Nghiên cứu - Trao đổi

Kinh tế biển Việt Nam: Tầm nhìn táo bạo

Giá trị sản lượng của ngành vận tải biển và dịch vụ cảng biển có tốc độ tăng trưởng cao - Nguồn: baodaknong.org.vn


Giá trị sản lượng của ngành vận tải biển và dịch vụ cảng biển có tốc độ tăng trưởng cao - Nguồn: baodaknong.org.vn
Xu thế thế giới về kinh tế biển từ kinh nghiệm của một số quốc gia biển
Xu thế của thế giới là hướng ra biển, coi biển là không gian sinh tồn, xây dựng kinh tế biển xanh, thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tự do hàng hải, bảo vệ môi trường đa dạng sinh học biển, chống tư tưởng bá quyền, độc tôn, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia. 
Nghiên cứu về kinh tế biển của Nhật Bản cho thấy, Nhật Bản rất coi trọng xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về biển. “Đạo luật cơ bản về chính sách biển năm 2007” được Quốc hội Nhật Bản thông qua là chiến lược biển liên ngành được ban hành dưới dạng Đạo luật cơ bản cùng với các chương trình, kế hoạch 5 năm. Gần đây nhất, ngày 15-5-2018, nội các Nhật Bản đã thông qua kế hoạch lần thứ ba, giai đoạn 2018 - 2023. Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế, thúc đẩy sự hòa hợp giữa đại dương và con người, giữa phát triển tích cực, hòa bình với sử dụng biển một cách bền vững thông qua hợp tác quốc tế, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các điều ước quốc tế khác liên quan, Đạo luật đã xác định trách nhiệm của quốc gia, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và công dân liên quan đến vấn đề biển; quy định sự hài hòa giữa phát triển và sử dụng biển với bảo tồn môi trường biển; bảo đảm an ninh, an toàn trên biển; thúc đẩy phát triển khoa học biển, phát triển các ngành công nghiệp biển (ocean industries); tăng cường quản trị toàn diện biển và hợp tác quốc tế về biển.
Trong một lần đến thăm Na Uy, chúng tôi đã được nghe giới thiệu về các ngành công nghiệp đại dương của Na Uy. Với dân số chỉ hơn 5 triệu người, nhưng Na Uy là một cường quốc về kinh tế biển, có sức cạnh tranh toàn cầu trên cơ sở sáng tạo và công nghệ tiên tiến, đứng thứ sáu thế giới về dầu mỏ, đứng thứ hai thế giới về khí tự nhiên, đội tàu vận tải biển và xuất khẩu hải sản. Chính phủ Na Uy rất coi trọng việc xây dựng chiến lược, chính sách, biện pháp để phát triển các ngành kinh tế biển. Các hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) biển từ nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng được đặc biệt chú ý. Bên cạnh các ngành kinh tế biển truyền thống, như vận tải biển, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản, tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, du lịch biển, công nghiệp quốc phòng biển, Na Uy đang thúc đẩy phát triển một số ngành kinh tế mới, như năng lượng tái tạo từ gió, sóng biển, thủy triều; nuôi trồng thủy, hải sản, xa bờ; khai thác khoáng sản đáy biển; sinh học và công nghệ sinh học biển... Bên cạnh các ngành công nghiệp biển là nghề cá và nuôi trồng thủy, hải sản, ngành dầu khí - vốn là những ngành mũi nhọn quốc gia, năm 2017, Na Uy đã thông qua chiến lược phát triển ngành hàng hải theo hướng thân thiện với môi trường. Na Uy chú trọng xây dựng nghề cá và nuôi trồng thủy, hải sản theo hướng bền vững, với sản lượng nuôi trồng thủy, hải sản lên tới 1,2 triệu tấn một năm. Ngành thủy sản liên tục được cập nhật công nghệ mới. Ở Na Uy, 100% số cá hồi và cá hồi vân nuôi được tiêm phòng vắc-xin thay vì sử dụng kháng sinh bởi nếu sử dụng nhiều kháng sinh, sẽ tạo ra các dòng vi khuẩn kháng thuốc, ảnh hưởng tiêu cực đến con người và môi trường, làm ngành nuôi trồng thủy sản phát triển không bền vững.
Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để trở thành một quốc gia biển 
Trong cuốn sách Ảnh hưởng uy lực trên biển cả trong lịch sử: 1660 - 1783, A.T. Ma-han nêu rằng, một quốc gia muốn thực hiện lực lượng trên biển cần có các yếu tố: vị trí địa lý, hình thể địa lý, diện tích lãnh thổ, đặc tính dân tộc và vai trò của chính phủ(1). Nếu xét trên các yếu tố này thì Việt Nam hội tụ đủ điều kiện là một quốc gia biển. 
Thực vậy, với diện tích Biển Đông trên ba triệu ki-lô-mét vuông, diện tích đặc quyền kinh tế hơn một triệu ki-lô-mét vuông, gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền, bao gồm các vùng biển trong phạm vi 200 hải lý, thềm lục địa và nhiều đảo lớn, nhỏ, 2 huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa và 3.260km bờ biển với dân số trên 92 triệu người, có đến một phần ba sống từ biển, nhờ biển, làm nghề biển, với đặc tính yêu biển, sống vì biển, sẵn sàng ra khơi là đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Từ xa xưa, người Việt cổ đã lừng danh lặn giỏi, bơi tài, thạo thủy chiến, giỏi bơi chèo. Cứ khoảng 100 ki-lô-mét vuông lãnh thổ đất liền thì chúng ta có 1 ki-lô-mét bờ biển và chỉ số này gấp 6 lần chỉ số trung bình toàn cầu, do đó, biển có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
Ngay từ khi giành được độc lập, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm bảo vệ, quản lý và khai thác biển, đảo. Luật Biển Việt Nam quy định, “Vùng biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”. Còn “Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 1, Luật Biên giới quốc gia). Đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam (Luật Biển Việt Nam).
Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09-02-2007, của Hội nghị Trung ương 4 khóa X đã nhấn mạnh: “Thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại dương”. Với mong muốn đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, Nghị quyết đã xác định các quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát triển toàn diện các ngành, nghề biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường. 
Trên cơ sở đó, Việt Nam đã xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hoàn chỉnh, phù hợp thông lệ quốc tế, thể chế hóa mục tiêu, chính sách của Đảng về định hướng chiến lược biển đến năm 2020, đặc biệt là định hướng chiến lược kinh tế cũng như quốc phòng, an ninh và đối ngoại trên biển. Điều 1 Hiến pháp quy định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Trước và sau khi có Hiến pháp năm 2013, nhiều bộ luật, luật liên quan đến biển và hải đảo đã được ban hành nhằm từng bước hoàn thiện pháp luật về biên giới quốc gia, vùng biển, vùng trời, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Kết luận số 60-KL/TW, ngày 16-4-2013, của Bộ Chính trị, về sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020. Nhiều điều ước quốc tế có liên quan được ký kết và đã được Quốc hội thông qua về an toàn sinh mạng con người trên biển, phòng ngừa ô nhiễm biển từ tàu, ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải, ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải đối với các giàn khoan cố định ở thềm lục địa, tạo thuận lợi trong giao thông hàng hải quốc tế, tìm kiếm cứu nạn trên biển,...
Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020,phân tích, dự báo bối cảnh tình hình mới ở trong nước, khu vực và thế giới thời gian tới, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc ban hành Nghị quyết sẽ định hướng cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, pháp luật và các chương trình, đề án, dự án, đặc biệt là việc huy động nguồn lực trong kế hoạch đầu tư trung hạn cho phát triển kinh tế biển và hải đảo, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nước ta giai đoạn 2021 - 2030.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: đối với nước ta, biển, đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam và phát triển kinh tế biển có quan hệ hữu cơ, chặt chẽ với toàn bộ nền kinh tế đất nước và việc “vươn ra biển” đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Hội nghị đã thống nhất 5 chủ trương lớn và đề ra 7 nhóm giải pháp chủ yếu để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Đáng chú ý là các chủ trương bảo đảm an ninh trên biển, xây dựng kinh tế biển từ công tác quy hoạch, phát triển đội tàu, các căn cứ hậu cần ven biển và trên biển, các cơ sở chế biến,... gắn với chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển. 
Nói đến kinh tế biển ở nước ta, trước hết phải nói đến lợi thế về giao thông đường biển, đó là gần tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực, để phát triển ngành hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics. Tiếp đó là ngành thủy sản với khoảng 130.000 tàu thuyền trong đó có trên 10.000 tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Nhiều đề án đầu tư phát triển kinh tế biển, từ nuôi trồng thủy, hải sản, đánh bắt xa bờ và kết cấu hạ tầng nghề cá được đầu tư. Đây là lực lượng ngư dân quan trọng vừa sản xuất, vừa hiện diện dân sự, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của tổ quốc. Ngành dầu khí luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong kinh tế biển, là trụ cột, mũi nhọn của đất nước, đóng góp quan trọng cho ngân sách hằng năm, góp phần điều tiết ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh và cân đối năng lượng, an ninh lương thực, an sinh xã hội và góp phần tham gia giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia trên biển. Hoạt động dầu khí của Việt Nam đã phát triển vượt bậc, khá toàn diện cả về chiều rộng và chiều sâu, về tiềm lực tài chính và năng lực quản lý, điều hành, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ, đa dạng các hình thức sở hữu từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Ngành du lịch biển, hải đảo cũng đang trên đà phát triển, thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng du lịch biển và hải đảo, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. 
Việt Nam phải làm gì để làm chủ biển, đảo, phát triển kinh tế biển
Hiện nay, Biển Đông được đánh giá là một trong những vùng biển có nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới, không chỉ liên quan đến lợi ích của nhiều nước ven Biển Đông, mà còn liên quan đến lợi ích chính trị của nhiều cường quốc hải dương trên thế giới. Tình hình vùng biển Việt Nam diễn biến ngày một khó lường. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngày một nặng nề hơn.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương lớn về định hướng chiến lược biển, định hướng phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và an ninh biển đảo, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển. Trong đó, chủ trương lớn nhất và xuyên suốt là quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển Việt Nam nhưng phải giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định. 
Trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; về các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; quyền tài phán quốc gia về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển; nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; các quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với pháp luật quốc tế.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050, chúng ta cần phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững trên cơ sở giải quyết đồng bộ các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển; giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội biển, đảo; giữa phát triển kinh tế với sử dụng hợp lý tài nguyên biển, đảo; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển; giữa phát triển vùng biển, ven biển và hải đảo với phát triển vùng nội địa. Việc làm rõ nội hàm kinh tế biển theo nghĩa rộng, bao gồm kinh tế biển (ocean economy), kinh tế dựa vào biển (ocean-based economy), như kinh tế đảo và kinh tế ven biển là cần thiết để từ đó cụ thể hóa định hướng chiến lược và sự liên kết trong phát triển các mảng không gian kinh tế biển: kinh tế ven biển (huyện, thị ven biển), kinh tế đảo, kinh tế biển và kinh tế đại dương.
Học tập mô hình của Na Uy như đã trình bày ở trên, trong những năm tới, nhất là dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, KHCN biển phải trở thành động lực phát triển các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển. Xây dựng tiềm lực KHCN biển đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà nước khuyến khích đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực ứng dụng KHCN và chuyển giao công nghệ sạch hơn, thân thiện với môi trường biển, năng lượng biển tái tạo, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu. Kiện toàn hệ thống KHCN biển toàn quốc, hình thành đơn vị chuyên trách về điều tra cơ bản với các trang thiết bị hiện đại, nằm ven biển, bao gồm nhiệm vụ xây dựng và quản lý thống nhất hệ thống dữ liệu biển quốc gia. Khoa học - công nghệ sẽ góp phần cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển trên từng địa bàn cho hợp lý trên cơ sở tiếp cận dựa vào hệ sinh thái để từng bước chuyển sang nền kinh tế biển “xanh lam”. 
Quy hoạch không gian biển để quản lý liên ngành, liên vùng đối với các vùng biển, đảo và vùng ven biển, để bảo đảm tính liên kết trong phát triển kinh tế biển ngay từ giai đoạn sớm của quá trình phát triển. Trên cơ sở quy hoạch không gian biển tăng cường kiểm soát phát triển kinh tế biển, mức độ tuân thủ quy hoạch, tác động đến môi trường, ngăn ngừa và hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra cho người, tài nguyên và môi trường biển, lãng phí tài nguyên, tác động xã hội và an ninh, quốc phòng. Đồng thời chủ động nghiên cứu các tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến vùng ven biển, biển, đảo, đề xuất giải pháp thích ứng, giảm thiểu và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển, hải đảo. Đưa các khuyến nghị về môi trường, tài nguyên biển và các rủi ro vào các dự án đầu tư phát triển, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở vùng ven biển, biển và hải đảo. Bên cạnh đó, chúng ta phải kiểm soát, quản lý và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm trước khi đổ ra biển từ các lưu vực sông ven biển và từ các hoạt động kinh tế biển. Ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các hệ sinh thái quan trọng, như rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển đã bị suy thoái gắn với bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản, nguồn giống hải sản tự nhiên,... đang giảm sút. 
Tất cả phải được thực hiện song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đúng vị thế, vai trò và tiềm năng của biển; về chủ quyền, các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông, cũng như chủ quyền của Việt Nam đối với các nguồn tài nguyên, nghĩa vụ bảo vệ môi trường và xây dựng “thương hiệu biển Việt Nam”. 
Trong tương lai không xa, chúng ta sẽ trở thành một quốc gia đại dương với tầm nhìn xa hơn phù hợp với tiềm lực kinh tế của đất nước, là đối tác bình đẳng với mọi quốc gia khác trên khắp các đại dương vì lợi ích của dân tộc, quốc gia./.
------------------------------------------------------
(1) Alfred T. Mahan: The Influence of Sea Power Upon History: 1660 - 1783, 1890, Boston, Hoa Kỳ
Phùng Quốc HiểnỦy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội