phủ, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm sâu sắc. Có nơi phong trào thi đua chưa bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, “giao khoán” cho ban thi đua-khen thưởng.
Công tác nhân rộng điển hình tiên tiến ở một số nơi còn hạn chế. Khen thưởng trực tiếp người lao động được cải thiện hơn nhiều nhưng thực sự chưa tạo hiệu ứng sâu rộng.
Nhấn mạnh phương châm hành động “12 chữ” năm 2019 của Chính phủ, trên tinh thần “bứt phá, hiệu quả”, Thủ tướng yêu cầu, công tác thi đua-khen thưởng cần tập trung vào việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người, coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng.
Các phong trào thi đua phải thiết thực, có tiêu chí rõ ràng, cụ thể gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan đơn vị, đi liền với đó là công tác đôn đốc kiểm tra, tổ chức phong trào thi đua ở cơ sở, tinh thần là kiên quyết, quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đạt kết quả cao hơn trong 2018.
“Chúng ta phát động thi đua thực hiện văn hóa công sở thì về tiêu chí, giao Bộ Nội vụ cùng Văn phòng Chính phủ hướng dẫn các tiêu chí để phát động và đã nói là làm đến nơi đến chốn”, Thủ tướng nêu rõ, đạo đức công vụ là nói không với tiêu cực, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác. Thực hiện văn hóa công sở là để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Bộ Nội vụ cần phối hợp với cơ quan liên quan chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời có giải pháp, bảo đảm hoạt động tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng được chặt chẽ, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực.
Cùng với đó, tập trung chỉ đạo, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, nhất là cần kịp thời, nhanh hơn.
“Có nhiều tấm gương đáng quý, đáng trân trọng mà chúng ta nên có hình thức kịp thời khen thưởng, động viên”, Thủ tướng lấy ví dụ về trường hợp anh dân quân tự vệ Trương Văn Được, 33 tuổi, ở xã Tam Thăng, Quảng Nam, đã dầm mình trong lũ suốt ngày đêm để cứu người và đã qua đời vì kiệt sức ngay trước cửa nhà, vào cuối năm 2018 vừa qua.
Năm 2018, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng cho 65.702 trường hợp.
Trong tổng số cá nhân được khen hưởng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tỷ lệ khen thưởng chuyên đề, đột xuất chiếm 1,2%; khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp công tác chiếm 21% tổng số cá nhân được khen thưởng.
H.Giang/thanhtra.com.vn