Kinh tế - Chính trị

Ủy ban Tư pháp thẩm tra báo cáo công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và các báo cáo công tác của ngành tư pháp, thi hành án

Theo chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 13, chiều 03/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thẩm tra về các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019; công tác thi hành án; báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; của Chánh án Toàn án nhân dân tối cao và báo cáo công tác ngành Tòa án.

 

 

Ủy ban Tư pháp tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 13

Trước đó, tại phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã nghe trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của các tòa án và báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2019.

Ghi nhận nỗ lực của các cơ quan trong đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao các báo cáo của các cơ quan, bảo đảm chất lượng yêu cầu đề ra với đầy đủ số liệu. Qua xem xét các báo cáo cho thấy các đánh giá về tình hình tội phạm thời gian qua về nguyên nhân, tính chất, mức độ phạm tội rất chính xác, đúng với thực tế tại các địa phương. Các đại biểu cũng ghi nhận nỗ lực cố gắng của các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, điều tra, truy tố xét xử đúng pháp luật, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, nâng cao hiệu quả thi hành án.

Các đại biểu nhấn mạnh, năm 2019, công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm có nhiều chuyển biến tích cực. Một số loại tội phạm giảm và giảm sâu so với cùng kỳ năm trước như: Giết người giảm 11,67%, trộm cắp tài sản giảm 1,83%, cướp tài sản giảm 8,7%, gây rối trật tự công cộng giảm 49,15%, đánh bạc, tổ chức đánh bạc giảm 28,28%... vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí (giảm 12,04% số vụ, 9,88% số người chết, 13,09% số người bị thương)...

Về tổng thể chung, tình hình tội phạm giảm nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo, đặc biệt có nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị ảo giác vì sử dụng ma túy tổng hợp "ngáo đá" gây ra, gây lo lắng trong nhân dân. Số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý nhiều hơn so với cùng kỳ, tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều nơi, nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội. Một số vụ phạm tội với động cơ phạm tội thấp hèn; một số vụ đối tượng phạm tội do sử dụng rượu bia... Điều này cho thấy đạo đức xã hội, đạo đức gia đình xuống cấp một cách đáng báo động, đồng thời cũng cảnh báo về công tác phòng ngừa xã hội còn chưa tốt.

Phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy đề nghị Chính phủ có thêm đánh giá làm rõ nguyên nhân của tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp và gia tăng, nguyên nhân của nhiều tội phạm xuất phát từ xã hội, đạo đức văn hóa xuống cập để từ đó có hướng giải quyết, xử lý hữu hiệu.

 

 

 

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang phát biểu tại phiên họp

Cùng với đó, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cũng đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan đánh giá làm rõ thêm về vi phạm pháp luật đất đai và đầu tư xây dựng cơ bản như chuyển mục đích sử dụng trái phép, xây dựng trái phép, sai phạm trong đấu thầu, chất lượng công trình... Theo đại biểu, thời gian qua nhiều vụ việc lớn bị phát hiện, thực trạng vi phạm này cũng đã tồn tại lâu dài nhiều năm được nêu lên nhưng chưa đước giải quyết hiệu quả. Đại biểu cho rằng nguyên nhân chủ yếu từ sự buông lỏng quản lý, tính khách quan của các cuộc thanh tra kiểm tra không bảo đảm. Do đó bên cạnh các giải pháp báo cáo của Chính phủ nêu ra như tăng cường quản lý và xử lý thì đề nghị có giải pháp đột phá tập trung hơn vào các nguyên nhân trên.

Đại biểu Nguyễn Duy Hữu phản ánh tình hình xử lý về tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường chưa được quan tâm quyết liệt, chưa xử lý nghiêm, xử lý hình sự ít mà chủ yếu xử lý hành chính. Đại biểu Nguyễn Duy Hữu nhấn mạnh, tội phạm trong lĩnh vực này để lại hậu quả dai dẳng, mất nhiều thời gian khắc phục nhưng thời gian qua chưa được quan tâm đầu tư đúng mức về công tác xử lý. Qua tiếp xúc cử tri và nhiều đại biểu đều phản ánh môi trường bị xâm hại nghiêm trọng, nhiều vụ việc được đại biểu theo dõi, phản ánh tại nhiều khóa họp mà không giải quyết được như vấn đề ô nhiễm sống Đáy sông Nhuệ, sống Tô Lịch.... Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ lại không nêu giải pháp giải quyết tình hình này. Do đó, đại biểu đề nghị cần có đánh giá làm rõ hơn tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường và xem xét, cân nhắc đưa ra giải pháp cụ thể hiệu quả.

 

 

 

Đại biểu Nguyễn Duy Hữu tại phiên họp

Cần nêu rõ địa chỉ cơ quan, địa phương không chấp hành bản án hành chính

Đối với công tác thi hành án, đại biểu Hoàng Văn Hùng nêu vấn đề với vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước đứng ra thi hành án đối với bản án hành chính phải là 100% nhưng thực tế theo báo cáo chỉ đạt có 39%. Đại biểu đặt câu hỏi: Vậy trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các địa phương ở đâu? Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có báo cáo chỉ rõ địa phương nào, ủy ban nhân dân nào không chấp hành nghiêm bán án đã có hiệu lực?

 

 

 

Đại biểu Hoàng Văn Hùng phát biểu tại phiên họp

Có cùng kiến nghị về việc phải có đánh giá rõ hơn về tình hình thi hành bản án hành chính, đại biểu Nguyễn Văn Chiến cho biết, nếu như trong thi hành án dân sự thì cơ quan chức năng đã có động thái ban hành văn bản để chuẩn hóa thực hiện công tác này, việc thi hành bản án hành chính còn những khiếm khuyết trong quy định pháp luật như về vai trò, chức năng của Bộ Tư pháp, trách nhiệm của lãnh đạo của các địa phương… việc không tuân thủ bán án ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của bán án, phán quyết của tòa. Do đó, cần làm rõ nguyên nhân để có giải pháp xử lý tình trạng này.

Ngoài ra, tại phiên họp, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật ở một số lĩnh vực cụ thể như tội trốn thuế, tham nhũng, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông; vấn đề giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; việc áp dụng pháp luật trong xét xử; việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chống oan sai, …

Theo dự kiến chương trình, sáng ngày 04/9, Ủy ban Tư pháp sẽ tiếp tục thảo luận về các nội dung này./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh/quochoi.vn