Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Từ vụ việc tại Trường Đại học Ngoại thương Cần siết chặt công tác giải quyết tố cáo hiện nay

(Thanh tra)- Một vụ việc không lớn nhưng không được giải quyết dứt điểm ngay từ cấp cơ sở, đến cấp bộ, cấp thành phố cũng né tránh, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ (TTCP) vào cuộc mới được làm sáng tỏ. Đây là bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác giải quyết tố cáo (TC) hiện nay. Liên quan đến nội dung này, Báo Thanh tra đã có cuộc trò chuyện với ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, TTCP.

Cần siết chặt công tác giải quyết tố cáo hiện nay

Ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, TTCP

+ TTCP công bố kết luận thanh tra việc giải quyết TC một số nội dung về quản lý tài chính, đầu tư cơ sở vật chất và công tác cán bộ tại Trường Đại học Ngoại thương (ĐHNT) đã nhận được sự đồng tình từ dư luận. Song, cũng có câu hỏi, đây có phải là vụ việc giải quyết TC của công dân không, thưa ông?

- Tôi xin khẳng định, đây không phải là vụ việc giải quyết TC của cơ quan TTCP. Vụ việc tại Trường ĐHNT, TTCP thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành theo trình tự một cuộc thanh tra việc giải quyết TC một số nội dung về quản lý tài chính, đầu tư cơ sở vật chất và công tác cán bộ tại Trường ĐHNT.

Qua xem xét hồ sơ cho thấy, trước hết, việc giải quyết TC tại Trường ĐHNT phải ở cấp trường rồi mới đến cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Nếu cấp Bộ không giải quyết thỏa đáng mới thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa một cấp nào giải quyết đối với đơn TC tại Trường ĐHNT.

Chỉ đến khi báo chí nêu, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ GDĐT mới thành lập đoàn thanh tra. Tuy nhiên, việc thành lập đoàn thanh tra này lại triển khai thực hiện theo hướng xem xét nội dung báo nêu, không phải thực hiện theo trình tự giải quyết TC.

Tại buổi công bố quyết định thanh tra của TTCP, đại diện Bộ GDĐT cũng có ý kiến thắc mắc. Khi đó tôi đã giải thích, TTCP chỉ thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo TTCP xem xét lại việc giải quyết TC, không phải giải quyết TC.

Cũng phải nói rằng, hiện nay, Luật TC được các cấp tiếp cận theo cách việc của ai người ấy làm, có những việc không làm nhưng chưa có chế tài xử lý cụ thể, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

Một điều đáng nói nữa, là trong vụ việc này, người TC là người rất hiểu biết về pháp luật, có chức vụ cả về Đảng và chính quyền. Người TC là Đảng ủy viên, giữ cương vị Phó Hiệu trưởng, làm giảng viên về luật trên 30 năm. Thế nhưng cũng phải rất gian nan trong hành trình đi tìm công lý. Điều đáng tiếc nữa là người TC cũng đã xin ra khỏi Đảng.

Tôi cũng như các đồng nghiệp tại cơ quan TTCP cũng rất trăn trở. Với một người hiểu biết pháp luật mà tìm chân lý cũng phải mất thời gian dài như vậy thì bao nhiêu người khác liệu có tìm được chân lý không? Đây là câu hỏi rất khó trả lời, vì chưa có liệt kê chính thức. Trong xã hội, chắc chắn sẽ có những người vất vả hơn như thế, oan khuất hơn như thế, nhưng do sự hiểu biết có hạn nên chưa tìm được câu trả lời. Nếu cứ để tình trạng các cấp chính quyền buông lỏng quản lý, né tránh giải quyết thì sẽ còn nhiều oan khuất. Thử hỏi, một việc bé ở cấp cơ sở, nhưng phải chờ gần 10 năm sau, TTCP vào cuộc mới chỉ ra được những sai phạm. Như vậy, trách nhiệm của người không thực hiện sẽ đi đến đâu trong hệ thống luật pháp hiện nay?

+ Từ việc xảy ra tại ĐHNT, ông có sợ rằng, sau này thành tiền lệ người dân từ cấp cơ sở không giải quyết được sẽ chạy thẳng lên cấp Trung ương?

- Tôi nghĩ đây cũng là tâm lý xã hội, nếu cứ để thế này thì việc sẽ dồn lên Trung ương nhiều. Mà Trung ương thì cũng chỉ có 1 cơ quan TTCP, 1 cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, không có nhiều lực lượng. Nếu không rốt ráo, giải quyết dứt điểm từ cấp cơ sở thì vụ việc kéo dài, vượt cấp ở Trung ương tăng là điều đương nhiên.

Điều này đặt ra thách thức của việc xây dựng chính sách, hoàn thiện chính sách. Cần phải siết chặt kỷ luật trong hệ thống hành chính về việc tiếp nhận giải quyết khiếu nại (KN) cũng như tiếp nhận giải quyết TC từ cấp cơ sở.

Luật KN, Luật TC đã quy định rất chặt chẽ về trách nhiệm của cấp thẩm quyền trong giải quyết KN,TC  là phải giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở. Nhưng hiện nay, tình trạng chung là cấp cơ sở không lắng nghe dân, không giải quyết ngay, giải quyết triệt để dẫn đến tình trạng KN,TC kéo dài, đông người vượt cấp.

Ví như tại Trường ĐHNT, vụ việc bắt đầu từ những phản ánh, phản ánh không được xem xét giải quyết mới phát sinh tố cáo. Nếu như ngay từ đầu, Ban Giám hiệu nhà trường xem xét phản ánh, chấn chỉnh kịp thời sẽ không xảy ra mâu thuẫn đáng tiếc về sau. Thế nhưng họ không giải quyết, gần như thách thức người TC dẫn đến việc đơn vượt cấp đến Chính phủ, đến cơ quan Đảng. Đến khi TTCP vào cuộc mới giải quyết được.

Và hậu quả để lại rất lớn, một số giáo viên phải nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Rồi nhiều tập thể, cá nhân của Trường ĐHNT, cả Bộ GDĐT cũng bị kỷ luật, kiểm điểm.

 

+ Pháp luật về KN,TC đã quy định rõ, tuy nhiên, việc thực hiện vẫn chưa quyết liệt. Vậy, làm thế nào để siết chặt việc giải quyết dứt điểm TC ngay từ cấp cơ sở, thưa ông?

- Theo tôi nghĩ, Luật KN, Luật TC đã quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc giải quyết KN,TC của công dân. Tuy nhiên, cần phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm cấp cơ sở để giải quyết KN,TC.

Tuy nhiên, cần phải có chế tài cụ thể, nếu không giải quyết, hậu quả xảy ra phải chịu mức phạt rất nặng thì mới truyền lửa từ trung ương đến địa phương phải lắng nghe người dân. Mà lắng nghe thì phải giải quyết chứ lắng nghe rồi để đấy rồi lại thành tiền lệ xấu. Cơ sở là nơi lắng nghe người dân dễ nhất nhưng hiện nay có chỗ nọ, chỗ kia chưa lắng nghe, chưa thực sự vì dân. Cứ để tình trạng như hiện nay, chính quyền không lắng nghe, không tạo niềm tin cho người dân sẽ tạo khoảng cách lớn giữa chính quyền và người dân.

Luật đã quy định rõ. Tuy nhiên, chính sách cũng thay đổi theo thời gian. Việc ban hành chính sách có thể kín ở thời điểm ban hành nhưng trong quá trình vận hành thì lại bộc lộ lỗ hổng. Do vậy, cần phải luôn luôn được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Hiện nay, Luật Tiếp công dân cũng đã có quy định, người đứng đầu phải có lịch tiếp công dân, song một số địa phương vẫn chỉ thực hiện theo kiểu hình thức. Tiếp xong để đấy, không giải quyết. Theo tôi nghĩ, cần phải siết chặt hơn nữa, hoặc đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, nếu không tiếp, không giải quyết, để kéo dài, vượt cấp thì sẽ bị xử lý như thế nào? Dù Luật cũng có gắn trách nhiệm, nhưng chưa có đánh giá cụ thể nào liên quan đến sứ mệnh chính trị của người đứng đầu nếu không thực hiện.

Phải siết chặt kỷ luật, gắn sứ mệnh chính trị vào quyền, nghĩa vụ, và trách nhiệm của lãnh đạo các cấp thì lúc đó chính quyền mới vì dân, hoạt động vì dân. Bởi, nếu không lắng nghe ý kiến của người dân thì liệu có vì dân nữa không?

Thực tế cho thấy, có nhiều vụ việc phải đến khi TTCP vào cuộc mới có thể bật ra được mà cũng phải vào cuộc quyết liệt, có người lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt mới bật ra được. Nếu không có chỉ đạo quyết liệt thì sao bật ra được vụ việc như ở Thủ Thiêm. Không có thái độ chỉ đạo kiên quyết thì sao xử lý tốt được như ở vụ việc xảy ra tại ĐHNT.

Tôi nghĩ, cần phải xem xét lại công tác quản lý Nhà nước về giải quyết KN,TC. Cần phải siết chặt về mặt kỷ cương, kỷ luật. Nếu cấp nào không giải quyết hoặc giải quyết không đến nơi đến chốn thì cần phải có chuẩn mực đánh giá được, xử lý được. Cần phải đặt sứ mệnh chính trị của người đứng đầu ở cấp cơ sở giải quyết KN,TC của người dân, chứ nếu nói trách nhiệm chung chung sẽ không làm. Có như vậy mới là Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Từ vụ việc ĐHNT, vụ Thủ Thiêm và nhiều vụ việc KN,TC phức tạp khác trong thời gian qua nảy sinh vấn đề cần phải xem xét lại việc quản lý Nhà nước về giải quyết KN,TC, trong đó nhấn mạnh về chuẩn mực đánh giá việc tiếp nhận, giải quyết KN,TC; về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cấp về giải quyết KN,TC, trong đó có trách nhiệm chính trị của họ; về thiết lập cơ sở dữ liệu chung về KN, TC và giải quyết của các cấp.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính - ĐHNT: Trường sẽ tổ chức thực hiện nghiêm kết luận thanh tra để ổn định và phát triển

Câu chuyện đơn tố cáo tại ĐHNT là câu chuyện không mới vì đã kéo dài 10 năm nay. Trường ĐHNT khi nhận được kết luận thanh tra, đã tiến hành các bước cần thiết như phê chuyển đến các tập thể, cá nhân có liên quan và toàn thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường.

Trường ĐHNT đang đợi hướng dẫn để thực hiện kết luận. Ngay khi nhận được Kết luận thanh tra số 92/TTCP-KLTT của Thanh tra Chính phủ, nhà trường đã có công văn xin hướng dẫn của Bộ GDĐT để thực hiện. Chúng tôi cũng đã xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra và đang triển khai góp ý.

Đến tuần đầu tháng 3, chúng tôi nhận được thông tin là Bộ GDĐT đã có tổ công tác do một Phó Chánh Thanh tra Bộ làm trưởng đoàn xuống làm việc và hướng dẫn thực hiện kết luận thanh tra. Sáng 11/3, đoàn làm việc trực tiếp tại trường.

Quan điểm của Ban Giám hiệu Trường ĐHNT là kết luận thanh tra phải được tổ chức thực hiện. Mong muốn của nhà trường là sẽ tổ chức thực hiện các nội dung kết luận để ổn định và phát triển...

Nhà trường có nhận được đơn xin miễn nhiệm và thôi việc của Phó Hiệu trưởng Đào Thị Thu Giang. Tuy nhiên, vì đây là việc không thuộc thẩm quyền của Ban Giám hiệu nên nhà trường đã có văn bản chuyển đơn của bà Giang đến Bộ GDĐT, nhưng đến nay chưa nhận được văn bản nào từ Bộ.

Phương Hiếu - Trần Quý/thanhtra.com.vn