Công tác nội chính

Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn: 'Bị cáo vô cùng ân hận, xấu hổ'

Bà Đỗ Thị Nhàn nói cảm thấy vô cùng ân hận, xấu hổ và dằn vặt với gia đình về hành vi nhận 5,2 triệu USD để bao che sai phạm cho SCB.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn tại tòa. Ảnh: Thanh Tùng

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn tại tòa. Ảnh: Thanh Tùng

Mở đầu phần tự bào chữa, bà Nhàn bày tỏ ăn năn hối cải, cho biết đã chuộc lại lỗi lầm bằng cách thành khẩn khai báo, tích cực hỗ trợ cơ quan điều tra giải quyết vụ án. Cựu cục trưởng mong HĐXX ghi nhận những vấn đề và tình tiết giảm nhẹ được luật sư nêu, xem xét cho hưởng khoan hồng trên tinh thần nhân văn, nhân đạo và "tấm lòng bao dung rộng lượng, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại".

"Bị cáo không muốn lấy bệnh tật ra để xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng khi bị bắt đã rất sốc, sụt 19 kg. Bị cáo sốc vì mẹ mất, khi chưa kịp chịu tang mẹ xong thì bị bắt. Vì thế bị cáo bị đột quỵ và đau tim, liên tục phải đi bệnh viện mới dần phục hồi", bà Nhàn nói và xin tòa xem xét để sớm được về trị bệnh.

Bà Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra, người chỉ đạo đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra. Bà này bị cáo buộc đã gặp gỡ bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, chủ SCB) thỏa thuận về việc "làm mờ sai phạm" và 4 lần nhận tiền từ SCB thông qua Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc) tổng cộng là 5,2 triệu USD. Từ đó, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới báo cáo và ban hành dự thảo kết luận thanh tra không khách quan trung thực, bao che, bưng bít sai phạm của ngân hàng.

 

VKS đánh giá, bà Nhàn có nhiều tình tiết giảm nhẹ, song hành vi phạm tội "rất tinh vi xảo quyệt", nhận số tiền đặc biệt lớn nên đề nghị HĐXX tuyên án chung thân về tội Nhận hối lộ.

Bào chữa cho bà Nhàn, luật sư Nghiêm Diễm Thúy cho rằng mức hình phạt VKS đề nghị là quá nghiêm khắc, đồng thời đề nghị Viện và Tòa xem xét lại tội danh của bị cáo.

Theo luật sư, hành vi của bà Nhàn nằm trong chuỗi sai phạm của Đoàn thanh tra. Trong đó, ông Nguyễn Văn Hưng (cựu phó chánh thanh tra Cơ quan TTGSNHNN) là người ra quyết định thanh tra, chịu trách nhiệm báo cáo với NHNN và Chính phủ về kết quả. Khi ông Hưng chỉ đạo thì bà Nhàn chỉ đạo lại các thành viên khác. Sau khi thanh tra, thành viên tổ công tác báo cáo kết quả cho bà Nhàn để nộp lại cho ông Hưng đưa ra quyết định cuối cùng.

"Như vậy, đây là một chuỗi hành vi khép kín giữa anh Hưng, chị Nhàn và các thành viên khác. Tại sao hành vi của các thành viên trong đoàn được xác định là Lợi dụng chức vụ quyền hạn, còn chị Nhàn lại tách ra xử lý về tội Nhận hối lộ?", luật sư đặt vấn đề và cho rằng "việc này là không công bằng" với thân chủ.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa. Ảnh: Thanh Tùng

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa. Ảnh: Thanh Tùng

Các luật sư còn lại của bà Nhàn sau đó nêu quan điểm không đồng tình với VKS khi đánh giá bị cáo "gặp gỡ thỏa thuận với bà Lan về việc chỉnh sửa kết quả thanh tra và nhận tiền; phạm tội với tính chất tinh vi xảo quyệt".

Họ phân tích, toàn bộ lời khai của bị cáo Lan và Văn đều thể hiện nội dung cuộc trao đổi "nhằm nói bà Lan bán tài sản trả nợ các khoản vay của Vạn Thịnh Phát", không có lời khai nào thể hiện có sự thỏa thuận để nhận tiền, việc đưa tiền diễn ra khi trách nhiệm thanh tra đã hoàn thành. Như vậy, hành vi bà Nhàn nhận tiền là một "sự việc hy hữu", việc đưa tiền diễn ra trong thời gian rất ngắn với số tiền đặc biệt lớn. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền đưa hối lộ bị cáo Nhàn đều để đó không sử dụng, và sau này nộp lại toàn bộ cho cơ quan điều tra.

Các luật sư cũng đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ cho bà Nhàn như nộp lại toàn bộ tiền hưởng lợi, thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong công tác... để đề nghị HĐXX áp dụng chính sách khoan hồng.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của nhóm bị cáo còn lại trong đoàn thanh tra.

Hải Duyên/vnexpress.net