Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
Quốc hội nghe báo cáo về phòng, chống tham nhũng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, ngày 28-10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng.
Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016 của Chính phủ do Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày khẳng định, công tác PCTN đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý Nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân. Hệ thống bộ máy Nhà nước, thể chế, chính sách được hoàn thiện hơn cùng với việc mở rộng công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Chính sách, pháp luật về PCTN được đưa vào hệ thống truyền thông, giáo dục, đào tạo góp phần nâng cao nhận thức trong xã hội và tạo lập nền tảng quan trọng để hình thành văn hóa PCTN.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi. Công tác PCTN tại các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều. Không ít địa phương đã thực hiện chưa tốt công tác PCTN. Công tác PCTN nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Báo cáo cũng nêu lên phương hướng, nhiệm vụ công tác PCTN năm 2017 là tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu, quan điểm, nội dung và giải pháp PCTN đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng và các quy định của Luật PCTN; kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp PCTN với những bước đi vững chắc, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm gắn với thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… Kiên quyết không để tham nhũng diễn biến phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn, tiến tới ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Xác định rõ PCTN là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Để PCTN hiệu quả hơn, năm 2017, Chính phủ tiếp tục xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cụ thể là: Chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp PCTN, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN; triển khai quyết liệt chương trình công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá cụ thể trách nhiệm trong công tác PCTN của các cấp, các ngành trong cả hệ thống chính trị.
Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về những biểu hiện, tác hại của tham nhũng đối với việc phát triển kinh tế, xã hội. Tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng tăng cường trách nhiệm cá nhân trong thực hiện công vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, có cơ chế hữu hiệu để loại khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức thoái hoá, biến chất; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; hoàn thành dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) trình Quốc hội
Báo cáo thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, năm 2016, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trên một số lĩnh vực, tham nhũng từng bước được kiềm chế. Bộ máy nhà nước ngày càng được kiện toàn, hoạt động minh bạch, công khai hơn. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường, góp phần phòng, chống tham nhũng. Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, gây thất thoát lớn vốn và tài sản nhà nước được phát hiện, xử lý. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng tiếp tục được phát huy.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.”
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.”
Nhiều tồn tại, hạn chế, kiến nghị đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu từ những năm trước nhưng vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Đó là thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở; việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức và chưa hiệu quả.
Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng. Việc nâng cao trách nhiệm và kỷ luật công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu chậm chuyển biến…
Hương Thủy
(TTXVN)
(TTXVN)