Công tác nội chính
Đại biểu Quốc hội: Học thêm, dạy thêm là nhu cầu cần thiết, không thể không quản lý được thì cấm
- Dự thảo Luật Nhà giáo quy định không được “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức”. Nội dung dạy thêm, học thêm, theo đại biểu Quốc hội còn nhiều ý kiến tranh luận, dư luận xã hội có 2 luồng ý kiến: Cấm và quản lý.
Hôm nay 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành trọn phiên họp buổi sáng để thảo luận về Dự án Luật Nhà giáo. Việc tuyển dụng giáo viên; học thêm, dạy thêm; tiêu chuẩn nghề nghiệp nhà giáo được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm nêu ý kiến.
Ở vị trí điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các thế hệ nhà giáo và ngành Giáo dục - những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các vị đại biểu Quốc hội đã và đang làm việc trong ngành giáo dục, cùng gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền của Tổ quốc”, bà Thanh nói.
Trao quyền tuyển dụng để gỡ khó việc “thừa, thiếu” giáo viên
Nêu ý kiến thảo luận sau đó, nhấn mạnh việc ban hành Luật Nhà giáo là hết sức cần thiết, đại biểu Trần Văn Thức (đoàn Thanh Hóa) bày tỏ quan tâm đến thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.
Từ thực tiễn, kinh nghiệm quản lý trong ngành giáo dục, ông Thức cho biết, hiện trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ đang ngày càng trầm trọng.
Một trong những nguyên nhân cơ bản, theo đại biểu, là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì, nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên.
“Tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức, tuy nhiên, quy định này chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của khối nhà giáo”, ông Thức nêu.
Đồng tình và thống nhất cao với những quy định giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo, đại biểu đoàn Thanh Hóa nhận định, đây là quy định rất quan trọng, có thể tháo gỡ ngay các khó khăn về thừa thiếu giáo viên tại các địa phương.
Chung mối quan quan tâm, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nói việc trao quyền hoặc phân cấp, ủy quyền trong tuyển dụng giáo viên đáp ứng yêu cầu ngành Giáo dục, cũng như chủ động trong điều phối biên chế, điều phối nhà giáo của ngành giáo dục.
Tuy nhiên, ông đề nghị cần giải thích rõ thế nào là người có trình độ cao, người có tài năng về các trường hợp đặc cách ưu tiên để dễ thực hiện khi tuyển dụng, bảo đảm tính khả thi của quy định.
Cần có tiêu chuẩn phẩm chất chính trị, tư tưởng nhà giáo
Về chuẩn nghề nghiệp, theo đại biểu Tô Văn Tám, nhà giáo không chỉ đòi hỏi cao về đạo đức, chuẩn mực, mô phạm, sự hiểu biết, tính sáng tạo, mà còn đòi hỏi về phẩm chất, tư tưởng chính trị.
Trong đó, ông cho rằng, phẩm chất chính trị, tư tưởng nhà giáo là nhân tố cơ bản giữ vai trò chủ đạo, định hướng sự phát triển đạo đức của đội ngũ nhà giáo.
“Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ và các trí thức khoa học mà còn là nơi rèn luyện, truyền thụ phẩm chất, nhân cách của người học”, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị bổ sung tiêu chuẩn phẩm chất chính trị, tư tưởng nhà giáo vào dự thảo luật.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) nhắc đến triết lý giáo dục thay đổi thế giới và Nelson Mandela (tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Nam Phi, là người anh hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid).
Theo đại biểu, ông Nelson Mandela nói: “Để phá huỷ bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp nền giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên”.
Từ đó, đại biểu Khánh mong xây dựng Luật Nhà giáo vì mục tiêu chung, vì phát triển đất nước để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu.
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, ông Khánh nói.
“Đã hết thời chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”
Đề cập đến những việc không được làm, đại biểu Quốc hội Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) nêu, dự thảo luật quy định nhà giáo không được “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức; ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật”.
Nội dung này, theo ông Khánh còn nhiều ý kiến tranh luận. Dư luận xã hội có 2 luồng ý kiến: cấm và quản lý.
Ông đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn
“Thực chất, học thêm là nhu cầu cần thiết của xã hội. Chúng ta không thể không quản lý được thì cấm”, ông Khánh nói và nêu thực tế có trường hợp công nhân tăng ca buổi chiều nên đã gửi gắm con em của họ cho các thầy cô đưa về nhà quản lý. Họ phải đến 8-9h tối mới đến nhà thầy cô giáo đón con được. Vì vậy, cần phải có cơ chế quản lý để bảo vệ họ.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) đồng tình với đại biểu Khánh về việc dạy thêm, học thêm.
“Cần nhìn nhận thấu đáo về dạy thêm, học thêm để quy định cho phù hợp, bởi thực tế dạy thêm là nhu cầu có thực của giáo viên. Học thêm cũng là nhu cầu có thực của học sinh, nhất là ở đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, các cháu càng được các gia đình đầu tư học tập”, bà Thủy phát biểu.
Theo bà Thủy, không chỉ các cháu học tập chưa tốt mới học thêm mà học sinh có năng lực học tập tốt cũng có nhu cầu học thêm nhằm nâng cao thêm kiến thức, nhất là các cháu có nguyện vọng thi vào trường chuyên, đại học top đầu.
“Cho rằng tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên đã giải quyết vấn đề dạy thêm, theo tôi vẫn còn chủ quan và chưa thực sự phù hợp với thực tế cuộc sống”, đại biểu Quốc hội đoàn Ninh Thuận nêu ý kiến.
Bà Thủy cũng cho hay, chất lượng đầu vào ngành sư phạm ngày càng tăng, mức độ cạnh tranh vào ngành sư phạm cũng rất khốc liệt.
“Những mùa tuyển sinh gần đây, đã hết cái thời chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm. Đầu vào ngành sư phạm thời gian qua ngày càng tốt hơn”, bà Thủy nói, Nhưng theo đại biểu, đầu ra còn vấn đề, nên phải có chính sách để thầy cô giáo sống được bằng nghề, theo được đam mê nghề nghiệp, từ đó sẽ ngày càng thu hút được nhân tài.
thanhtra.com.vn