Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương khóa XIII của Đảng

“Giải pháp nào để trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống?"

(ĐCSVN) – Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Giao lưu trực tuyến “Giải pháp nào để trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống?

Phát biểu khai mạc Tọa đàm của Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Trưởng Ban Xây dựng Đảng

Kính thưa: Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương!

Kính thưa các đồng chí!

Thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2019 của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và chỉ đạo của Tuyên giáo Trung ương về tuyên truyền thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, ngày 20/3/2019, tại trụ sở Tòa soạn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức Giao lưu trực tuyến với bạn đọc “Giải pháp nào để Quy định trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống?”.

Tổ chức Giao lưu trực tuyến lần này, chúng tôi mong muốn góp phần làm cho cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa to lớn thực hiện Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương”. Nêu gương chính là xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh - một giá trị trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Đây là cốt lõi của giá trị đạo đức và văn minh mà Đảng ta xây dựng.

Cũng tại cuộc Giao lưu trực tuyến, Đảng bộ Bộ phận Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân viên trong cơ quan học tập chuyên đề về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực để bản thân mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao nhận ý thức trách nhiệm, phải làm gương từ việc nhỏ đến việc lớn, nói đi đôi với làm, phải làm “mực thước”, nêu gương tốt, lan tỏa “hữu xạ tự nhiên hương” để mọi người làm theo, góp phần xây dựng Đảng bộ bộ phận Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh.

Kính thưa các đồng chí!

Tham gia chỉ đạo và trả lời các câu hỏi của bạn đọc, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu, có các vị khách mời:

1.     Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương;

2.     PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viênTrung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương;

3.     Nhà báo, TS Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản;

4.     TS Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam;

5.     Đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức TW;

6.     PGS, TS Nguyễn Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo TW; các đại biểu đến từ các vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo TW; phóng viên của Báo và các phóng viên báo chí đến đưa tin.

Ban Tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến chân thành cảm ơn sự đóng góp quý báu của các vị khách mời đã tham gia trả lời trực tuyến; cảm ơn bạn đọc đã quan tâm gửi câu hỏi đến Tòa soạn Báo; các cơ quan và phóng viên báo chí đến đưa tin

Kính chúc sức khỏe quí vị đại biểu và chúc cho buổi Giao lưu trực tuyến thành công tốt đẹp!

Trân trọng cảm ơn!

Sau đây thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin trân trọng giới thiệu TS Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu Đề dẫn buổi giao lưu trực tuyến

 

 

 
 
 

Phát biểu Đề dẫn của Tiến sĩ Trần Doãn Tiến - Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kính thưa: - Đồng chí Lê Mạnh Hùng – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương;

- PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương;

 - TS. Nhị Lê - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

- Kính thưa các nhà khoa học, các đồng chí và các bạn!

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam luôn luôn là tấm gương mẫu mực về sự tự giác nêu gương, nói đi đôi với làm. Quan điểm, tư tưởng về nêu gương của Người là chỉ dẫn, là động lực tinh thần to lớn, là giá trị nhân văn trong chuẩn mực đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo cấp cao, người đứng đầu.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương có một vai trò to lớn và là một giá trị nhân văn trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Người cho rằng: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì thế, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên không những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt, mà còn phải làm gương trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, luôn nói phải đi đôi với làm, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương không chỉ hô khẩu hiệu, không chỉ nói miệng mà phải bằng hành động, việc làm. Người đặc biệt quan tâm đến “hành động”, do đó, muốn tiến hành tốt các nội dung nêu gương, cán bộ, đảng viên phải làm những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Ðây là nguyên tắc trước hết, có vai trò cực kỳ quan trọng của việc nêu gương, nếu không sẽ làm mất uy tín cá nhân cũng như của cơ quan, địa phương mình trước quần chúng. Chỉ có thống nhất giữa lời nói và việc làm thì người cán bộ, đảng viên, người đứng đầu mới xây dựng được sự tin yêu của nhân dân, đây là yêu cầu rất quan trọng trong lãnh đạo.

Thực hiện lời dạy của Bác và noi theo gương sáng của Người, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với những nội dung toàn diện và sâu sắc hơn. Điều này là sự tiếp nối các chủ trương của Đảng, thể hiện rõ quyết tâm của Đảng ta là làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi lan tỏa, thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội.

Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định: Việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện và đồng bộ.

Trong đó, quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của Đảng bằng nêu gương, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, gần đây nhất là Quy định số 47 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101 của Ban Bí thư khoá XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55 của Bộ Chính trị khoá XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và nội dung này cũng đã được đề cập ở nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng.

Kính thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!

Thực hiện chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong những năm qua, công tác xây dựng Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đánh giá về kết quả đã đạt được, phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn và kịp thời đó, ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng”.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn cho rằng, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan toả lớn. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong, với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…

Lời thề và đức hy sinh của cán bộ, đảng viên đã và đang bị thách thức mạnh mẽ trong bối cảnh tác động mạnh mẽ tự mặt trái của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những mặt trái, mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường đã tác động mạnh mẽ, hàng ngày hàng giờ đến lợi ích cá nhân của mỗi người, trong đó trước hết là sự tha hóa về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống đối với một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là đáng báo động. Những con số rất đáng lo ngại là, trong 5 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng 77.662 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 500 tổ chức đảng và 35 ngàn đảng viên vi phạm, trong đó 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.

 Trong đó, đáng báo động là số đảng viên có chức, có quyền không giữ được mình, bị tha hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực bị xử lý kỷ luật trong 05 năm qua có biểu hiện gia tăng. Và đáng lo ngại là trong đó có cả cán bộ cấp cao bị kỷ luật, truy tố vị tội tham nhũng, gây phân tâm, lo lắng trong xã hội.

Những con số trên, và sau những vụ việc xử lý cán bộ, đảng viên, lãnh đạo cấp cấp vi phạm pháp luật khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đã thực chất như lời thề khi trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc? Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đã có kết quả như Bác Hồ và Đảng ta mong muốn?.

Kính thưa các đồng chí!

Để góp phần đưa Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương” vào thực tiễn công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Giao lưu trực tuyến “Giải pháp nào để Quy định trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống?”

Giao lưu trực tuyến nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực thi của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và của cán bộ, đảng viên trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương về vai trò, ý nghĩa của Quy định trách nhiệm nêu gương. Qua đó, góp phần xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới và để nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Với tinh thần ấy, tại buổi Giao lưu trực tuyến hôm nay, Ban Tổ chức rất mong muốn các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học tập trung phân tích, trao đổi làm sâu sắc thêm 5 nhóm nội dung cơ bản sau:

1. Vì sao Đảng ta phải ra Quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên?

2. Vì sao nêu gương là một phương thức lãnh đạo của Đảng? Trong tình hình hiện nay, việc thực hiện Quy định nêu gương còn khó khăn, thách thức và không ít lực cản. Vậy làm thế nào để cán bộ cấp cao, nhất là người đứng đầu thực hiện gương mẫu đi đầu, thực sự là gương sang để cấp dưới, quần chúng noi theo?

3. Để xây dựng Đảng là đạo đức, là văn minh, cán bộ cấp cao, nhất là người đứng đầu không thể không nêu gương tự phê bình và phê bình. Làm thế nào để khắc phục tình trạng trong tự phê bình và phê bình còn hình thức, dĩ hòa vi quý, ca ngợi, khen lẫn nhau?

4. Giải pháp nào để tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Quy định 08?  Giải pháp nào để tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về Quy định trách nhiệm nêu gương? Giải pháp nào để phát huy vai trò giám sát của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng? Giải pháp nào để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội đảm bảo thực hiện Quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương? Giải pháp nào có tính pháp quy để thực hiện có hiệu quả Quy định về trách nhiệm nêu gương?

Thay mặt lãnh đạo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi xin cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đã dành thời gian tham gia buổi Tọa đàm trực tuyến quan trọng, đầy ý nghĩa này. 

Xin cảm ơn quý độc giả của Báo điện tử ĐCSVN đã tích cực và sẽ tiếp tục tham gia đối thoại trực tuyến, đặt thêm nhiều câu hỏi xoay quanh các nội dung, chủ đề của Tọa đàm hôm nay.

Kính chúc sức khỏe quí vị đại biểu và chúc cho buổi Tọa đàm trực tuyến của chúng ta sẽ đạt kết quả tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn!

 

Đồng chí Nguyễn Đức Hà:

Trước hết, câu hỏi này không chỉ có một độc giả mà rất nhiều người quan tâm: Vì sao lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành một quy định về nêu gương.

Trong thực tế, Ban Bí thư khóa XI đã ban hành một quy định về nêu gương, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành một quy định về nêu gương, bây giờ Ban Chấp hành Trung ương khóa XII lại ban hành một quy định nữa về nêu gương. Ba quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên do 3 cấp ban hành: Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Như vậy, nếu nói về cấp độ, vị trí, tầm quan trọng của nó thì Ban Chấp hành Trung ương là cấp cao nhất.

Thứ nhất, vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên mà đây chính là 1 trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng. Cương lĩnh của Đảng xác định, Hiến pháp cũng xác định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng 5 phương thức: Bằng cương lĩnh, chủ trương, định hướng lớn; bằng công tác vận động, giáo dục, thuyết phục tuyên truyền; bằng phương pháp tổ chức cán bộ; bằng công tác kiểm tra giám sát; và bằng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, tại sao Ban Chấp hành Trung ương lại ban hành vào lúc này? Như chúng ta đã biết, chưa có lúc nào, chưa có thời gian nào và chưa bao giờ trong một thời gian ngắn có nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, cả đương chức và nguyên chức phải xử lý kỷ luật như thời gian vừa qua.

Thứ ba, mặc dù Ban Bí thư khóa XI đã ban hành một quy định về nêu gương, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành một quy định về nêu gương, nhưng 2 quy định của Bộ Chính trị và Ban Bí thư lại nói rất chung về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nếu có thì nhấn một ý là đối với cán bộ chủ chốt các cấp, mà chủ chốt các cấp thì từ trưởng thôn đến tận Chủ tịch nước thì rất rộng. Trong đó có một đối tượng cực kỳ quan trọng là cán bộ cấp cao thì lại chưa được đặt ra trong hai Quy định này. Mà kết hợp thực tiễn là vừa qua, nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước vi phạm. Nói cách khác là có nhiều cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu nên phải xử lý bằng kỷ luật của Đảng, thậm chí phải xử lý bằng pháp luật.

Vì vậy, lần này Ban Chấp hành Trung ương với tư cách là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, phải ban hành một Quy định về nêu gương, mà trong Quy định này nói chung là với cán bộ, đảng viên, nhưng nhấn mạnh đặc biệt trước hết là cán bộ cấp cao, nói cách khác là Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định về nêu gương này chính là cho các đồng chí Trung ương, bản chất vấn đề là như thế.

Đây là một sự cam kết chính trị của Ban Chấp hành Trung ương với chính mình, và đây cũng chính là sự cam kết chính trị của Ban Chấp hành Trung ương với toàn Đảng, toàn dân. Bởi vì, Quy định này được công bố cho tất cả các tổ chức đảng, trên toàn bộ phương tiện thông tin đại chúng, tất cả nhân dân, cán bộ, đảng viên đều nắm được và có trách nhiệm theo dõi, giám sát.

 

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh: Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn bổ sung một ý kiến khá khái quát mà đồng chí Nguyễn Đức Hà đã nói. Tôi muốn nói rõ nội hàm của phương thức lãnh đạo của Đảng. Theo chúng ta hiểu và cũng là quán triệt các văn bản, nghị quyết chỉ đạo của Trung ương vừa qua thì phương thức lãnh đạo của Đảng chính là các phương pháp, các cách thức mà Đảng cầm quyền tiến hành nhằm tập hợp cán bộ, đảng viên và quần chúng vào việc thực hiện một sự kiện cách mạng trong từng thời kỳ. Có 5 phương thức lãnh đạo của Đảng, mỗi phương thức có đặc thù khác nhau: Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với trong nội bộ của Đảng mình; phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức đoàn thể nhân dân; phương thức lãnh đạo của Đảng với quân đội, công an; lãnh đạo thông qua các tổ chức và đảng viên đối với các tổ chức sản xuất. Như vậy, 5 phương thức lãnh đạo quy định rất phù hợp với từng đối tượng cụ thể, cần phải có các biện pháp tiến hành để phát huy hiệu quả.

Nói phương pháp nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, trước hết cần nhấn mạnh đó là phương pháp quan trọng nhất, có ý nghĩa thực tiễn nhất và cũng là ý nghĩa khoa học nhất.

 Chúng ta trở lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất bình dị nhưng chúng ta thực hiện chưa tốt, đó là việc nhân rộng, những điển hình, tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt… Bác nói: Lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục cán bộ và nhân dân, đó là cách tốt nhất để xây dựng Đảng cầm quyền, xây dựng các tổ chức cách mạng và tổ chức các phong trào cách mạng. Chúng ta theo dõi thấy từ đó đến nay, Đảng ta, các đồng chí lãnh đạo cấp cao rất coi trọng việc nêu gương, coi đây là một phương thức lãnh đạo quan trọng.

Từ năm 2014, Ban Bí thư đã có Quy định 101 đề cập vấn đề nêu gương; năm 2016 là Quyết định 55 của Bộ Chính trị cũng nhắc đến trách nhiệm nêu gương. Đến tháng 10/2018 vừa qua, trên cơ sở tổng kết văn bản trước đó, Đảng thấy cần phải nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Trong Quy định nói rõ là trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Trung ương, các đồng chí trong Ban Bí thư và trong Bộ Chính trị có ý nghĩa quyết định, thu hút, tập hợp quần chúng và đảng viên noi theo.
Tôi nghĩ rằng, việc này trong lịch sử, chúng ta soi vào tấm gương của Bác Hồ. Bác là người thường xuyên thực hiện việc nêu cao tinh thần nêu gương.

Nhớ lại sau Cách mạng tháng Tám, trong khi chúng ta phải tập trung chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, trong nhiệm vụ chống giặc đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người nêu gương đầu tiên. Khi chúng ta phát động một phong trào quyên góp cứu trợ cho đồng bào bị đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định một tuần nhịn ăn một bữa để góp vào phong trào này. Rồi đến khi phát động phong trào “Áo rét cho mùa đông binh sĩ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đầu tiên xin tình nguyện cắt một tháng lương để đóng góp. Người không chỉ nói mà còn yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước phải thực hiện theo dõi và báo cáo Bác Hồ đã làm chưa.

Khi nói về phong trào lao động sản xuất, chúng ta phải đi kiểm tra các nơi, chính Bác Hồ là người nêu gương, đến với nông dân Thái Bình, Hà Tây ... xắn quần lội ruộng, Người cùng với nông dân tát nước. Tấm ảnh đó cho đến nay tôi thấy nhiều nơi trân trọng trưng bày không chỉ trong các bảo tàng, mà ở các làng xã, tấm ảnh đó có giá trị rất tốt là lãnh tụ đi sát với nông dân, chia sẻ gian khó và cùng với nông dân trăn trở trên mảnh đất của mình. Đây là một phương thức lãnh đạo rất hiệu nghiệm!

Chính vì vậy, Quy định 08 vừa qua của Ban Chấp hànhTrung ương Đảng là quyết định chính trị cao nhất. Đã đến lúc thực tiễn cũng như tâm tư quần chúng nhân dân đòi hỏi, như chúng ta vừa đề cập  “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, thực sự có có ý nghĩa, có giá trị khích lệ, biến chủ trương thành hiện thực.

 

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Xung quanh vấn đề này, vừa rồi đồng chí Nguyễn Hồng Vinh đã nói, tôi xin nói thêm là tại sao lần này, Trung ương yêu cầu chính lãnh đạo cao cấp đi đầu.

Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nhưng, nếu một đảng viên thường thì tầm ảnh hưởng chỉ dừng ở số ít noi theo. Cũng là đảng viên nhưng giữ chức vụ cao thì tầm ảnh hưởng lớn hơn. Cán bộ cấp cao làm việc tốt, có sức lan tỏa lớn và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ. Trái lại, cán bộ cấp cao không tốt, thì tác động tiêu cực, giảm uy tín của tổ chức đảng.

Có thể nói, Ban Chấp hành Trung ương là linh hồn của Đảng, còn Bộ Chính trị, Ban Bí thư là linh hồn của Ban Chấp hành Trung ương. Đối chiếu với chính tấm gương của Bác – luôn là người đầu tiên làm tốt và qua đó có những tác động mạnh mẽ. Như đồng chí Hồng Vinh đã nói về cuộc phát động “Hũ gạo tiết kiệm”, bản thân Bác Hồ là người chủ động thực hiện nghiêm túc và trước tiên. Bác đã dặn văn phòng nếu đúng lịch nhịn ăn mà phải tiếp khách quốc tế thì cho phép Bác nhịn vào ngày hôm sau, cảm động lắm!

Bởi thế, nếu cán bộ cấp cao gương mẫu thì sẽ tạo động lực lớn và ngược lại, cán bộ cấp cao hành động xấu thì tác động ghê gớm, làm suy giảm niềm tin vào Đảng của nhân dân

Nói xuyên suốt lịch sử cách mạng về các tấm gương nêu gương từ khi có Đảng đến nay, giai đoạn nào cũng có, thời đại nào cũng có, từ chiến sỹ Cộng sản trong lao tù, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ trong thời kỳ chống Pháp, thời kháng chiến chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới… Không kể hết được những tấm gương đó, đặc biệt của cán bộ cấp cao đã có tác động lôi cuốn quần chúng, tập hợp nhân dân, tạo nên sức mạnh của Đảng ta.

Vừa rồi, một số cán bộ cao cấp vi phạm bị xử lý nghiêm và thích đáng đã nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Nhìn chung, nêu gương phải trở thành tự giác, thường xuyên, có nề nếp hàng ngày; đồng thời phải luôn xác định phải làm tốt những việc mình làm để ngày mai tốt hơn ngày hôm nay, ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua.

Phải khẳng định là vai trò của cán bộ cấp cao có tác động đến cả nước thậm chí cả quốc tế, do đó, hơn lúc nào hết phải đặc biệt đề cao nêu gương.

 

PGS. TS Nguyễn Phương Hoa: Có thể nói, trong thời gian qua, chúng ta đã thực hiện Chỉ thị 05 khoá XII, và trước đây là Chỉ thị 03 của khoá XI, Chỉ thị 06 của khoá X, Chỉ thị 23 của khoá IX. Ở tất cả các cấp, chúng ta đã biểu dương hàng trăm nghìn tập thể và cá nhân tiêu biểu. Trong 3 năm qua, thực hiện Chỉ thị 05, chúng ta đã khen thưởng hàng chục vạn tập thể, cá nhân điển hình. Ví dụ: Năm 2018, Bình Phước khen thưởng, biểu dương 787 tập thể, cá nhân ở các cấp, trong đó có 01 cá nhân được Trung ương khen; Đồng Tháp khen thưởng, biểu dương 3.610 tập thể, cá nhân...

Chúng ta có rất nhiều thầy cô giáo, bác sĩ tận tụy, hết lòng vì học sinh, vì người bệnh, như: bác sỹ  Nguyễn Văn Hiếu, Trung tâm y tế huyện Mường Nhé, Điện Biên. Bác sỹ Hiếu được tuyển dụng vào bệnh viện Thanh Nhàn, sau đó khi biết đến dự án bác sỹ trẻ tình nguyện, anh đã xung phong lên vùng cao huyện Mường Nhé và cống hiến cho công việc khám chữa bệnh vì bà con các dân tộc đến nay. Cô giáo Lò Thị Én Xuân, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Bán trú tiểu học Nậm Mười, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), người đã nhiều năm tình nguyện vì học sinh vùng cao. Anh Nguyễn Viết Học, huyện Tân Kỳ, Nghệ An suốt nhiều năm qua dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo.

Mặc dù đất nước đang ở trong thời bình, nhưng chúng ta cũng có rất nhiều tấm gương các cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, ngày đêm hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ vùng biển, vùng trời, giữ an toàn cho cuộc sống mỗi người dân. Ví dụ như rất nhiều những công trình, những hoàn cảnh khó khăn được Thượng úy Phạm Tuân, bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu giúp đỡ trong những năm qua; hay chiến công quả cảm của phòng PC47 Công an Sơn La kiên trì, quyết liệt phá tan sào huyệt ma túy tại Vân Hồ, tỉnh Sơn La đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân trong vùng.

Chúng ta có những người nông dân vượt khó vươn lên như: Ông Đỗ Trung Thành, nông dân huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa), một đời học Bác với quyết tâm đánh đuổi “giặc đói”, xây dựng kinh tế gia đình và giúp cho các hộ nghèo có điều kiện vươn lên. Hay, như ông Lương Xuân Lai, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) - người đã quyết tâm trồng rừng có nguồn thu lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.

Chúng ta cũng có nhiều gương mặt thanh thiếu niên tiêu biểu, như: Em Đinh Quang Hiếu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, người đã có 2 năm liền đoạt Huy chương Vàng Hóa học quốc tế, cùng nhiều thành tích khác; hay như vận động viên Lò Thị Tươi, vô địch thế giới bộ môn Pencak Silat tại Thái Lan...

Chúng ta có Đại đức Thích Thông Hạnh - Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Tỉnh Hậu Giang, Trụ trì Chùa Long An, khu vực Bình Thạnh C, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) - người rất quan tâm nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thường xuyên giảng dạy cho bà con phật tử về Bác. Hay như Linh mục Nguyễn Văn Nhân ở Đồng Nai, người đã thành lập thư viện sách về Bác Hồ trong Nhà thờ...

Đặc biệt, chúng ta có nhiều bí thư chi bộ, bí thư cấp ủy các cấp học và làm theo Bác, tận tụy với công việc, hy sinh lợi ích cá nhân vì công việc chung, vì quyền lợi của nhân dân, như: Bí thư Ma Seo Lằng, Bí thư Chi bộ thôn Lũng Pô 2, xã A Mú Xung, huyện Bát Xát (Lào Cai) - người vận động người dân định canh, định cư giữ đất và phát triển nông thôn mới; Bí thư Lý Đức Hà - Bí thư Chi bộ thôn Tà Lượt, xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần, Hà Giang.

Có thể nói, từ biên giới tới hải đảo xa xôi, từ nông thôn tới thành thị, từ trẻ đến già, thanh niên, phụ nữ, đâu đâu chúng ta cũng dễ dàng tìm thấy những tấm gương hết sức bình dị mà cao quí, với những việc làm thường nhật mà ý nghĩa lớn lao. Chúng ta cần phát hiện, biểu dương và tuyên truyền để qua đó, tạo sự lan tỏa trong xã hội.

 

PGS.TS Phương Hoa:  Đồng chí Hồng Vinh, đồng chí Đức Hà cũng đã vừa nói rất sâu sắc, phân tích rất cụ thể về một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng ta là phương thức nêu gương; và nhắc tới rất nhiều Quy định của Đảng ta. Có thể nói rằng, chúng ta có rất nhiều quy định về nêu gương trong thời gian gần đây.  Trong 6-7 năm gần đây, có thể kể tới 6 quy định có liên quan nhiều nhất tới trách nhiệm nêu gương của các bộ, đảng viên:

- Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm. Trong quy định này nêu rõ mục tiêu để tăng tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

- Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7 tháng 6 năm 2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp. Trong đó, nêu 7 nội dung rất cụ thể cần phải nêu gương: Về tư tưởng, chính trị; về đạo đức lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết nội bộ.

- Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên với 06 nội dung rất là ngắn gọn nhưng hết sức cụ thể. Và một điều đặc biệt, đây là quy định đầu tiên trong một văn bản chính thức của Đảng ta mà nhắc tới  yêu cầu nêu gương, đề cao trách nhiệm của từng đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, cán bộ, người lãnh đạo đứng đầu các cấp.

- Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, nêu 8 nội dung phải gương mẫu thực hiện và 8 nội dung phải kiên quyết chống.

- Ban Bí thư Trung ương Đảng có ban hành Quy định số 109-QĐ/TW, ngày 03/01/2018 về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

- Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 02/02/2018 về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Đây cũng là một trong những văn bản đầu tiên của Đảng ta quy định về quyền giám sát của  nhân dân đối với cá nhân cán bộ, đảng viên.

 

TS Nhị LêCó một tình trạng là chúng ta có rất nhiều quy định nhưng khi thực thi thì hiệu quả chưa được như mong đợi. Có thể cắt nghĩa rất nhiều, trước hết, là những quy định đó có phù hợp với thực tiễn hay không?

Thứ hai, việc tổ chức những quy định  đó có tương xứng với mục tiêu đề ra hay không?

Thứ ba, lực lượng tổ chức thực thi những quy định đó có bảo đảm không, có rộng rãi không, có đầy đủ không, có dân chủ không?.

Thứ tư, các thiết chế cần và đủ để bảo đảm thực hiện các quy định đó đã hoàn mỹ chưa. Đặc biệt quan trọng là người đứng đầu tổ chức thực hiện ở từng cấp có tương xứng không?

 Theo tôi, tối thiểu phải có 5 vấn đề để có thể thấy được là chỉ trong 4 năm nay thôi, Đảng đã ban hành 3 quy định về nêu gương. Chúng ta có quy định về giám sát, kiểm tra được ban hành ở tất cả các quy mô từ Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng...ở tất cả các đối tượng đảng viên. Quy định 101 ngày 7/6/2012 dành cho tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng; rồi Quy định 55 ngày 20/12/2016 về tăng cường một bước mạnh mẽ vấn đề nêu gương trong toàn Đảng và Quy định 08 ban hành mới đây nhất vào tháng 10/ 2018 của Ban Chấp hành  Trung ương.

Như vậy, theo tôi, chưa có thời kỳ nào vấn đề nêu gương được Đảng đề ra mạnh mẽ và nghiêm khắc ở tất cả các nội dung, đối với tất cả các đối tượng đảng viên như bây giờ. Nhưng có thể nói, việc thực thi các quyết định chưa tương xứng và chưa được như mong muốn.

Thực tiễn đã đi rất xa điều mà chúng ta muốn, điều mà tất cả cấp ủy đang từng bước dõi theo, đặc biệt là chưa tương xứng với nguyện vọng, mong muốn của  nhân dân đối với cán bộ, đảng viên của Đảng, mà Đảng ta với tư cách đảng cầm quyền.

Chúng ta hãy nhìn lại một loạt cán bộ các cấp, mà trong lịch sử của Đảng ta, lần đầu tiên 1Ủy viên Bộ Chính trị bị truy tố trước pháp luật về tội tham nhũng. Rồi 1 loạt cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật, truy tố...

Tất cả những ung nhọt mà cán bộ, đảng viên của chúng ta ở các cấp không ít đồng chí mắc phải đã phản ánh rất rõ điều đó. Sự xử lý của chúng ta dù rất cố gắng nhưng chưa đạt được. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng, mục tiêu thì đã rõ rồi, lộ trình thì minh bạch rồi nhưng bây giờ là thể chế.

Đã nhiều lần tôi đề cập đến không chỉ là vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp, đặc biệt theo Quy định 08 đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, nói như anh Hà, anh Hồng Vinh thì đó là linh hồn của Đảng; còn tôi quan niệm, đó là hạt nhân của Đảng. Nếu hạt nhân bị tổn thương, phá vỡ, không còn nguyên vẹn thì không sử dụng được nữa. Cho nên như tôi nói vừa rồi, về quy mô, tính chất về tầm mức của các quy định mà chỉ trong 4- 6 năm nay, Trung ương Đảng hết sức lo lắng, tìm mọi phương sách để chỉnh đốn Đảng. Đó cũng là một phương thức rất căn bản.

Tôi nói ngắn gọn, gia có gia phong, nước có quốc pháp, đảng có đảng cương. Gia phong, quốc pháp, đảng cương mà lỏng lẻo thì không nói chuyện gì đến gia đình tốt, đến đất nước yên ổn, đảng hùng mạnh cả. Cho nên những vấn đề xung quanh thể chế là một trong nhưng phương sách căn bản để thực thi nêu gương của cán bộ, đảng viên.

 

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh:

Tôi thấy có nhiều vấn đề cần nhấn mạnh. Như tôi nhận thức, có một số vấn đề có tính thời sự sau:

Thứ nhất, chung quy vẫn là vấn đề nhận thức. Bởi vì trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa X nói về tầm quan trọng, vai trò, vị trí của công tác tư tưởng trong toàn bộ sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đảng, Trung ương đã thêm vào một số từ tôi rất tâm đắc: "công tác tư tưởng phải đi trước mở đường". Với một Nghị quyết vô cùng quan trọng như vậy của Ban Chấp hành Trung ương, đầu tiên, chúng ta phải tuyên truyền, giáo dục, nhận thức được hết ý nghĩa và tầm quan trọng của nó. Tôi rất hoan nghênh hôm nay, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở diễn đàn trực tuyến, chính là góp sức vào công tác tuyên truyền để đi trước một bước.

Một thực trạng mà rất nhiều đảng viên của chúng ta do bận rộn hay vì nhiều lý do khác khi tiếp nhận chỉ thị, nghị quyết của Đảng còn có tính hình thức, thậm chí là hời hợt. Như đồng chí Đức Hà và đồng chí Nhị Lê đã nói, đây là một sự cam đoan chính trị, một quyết định chính trị của một đảng cầm quyền quan trọng như thế nên chúng ta phải coi trọng việc giáo dục nhận thức.

Thứ hai, phải hướng dẫn cán bộ, đảng viên, đặc biệt trông đợi ở những người đứng đầu ở các cấp ủy suy nghĩ thế nào, thể hiện bằng Chương trình hành động như thế nào ở tất cả các lĩnh vực mà Nghị quyết đề cập. Chương trình hành động phải được công khai trước cấp ủy đảng, làm căn cứ để 6 tháng hay 1 năm sinh hoạt soi vào đó và đó là cơ sở để đánh giá cán bộ, đảng viên từ nhận thức đến hành động. Nếu điều này đi vào cuộc sống thì công tác kiểm tra, giám sát phải được tăng cường hơn nữa. Tôi rất thấm thía lời Bác Hồ, 9/10 khuyết điểm trong Đảng của chúng ta vừa qua là do buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát. Chúng ta phải tăng cường kiểm tra, giám sát.

Thứ ba, phải tăng cường nhiều biện pháp hơn nữa, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Ở mỗi cơ quan công sở, theo tôi, nên tổ chức hòm thư góp ý của nhân dân. Khi cấp ủy tổng hợp, lựa chọn, có chi tiết góp ý cụ thể thì tiến hành kiểm tra, giám sát. Đấy là thể hiện dựa vào dân để xây dựng Đảng.

Thứ tư, tôi xin mạnh dạn kiến nghị, nên chăng, chúng ta phải phát động và xây dựng ý thức thực hiện văn hóa từ chức. Quốc hội cũng đã đề cập đến vấn đề này, tuy nhiên, theo quy định miễn nhiệm phải có 2/3 số đại biểu Quốc hội kiến nghị thì mới có thể xem xét. Tôi thấy vấn đề này phải để đảng viên tự thấy phải soi vào Quy định nêu gương này, nếu thấy không xứng đáng thì nên từ chức. Chúng ta nên thực hiện việc này một cách nghiêm túc với cán bộ, đảng viên, nhất là với người đứng đầu.

 

Đ/c Lê Mạnh Hùng: Thay mặt Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, tôi xin được ghi nhận và biểu dương Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Giao lưu trực tuyến về vấn đề nêu gương – vấn đề thời sự được Đảng và nhân dân rất quan tâm.

Thời gian qua, phải nói là chúng ta đã có nhiều nội dung, giải pháp đề cập tới công tác xây dựng Đảng. Các kỳ Đại hội Đảng cũng xác định xây dựng Đảng là then chốt, quyết định thành công tới hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo. Câu hỏi rất hay, làm thế nào để việc triển khai được tròn trịa, đầy đủ, có tính khả thi.

Trước hết, có thể nói, các kỳ Đại hội đều bàn về công tác xây dựng Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII “Về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”.

Thực tế, quy định của Đảng đều được cụ thể hóa, quy định rõ trong hệ thống luật pháp và có xử lý nghiêm minh, chế tài rõ, xử lý cụ thể.

Đảng viên trước hết là công dân, do đó, phải thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, sau đó, nâng tầm lên thực hiện đường lối của Đảng. Đảng viên phải tiên phong, nhất là thực hiện đúng, đủ, tốt quy định của Đảng để rèn luyện phấn đấu.

Thời gian qua, chế tài quy định từng bước hoàn thiện nhưng quan trọng là thực thi thế nào, có nghiêm túc và cụ thể hay không? Tất cả đảng viên sinh hoạt trong chi bộ, nhưng chi bộ có nắm tư tưởng, hành vi của đảng viên hay không? Nắm bắt sinh hoạt của đảng viên có vi phạm hay không? Tất cả đều xuất phát từ chi bộ. Do đó, phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tinh thần phê bình và tự phê bình từ chi bộ. Chi bộ phải quản lý sâu sắc nhất vì nơi này, nơi khác, như anh Vinh, anh Hà và nhiều đồng chí khác đã nêu, là do chưa thực hiện đúng quy định đặt ra.

Do đó, ngoài chế tài, thể chế, tôi nghĩ cần tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đây chính là hạt nhân trong công tác xây dựng Đảng.

Hơn 30 năm đổi mới, 50 năm thực hiện tác phẩm của Bác Hồ về “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, ta thấy, trong thời gian qua, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm xuât hiện khá phổ biến; do đó, cần phải được chú trọng quan tâm, quét sạch.

Tới đây, để có thể chế và quy định cụ thể, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là giám sát của nhân dân. Về các khu phố, các khu dân cư ở địa phương cơ sở, nhân dân người ta biết hết đảng viên đó như thế nào. Có điều là chúng ta phải tạo cơ chế để nhân dân có ý kiến chuẩn xác và tiến hành nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát thì tôi tin rằng, chúng ta sẽ thực hiện hiệu quả.

theo dangcongsan.vn