Kinh tế - Chính trị
Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
– Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực hưởng ứng phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: BL |
Chiều 30/9, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo “Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và phấn đấu để trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới”.
Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; đại diện các bộ, ngành Trung ương.
Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), 55 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024) và 55 ngày mất của Người (2/9/1969 - 2/9/2024).
Phấn đấu trở thành công dân tốt, cán bộ tốt là vô cùng cần thiết
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, trong suốt quá trình đấu tranh và xây dựng đất nước, Đảng ta luôn coi trọng yếu tố con người, luôn tìm mọi giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng con người có đủ đức, tài phục vụ đất nước trong mọi điều kiện.
Chủ trương này của Đảng chính là thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển con người vừa "Hồng" vừa "Chuyên" ở mọi lĩnh vực, trong đó giáo dục đào tạo giữ vai trò quan trọng.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, năm nay chúng ta kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là dịp để chúng ta nhìn lại việc thực hiện Di huấn của Người về yêu cầu phát triển con người và đào tạo con người đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước theo tư tưởng của Bác. Đó phải là công dân tốt, cán bộ tốt và người lao động tốt trong giai đoạn vừa qua, đồng thời chuẩn bị thật tốt nguồn nhân lực “Hồng thắm, chuyên sâu” cho giai đoạn sắp tới theo tư tưởng của Người.
Vì lý do đó, nhân dịp kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Bác, Trung ương Hội phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo khoa học “Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và phấn đấu để trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới”. Việc tiếp tục nghiên cứu, học tập và làm theo Di huấn của Bác về đào tạo và phấn đấu trở thành người công dân tốt, cán bộ tốt là vô cùng cần thiết.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, Hội thảo là dịp chúng ta nhìn nhận một cách toàn diện hơn việc vận dụng tư tưởng của Bác về vai trò của con người vào đào tạo, phấn đấu của từng lĩnh vực, từng người trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Công dân tốt, cán bộ tốt”.
Điều này càng có ý nghĩa quan trọng khi chúng ta đang triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đồng thời chúng ta cũng đang thực hiện Kết luận số 91/KL-TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về “Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”.
GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: BL |
Trên cơ sở đó, GS.TS Nguyễn Thị Doan đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về tiêu chí đánh giá công dân tốt, cán bộ tốt và phấn đấu trở thành công dân tốt, cán bộ tốt trong bối cảnh hiện nay; vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo để có đội ngũ “Hồng thắm, chuyên sâu” ở các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp...
Hoạt động học tập suốt đời tạo thêm sức mạnh cho nền giáo dục nước nhà
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng cho tư tưởng học tập suốt đời, phấn đấu suốt đời để trở thành người cán bộ tốt, công dân tốt, một con người “vừa hồng, vừa chuyên”, có ích cho xã hội.
Ngày 11/6/1948, Bác đã phát động phong trào “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, trong đó, dốt nát cũng được coi là một loại giặc nguy hiểm cho nền độc lập non trẻ của nước nhà. Tư tưởng về xã hội học tập nhằm không ngừng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước đã được Bác xây dựng từ rất sớm trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Bác cũng đã căn dặn “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy cần phải học thêm”. Tư tưởng của Bác về học tập suốt đời vẫn còn nguyên giá trị cho việc xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ Cách mạng 4.0 của nước ta hiện nay.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và sự phối hợp chặt chẽ của Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò là một tổ chức xã hội, lấy khuyến học, khuyến tài làm tôn chỉ hoạt động, coi xã hội học tập là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện việc học tập suốt đời như một đạo lý của dân tộc có truyền thống hiếu học. Hội đã tích cực trong việc hỗ trợ các hoạt động dạy và học trong hệ thống giáo dục quốc dân và thúc đẩy mạnh mẽ “Giáo dục người lớn” trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên...
Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy học tập suốt đời của Hội Khuyến học đã tạo thêm sức mạnh để nền giáo dục nước nhà ngày một phát triển vững chắc và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên trường quốc tế. Đặc biệt, việc xây dựng các mô hình học tập, trong đó tập trung vào việc đẩy mạnh xây dựng mô hình “Công dân học tập” theo Quyết định 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một việc làm có ý nghĩa to lớn trong việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, lấy tự học làm cốt lõi, phát triển năng lực của mỗi cá nhân, phấn đấu trở thành những công dân tốt, cán bộ tốt trong cuộc vận động cả nước xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời,... góp phần thiết thực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: BL |
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, năm nay 2024 là năm bản lề quan trọng, là năm có nhiều ngày lễ lớn của dân tộc, là năm hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, cũng là năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Hội thảo với chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và phấn đấu để trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới” là một việc làm thiết thực thực hiện Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"... gắn với thực hiện các Nghị quyết, các Kết luận của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
“Hội thảo là sự thể hiện quyết tâm của 3 cơ quan thực hiện thắng lợi Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, Phó Thủ tướng cho hay.
Phó Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đề nghị Bộ GD&ĐT và các cơ quan, Bộ, ngành, đoàn thể tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học Việt Nam đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực hưởng ứng phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Toàn thể hệ thống chính trị, các Ban, bộ, ngành, đoàn thể và mọi người dân căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, công chức, mỗi người dân … xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn để không ngừng phấn đấu trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới của đất nước.
“Các ý kiến tại Hội thảo hôm nay đều là những tâm huyết, những cách làm hay trong việc học tập và làm theo di huấn của Hồ Chủ tịch, vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương mình. Đề nghị các đồng chí tăng cường tuyên truyền về các điển hình tiêu biểu, phổ biến những mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong xã hội về tinh thần tự học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Khuyến khích, nhân rộng những tấm gương cần cù, kiên trì, học không bao giờ cùng, đổi mới sáng tạo, học tập và làm theo Bác“, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. Ảnh: BL |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều tham luận như: Minh triết việc học: nhận thức từ huấn đức của Bác Hồ; Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo “người công dân tốt, cán bộ tốt” vào phát triển giáo dục trong bối cảnh hiện nay; Vận dụng tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nhà trường; Từ tư tưởng giáo dục của Bác Hồ nhìn vào hiện thực giáo dục đất nước và gợi ý một số việc nên làm…
Hội thảo nhìn lại quá trình vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các lĩnh vực công tác, đặc biệt là các trường trong hệ thống giáo dục - đào tạo, để xây dựng mục tiêu, phương pháp và chương trình giáo dục - đào tạo từng cấp học, ngành học nhằm có được sản phẩm đào tạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới./.