Công tác nội chính
Bài 1: Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN phải liên tục hoàn thiện để thể chế hóa đường lối của Đảng
- Một trong những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Đó là một trong những nội dung được nhấn mạnh trong Bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Bài viết ra đời thể hiện một tầm nhìn chiến lược, sâu sắc, mang tính định hướng, chỉ đạo lâu dài trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, Bài viết đã làm sáng tỏ nhiều nội dung liên quan đến đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đây cũng là nội dung trao đổi của chúng tôi với các vị khách mời:
- GS.TS Hoàng Thế Liên - Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Chu Văn An;
- PGS.TS Trương Hồ Hải - Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Các vị khách mời trao đổi về nội dung Bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Tô Lâm. |
Phóng viên (PV): Thưa các vị khách mời, Nghị quyết số 27-NQ/TW ra đời được đánh giá là tất yếu, khách quan và đúng thời điểm, thể hiện bước phát triển mới trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đến nay, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, Bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Tô Lâm ra đời, điều này có ý nghĩa như thế nào cả về lý luận và thực tiễn, thưa GS.TS Hoàng Thế Liên?
GS.TS Hoàng Thế Liên: Tôi đã đọc rất kỹ Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm. Tôi có nhiều cảm nhận và suy nghĩ sau khi đọc Bài viết.
Để chúng ta hiểu sâu sắc hơn Bài viết đó, cho phép tôi nói rộng ra để chúng ta hiểu được bối cảnh ra đời của Bài viết.
Chúng ta biết, sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền đã bắt đầu từ lâu, từ khi chúng ta thành lập nước năm 1945, nhưng tập trung nhất khi chúng ta tổ chức Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng vào năm 1994. Lần đầu tiên trong văn kiện cũng như trong nghị quyết của đại hội đó khẳng định chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền.
Sau đó, chúng ta sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vào năm 2001. Lần đầu tiên, chúng ta khẳng định trong Hiến pháp, tại Điều 2, Nhà nước của chúng ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Chúng ta thấy trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) có hai khẳng định rất lớn.
Khẳng định thứ nhất là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là 1 trong 8 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cũng là 1 trong 8 phương hướng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Đến Đại hội XIII của Đảng, trên cơ sở kế thừa và phát triển những vấn đề lý luận mà Đảng ta đã nêu trong các Đại hội trước, Đảng ta đã chủ trương tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Đây là một trong những cơ sở chính trị để chúng ta nghiên cứu và xây dựng một Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, được ban hành vào ngày 9/11/2022 (Nghị quyết 27-NQ/TW).
Ở Nghị quyết 27-NQ/TW, ngoài việc xác định quan điểm, mục tiêu trọng tâm cũng xác định 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhiệm vụ đầu tiên đặt ra là phải tuyên truyền, phổ biến, nghiên cứu để nâng cao nhận thức của toàn bộ xã hội về Nhà nước pháp quyền. Đặc biệt là nhận thức đầy đủ 8 đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, khi tôi được đi nhiều nơi, qua thảo luận cũng như qua các ý kiến, tôi nhận thấy có nhiều nội dung còn có sự lúng túng nhất định trong triển khai thực hiện, mặc dù các cơ quan liên quan đã xây dựng chương trình triển khai thực hiện rất bài bản.
Trong 8 đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội nghĩa Việt Nam thì đặc trưng đầu tiên là dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tất nhiên, trong hệ thống chính trị, một Đảng cầm quyền là Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối và bao gồm tất cả các lĩnh vực. Nhưng trong Nghị quyết 27-NQ/TW mới chỉ đề cập những vấn đề mang tính định hướng lớn, còn những nội dung tương đối cụ thể để thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng và qua đó khẳng định tính Đảng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền còn chưa rõ.
Sau 2 năm thực hiện, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết về vấn đề này. Bài viết thể hiện góc nhìn của đồng chí Tổng Bí thư về những mặt đạt được và đồng thời cũng nêu một số hạn chế mà chúng ta thấy cần phải tiếp tục hoàn thiện.
Có thể khẳng định, Bài viết đã “giải mã” được nhiều vấn đề trong đặc trưng thứ nhất là Nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với tư cách là một nhà nghiên cứu về vấn đề này, tôi cho rằng, Bài viết đã xác định rõ quan điểm mang tính chỉ đạo chiến lược và gồm cả những giải pháp rất cụ thể và thiết thực, xuất phát từ đúng thực tiễn mà chúng ta đang vướng phải trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW.
Do đó, tôi thấy trước hết, Bài viết rất kịp thời. Hơn nữa, Bài viết thể hiện tầm nhìn chiến lược và khả năng nhạy bén, rất sâu sắc của Tổng Bí thư Tô Lâm khi nhận diện những vấn đề đặt ra trong thực tiễn và đề ra những giải pháp phù hợp.
Nếu như chúng ta thực hiện những nội dung đó, chắc chắn sẽ góp phần rất lớn trong việc thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW và trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Với tư cách là những nhà chuyên môn trên lĩnh vực này, chúng tôi rất vui khi được đọc Bài viết của Tổng Bí thư. Qua Bài viết, chúng ta thấy rõ được sự trăn trở đầy trách nhiệm của người đứng đầu Đảng ta để tháo gỡ một số vướng mắc, để chúng ta đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã có đóng góp rất lớn về mặt lý luận để tiếp tục làm giàu hơn, sâu sắc hơn, đầy đủ hơn hệ thống quan điểm cũng như lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
PV: PGS.TS Trương Hồ Hải có nhìn nhận như thế nào về ý nghĩa của Bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Tô Lâm?
PGS.TS Trương Hồ Hải: Có thể khẳng định, Bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Tô Lâm rất ngắn gọn, súc tích, sâu sắc nhưng có tính chất chỉ đạo, định hướng chính trị rất quan trọng, và cũng là yêu cầu, lời kêu gọi đối với toàn Đảng, Nhà nước và toàn thể Nhân dân chung tay triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW trong thời gian tới.
Bài viết như một sơ kết ngắn gọn, súc tích về những kết quả triển khai của Nghị quyết 27-NQ/TW trong thực tế, và cũng đề ra những định hướng trong thời gian tới để tiếp tục triển khai tốt hơn Nghị quyết này.
Tên của bài viết đề cập đến hai chủ thể rất quan trọng liên quan đến thành - bại của một quốc gia, đó là Đảng và Nhà nước. Do đó, tôi đánh giá rất cao khi Tổng Bí thư đã đưa ra Bài viết như một định hướng chính trị lớn, một chỉ đạo lớn để chúng ta trong suốt thời gian tới đây triển khai xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, để chúng ta có một Nhà nước thực sự phát huy hiệu quả trong quá trình quản lý và phát triển mọi mặt của xã hội từ kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội để đưa đất nước của chúng ta vươn lên trong kỷ nguyên mới.
PV: Qua nghiên cứu Bài viết, các vị khách mời nhìn nhận như thế nào về những quan điểm, những tư tưởng chỉ đạo trong Bài viết của Tổng Bí thư? Xin được hỏi ý kiến của GS.TS Hoàng Thế Liên?
GS.TS Hoàng Thế Liên: Tôi thấy, một là, những quan điểm và tư tưởng chỉ đạo trong Bài viết của Tổng Bí thư đã bám rất sát vào Cương lĩnh, bám rất sát vào Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết 27-NQ/TW. Nhưng trong đó, một số tư tưởng, quan điểm làm sâu sắc hơn các nội dung, một số tư tưởng, quan điểm rất mới.
Nếu nhiệm vụ thứ nhất của Nghị quyết 27-NQ/TW đặt ra vấn đề nâng cao nhận thức của toàn bộ cán bộ, đảng viên cũng như toàn bộ xã hội về Nhà nước pháp quyền, đặc biệt là về đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ở đây tôi thấy, trong Bài viết của Tổng Bí thư có một nhận thức rất mới. Ngoài nhận thức đặc trưng là Nhà nước pháp quyền do Đảng lãnh đạo, lần này đồng chí Tổng Bí thư đưa ra một quan điểm chỉ rõ cho toàn Đảng biết tầm quan trọng của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tổng Bí thư nêu rõ, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là biện pháp, cách thức để Đảng ta đạt được mục tiêu đề ra trong Điều lệ Đảng. Nghĩa là để thấy được đây là việc tập trung vào xây dựng Nhà nước pháp quyền, và thành công trong xây dựng Nhà nước pháp quyền có một giá trị rất lớn trong việc đạt được mục tiêu đặt ra trong Điều lệ Đảng, xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.
Tôi thấy Tổng Bí thư đã đưa ra một thông điệp cho toàn Đảng biết rằng, đây là một nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài gắn với mục tiêu rất lớn lao mà Đảng ta đã đề ra. Tôi cho rằng, đây là một bước phát triển rất lớn để khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền mà Đảng ta đang quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Bên cạnh đó, trong điều kiện hệ thống chính trị của chúng ta do một Đảng cầm quyền, rõ ràng, nhiệm vụ của pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, nhưng từ trước đến nay, chúng ta chỉ nói tới kiểm tra, giám sát, nhưng bây giờ đồng chí Tổng Bí thư đặt vấn đề phải có cơ chế để kiểm soát việc thực hiện, việc thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng.
Nếu chúng ta thực hiện theo hướng chỉ đạo này, chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng nhiều quan điểm, đường lối rất phù hợp của Đảng chậm được thể chế hóa thành pháp luật để đi vào cuộc sống, hoặc sau khi thể chế hóa xong thì thực hiện còn chậm và không mang lại hiệu quả mà người dân, xã hội có thể cảm nhận được.
Một quan điểm tôi cho là rất mới trong Bài viết của Tổng Bí thư. Đó là để thực hiện tốt pháp luật, khi nói đến Nhà nước pháp quyền phải nói đến thượng tôn pháp luật. Thượng tôn pháp luật là một nguyên tắc cốt lõi của Nhà nước pháp quyền.
Nhưng nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh như vậy là chưa đủ, mà cần phải kết hợp cả yếu tố đạo đức, hay nói theo khái niệm là đức trị, và thậm chí còn khẳng định đức trị dẫn dắt pháp trị. Tôi cho rằng, đây là tư tưởng kế thừa và phát triển rất sáng tạo tư tưởng của Hồ Chí Minh về đức trị và pháp trị.
Thứ nữa, Tổng Bí thư đã có chỉ đạo rất sát sao khi xác định nội dung pháp luật của Nhà nước pháp quyền. Một là, pháp luật phải thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng gắn với thực hiện Điều 4 Hiến pháp năm 2013. Có nghĩa là thể chế hóa đường lối của Đảng đồng nghĩa với việc thể chế ý Đảng lòng dân thành những quy tắc chung của cả dân tộc để đi vào cuộc sống và phát huy giá trị.
Như chúng ta đã biết, pháp quyền là một phương thức tổ chức vận hành Nhà nước trên cơ sở thượng tôn pháp luật, vì dân chủ, vì con người, vì quyền con người, và vì quyền công dân. Do đó, trong nội dung pháp luật của Nhà nước pháp quyền, Tổng Bí thư rất nhấn mạnh yếu tố lợi ích của Nhân dân, dân chủ, quyền con người và quyền công dân.
Thêm một ý nữa mà tôi thấy rất hay, đó là ngoài việc xác định nội dung pháp luật như vậy, đồng chí Tổng Bí thư đặt vấn đề phải có một quy trình xây dựng pháp luật chặt chẽ, khoa học và dân chủ để pháp luật thực sự thể hiện được ý chí và nguyện vọng của Nhân dân và thực sự thể hiện được nhu cầu phát triển của xã hội, khuyến khích sáng tạo, thực sự thu hút được đầu tư của trong và ngoài nước cho sự phát triển quốc gia.
Bên cạnh đó, còn một nội dung trong Bài viết của Tổng Bí thư mà tôi rất tâm đắc, đó là pháp luật. Như chúng ta đã biết, điều chỉnh một trạng thái xã hội đang rất biến động, nhất là đất nước ta đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ, thì rõ ràng phản ứng chính sách là vấn đề lớn đặt ra. Pháp luật không thể thay đổi kịp thời, do đó, Tổng Bí thư đặt vấn đề đồng thời phải xây dựng một cơ chế linh hoạt để phản ứng chính sách một cách kịp thời. Điều này rất hay.
Bên cạnh đó, khi Đảng lãnh đạo Nhà nước pháp quyền và Nhà nước pháp quyền đòi hỏi phải hoàn thiện pháp luật, phải thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, công bằng. Muốn như vậy, nội dung về pháp luật, thực thi pháp luật, những vấn đề pháp lý liên quan đến quyền lợi của Nhân dân, quyền lợi của con người phải được mang ra để bàn trong sinh hoạt đảng. Điều này làm phong phú hơn nội dung của cuộc họp, đồng thời cũng là nội dung rất thiết thực, gắn bó với người dân, xã hội. Tôi cho rằng, đây là những chỉ đạo rất lớn. Nếu chúng ta làm được như vậy, chắc chắn sẽ làm giàu thêm trách nhiệm của đảng viên, của chi bộ đối với những vấn đề của quốc gia và cả những vấn đề ở cơ sở.
Thêm một nội dung trong Bài viết của Tổng Bí thư có đề cập đến và tôi rất đồng tình. Đó là nếu cán bộ, đảng viên thờ ơ với pháp luật, thờ ơ với lợi ích Nhân dân thì làm sao có được Nhà nước pháp quyền. Sự nghiệp này là chung của toàn Đảng và xây dựng Nhà nước pháp quyền là để phục vụ Nhân dân, để bảo đảm lợi ích tốt hơn của Nhân dân nhưng nếu cán bộ, đảng viên lại thờ ơ với chính quá trình mà cán bộ, đảng viên lãnh đạo, thực hiện thì không bao giờ chúng ta có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đây như một sự cảnh báo cho những ai còn thờ ơ với sự nghiệp này, thờ ơ với pháp luật, thờ ơ với lợi ích của Nhân dân. Và chúng ta chỉ có được một Nhà nước pháp quyền mà người dân cảm nhận được lợi ích mang lại khi có một đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm và đạo đức rất cao trong việc thực thi pháp luật.
PV: PGS.TS Trương Hồ Hải có ấn tượng như thế nào về những quan điểm và tư tưởng chỉ đạo trong Bài viết của Tổng Bí thư?
PGS.TS Trương Hồ Hải: Trong Bài viết của Tổng Bí thư có rất nhiều những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo lớn. Tổng Bí thư đã tổng kết ngắn gọn những thành tựu mà chúng ta đạt được trong xây dựng Nhà nước pháp quyền nhưng cũng nhấn mạnh một số điểm hạn chế.
Từ những hạn chế, Tổng Bí thư đã đề xuất những quan điểm và những định hướng lớn trong thời gian tới mà chúng ta cần phải tập trung, triển khai, xử lý và giải quyết. Một trong số đó liên quan đến chất lượng của thể chế. Chúng ta đã nói đến xây dựng Nhà nước pháp quyền thì một nguyên tắc là chúng ta phải tuân thủ pháp luật.
Cả người dân, doanh nghiệp và đặc biệt là cán bộ, công chức phải tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, nếu pháp luật của chúng ta không tốt thì có thể sẽ “trói tay” chúng ta. Có những quy định chúng ta làm sẽ sai hoặc có những quy định chúng ta sẽ không triển khai được. Do đó, Tổng Bí thư rất nhấn mạnh đến vấn đề thể chế.
Tổng Bí thư cũng đề cập đến năng lực thực thi pháp luật và về công tác cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Do đó, ở năng lực thực thi pháp luật, chúng ta phải xây dựng một đội ngũ cán bộ tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết.
Gần đây, Tổng Bí thư đề cập đến việc chúng ta phải nhìn ra các nước. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, nhiều nước họ đã đi rất xa. Chúng ta dường như vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” để bước chân vào kỷ nguyên mới.
Để đi tới thành công, tôi nghĩ chắc chắn chúng ta phải tháo gỡ các “điểm nghẽn”, mà trong đó có năng lực thực thi pháp luật. Và tất nhiên, Tổng Bí thư có nói đến tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đây là một nguyên tắc bất di bất dịch.
Có một vấn đề trong thể chế và luật, đó là lợi ích nhóm. Chúng ta phải ngăn được các lợi ích nhóm. Vì các lợi ích nhóm này có thể làm méo mó các chính sách của chúng ta. Có những văn bản luật nếu chúng ta kiểm soát không tốt, chỉ cần một số câu từ đi vào một văn bản đã làm ra những sai lệch và gây những thiệt hại rất lớn. Do đó, chúng ta cũng phải bóc tách khá rõ những lợi ích nhóm, những lợi cục bộ ra khỏi các chính sách và pháp luật trong thời gian tới.
PV: Trong Bài viết, Tổng Bí thư có nhấn mạnh rằng, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận tôn trọng và bảo đảm bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Phải chăng đây cũng chính là yếu tố cốt lõi của xây dựng Nhà nước pháp quyền, thưa GS.TS Hoàng Thế Liên?
GS.TS Hoàng Thế Liên: Chúng ta phải xuất phát từ khái niệm Nhà nước pháp quyền. Pháp quyền là phương thức tổ chức vận hành Nhà nước trên cơ sở thượng tôn pháp luật, vì điều gì? Vì con người, vì dân chủ, vì tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Mục tiêu, lý tưởng của Nhà nước pháp quyền như vậy, do đó, nội dung pháp luật cũng phải thể hiện điều đó. Làm thế nào để pháp luật thực sự không chỉ là công cụ để quản lý Nhà nước, mà còn thực sự là công cụ để Nhân dân thể hiện quyền làm chủ của mình và để Nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước vì quyền con người, quyền công dân.
Do đó, về vấn đề này, đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo tập trung để xây dựng một hệ thống pháp luật của chúng ta hoàn thiện theo hướng bảo đảm bằng được những giá trị lớn lao đó.
PV: Các vị khách mời có đánh giá như thế nào về những kết quả chúng ta đã đạt được cũng như một số hạn chế, bất cập sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Xin được hỏi ý kiến của GS.TS Hoàng Thế Liên?
GS.TS Hoàng Thế Liên: Như tôi đã nói, sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền của chúng ta đã bắt đầu từ lâu. Và tất nhiên, do việc xây dựng Nhà nước pháp quyền là một nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài, do đó Nghị quyết 27-NQ/TW là một nghị quyết chiến lược.
Sau 2 năm thực hiện, Nghị quyết đã mang lại rất nhiều kết quả tốt. Ví dụ như về xây dựng pháp luật, rất nhiều văn bản về bảo đảm quyền con người, công dân đã được ban hành, và có cơ chế thực thi để thực hiện được trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, cũng có một số vấn đề chưa cụ thể hóa những quyền mà Hiến pháp đã quy định do chưa đạt được đồng thuận cần thiết, do đó chưa được ban hành.
Điều đó không có nghĩa là Nhà nước không quan tâm đến việc đó mà đã quan tâm và rất dày công. Nhưng ở đây là vấn đề phức tạp, còn có nhiều ý kiến khác nhau và chúng ta phải có bước đi thận trọng.
Đối với dân chủ thì rõ ràng chúng ta có nhiều bước phát triển. Dân chủ trực tiếp thể hiện tập trung nhất trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hướng dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Trên thực tế, Luật đó đang được vận hành trong cuộc sống và đạt được kết quả rất lớn. Nhất là tạo được đồng thuận ở cơ sở và làm cho tình hình chính trị - xã hội của chúng ta càng ngày càng ổn định và tốt hơn.
Về kinh tế, chúng ta đã sửa đổi rất nhiều luật, không chỉ theo hướng để Nhà nước quản lý chặt chẽ mà còn theo hướng tạo môi trường thông thoáng để chúng ta thực hiện quyền tự do kinh doanh của các thành phần kinh tế. Chính vì vậy mà trong điều kiện COVID-19, trong điều kiện thế giới có nhiều biến động và nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển.
Về tổ chức bộ máy Nhà nước, như chúng ta đã biết, sau Hiến pháp, chúng ta ban hành rất nhiều luật mới về tổ chức bộ máy nhà nước, theo tinh thần cơ quan Nhà nước chỉ được phép làm những gì pháp luật quy định. Do đó, quy định rất cụ thể rõ ràng.
Trong nội bộ Nhà nước có vấn đề gọi là kiểm soát quyền lực. Kiểm soát nội bộ, kiểm soát bên ngoài và kiểm soát thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí. Tôi thấy rất tốt. Các cơ quan Nhà nước của chúng ta rất có trách nhiệm trong việc thực hiện trọng trách của mình do pháp luật quy định.
Điều này chống được việc lạm quyền và nhiều vấn đề khác. Vì vậy, điều này cũng góp phần hạn chế phần nào tiêu cực và tham nhũng xảy ra. Tất nhiên, kiểm soát quyền lực là vấn đề lớn, phải tiếp tục có cơ chế, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu.
Các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Đất đai số 31/2024/QH15. |
PV: Về nội dung này, PGS.TS Trương Hồ Hải có bổ sung thêm gì không?
PGS.TS Trương Hồ Hải: Nói về các kết quả đạt được qua 2 năm triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW, có thể thấy, điều thứ nhất là chúng ta đã xây dựng được một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ và ngày càng hoàn thiện.
Nói ngắn gọn lại, nghĩa là hệ thống pháp luật của chúng ta tăng cả về số lượng và chất lượng. Nhìn chung, lộ trình là như vậy. Trong lộ trình chung đó, tất nhiên có sự đẩy mạnh rất quyết liệt của 2 năm khi chúng ta đưa Nghị quyết 27-NQ/TW vào triển khai.
Ví dụ, một trong những luật rất lớn, đó là Luật Đất đai. Luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực dựa trên tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW, qua đó, để chúng ta đưa vào những hệ thống pháp luật lớn để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.
Nếu chúng ta mở Luật Đất đai năm 2024 so với Luật Đất đai năm 2013 sẽ thấy có rất nhiều điểm mới, rất nhiều điểm tích cực, rất nhiều điểm tiến bộ. Điều đó thể hiện việc hiện thực hóa tư tưởng, tinh thần và ánh sáng của Nghị quyết 27-NQ/TW.
Về hành pháp, chúng ta đã có nhiều đổi mới quyết liệt. Trong đó, dựa trên tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW và những nghị quyết chúng ta đã triển khai trước đây, liên quan đến Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Chúng ta đã và đang từng bước triển khai quyết liệt để thay đổi bộ máy của chúng ta theo hướng ngày càng tinh gọn hơn và ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn.
Tiếp đến, hoạt động tư pháp của chúng ta cũng có nhiều thay đổi. Đây cũng là yếu tố để tạo niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Vừa qua, chúng ta thấy xử lý rất nhiều vụ việc liên quan, thể hiện được sự minh bạch và tạo ra niềm tin ngày càng lớn hơn của người dân đối với hệ thống tư pháp của chúng ta.
(Còn nữa…)