Công tác nội chính

Xây dựng và hoàn thiện thể chế được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược

- Sáng 16/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, được kết nối tới tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.

 
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế 

Cùng chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Lê Thành Long, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Cùng dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách công tác xây dựng thể chế, pháp luật tại các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo các địa phương dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương. Tại điểm cầu Bộ Tư pháp có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, từ Đại hội XI của Đảng, xây dựng và hoàn thiện thể chế đã được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Thủ tướng hoan nghênh các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đại biểu đã tới dự Hội nghị, cổ vũ Chính phủ, các địa phương quan tâm nhiều hơn nữa, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã chuẩn bị tài liệu để cuộc họp bảo đảm kết quả.

Ngay từ khi được kiện toàn (tháng 4/2021), Chính phủ đã tập trung, quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế một cách trọng tâm, thực chất và có giải pháp cụ thể. Theo đó, Chính phủ giao người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc công tác này; tạo điều kiện, tăng cường ưu tiên về tài chính, ngân sách, đội ngũ cán bộ cho xây dựng và hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là xác định vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải giải quyết trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các cơ quan, địa phương, đơn vị, nhất là của địa phương trong quá trình thực thi các quy định gặp các vướng mắc.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm như vậy, kế thừa thành quả các nhiệm kỳ trước đây, trong những tháng qua, các bộ, ngành, địa phương đã dành nhiều thời gian rà soát, tổng hợp và báo cáo các vấn đề thể chế còn vướng mắc cần giải quyết. Quốc hội cũng rất ủng hộ và đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, những đề xuất của Chính phủ được Quốc hội giải quyết rất nhanh.

Tuy nhiên, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế vẫn bộc lộ một số bất cập. Do đó, Chính phủ tổ chức Hội nghị này để tiếp tục rà soát, thống nhất đánh giá, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, xác định mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện thể chế thời gian tới.

“Việc này chúng ta không chỉ làm trong năm nay mà định hướng cho cả nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ sau để sắp xếp, bố trí nguồn lực phù hợp, thời gian và nguồn lực có hạn nhưng làm sao hiệu quả nhất”, Thủ tướng nêu rõ.

Báo cáo tham luận “Yêu cầu đặt ra với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế giai đoạn 2021-2026”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền trong hệ thống chính trị đã rất nỗ lực trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Nhìn lại 35 năm đổi mới, có thể thấy, những thành tựu đạt được trong công tác này là rất đáng ghi nhận. Hiến pháp năm 2013 được ban hành với nhiều điểm mới mang tính đột phá, tạo cơ sở hiến định vững chắc cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên cở sở đó, Quốc hội đã kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các đạo luật quan trọng như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, các Bộ luật về tố tụng, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, đầu tư, kinh doanh, bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành cần thiết. Nhìn chung, chất lượng các văn bản từng bước được nâng cao; các lĩnh vực cơ bản đã có luật điều chỉnh.

Mặc dù vậy, phân tích kỹ hiện trạng thể chế hiện nay, nhất là thực trạng hệ thống pháp luật, Bộ Tư pháp vẫn thấy có một số vấn đề cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và chính quyền các cấp cùng với hệ thống chính trị quan tâm, xử lý, khắc phục, như: một số chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp chưa được thể chế hóa đầy đủ, kịp thời; hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh…

Để thực hiện có hiệu quả những yêu cầu nêu trên trong công tác xây dựng hoàn thiện thể chế giai đoạn 2021-2026, định hướng đến năm 2030, Bộ Tư pháp cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần thực hiện tốt một số các giải pháp: Tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thể chế trong xây dựng, bảo vệ tổ quốc, từ đó đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật; Tiếp tục đổi mới tư duy, cải tiến quy trình trong hoạt động lập pháp, lập quy và trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật; Thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận pháp luật, qua đó nâng cao năng lực thực thi pháp luật.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật và pháp chế; có cơ chế thu hút, khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, cộng tác viên có trình độ, kinh nghiệm chuyên sâu tham gia thực chất, hiệu quả vào công tác này. Tiếp tục bảo đảm tài chính cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật…/.

Mạnh Hùng/dangcongsan.vn