Công tác nội chính

Viện kiểm sát đề nghị mức án 9 - 10 năm đối với cựu Đại tá Phùng Anh Lê

- Chiều ngày 13/8, tiếp tục diễn biến phiên xét xử sơ thẩm cựu Đại tá Phùng Anh Lê (cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội) và các đồng phạm trong vụ án "nhận hối lộ" và "tha trái pháp luật người bị tạm giữ", đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đã trình bày quan điểm của mình.

Bị cáo Phùng Anh Lê tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: CTV

Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Các bị cáo là những người có trình độ, hiểu được nguyên tắc giải quyết vụ án, vụ việc và phải tuân thủ tuyệt đối các giai đoạn tố tụng. Đáng lẽ các bị cáo phải là tấm gương đi đầu trong hoạt động công vụ, nhưng chỉ vì lợi ích vật chất, bị cáo Phùng Anh Lê đã lạm quyền. Các bị cáo còn lại biết việc trả tự do cho Nguyễn Hữu Tài là sai, nhưng vẫn thực hiện.

Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm tới hoạt động công vụ, ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nền tư pháp trong sạch nên cần áp dụng nghiêm khắc hình phạt tù các bị cáo.

Bị cáo Phùng Anh Lê đã lợi dụng chức vụ, chiếm hưởng số tiền mà ông Phùng Văn Bảy đưa (110 triệu đồng). Trong quá trình điều tra và thông tin tại tòa, bị cáo Lê không thừa nhận, phủ nhận toàn bộ sự việc.

Tuy nhiên, trên cơ sở hồ sơ vụ án, lời khai những người liên quan, đại diện Viện kiểm sát cho rằng đủ căn cứ xác định bị cáo Lê đã chỉ đạo cấp dưới thả người bị tạm giữ trái pháp luật.

Hành vi của bị cáo Lê phạm vào tội "nhận hối lộ" trong vụ án. Lê có vai trò chính, chủ mưu, có động vụ lợi, cần áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc. Từ đó, Viện Kiểm sát đề nghị phạt bị cáo Phùng Anh Lê áp dụng hình phạt tù cao nhất so với các bị cáo khác.

Theo đó, bị cáo cáo Phùng Anh Lê từ 9-10 năm tù về tội "nhận hối lộ".

Bị cáo Nguyễn Đức Châu bằng thời hạn tạm giam là 10 tháng 27 ngày, trả tự do ngay tại tòa; bị cáo Nguyễn Công Ngọc từ 8 - 10 tháng tù treo; bị cáo Lê Đình Trung từ 8 -10 tháng tù treo.

Đối với số tiền 110 triệu đồng mà bị cáo Phùng Anh Lê đã nhận hối lộ, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị sung công quỹ Nhà nước vì số tiền này do phạm tội mà có.

Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Phùng Anh Lê đã chỉ đạo dừng giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm, cho hòa giải và thả người trái pháp luật. Do đó, bị cáo là người vai trò chính, chủ mưu vụ án nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc.

Đối với 3 bị cáo còn lại, Viện Kiểm sát đánh giá họ biết bị cáo Lê chỉ đạo thả người trái pháp luật nhưng không ai báo cáo cấp có thẩm quyền, mà thực hiện theo yêu cầu của Lê. Giai đoạn điều tra và xét xử, Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc và Lê Đình Trung đã thành khẩn khai báo, nên cần cho hưởng khoan hồng của pháp luật.

Vụ án được xác định khởi nguồn từ tháng 9/2016, Nguyễn Hữu Tài (trú quận Ba Đình, Hà Nội) đầu thú về hành vi cùng đồng phạm bắt, đánh một người nợ tiền. Khi xác minh, điều tra viên Đội Hình sự, Công an quận Tây Hồ thấy Tài có dấu hiệu của nhiều hành vi phạm tội khác nên đề xuất tạm giữ để điều tra.

Tài bị tạm giữ 4 ngày nhưng người thân của Tài tìm gặp ông Phùng Văn Bảy nhờ giúp đỡ. Ông Bảy đặt vấn đề và được Phùng Anh Lê (cháu họ) khi đó đang giữ chức Trưởng Công an quận Tây Hồ đồng ý thả Tài với điều kiện nộp 110 triệu đồng. Tối 22/9/2016, ông Bảy tới phòng làm việc của ông Lê, giao tiền.

Nhận tiền xong, ông Lê yêu cầu cấp dưới thả Tài.

Khoảng 0 giờ ngày 23/9/2016, Tài được về nhà sau chưa đầy một ngày bị tạm giữ. Những ngày sau, cán bộ Đội Hình sự nhiều lần đề xuất, xin ý kiến ông Lê tiếp tục xác minh. Tuy nhiên, ông Lê không đồng ý cho làm, nhiều cán bộ cũng bị gạt ra khỏi sự việc.

Ngày 22/1/2021, Công an Hà Nội lật lại hồ sơ và khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Tài cùng đồng bọn về tội cướp tài sản. Sai phạm của ông Lê cùng thuộc cấp được làm sáng tỏ.

Q. Đông/thanhtra.com.vn