Nghiên cứu - Trao đổi

Văn hoá gắn liền với tồn vong của dân tộc

Bất cứ một quốc gia, vùng lãnh thổ nào trên thế giới nào từ ngàn xưa tới nay đều quan tâm đến văn hoá của riêng và của chung nhân loại. Việt Nam chúng ta có hay không, văn hoá của người Việt xưa và nay có gì khác biệt cũng là một câu hỏi lớn mà các nhà văn hoá, các học giả, người dân và Nhà nước đã và đang đặt ra.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).
Sau 75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946) và 73 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (1948), ngày 24-11-2021 Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ ngành tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ ba để triển khai những định hướng lớn về văn hóa do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra. 
 
Văn hoá đi liền với nhân loại, khi nhân loại xuất hiện trên hành tinh này mặc nhiên văn hoá song hành. Văn hoá để truyền tải suy nghĩ, hành động có ý thức hay vô thức giữa người với người, với vạn vật xung quanh.
 
Văn hoá của mỗi quốc gia, dân tộc sẽ nói lên, thể hiện đẳng cấp của quốc gia ấy ở cấp độ nào trên thế giới. Thế giới phẳng càng lộ rõ những phần lồi, phần lõm và sự yếu kém văn hoá của quốc gia đó.
 
Phải khẳng định rằng văn hoá cực kỳ quan trọng với bất cứ cộng đồng, sắc tộc nào đã và đang tồn tại trên thế giới. Văn hoá giúp cho sắc tộc đó, dân tộc đó, đất nước đó phát triển tốt hay không, văn minh hay lạc hậu...
 
Phải nghiêm túc nhìn nhận rằng, sự quan tâm đến văn hoá của Việt Nam có nhiều vấn đề cần phải xem xét lại. Lâu nay chúng ta tập trung quá nhiều về kinh tế, về thể chế chính trị mà sao nhãng lĩnh vực văn hoá. Đã 75 năm qua đi, chúng ta mới tổ chức một Hội nghị Văn hoá với quy mô toàn quốc (năm 1948 chúng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa lần thứ hai ở chiến khu). Nền văn hoá không được quan tâm, coi trọng đúng mức nên để lại hậu quả vô cùng đáng lo ngại cho xã hội. Văn hoá, đạo đức thiếu chuẩn mực, thông tin trên báo chí chính thống và mạng xã hội nhiều khi cổ súy cho những hành động và việc làm thiếu văn hoá, không hướng tới chân - thiện - mỹ sẽ gây hiệu ứng xấu, phản tác dụng trong môi trường xã hội giáo dục lớp trẻ. Báo chí truyền thông là những cơ quan chính thống để truyền tải văn hoá đến người dân nhiều khi lại đưa tin không kiểm chứng, không khách quan và thiếu chính xác tạo điều kiện cho các trang mạng xã hội ăn theo, bóp méo, thổi phồng, tung tin giả nhưng tác hại thật, gây hoang mang dư luận đến cuộc sống của nhân dân.
 
Bác Hồ đã nói "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi" là câu nói không chỉ đúng với Việt Nam mà còn đúng với tất cả các nước trên thế giới. Nhưng triển khai và kết quả được nhiều hay ít lại do sức mạnh nội sinh của quốc gia đó, do cơ quan chủ quản có làm tốt được nhiệm vụ của mình hay không.
 
Việt Nam tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thành phần tham dự là những vị lãnh đạo quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; các nhân sỹ trí thức trong nước và kiều bào. Hội nghị này do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chủ trì và phát biểu ý kiến chỉ đạo. 
 
Đứng ở góc độ khách quan mà nói, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cực kỳ quan trọng cho việc bảo tồn và chấn hưng nền văn hoá của Việt Nam. Bài phát biểu đã nêu rõ những tồn tại, yếu kém của văn hoá Việt nói chung và trách nhiệm của những người làm văn hoá. Nhiều giá trị văn hoá là cốt lõi, là hồn cốt của dân tôc, của đất nước bị mai một, bị lai căng và thiếu chuẩn mực. Tổng Bí thư đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp của các di tích lịch sử ngàn năm có một của đất nước có hơn bốn nghìn năm lịch sử. Sự suy đồi văn hoá khi con người tận dụng triệt để các di sản văn hoá phi vật thể và vật thể để thương mại hoá, để kiếm tiền bất chính.
 
Văn hoá chính là bản sắc của dân tộc, văn hoá hun đúc nên tư tưởng của mỗi người từ tấm bé đến khi trưởng thành và phát triển. Đất nước có văn hoá thì mặc nhiên con người có văn hoá bởi con người là chủ thể, con người là kế thừa và phát triển đưa văn hoá nội tại lên tầm cao mới, lan toả ra thế giới.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu về văn hoá trong thời kỳ hiện nay, ông trăn trở bởi văn hoá xuống cấp, có hiện tượng không ít cán bộ, đảng viên là những người lãnh đạo nhân dân, đất nước nhưng đã vi phạm pháp luật, đã tham ô, tham nhũng, tha hoá, biến chất. Bởi họ là những kẻ thiếu văn hoá, là những kẻ chạy chức, chạy quyền.
 
Văn hoá đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống đời thường cũng như trong sự phát triển kinh tế, chính trị. Nhưng chúng ta đã lãng quên văn hoá một thời gian rất dài, bây giờ cần phải làm lại, làm ngay, làm luôn để phát triển văn hoá lên tầm cao mới ngang bằng với phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
 
Vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý là phải: Xác định được căn cơ cội nguồn của văn hoá Việt Nam; Định hướng bằng văn bản pháp quy có pháp lý cao nhất để cho các cơ quan, đơn vị và người dân thực hiện; Giải pháp nào hữu hiệu nhất để ngăn chặn những kẻ thiếu văn hoá lợi dụng để trục lợi; Việc quản lý văn hoá là chủ trương đúng, nhưng văn hoá là vô hình nhưng lại hữu hình nếu muốn “quản” thì phải có “lý” và hợp lòng dân.
 
Sau Hội nghị này, hệ văn hoá đa dạng của Việt Nam hy vọng sang trang mới, hy vọng có cách nhìn và cách tiếp cận mới, mang lại cho đất nước, dân tộc niềm tin mới và tương lai mới tốt đẹp hơn như mong muốn của hơn 98 triệu người dân đất Việt và Tổng Bí thư Nguyến Phú Trọng đã nêu trong Hội nghị.
Doanh nhân Nguyễn Hoài BắcViệt kiều Ca-na-đa