Nghiên cứu - Trao đổi
Khen đúng việc, thưởng đúng người
– Để phong trào thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực cho sự phát triển, thiết nghĩ, việc triển khai cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, không hô hào suông mà phải gắn với thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, khen thưởng phải kịp thời, chính xác, khen đúng việc, thưởng đúng người…
Ảnh minh họa. (Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo) |
Cứ vào dịp cuối năm, các cơ quan, đơn vị lại tổ chức tổng kết, trong đó có mục bình bầu thi đua khen thưởng. Việc khen thưởng để ghi nhận, tôn vinh những giá trị lao động đã cống hiến trong một năm làm việc, tạo động lực khuyến khích các cá nhân, tập thể tiếp tục phát huy khả năng của mình cho nhiệm vụ của năm tới.
Mục tiêu của khen thưởng cũng chính là phát huy được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cho phong trào thi đua thực sự phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành động lực cách mạng to lớn, hướng phong trào thi đua đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước.
Trong công tác khen thưởng, một trong những nguyên tắc quan trọng là “đúng người, đúng việc”, thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó. Luật Thi đua, khen thưởng đã xác định chú trọng khen thưởng cá nhân là người trực tiếp lao động, công tác, chiến đấu (công nhân, nông dân, chiến sĩ…) và cá nhân có nhiều sáng tạo trong lao động, công tác.
Vậy mà theo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, dù có nhiều thành tích nhưng công tác khen thưởng có lúc, có việc chưa kịp thời; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp chưa nhiều; tính tiêu biểu, nêu gương và lan tỏa trong công tác khen thưởng có lúc còn hạn chế.
Đặc biệt tại nhiều nơi, khen thưởng như là một món quà mà chưa thực chất. Có khi còn như một sự phân chia, ban phát, quay vòng…
Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra, công tác thi đua - khen thưởng cũng còn một số hạn chế, nhất là còn nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời và nhân rộng có hiệu quả… Tính tiêu biểu, nêu gương và lan tỏa trong công tác khen thưởng có lúc còn hạn chế.
Thực tế tại các đơn vị, công tác khen thưởng nhiều lúc vẫn còn hình thức và “khen lãnh đạo nhiều quá”. Hiếm khi công nhân, nông dân, chiến sĩ và nhân viên trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp “chạm” được vào các hình thức khen thưởng như huân chương hay bằng khen của Thủ tướng. Trong các đơn vị, việc khen thưởng chủ yếu thuộc về lãnh đạo cấp phòng, ban trở lên. Bởi theo thống kê, tỷ lệ người lao động được khen thưởng chiếm chưa đầy… 2% tổng số cá nhân được đề nghị khen thưởng. Đây là một thực tế thật đáng suy ngẫm.
Thực tiễn này đang đòi hỏi có sự thay đổi, trước hết là từ nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cho rằng, trong xét thi đua - khen thưởng thì trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị là rất quan trọng. Cùng với ban thi đua - khen thưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải bảo đảm khen thưởng chính xác, công khai, minh bạch; chú trọng khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất. “Khen thưởng phải phù hợp với thành tích và kết quả đạt được. Thi đua là để đào tạo, rèn luyện và xây dựng con người mới. Tránh hình thức” -Tổng Bí thư nói.
Do đó, yêu cầu đặt ra phải làm sao khen thưởng chấm dứt hình thức, đi vào thực chất, cần tránh thái độ ban ơn, ban phát hoặc trao thưởng cho “người của mình” mà gạt những người xứng đáng khác sang một bên. Việc thi đua, khen thưởng phải gắn với nâng cao đạo đức, thái độ trách nhiệm thực thi công vụ.
Muốn thế, người đứng đầu đơn vị phải thực hiện đúng quy định pháp luật về công tác thi đua - khen thưởng và có tâm trong sáng, công minh; không vun vén, “gom” khen thưởng cho cá nhân để thăng tiến, và cũng không lấy khen thưởng là “món quà” dành cho quan hệ riêng tư hoặc thờ ơ, hời hợt, không quan tâm. Bởi chính cách hành xử ấy dẫn đến việc không công bằng trong tập thể, khiến các phong trào thi đua mất sức sống.
Đáng ngại hơn là việc bầu chọn danh hiệu thi đua từ cơ sở không đúng, cứ giới thiệu dần lên các cấp trên, cuối cùng là “điển hình giả” không có giá trị nêu gương, nhân rộng phong trào thi đua, không lan tỏa năng lượng tích cực trong cơ quan, đơn vị, bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; và "Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước"...
Để phong trào thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực cho sự phát triển, thiết nghĩ, việc triển khai cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, không hô hào suông mà phải gắn với thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, khen thưởng phải kịp thời, chính xác, khen đúng việc, thưởng đúng người, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, tác động đến đời sống người dân làm thước đo khen thưởng.../.