Nghiên cứu - Trao đổi

Bổ sung, đồng bộ hóa với các quy định trong hệ thống luật

- Ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, với 448/450 đại biểu có mặt bấm nút tán thành. Theo đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung đáp ứng với các yêu cầu thực tiễn, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Với 448/450 đại biểu có mặt bấm nút tán thành, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được Quốc hội thông qua vào sáng ngày 29/11/2024.

Bổ sung quy định về cứu nạn, cứu hộ vào Luật

Luật Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã thiết kế, bổ sung riêng 1 chương (Chương IV, từ điều 32 đến 35) để quy định về các tình huống, trách nhiệm, thẩm quyền và lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến công tác cứu nạn, cứu hộ cũng được bổ sung, lồng ghép vào các quy định chung của hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Việc bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ vào Luật Phòng cháy, chữa cháy là hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Thực tế, khi xảy ra sự cố cháy, nổ, các lực lượng phòng cháy, chữa cháy không chỉ dừng lại ở việc thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, mà còn tổ chức công tác cứu nạn, cứu hộ, giúp ứng phó hiệu quả, giảm thiểu các thiệt hại về người và của cho các cơ quan, tổ chức và người dân.

Cũng chính vì vậy, để các lực lượng phòng cháy, chữa cháy phát huy tốt vai trò trong công tác cứu nạn, cứu hộ, cần trang bị thêm các thiết bị, phương tiện cứu nạn, cứu hộ, đồng thời nâng cao năng lực huấn luyện, đào tạo cho lực lượng chức năng, giúp họ sẵn sàng và thành thạo trong xử lý tình huống.

Những quy định mới bổ sung này không chỉ hướng đến lực lượng chức năng mà còn giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tự bảo vệ bản thân và hỗ trợ người khác trong những tình huống nguy hiểm.

Nhà ở kết hợp kinh doanh

Trong thời gian qua, đã xảy ra một số vụ cháy tại các hộ gia đình kết hợp kinh doanh, gây thiệt hại lớn về tài sản và con người, trong khi đó Luật Phòng cháy, chữa cháy cũ chưa có quy định về các giải pháp cụ thể để khắc phục thực trạng cháy, nổ xảy ra.

Luật Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã quy định trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ không chỉ là của các cơ quan chức năng, mà còn là trách nhiệm các chủ hộ gia đình, của các cá nhân.

Do vậy, Luật đã bổ sung quy định về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (Điều 21) quy định rõ các điều kiện an toàn về phòng cháy đối với  nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và là đối tượng phải được kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy.

Đối với những hộ gia đình và cá nhân không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, thì sẽ tiếp tục được giải quyết theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung  một số điều theo Luật số 40/2013/QH13 và Luật số 30/2023/QH15

Đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực thi hành, Luật cũng quy định giao UBND cấp tỉnh phân loại, lập và công bố danh sách cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy tại thời điểm đưa vào hoạt động và không có khả năng khắc phục theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động trên địa bàn quản lý; giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các công trình không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy thuộc thẩm quyền quản lý; giao người đứng đầu cơ sở căn cứ hiện trạng kiến trúc, kết cấu, công năng, thiết bị, dây chuyền sản xuất lựa chọn giải pháp kỹ thuật tương ứng để tăng cường giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. Đối với công trình, cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật thay thế thì phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình, cơ sở.

Bãi bỏ các nội dung về thanh tra phòng cháy, chữa cháy

Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2023 đã quy định chi tiết về các nội dung về thanh tra chuyên ngành, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, vì vậy, nội dung về thanh tra phòng cháy chữa cháy, quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra theo luật cũ đã được bãi bỏ.

Tương tự đối với quy định về khiếu nại, tố cáo đã được quy định trong Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, nên nội dung về quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cũng đã được bãi bỏ.

Bên cạnh những nội dung được bãi bỏ vì đã được quy định trong các văn bản Luật khác, Luật Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cũng bổ sung thêm những hành vi bị nghiêm cấm, nhằm xử lý các trường hợp lợi dụng các vụ việc cháy nổ, các sự cố gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại về người và tài sản để trục lợi. Cụ thể, các hành vi như xúc phạm, đe dọa lực lượng thực hiện nhiệm vụ và người tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ, tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi  ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân… đều là các hành vi bị nghiêm cấm.

Các hành vi như làm giả, làm sai lệch kết quả thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa  cháy, kết quả kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; chuyển đổi, bổ sung công năng sử dụng công trình, hạng mục công trình không bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật; kinh doanh phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có chất lượng không đúng với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng… cũng được Luật đưa vào là các hành bị nghiêm cấm.

 Luật gồm 8 chương và 55 điều, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2025.

thanhtra.com.vn