Nghiên cứu - Trao đổi

Hiệu quả một số cuộc giám sát, kiểm tra, thanh tra còn mang tính hình thức, nể nang, né tránh

- Đó là một trong những thực trạng về giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam được đưa ra tại hội thảo đề tài khoa học cấp bộ cùng tên “Giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay” do ThS Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục I, Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm diễn ra ngày 29/11.

Article thumbnail
ThS Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục I, Thanh tra Chính phủ trình bày nội dung nghiên cứu. Ảnh: TH

Theo ThS Ngô Mạnh Hùng, cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam thời gian qua có những ưu điểm và đạt được những kết quả, đã thiết lập được cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN khá toàn diện. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN luôn phải chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của nhiều chủ thể, đó là giám sát, kiểm tra của Đảng, giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước, thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước và giám sát của xã hội.

Cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra đã bảo đảm kiểm soát việc thực hiện các biện pháp PCTN từ nhiều phương phía, bảo đảm kiểm soát từ bên ngoài và kiểm soát bên trong hệ thống; kiểm soát chính trị, kiểm soát có tính quyền lực và kiểm soát của xã hội.

Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về PCTN, các cấp ủy Đảng đã ban hành nhiều văn bản quy định về giám sát, kiểm tra của Đảng nói chung và giám sát, kiểm tra của Đảng về công tác PCTN nói riêng.

Thông qua giám sát, kiểm tra, thanh tra, các chủ thể đã phát hiện nhiều sơ hở, bất cập và vi phạm trong chính sách, pháp luật và việc thực hiện chính sách, pháp luật PCTN để có biện pháp chấn chỉnh và xử lý vi phạm kịp thời.

Mặt kháchoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN đã dần đi vào nề nếp; chất lượng hoạt động nghiệp vụ không ngừng được nâng cao.

Bên cạnh kết quả đạt được, cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN vẫn còn một số hạn chế, bất cập, cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN nằm ở nhiều văn bản khác nhau, một số quy định chưa chi tiết, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để thực hiện thống nhất, còn một số bất cập trong quy định về giám sát của Quốc hội đối với công tác PCTN; hạn chế trong quy định về kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý Nhà nước đối với công tác PCTN

Thiếu quy định chi tiết giám sát của xã hội đối với công tác PCTN. Hiện nay, quy định về giám sát của xã hội đối với công tác PCTN mới chỉ tập trung vào giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu của cộng đồng. Trách nhiệm, phương thức, phạm vi giám sát của các thiết chế xã hội khác như báo chí, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề chưa được quy định rõ…

Việc thực hiện nhiệm vụ của một số chủ thể giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN vẫn còn hạn chế, bất cập. Ví dụ, giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước đối với công tác PCTN vẫn còn những hạn chế, bất cập hoạt động giám sát công tác PCTN thông qua thẩm tra, xét báo cáo của Chính phủ, UBND các cấp thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: Việc thẩm tra mới chủ yếu dựa trên báo cáo của Chính phủ, UBND các cấp mà chưa sử dụng hết các nguồn thông tin hiện có (trên các phương tiện truyền thông, qua khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân, qua các cuộc kiểm tra, giám sát của các cơ quan đảng...); thiếu các căn cứ pháp lý để đánh giá đúng thực trạng tình hình tham nhũng đang diễn ra cũng như dự báo sát diễn biến tình hình tham nhũng trong thời gian tiếp theo nên một số giải pháp kiến nghị còn chung chung, chưa thực sự có tính thuyết phục cao.

Bên cạnh đó, việc thẩm tra, xét báo cáo về công tác PCTN còn gặp một số khó khăn như việc gửi tài liệu đôi khi còn chưa bảo đảm theo đúng quy định, dẫn đến thời gian dành cho việc nghiên cứu các báo cáo của các đại biểu Quốc hội còn chưa nhiều, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng ý kiến phát biểu. Việc phối hợp thẩm tra chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra; việc chia sẻ thông tin, phân tích số liệu chưa gắn kết chặt chẽ giữa chính sách về ngân sách và các chính sách chuyên ngành trong các ngành, lĩnh vực.

Hoạt động chất vấn, giải trình còn một số tồn tại cần nghiên cứu hoàn thiện trong thời gian tới như: Thời gian dành cho hoạt động chất vấn chưa đảm bảo để tất cả các chất vấn của đại biểu Quốc hội đều được trả lời trực tiếp tại hội trường; vẫn còn hiện tượng đại biểu hỏi ngoài phạm vi chất vấn; câu hỏi còn trùng lặp về nội dung, không đi thẳng vào trọng tâm, thông tin đưa ra thiếu chính xác.

Hoạt động giám sát chuyên đề vẫn còn một số tồn tại hạn chế, một số chuyên đề giám sát có phạm vi khá rộng, có tính chuyên sâu cao, trong khi thời gian và nguồn lực thực hiện của các cơ quan của Quốc hội còn hạn chế; một số đại biểu được cử tham gia đoàn giám sát có chuyên môn chưa phù hợp với nội dung của chuyên đề giám sát; chất lượng tham gia, góp ý kiến đánh giá, phản biện của một số thành viên Đoàn giám sát còn hạn chế.

Hiệu quả một số cuộc giám sát, kiểm tra, thanh tra chưa cao, một số cuộc còn mang tính hình thức, có biểu hiện nể nang, né tránh trong việc xem xét, đánh giá, kết luận về trách nhiệm của đối tượng giám sát, kiểm tra, thanh tra; việc triển khai thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra chưa đồng bộ giữa các ngành, các cấp và địa phương; nội dung một số cuộc giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN chưa toàn diện.

Việc phát hiện và xử lý hành vi vi phạm, nhất là phát hiện hành vi tham nhũng thông qua giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN còn ít. Các vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực được phát hiện và xử lý trong thời gian qua chủ yếu thông qua việc các cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin, xử lý đối với các vụ việc cụ thể mà không phải từ các báo cáo kết quả giám sát, kết luận thanh tra, kiểm tra công tác PCTN.

Góp ý tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá đề tài cơ bản đáp ứng được mục đích đề ra; thực trạng về giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN được chủ nhiệm đưa ra sát với thực tế hiện nay, đề tài cũng đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác PCTN.

Tuy nhiên, các đại biểu yêu cầu cần làm rõ thêm nội dung công tác PCTN là gì? Làm rõ hơn việc giám sát, kiểm tra, thanh tra trong công tác PCTN; bổ sung phần nhận xét, đánh giá chung; bổ sung thêm thực tiễn của các thiết chế xã hôi cũng như những bất cập hạn chế về lĩnh vực này...

Thái Hải/thanhtra.vn