Kinh tế - Chính trị

Uỷ viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương phải đi đôi với bảo vệ cán bộ

- Theo Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, hiện nay, chúng ta tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng nhưng chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm…

Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính. Ảnh: Đ.X

Ngày 27/3, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với sự tham gia của gần 1 triệu cán bộ, đảng viên tại 7.439 điểm cầu từ Trung ương tới cơ sở trên toàn quốc.

Tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ

Giới thiệu về báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình tại Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh, 5 năm qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Trung ương và cấp ủy các cấp đặc biệt coi trọng, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ rệt.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Phạm Minh Chính cũng phân tích kỹ về những hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ vừa qua.

Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số nghị quyết của Đảng còn chậm, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu.

"Cái này nhiều Đại hội đã đưa ra nhưng chúng ta chưa khắc phục được, nhất là việc tổ chức thực hiện. Vừa qua, chúng ta có cố gắng làm được một số việc quan trọng nhưng khâu này vẫn là khâu yếu", ông Chính nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, công tác tư tưởng còn có mặt hạn chế, thiếu kịp thời, tính thuyết phục chưa cao. Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động.

"Vừa qua chúng ta thấy cũng chủ động hơn, tuy vậy, tính sắc bén, tính chiến đấu còn hạn chế", Trưởng ban Tổ chức Trung ương lưu ý.

Ông Phạm Minh Chính cũng cho biết, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số nơi nhưng thực hiện còn chưa đồng đều, nhiều địa phương, cơ quan còn trông chờ, có nơi làm tốt, có nơi chưa làm tốt.

Hiện nay, bộ máy Thà nước còn cồng kềnh, chồng chéo, chức năng nhiệm vụ vẫn có những cái chưa được.

Ông Chính dẫn chứng, nhiều nơi vừa qua chỉ chú ý tinh giản cơ học, chưa chú ý nâng cao chất lượng và cơ cấu lại.

"Hai cái này đi song song với nhau thì mới có hiệu quả. Nhiều nơi giảm cơ học bình thường, chưa gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng công chức, viên chức. Chỗ này phải khắc phục", ông Chính nói.

Chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Hạn chế nữa trong công tác xây dựng Đảng là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp.

Toàn cảnh hội nghị nghiên cứu, học tập, quan triệt nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ở đầu cầu nhà Quốc hội. Ảnh: Đ.X 

Ông Phạm Minh Chính cho hay, tổng kết nhiệm kỳ XI, Đại hội XII nhận định, "tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn".

Đến Đại hội XIII nhận định, "tình trạng tham nhũng, tiêu cực, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong Đảng, hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế, ngăn chặn".

"Có mấy chữ này thôi nhưng phải nghiên cứu, tổng kết, rồi thảo luận từ cấp dưới lên, cho đến tận Đại hội Đảng toàn quốc mới thống nhất được. So sánh nhận định ở 2 kỳ Đại hội thì như vậy là có tiến bộ", ông Phạm Minh Chính nói.

Tuy vậy, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lưu ý, đây là vấn đề nhức nhối, còn tiếp tục, phải kiên trì, kiên quyết với nó hơn nữa.

Một vấn đề cũng được ông Chính đặc biệt lưu ý là chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

"Siết chặt kỷ luật, kỷ cương thì phải đi đôi với bảo vệ. Chúng ta siết chặt kỷ luật, kỷ cương rồi nhưng người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, rồi dám nói, dám đấu tranh thì chưa có cơ chế minh bạch để bảo vệ. Chúng ta cố gắng chúng ta làm", ông Chính nhấn mạnh.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho hay, vừa qua, theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã xây dựng dự thảo cơ chế này và qua nhiều vòng thảo luận song "vẫn thấy chưa yên tâm khi báo cáo Bộ Chính trị".

“Trong chương trình làm việc toàn khóa của Trung ương XIII cũng đưa ra. Trong năm nay (2021), theo phân công của Bộ Chính trị, chúng tôi sẽ báo cáo sớm cái này", ông Chính thông tin.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh một lần nữa, chúng ta giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; đồng thời phải có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

3 nhiệm vụ trọng tâm, 3 giải pháp đột phá

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá trong công tác xây dựng Đảng.

3 nhiệm vụ trọng tâm là:

- Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương.

- Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

-  Tiếp tục đổi mới kiện toàn và từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

3 giải pháp đột phá là:

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức, cán bộ.

-  Phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.

-  Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Các con số ấn tượng của nhiệm kỳ Đại hội XII

- Tính đến ngày 31/12/2019, đã giảm được 539.926 người (giảm 14,78% so với biên chế giao tại thời điểm 30/4/2015).

- Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2020, dự toán ngân sách Nhà nước đã giảm trên 5.000 tỷ đồng gắn với thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

- Từ đầu nhiệm kỳ đến ngày 30/9/2020, Trung ương đã luân chuyển, điều động 33 Uỷ viên Trung ương Đảng, 6 Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng giữ chức Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy;

Luân chuyển, điều động 2 Uỷ viên Trung ương Đảng, 3 Uỷ viên Dự khuyết Trung ương Đảng giữ chức Phó Bí thư các tỉnh ủy, thành ủy; 30 Ủy viên Trung ương Đảng và 3 Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng giữ chức Bộ trưởng và tương đương; 11 Ủy viên Trung ương Đảng và 2 Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng giữ chức Thứ trưởng và tương đương.

Các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương đã luân chuyển 1.003 cán bộ từ cấp tỉnh về cấp huyện và 888 cán bộ từ cấp huyện lên cấp tỉnh; 5.202 cán bộ từ cấp huyện về cấp xã và 2.753 cán bộ từ cấp xã lên cấp huyện.

- Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, qua kiểm tra, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức Đảng và 69.600 đảng viên; uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên.

Riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức Đảng và 60 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 169 đảng viên (trong đó có 53 đồng chí là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý).

- Cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng, trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý và đương chức và đã nghỉ hưu

- Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử 126 vụ án (637 bị cáo) nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. 

Hương Giang/thanhtra.com.vn