Nghiên cứu - Trao đổi
Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt
- Bộ Nội vụ cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rộng khắp các vấn đề dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và làm cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai, thực hiện.
Trong 5 năm qua, Bộ Nội vụ luôn quan tâm chỉ đạo sát sao và quán triệt việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Phương Anh
Trong 5 năm qua, Bộ Nội vụ luôn quan tâm chỉ đạo sát sao và quán triệt việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ và trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
Bộ Nội vụ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc quán triệt, tuyên tuyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt hằng năm, Bộ Nội vụ đều ban hành kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó đưa ra các nhiệm vụ cụ thể và phân công trách nhiệm thực hiện, đảm bảo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện hiệu quả.
Việc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng được Bộ Nội vụ giao Thanh tra Bộ thực hiện trong các cuộc thanh tra hành chính về công tác phòng, chống tham nhũng và thanh tra trách nhiệm. Theo đó, mỗi năm, Thanh tra Bộ Nội vụ tiến hành 1 cuộc tại đơn vị thuộc Bộ. Qua kiểm tra, nhìn chung các đơn vị đã nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về công tác phòng, chống tham nhũng; người đứng đầu và các cá nhân có liên quan đảm bảo thực hiện trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong mua sắm công và xây dựng cơ bản; quản lý dự án đầu tư xây dựng; tài chính và ngân sách; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết công việc của các đơn vị, cá nhân và thực hiện công khai, minh bạch việc bổ nhiệm, tiếp nhận, sử dụng, quản lý công chức, viên chức.
Việc công khai, minh bạch trong các hoạt động được Bộ Nội vụ thực hiện qua các hình thức: Phổ biến tại cuộc họp giao ban công tác tháng của Bộ và thông qua hệ thống điện tử Voffice, họp báo, cập nhật, đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ.
Đối với các đoàn thanh tra, kiểm tra, xác minh, Bộ Nội vụ thực hiện việc công khai theo quy định của Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đáng lưu ý, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành quy chế hoạt động đoàn thanh tra của Bộ Nội vụ, trong đó, quy định cụ thể chuẩn mực đạo đức, văn hóa của các thành viên đoàn thanh tra khi thực thi công vụ và nhất là quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra.
Đồng thời, trong 5 năm qua, Bộ Nội vụ đã chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ đảm bảo thực hiện nghiêm quy định Luật Phòng, chống tham nhũng và phát huy được năng lực, sở trường công tác của công chức khi được chuyển đổi…
Ngoài ra, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan rà soát xây dựng, hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền, cải cách các thủ tục hành chính bảo đảm nội dung chặt chẽ, đúng theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không để xảy ra lợi ích nhóm nhằm ngăn chặn để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Từ năm 2022, Bộ Nội vụ đã tiến hành xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập; bốc thăm lựa chọn đơn vị để xác minh tài sản, thu nhập trong các năm 2022, 2023, 2024; trên cơ sở đó tiến hành bốc thăm ngẫu nhiên lựa chọn 28 công chức, viên chức tại các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ để xác minh tài sản, thu nhập và đã ban hành kết luận xác minh tài sản, thu nhập đối với 28 công chức, viên chức. Kết luận xác minh đối với người được xác minh đã được Bộ Nội vụ công khai theo quy định.
“Trong kỳ báo cáo, Bộ Nội vụ chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt”, Bộ Nội vụ cho biết.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rộng khắp các vấn đề dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và làm cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai, thực hiện.
Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng; làm rõ khái niệm hành vi tham nhũng trong khu vực công và khu vực tư, các hành vi bị nghiêm cấm; gắn trách nhiệm phòng, chống tham nhũng cho từng cơ quan, tổ chức, đề cao trách nhiệm cá nhân.
Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 vẫn còn tồn tại bất cập, như: Đến nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra, dẫn đến tình trạng cá nhân tham mưu công tác phòng, chống tham nhũng chưa được bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ kiểm tra, làm giảm hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí thông qua công tác kiểm tra. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác trong thực tế chưa hiệu quả, đặc biệt, sau khi các bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục vị trí việc làm và bản mô tả vị trí việc làm, việc chuyển đổi vị trí công tác càng gặp nhiều khó khăn…
Bộ Nội vụ kiến nghị cần quy định chi tiết về biện pháp phát hiện tham nhũng thông qua kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trình tự, thủ tục kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra; thẩm quyền xử lý các kiến nghị; thời hạn kiểm tra; trình độ, năng lực của người thực hiện hoạt động kiểm tra...
Ngoài ra, cần có quy định về chế độ, cơ hội để tạo động lực cho cán bộ, công chức thực hiện chuyển đổi vị trí công tác và linh hoạt trong quy định về thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với một số vị trí để phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tổ chức thực hiện có hiệu quả…
dangcongsan.vn