Công tác nội chính

10 năm Trung Quốc xây 'pháo đài kinh tế' chống áp lực từ Mỹ

Trung Quốc một thập kỷ qua dồn sức cho nỗ lực tự chủ nhằm tránh bị phụ thuộc vào Mỹ hay phương Tây, song con đường này không hề dễ dàng.

Một ngày ở Trung Quốc có thể bắt đầu như sau: Thức dậy và xem tin nhắn WeChat trên điện thoại thông minh Huawei. Lên xe điện BYD và lái đến ga xe lửa, nơi một chuyến tàu cao tốc sẽ đưa bạn đến đích. Các nhà máy điện hạt nhân, trang trại điện mặt trời và các turbin gió do Trung Quốc thiết kế cung cấp năng lượng cho đèn chiếu sáng cả thành phố.

Trung Quốc đang chạy đua để giảm phụ thuộc vào các sản phẩm và công nghệ từ thế giới bên ngoài. Đây là một phần trong nỗ lực lâu dài của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm khiến đất nước tự chủ hơn cũng như không bị ảnh hưởng bởi áp lực phương Tây khi căng thẳng với Mỹ gia tăng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp ở Bắc Kinh hồi tháng 1. Ảnh: Xinhua

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp ở Bắc Kinh hồi tháng 1. Ảnh: Xinhua

Bắc Kinh đã đổ hàng trăm tỷ USD vào các ngành công nghiệp được ưa chuộng, đặc biệt là trong sản xuất cao cấp (sản xuất sản phẩm chất lượng cao bằng công nghệ tiên tiến và thiết bị tinh vi), đồng thời kêu gọi các lãnh đạo doanh nghiệp tuân theo những ưu tiên của chính phủ.

Nỗ lực này đã đạt nhiều thành công.

Thay vì phải mua robot và thiết bị y tế từ các công ty nước ngoài, Trung Quốc đã có thể tự sản xuất nhiều hơn. Các tấm pin mặt trời do họ tự chế tạo đang thay thế một phần nhu cầu năng lượng nhập khẩu của đất nước. Thành công mà các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc hay công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo DeepSeek đạt được làm dấy lên triển vọng Bắc Kinh có thể vượt qua phương Tây ở một số lĩnh vực tiên tiến.

Tuy nhiên, đằng sau những thắng lợi đó, chính sách công nghiệp của Trung Quốc rất tốn kém, sử dụng lượng lớn nguồn lực nhà nước. Theo ước tính từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, năm 2019, chi tiêu của Trung Quốc cho chính sách công nghiệp rơi vào khoảng 250 tỷ USD, chiếm 1,7 % GDP. Bên cạnh những thành công, nhiều dự án được đầu tư lớn cũng thất bại, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chất bán dẫn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2015 đã đưa ra tầm nhìn về việc khiến đất nước trở nên tự chủ hơn, với sáng kiến "Made in China 2025" (Sản xuất tại Trung Quốc).

Các văn bản từ chính phủ khi đó nhấn mạnh thế giới đang ở trước ngưỡng cửa cuộc cách mạng công nghệ mới và Trung Quốc chỉ có thể thành công bằng cách đầu tư cho những cơ sở sản xuất tiên tiến hơn.

Sáng kiến tìm cách nâng cao hoạt động sản xuất của Trung Quốc trên mọi phương diện và tập trung vào 10 lĩnh vực trọng điểm, trong đó robot, hàng không vũ trụ và xe năng lượng mới là những ưu tiên hàng đầu. Nó đặt ra các mục tiêu rõ ràng về việc nâng cao tỷ lệ nội địa đối với những bộ phận cốt lõi và vật liệu cơ bản.

Mỹ chỉ trích chương trình này ngăn các công ty nước ngoài tham gia thị trường Trung Quốc. Mối rạn nứt trở nên tồi tệ hơn sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2017.

Đến năm 2019, dưới áp lực từ Washington, Bắc Kinh không nhắc đến sáng kiến "Made in China 2025" trong những báo cáo chính thức và phát đi tín hiệu rằng họ muốn các công ty nước ngoài cung cấp nhiều sản phẩm hơn vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi mối quan hệ với Mỹ tiếp tục xấu đi, nỗ lực tự cung tự cấp của Trung Quốc lại được tăng cường. Chính phủ Trung Quốc nêu trong kế hoạch kinh tế 5 năm mới nhất. được công bố năm 2021, rằng thế giới đang ngày càng hỗn loạn và tự lực về khoa học, công nghệ là điều tối quan trọng.

Bên trong một nhà máy sản xuất xe điện của BYD ở Thái Lan, tháng 7/2024. Ảnh: Reuters

Bên trong một nhà máy sản xuất xe điện của BYD ở Thái Lan, tháng 7/2024. Ảnh: Reuters

Về xe điện, một trong 10 lĩnh vực trọng yếu, theo tính toán từ CSIS, hỗ trợ công nghiệp của chính quyền Trung Quốc cho ngành đã tăng từ mức 15 tỷ USD năm 2019 lên đến 45 tỷ USD năm 2023. Hơn 100 thương hiệu đua nhau tiến vào thị trường.

Khi chất lượng xe được cải thiện, chúng đánh bại những đối thủ nước ngoài tại Trung Quốc và nhanh chóng thâm nhập thị trường quốc tế.

 

Năm ngoái, xe thuần điện và xe kết hợp động cơ đốt cùng động cơ điện (PHEV) chiếm 48% doanh số xe chở khách tại Trung Quốc, tăng từ mức 41% năm trước đó, tương đương 11 triệu xe, theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc.

Hầu hết những chiếc xe điện này được sản xuất bởi các thương hiệu Trung Quốc, như BYD và Geely. BYD gần đây còn vượt qua Volkswagen để trở thành nhà sản xuất ôtô bán chạy nhất Trung Quốc, trong khi doanh số của các nhà sản xuất đến từ Mỹ như General Motors giảm mạnh.

Câu chuyện tương tự cũng xuất hiện trong ngành đóng tàu biển, khi từ năm 2010 đến 2018, chính phủ đã đổ khoảng 132 tỷ USD hỗ trợ ngành vận tải biển và đóng tàu, theo CSIS.

Động thái trên khiến Trung Quốc tự chủ hơn và biến các công ty Trung Quốc thành những nhà đóng tàu thống trị thế giới, kiểm soát hơn một nửa sản lượng toàn cầu dựa trên trọng tải thương mại, so với chỉ 5% vào năm 1999, Matthew Funaiole, chuyên gia tại CSIS, năm ngoái cho hay.

Trong nhiều năm, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu ròng hóa chất, đặc biệt từ Trung Đông, châu Âu và Mỹ, do sản lượng nội địa không thể đáp ứng nhu cầu nhựa, sợi quang hay những hóa chất khác mà nền kinh tế đang phát triển của nước này cần.

Song từ năm 2021, thâm hụt đã chuyển sang thặng dư, khi sản lượng trong nước tăng, đẩy hóa chất nhập khẩu khỏi thị trường. Trung Quốc năm 2024 ghi nhận thặng dư xuất khẩu hóa chất 34 tỷ USD, so với mức thâm hụt 40 tỷ USD vào năm 2020.

Hoạt động tại một công ty bảo trì tàu ở Chu Sơn, Trung Quốc, ngày 4/2. Ảnh: AFP

Hoạt động tại một công ty bảo trì tàu ở Chu Sơn, Trung Quốc, ngày 4/2. Ảnh: AFP

Thách thức

Dù vậy, nỗ lực xây "pháo đài kinh tế" của Trung Quốc vẫn gặp không ít trở ngại.

Về lĩnh vực hàng không vũ trụ, máy bay dân dụng C919 Trung Quốc đã đi vào hoạt động thương mại từ năm 2023, đánh dấu thành tựu lớn sau nhiều năm trì hoãn. Nhưng mẫu máy bay này, do doanh nghiệp nhà nước Comac chế tạo để cạnh tranh với các máy bay chở khách chủ lực của Boeing và Airbus, vẫn trang bị nhiều hệ thống, linh kiện nước ngoài như bánh đáp từ Đức hay động cơ từ Mỹ, Pháp.

Mặt khác, việc tăng cường khả năng tự cung tự cấp về lương thực của Trung Quốc cũng bị hạn chế do thiếu đất canh tác và nước. Năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 105 triệu tấn đậu nành, tăng 21% so với năm 2019, phần lớn đến từ Mỹ, trong khi lượng thịt nhập khẩu tăng 55% cùng kỳ.

Về lĩnh vực bán dẫn, các nước phương Tây đang tích cực hành động để đảm bảo Trung Quốc không sớm bắt kịp họ.

Các nhà hoạch định chính sách một thập kỷ trước nói rằng họ muốn Trung Quốc có thể tự đáp ứng 70% nhu cầu chip vào năm 2025. Nhưng theo ước tính từ công ty tư vấn toàn cầu International Business Strategies, đến cuối năm nay, sản xuất trong nước sẽ chỉ cung cấp khoảng 30% nhu cầu chip của Trung Quốc, dù con số này đã tăng từ khoảng 20% vào năm 2024.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, lượng chip nhập khẩu năm ngoái lên tới gần 400 tỷ USD.

Trung Quốc không có công nghệ trong nước để sản xuất các công cụ chế tạo chip tiên tiến nhất, hiện do một số ít nhà cung cấp ở Hà Lan, Nhật Bản và Mỹ nắm giữ. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cản trở Trung Quốc có được những công cụ kể trên và nếu không sở hữu chúng, việc chế tạo những con chip hiện đại sẽ trở nên vô cùng khó khăn đối với Bắc Kinh.

Bất chấp thách thức, các công ty Trung Quốc đã có những bước đột phá khiến giới chức Mỹ kinh ngạc. Huawei thành công trong việc phát triển hệ điều hành riêng sau khi bị hạn chế sử dụng hệ điều hành Android của Google. Năm 2023, Huawei Technologies phát hành điện thoại thông minh Mate 60 chứa mạch tích hợp tiến gần hơn một bước đến trình độ công nghệ của các chip tiên tiến trong iPhone.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành đã đặt câu hỏi về hiệu năng của những con chip này và liệu Huawei có thể sản xuất hàng loạt chúng hiệu quả hay không.

Làn sóng đầu tư đổ vào các nhà máy Trung Quốc cũng đang gây ra vấn đề ở nước ngoài, vì nó dẫn đến việc hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường các quốc gia khác với giá chiết khấu mạnh, làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại.

Ngoài ra, giới phân tích lưu ý việc Trung Quốc ngày càng thể hiện năng lực sản xuất thống trị ở một số lĩnh vực giá trị cao có nguy cơ trở thành điểm bùng nổ trong các cuộc xung đột thương mại mới khi Tổng thống Trump gia tăng sức ép lên Bắc Kinh.

Trung Quốc hiện cần tìm ra đòn bẩy tăng trưởng mới để bù đắp cho tình trạng trì trệ của nền kinh tế do thị trường bất động sản đóng băng và bối cảnh thương mại toàn cầu u ám.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc nên củng cố mạng lưới an sinh xã hội để thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng bền vững, thay vì đổ thêm tiền vào các cơ sở công nghiệp vốn đã quá rộng lớn, khiến họ bị tích lũy thêm nợ mà không có đảm bảo về lợi nhuận trong tương lai.

Cái giá phải trả cho nỗ lực của Trung Quốc "là rất nhiều vốn bị đốt cháy", Alfredo Montufar-Helu, người đứng đầu Trung tâm Trung Quốc tại nhóm nghiên cứu Hội đồng Hội nghị ở Bắc Kinh, nhận xét. "Liệu Trung Quốc có thể gánh được chi phí này không?", ông đặt câu hỏi.

Bắc Kinh đến nay vẫn tin rằng việc chuyển hướng nguồn lực khổng lồ vào sản xuất và công nghệ tiên tiến sẽ thúc đẩy an ninh quốc gia bằng cách khiến đất nước ít bị ảnh hưởng hơn bởi áp lực từ phương Tây. Giới lãnh đạo Trung Quốc đang phát đi tín hiệu rằng rủi ro là xứng đáng.

"Tự lực cánh sinh trong khoa học và công nghệ là nền tảng cho sức mạnh và thịnh vượng của quốc gia chúng ta, cần thiết cho an ninh của chúng ta", một phát thanh viên kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV khẳng định vào tháng này.

Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)