Nghiên cứu - Trao đổi

Đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng trong tình hình mới

- Hiện nay, các thế lực phản động vẫn không ngừng chống phá cách mạng Việt Nam. Việc nhận diện thủ đoạn, âm mưu và đề ra giải pháp, nhiệm vụ góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng trong tình hình mới là rất cần thiết.

- Hiện nay, các thế lực phản động vẫn không ngừng chống phá cách mạng Việt Nam. Việc nhận diện thủ đoạn, âm mưu và đề ra giải pháp, nhiệm vụ góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng trong tình hình mới là rất cần thiết.

Article thumbnail
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những vấn đề chung về “diễn biến hòa bình”

Những năm 90 của thế kỷ trước đã diễn ra một sự kiện gây ra sự chấn động trên toàn thế giới lúc bấy giờ: Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội không còn tồn tại với tư cách là hệ thống thế giới. Sự kiện này đã đánh dấu một bước lùi tạm thời của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng thời cũng cho thấy kết quả của quá trình thực hiện âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực chống phá các nước xã hội chủ nghĩa.

Thực chất của chiến lược “diễn biến hòa bình” đó là thực hiện các biện pháp nhằm làm suy yếu các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.

Chiến lược “diễn biến hòa bình” được thực hiện một cách tinh vi, bằng những thủ đoạn hết sức hiểm độc, thông qua các hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… làm biến đổi “màu sắc” vốn có của các quốc gia đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó cũng chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lòng các quốc gia này.

Điều này cũng được thực tiễn chứng minh qua hàng loạt các sự kiện như Mùa Xuân Ả Rập, các cuộc cách mạng nhung, cách mạng màu, cuộc chính biến Maidan 2014 của Ukraina…

Trong giai đoạn thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Việt Nam đã từng là tiêu điểm cho cuộc chiến chống phá chủ nghĩa xã hội, phải đối phó với rất nhiều thách thức. Ngày nay với tư cách là một quốc gia độc lập, định hướng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, những khó khăn, thử thách không vì thế mà bớt đi, ngược lại, còn nhiều hơn gấp bội, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Điều nguy hiểm hơn cả chính là chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, qua đó, các thế lực chống phá âm mưu xóa bỏ, thay đổi nền tảng tư tưởng của Đảng và dân tộc Việt Nam, tiến tới thay đổi mục tiêu, con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tiến hành lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Những thủ đoạn nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng trong bối cảnh hiện nay

Với những nhận thức như thế, rõ ràng, khi đấu tranh chống lại chiến lược “diễn biến hòa bình”, đặc biệt trên lĩnh vực tư tưởng, cần phải nhận diện đúng đắn và đẩy đủ những âm mưu, thủ đoạn của các lực lượng phản động.

Trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, lực lượng chống phá đã sử dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật cũng như sự phổ biến của mạng xã hội. Bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông, các lực lượng phản động âm mưu tân công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, của dân tộc ta, đó là chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh… Có thể thấy, những bài viết xuyên tạc, kích động hoặc bôi nhọ lãnh tụ vĩ đại của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, xuyên tạc và bôi nhọ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước xuất hiện ngày càng nhiều, thu hút sự hiếu kỳ, tò mò của không ít người đọc.

Bên cạnh đó, các lực lượng phản động còn có những thủ đoạn tinh vi hơn, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, thông qua truyền thông nhằm đăng tải, tuyên truyền các nhận thức lệch lạc. Một minh chứng điển hình đó là hiện nay, một bộ phận không nhỏ giới trẻ đã có những nhận thức không đúng về lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc trong thời kỳ chống ngoại xâm khi “vô tư” cho rằng các lực lượng Pháp, Mỹ khi có mặt ở Việt Nam đã mang đến nhiều giá trị khác nhau trên các lĩnh vực! Thậm chí, còn cổ súy cho quan điểm: Đánh đuổi Pháp, Mỹ là đánh đuổi những nền văn minh của thế giới?! Đây rõ ràng là một thực trạng đáng báo động!

Bên cạnh đó, lộ liễu hơn, các thế lực phản động còn cấu kết với các lực lượng bên ngoài, lợi dụng và xuyên tạc các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo, dân chủ… nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động các cuộc bạo loạn nhằm lật đổ, đồng thời kêu gọi quốc tế can thiệp vào Việt Nam. Sau sự kiện ở Tây Nguyên 2001 và 2004, một lần nữa, vụ khủng bố tại 2 xã ở Đắk Lắk năm 2023 đã minh chứng cho thủ đoạn thâm độc của các thế lực này trong quá trình thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng.

Ngoài ra, chiến lược “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng còn nhằm vào đội ngũ cán bộ, đảng viên trong nước, qua đó, phá hoại sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Thực tiễn cho thấy có không ít cán bộ, đảng viên đã từng giữ những chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước nhưng cuối cùng, không giữ vững lập trường tư tưởng, lại bị rơi vào cạm bẫy, tự xóa bỏ lý tưởng mà bản thân đã xác định trước đó.

Một số nhiệm vụ, giải pháp

Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng trong tình hình mới, cần phải xác định công tác đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình” nói chung và chống “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng là trách nhiệm không chỉ của Đảng, Nhà nước mà còn là trách nhiệm của các đoàn thể chính trị - xã hội, của toàn bộ hệ thống chính trị, của quần chúng nhân dân. Cần xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, tác động to lớn đến nền tảng tinh thần của xã hội.

Đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình” cần phải thực hiện đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cần có những chính sách nhằm phát huy hiệu quả của tổ chức bộ máy trong quá trình quản lý các lĩnh vực đời sống xã hội, đấu tranh, phòng ngừa, hạn chế các tiêu cực xảy ra, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Ngoài ra, cần tranh thủ các xu thế tiến bộ trên thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, qua đó phát huy sức mạnh tổng thể của toàn dân tộc nhằm chống lại chiến lược “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng.

Thực tiễn cho thấy, cuộc đấu tranh chống lại chiến lược “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng là một quá trình cần phải thực hiện lâu dài, thường xuyên, nhưng không vì thế mà mất cảnh giác. Công tác xác định đúng những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn đó sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái thù địch, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quá trình phát triển đất nước.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2007), Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Nam Hà/thanhtra.com.vn