Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Công tác phòng, chống tham nhũng không “chững lại”, “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh

- Đó là chia sẻ của ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) trước thềm Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) - một sự kiện được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân đặc biệt quan tâm, sẽ diễn ra vào tuần tới.

Ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ). Ảnh: Ngọc Bích

Công tác chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN đã hoàn thành

+ PV: Xin ông chia sẻ về công tác chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN?

- Ông Trần Đăng Vinh: Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25/9/2024, Thanh tra Chính phủ xây dựng, ban hành Kế hoạch số 1992/KH-TTCP sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN nhằm đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, làm rõ những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định của Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành; đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục kịp thời những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác PCTN, làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật về PCTN, bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng về công tác PCTN, tiêu cực trong tình hình mới.

Việc sơ kết được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, trong đó, tập trung đánh giá kết quả thực hiện công tác PCTN trong 5 năm qua (từ 1/7/2019 đến 30/6/2024) và đánh giá các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng hiện hành. Thanh tra Chính phủ đã hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan căn cứ điều kiện thực tế và chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động lựa chọn hình thức sơ kết phù hợp, tổng hợp kết quả và gửi báo cáo về Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN và gửi kết quả về Thanh tra Chính phủ để tổng hợp, xây dựng báo cáo trên phạm vi toàn quốc.

Trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan chức năng có liên quan, Thanh tra Chính phủ đã tổng hợp, xây dựng báo cáo và ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN, với các mục đích, yêu cầu, nội dung, phân công các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.

Đến nay, công tác chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến cơ bản đã hoàn thành. Hội nghị này sẽ tổ chức vào ngày 24/12/2024 do Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì. Điểm cầu trung tâm tại trụ sở Thanh tra Chính phủ mời đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; đại diện các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; Chánh Thanh tra các bộ, cơ quan ngang bộ.

Điểm cầu vệ tinh tại các địa phương mời Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND tỉnh, thành phố, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và đại diện các phòng nghiệp vụ Thanh tra tỉnh, thành phố; Giám đốc sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND quận, huyện, thành phố, thị xã…

Công tác PCTN không “chững lại”, “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh

+ PV: Được biết, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật về PCTN tại 7 bộ, ngành, 7 địa phương. Ông có đánh giá như thế nào sau khi các tổ công tác hoàn tất việc kiểm tra, theo dõi?

- Ông Trần Đăng Vinh: Thực hiện Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật năm 2024 và Kế hoạch sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN, Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật về PCTN tại 7 bộ (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và 7 địa phương (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương).

 

Có thể khẳng định, công tác PCTN không những không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, được dư luận đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm trong sạch bộ máy, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Những kết quả đó là cơ sở để Thanh tra Chính phủ hoàn thiện dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN và sẽ được trình bày tại Hội nghị trực tuyến.

Qua quá trình kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật đã đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế trong việc thực hiện Luật PCTN; giải đáp những khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương; ghi nhận những hạn chế, bất cập để nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới.

Nhìn chung, các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện Luật PCTN, hàng năm đều xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Trong đó, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật PCTN và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.

Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện đồng bộ và phát huy tác dụng, nhất là công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban hành và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, thanh toán không dùng tiền mặt, cải cách hành chính gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được triển khai thực hiện quyết liệt với kết quả cao hơn, nghiêm minh hơn trước. Công tác PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước bước đầu đạt kết quả. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội trong phòng, chống được nâng lên.

Những bài học kinh nghiệm

+ PV: Thực tế việc thi hành pháp luật về PCTN tại các bộ, ngành, địa phương cho thấy những bài học kinh nghiệm gì, thưa ông?

- Ông Trần Đăng Vinh: Qua theo dõi thi hành pháp luật về PCTN tại các bộ, ngành, địa phương trong 5 năm qua, đã rút ra được những bài học kinh nghiệm và các giải pháp chủ yếu, quan trọng sau:

Thứ nhất, để PCTN có hiệu quả, trước hết cần phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, thống nhất, đồng bộ, hiệu lực. Do đó, cần phải quan tâm hoàn thiện pháp luật về PCTN, xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội bảo đảm chặt chẽ, không để lợi dụng tham nhũng, tiêu cực, đồng thời, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết gắn với chuyển đổi số để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, đấu tranh PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và lâu dài nên đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, mà trực tiếp thường xuyên là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh với phương châm không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Thứ ba, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, phát hiện, xử lý tham nhũng; kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc tích cực phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trong đó xác định phòng ngừa là chính yếu, cơ bản, có ý nghĩa lâu dài; phát hiện là cấp bách và xử lý nghiêm khắc là giải pháp hữu hiệu để trừng trị người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước và việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức nhằm kiểm soát quyền lực, hạn chế nguy cơ tham nhũng, tiêu cực; nâng cao địa vị pháp lý của các cơ quan có chức năng PCTN, tiêu cực; có cơ chế hợp lý để bảo đảm sự liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan này.

Thứ năm, tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN, tiêu cực. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong giám sát, phản biện xã hội; vai trò của báo chí trong việc phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực và tuyên truyền pháp luật PCTN, tiêu cực.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế gắn với thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, chủ động nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam về công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng. 

Thứ bảy, gắn công tác PCTN với phòng, chống tiêu cực, lãng phí; thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục đẩy học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa liêm chính; cải cách chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ cán bộ, công chức, viên chức; tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ tinh gọn tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Thanh tra Chính phủ kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật về PCTN tại Bộ Y tế. Ảnh: Tư liệu Báo Thanh tra

Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ làm việc với Đà Nẵng về công tác PCTN. Ảnh: Tư liệu Báo Thanh tra

+ PV: Ông có chia sẻ gì về những nội dung công việc tiếp theo sau Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN?

- Ông Trần Đăng Vinh: Sau hội nghị này, Thanh tra Chính phủ sẽ nghiên cứu ý kiến phát biểu của các đại biểu nhằm hoàn thiện Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, gửi cho các cơ quan, bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu trong quá trình thực hiện pháp luật về PCTN; đồng thời, tiến hành rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTN và các quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, phù hợp, góp phần vào công tác PCTN, tiêu cực ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.

+ PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

thanhtra.com.vn