Năm 2023, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, nội dung về cải cách tư pháp. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ và hoàn thiện tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp theo lộ trình cải cách tư pháp được củng cố, kiện toàn. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan, sai, sót, lọt tội phạm, góp phần tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Chủ động, phối hợp triển khai thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về thực hiện cải cách tư pháp trong Quân đội. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp được thể hiện ở một số mặt công tác sau:
1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp: Thực hiện chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã chủ động trong xây dựng, tham gia góp ý kiến các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định... các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng luôn bảo đảm tiến độ thời gian và chất lượng. Thường xuyên rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm về đấu tranh phòng, chống tội phạm, điều tra, truy tố xét xử, thi hành án để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ để phù hợp với Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong Quân đội rà soát, nghiên cứu, đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh về lĩnh vực quân sự, quốc phòng và pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp để phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chỉ đạo các cơ quan tư pháp, thanh tra, pháp chế nghiên cứu, xây dựng: (1) Đề án "Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cơ quan tư pháp, thanh tra, pháp chế, phòng chống tội phạm các cấp trong Quân đội đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; (2) Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự; (3) Đề án "Kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với cơ quan thực thi pháp luật thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển"; (4) Quy định của Quân ủy Trung ương về "Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ trong Quân đội"; (5) Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kiện toàn, sắp xếp lại một số Cơ quan điều tra hình sự quy định trong Nghị quyết số 282/NQ-UBTVQH15 ngày 25/8/2021 về thành lập, giải thể Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân.
|
Các đại biểu dự hội nghị sơ kết công tác tư pháp, thanh tra, pháp chế, kiểm toán Bộ Quốc phòng |
2. Nâng cao chất lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp quân đội: Chất lượng công tác của các cơ quan tư pháp trong Quân đội ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác cải cách tư pháp theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước. Công tác điều tra, xử lý tội phạm: Hoạt động điều tra, xử lý tội phạm được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và tinh thần cải cách tư pháp. Các vụ án do cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố, tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra cơ bản đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Công tác kiểm sát: Ngành Kiểm sát quân sự đã tập trung nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý điều hành, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong các khâu công tác, trong tâm là "quản lý kịp thời, đầy đủ; xử lý đúng pháp luật các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố"; "thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự".
Công tác xét xử: Ngành Toà án quân sự đã tập trung đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử các loại án, chú trọng đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh tụng tại phiên toà theo quy định của pháp luật tố tụng và tinh thần cải cách tư pháp, đảm bảo cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Quá trình giải quyết các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, không có trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Chất lượng bản án, quyết định giải quyết các vụ việc được nâng cao rõ rệt, số lượng án bị sửa, huỷ giảm.
Công tác thi hành án: Đã chủ động rà soát, phân loại hồ sơ để thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đảm bảo đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định. Thi hành án hình sự được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Các chế độ trong giam giữ như ăn, mặc, sinh hoạt, phòng, chữa bệnh được thực hiện theo đúng quy định. An ninh và an toàn trong trại giam được bảo đảm.
3. Hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp: Chỉ đạo nghiên cứu xây dựng mô hình trợ giúp pháp lý trong Quân đội; biên soạn tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật; xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Bộ Quốc phòng ban hành để cung cấp thông tin pháp luật đáp ứng kịp thời nhu cầu trợ giúp pháp lý cho cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trong toàn quân hoạt động có hiệu quả, chất lượng ngày càng được nâng cao. Triển khai nghiêm túc "Ngày pháp luật", phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng. Thường xuyên nghiên cứu đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội, nhanh chóng đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng.
4. Hoàn thiện tổ chức, bộ máy, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các cơ quan tư pháp: Tập trung củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật có đủ phẩm chất năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; trong năm, đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp, thanh tra, pháp chế nghiên cứu, xây dựng Đề án "Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cơ quan tư pháp, thanh tra, pháp chế, phòng chống tội phạm các cấp trong Quân đội đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại". Tích cực triển khai, thực hiện Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Dự án "tăng cường hiện đại hóa, nâng cao năng lực Ngành điều tra hình sự Quân đội"; Dự án "Lắp đặt hệ thống họp trực tuyến trên phần mềm ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn của Ngành điều tra hình sự Quân đội"; Dự án "ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trong Quân đội". Các trang bị, phương tiện phục vụ công tác điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm luôn được Bộ Quốc phòng ưu tiên chỉ đạo mua sắm và cấp phát cho các cơ quan tư pháp, đáp ứng yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Công tác xây dựng ngành được coi trọng, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng cao; trong năm, xét, đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh tư pháp gồm: Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 122 Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra hình sự các cấp, 08 Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan an ninh điều tra các cấp, 04 Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự và THA hình sự, 26 Điều tra viên và 89 Cán bộ điều tra các cấp.
5. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp: Đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP-BTC-BNN&PTNT, ngày 05/4/2018 quy định phối hợp trong việc báo cáo, thông báo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; xác định rõ nội dung công việc, thời gian và trách nhiệm của từng cơ quan; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan đảm bảo các điều kiện cho việc triển khai, thi hành. Quán triệt, thực hiện nghiêm Đề án 236-ĐA/QU ngày 14/4/2016 của Quân ủy Trung ương về thực trạng và giải
pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp trong Quân đội.
Về nhiệm vụ năm 2024 được Bộ Quốc phòng xác định như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18- NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; các Chương trình, Kế hoạch của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về triển khai thực hiện chiến lược cải cách trong Quân đội và các quy định của pháp luật về lĩnh vực hoạt động tư pháp tạo sự thống nhất cao về nhận thức, nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Hai là, tiếp tục rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tình hình hình mới, nhất là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhằm giải quyết những bất cập về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tư pháp.
Ba là, chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để oan, sai, lọt người, lọt tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, áp dụng khoa học kỹ thuật, chú trọng nâng cấp hệ thống trang thiết bị, hệ thống ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Bốn là, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật; Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 09/12/2009 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Năm là, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp phát triển toàn diện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực và tác phong công tác, bản lĩnh nghề nghiệp, trách nhiệm với công việc được giao.
Trần Thị Hồng Vân
(Ban Nội chính Trung ương)